Mới ngày 22-11 vừa rồi, Nhà Trắng thông báo chính thức rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở vốn cho phép 35 quốc gia thành viên, đặc biệt là Nga và Mỹ, thực hiện các chuyến bay giám sát trên không phận của nhau. Trước đó, trong một quyết định gây phản ứng mạnh từ Đảng Dân chủ và ông Joe Biden-người được giới truyền thông Mỹ công bố đắc cử tổng thống, ông Donald Trump đã chỉ thị rút hàng nghìn binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan và Iraq.

leftcenterrightdel
Ông Donald Trump gấp rút đưa ra nhiều quyết định quan trọng vào thời điểm khi nhiệm kỳ của ông có thể sẽ kết thúc vào ngày 20-1-2021

Chiến lược kiềm chế Trung Quốc cũng tiếp tục được ông Donald Trump đẩy mạnh bằng sắc lệnh mới cấm công dân Mỹ đầu tư vào các doanh nghiệp Trung Quốc bị nghi có quan hệ với quân đội nước này. Báo chí còn tiết lộ việc các quan chức trong chính quyền của ông Donald Trump đang thảo luận các lệnh trừng phạt mới với Iran nhằm ngăn cản bất cứ nỗ lực nào của chính quyền mới đưa Mỹ tham gia trở lại Thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015.

Còn nhiều quyết định nữa mà ông Donald Trump liên tục đưa ra từ đầu tháng 11 tới nay. Đây không phải là các chính sách mới, gây bất ngờ bởi nó nằm trong cương lĩnh tranh cử mà ông Donald Trump công bố từ cuộc bầu cử tổng thống lần trước cách đây 4 năm, thể hiện trên 8 vấn đề chính, từ tăng cường “chủ nghĩa đơn phương” nhằm bảo vệ các lợi ích của Mỹ, đến chủ trương “ưu tiên Mỹ” về mặt ngoại giao, từ bỏ nhiều cam kết về bảo vệ môi trường hay giữ lập trường cứng rắn về vấn đề nhập cư...

Nhưng điều đáng nói là hầu hết các quyết sách kể trên của ông Donald Trump đều không đồng nhất với quan điểm của người kế nhiệm là ông Joe Biden. Trong khi ông Donald Trump quyết định rút khỏi nhiều thỏa thuận đa phương lớn như Hiệp định Paris nhằm giảm phát thải khí nhà kính và hạn chế biến đổi khí hậu, hạn chế tham gia các tổ chức quốc tế lớn như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thì ông Joe Biden lại được coi là người sẽ tạo luồng sinh khí mới cho “chủ nghĩa đa phương”.

Chắc chắn khi bước vào Nhà Trắng, ông Joe Biden sẽ thực hiện các cam kết tranh cử của mình, xóa bỏ nhiều chính sách đối nghịch của người tiền nhiệm. Theo báo chí Mỹ, đội ngũ của ông Joe Biden sẽ không dừng lại ở hành động ứng phó với đại dịch Covid-19 mà còn thay đổi các quyết sách liên quan đến biến đổi khí hậu, lĩnh vực đối ngoại, chăm sóc sức khỏe và nhập cư. Nhiều nguồn tin khẳng định những sắc lệnh đầu tiên của ông Joe Biden sẽ là đưa Mỹ quay lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trở lại WHO, khôi phục chương trình dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama cho phép con cái của những người di cư bất hợp pháp ở lại Mỹ thay vì trục xuất.

Nhưng đó là trên lý thuyết, còn thực tế không đơn giản như vậy. Vấn đề là dù Tổng thống Mỹ có quyền hạn rất lớn nhưng vẫn bị kiểm soát bởi Quốc hội. Trong một số chính sách, nhiều khi người nắm vai trò quyết định lại là Thượng viện hiện đang do Đảng Cộng hòa của ông Donald Trump kiểm soát. Nếu không giành được 2 ghế tại bang Georgia trong cuộc bầu cử Thượng viện vào đầu tháng 1-2021, Đảng Dân chủ sẽ không có được đa số để hậu thuẫn cho nhiều quyết sách mà ông Joe Biden đề nghị.

Điều này giải thích tại sao ông Donald Trump gấp rút đưa ra nhiều quyết định quan trọng vào thời điểm khi nhiệm kỳ của ông có thể sẽ kết thúc vào ngày 20-1-2021. Việc ông Donald Trump bổ nhiệm thẩm phán với nhiệm kỳ trọn đời hay đưa những người ủng hộ mình vào các hội đồng chính phủ với nhiệm kỳ dài, một khi được thực hiện, sẽ khiến người kế nhiệm khó lòng đảo ngược. Tại Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ, giới chức ở đây đang chạy đua với thời gian để hoàn thiện bộ quy tắc mới nhằm thay đổi cách chính phủ liên bang tính toán chi phí và lợi ích. Điều này có thể gây khó khăn cho ông Joe Biden trong việc mở rộng các quy định liên quan đến ô nhiễm môi trường nước và không khí. Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh thì đã áp dụng quy định tự động đóng băng hàng nghìn quy tắc nếu các quy tắc đó không được xác nhận là “vẫn cần” và “có tác động đáng kể”.

Phải chăng ông Donald Trump đang tìm cách “làm khó” ông Joe Biden, hay thậm chí như báo chí Mỹ bình luận là “khóa tay” người kế nhiệm? Điều này có lý nhưng chỉ đúng một phần. Thực chất, tính toán của ông Donald Trump xa hơn nhiều. Đằng sau các động thái gấp gáp trên là chiến lược bảo vệ di sản chính sách, với tham vọng là nếu các chính sách này tiếp tục được thực hiện, nó sẽ giúp định hình nên “Chủ nghĩa Trump”, đặt nền móng để ông Donald Trump có thể quay lại Nhà Trắng một lần nữa.

Đây không phải là giả thuyết bởi theo tiết lộ của báo chí Mỹ, ông Donald Trump được cho là đã thảo luận với các cộng sự về kế hoạch tái tranh cử vào năm 2024 và có thể sớm đưa ra tuyên bố vào thời điểm cuối năm nay. Theo Hiến pháp Mỹ, một tổng thống có thể nắm quyền tối đa hai nhiệm kỳ, tương đương 8 năm, nhưng không nhất thiết phải liên tục. Lịch sử nước Mỹ hiện ghi nhận duy nhất một tổng thống từng thất cử nhiệm kỳ 2, nhưng 4 năm sau tiếp tục ra tranh cử và giành chiến thắng là ông Grover Cleveland, người tái đắc cử vào năm 1892.

TƯỜNG LINH