Ngày 15-9, trong một hoạt động trực tuyến, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã cùng ký hiệp ước về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, khai sinh ra một liên minh mới có tên là AUKUS  (viết tắt từ những chữ cái đầu tiên tên của 3 nước trong tiếng Anh: Australia, Kingdom of England và USA). AUKUS có mục tiêu, như những người sáng lập ra nó tuyên bố, là để “bảo vệ và gìn giữ những quyền lợi chung tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Trong khuôn khổ AUKUS, 3 nước thành viên sẽ đơn giản hóa quá trình trao đổi thông tin và những thành tựu công nghệ mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng và đặc biệt là các hệ thống tàu ngầm. Các bên cũng dự định hợp tác thiết lập những khả năng mới trong việc tấn công từ khoảng cách xa. Ngoài ra, họ cũng lập kế hoạch thảo luận về chủ đề an ninh hạt nhân và hợp tác quốc phòng...

Tổng thống Mỹ Biden cho rằng, tam giác chiến lược mới AUKUS sẽ giúp 3 nước Mỹ, Anh và Australia “cập nhật và nâng cao khả năng chung để đối phó với các mối đe dọa của thế kỷ 21, như họ từng làm trong thế kỷ 20...”. Thủ tướng Anh Johnson cũng cho rằng AUKUS hơn bao giờ hết giúp 3 nước thành viên xích lại gần nhau nhất khi lập ra một sự hợp tác chặt chẽ hơn về quốc phòng, tạo ra những chỗ làm mới và sự phồn vinh. Còn Thủ tướng Australia Morrison đã đánh giá việc lập ra AUKUS như một sự đặt nền móng cho quan hệ đối tác trong tương lai giữa 3 nước trên cơ sở một niềm tin vững chắc đã được thiết lập trong quá khứ. Ông nhấn mạnh: “Tôi tin tưởng và hy vọng rằng chúng ta cùng chia sẻ một mục tiêu chung là xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình, nơi tuân thủ và tôn trọng chủ quyền và sự độc lập của các dân tộc”.

 
leftcenterrightdel

Tàu ngầm hạt nhân lớp Astute của Anh hộ tống tàu sân bay HMS Queen Elizabeth trong một đợt đi biển. Ảnh: Hải quân Hoàng gia Anh

Trong buổi họp báo tại Nhà Trắng cùng ngày, người phát ngôn Mỹ đã nhấn mạnh rằng, AUKUS thực chất là một cố gắng để Mỹ kéo gần châu Âu lại với mình, cụ thể là nước Anh, trong những nỗ lực thuộc lĩnh vực chiến lược và bảo đảm sự ăn ý chiến thuật sâu sắc hơn giữa lực lượng hải quân của 3 quốc gia. Sáng kiến lớn đầu tiên trong khuôn khổ AUKUS là việc cung cấp cho Australia một hạm đội tàu ngầm hạt nhân. Để thực hiện chi tiết thỏa thuận này trong thực tế cần 18 tháng nữa. Như Thủ tướng Australia Morrison tiết lộ, những chiếc tàu ngầm tương lai sẽ được đóng trên lãnh thổ Australia với sự hợp tác chặt chẽ của Washington và London... Washington sẽ có thêm cơ hội để gia tăng sự có mặt và ảnh hưởng của mình về quân sự tại Australia...

Để dẹp trước đi những lo ngại chung tất yếu sẽ nảy sinh trong dư luận quốc tế, Tổng thống Mỹ Biden nói rằng, Washington hoàn toàn không đề cập tới việc tạo ra cho Australia vũ khí hạt nhân trong khuôn khổ AUKUS. Những chiếc tàu ngầm mới của lực lượng hải quân Australia sẽ chỉ có động cơ nguyên tử và chỉ được trang bị vũ khí thông thường. Chương trình của AUKUS sẽ tuyệt đối tuân thủ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Nhân sự kiện này, Tổng thống Mỹ Biden cũng nói thêm rằng, với việc thành lập AUKUS, các quốc gia thành viên liên minh này rất hy vọng vào sự hợp tác chặt chẽ hơn trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với... Pháp. Tuy nhiên, đây đang là điều gây nên nhiều ồn ĩ nhất trong dư luận quốc tế hiện nay.

Vấn đề là ở chỗ, với kế hoạch đóng những con tàu ngầm hạt nhân theo cách mới, Australia trong thực tế đã bội ước với Paris. Thủ tướng Morrison đã tuyên bố hủy bỏ bản hợp đồng với hãng Naval Group của Pháp năm 2016 về việc đóng 12 tàu ngầm. Bản hợp đồng này ước tính trị giá khoảng 50 tỷ dollar Australia, tức là vào khoảng 40 tỷ USD. Ở thời điểm năm 2016, nó được đánh giá là “hợp đồng thế kỷ”. Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn chưa có một tàu ngầm nào được đóng. Nhiều nhà quan sát đã đánh giá việc ký thỏa thuận hợp tác chiến lược mới giữa Australia, Anh và Mỹ như sét đánh ngang tai Điện Elysee, “như một cú dao đâm sau lưng”. Không ngẫu nhiên mà Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngay ngày 16-9 đã tuyên bố rằng: “Quyết định đơn phương, tàn nhẫn, không thể lường trước được, đó rất giống như những gì mà ngài Trump từng làm”. Đại sứ quán Pháp ở Mỹ đã hủy bỏ chương trình hội lễ trọng thể nhân ngày kỷ niệm 240 năm trận chiến Chesapeake (diễn ra trên biển trong cuộc chiến giành độc lập của nước Mỹ ngày 5-9-1871 giữa hạm đội Anh và hạm đội Pháp). Để xoa dịu sự bất mãn đến độ công phẫn của Pháp, Nhà Trắng đã đưa ra lời bình luận: “Pháp là một thành viên của G7 và G20. Chúng tôi đang làm việc và tiếp tục sẽ làm việc với họ trong những vấn đề khác nhau. Và ban lãnh đạo các cấp của họ vẫn sẽ là đối tác quan trọng của Mỹ, của chính quyền hiện nay và trong tương lai. Có sự hợp tác giữa Mỹ, Australia và Anh, có những sự hợp tác khác với sự tham gia của Pháp cũng như không có sự tham gia của Pháp. Bản thân nước Pháp cũng có những hiệp ước với các nước khác mà không có chúng tôi. Đó là một phần của nền ngoại giao toàn cầu”.

Thực ra thì từ lâu rồi trong hoạt động ngoại giao quốc tế, người ta đều biết rằng mọi mối quan hệ đều mang tính thời điểm, chỉ có lợi ích quốc gia là thường xuyên và vĩnh viễn. Qua vụ AUKUS, thêm một lần nữa thế giới lại được chứng kiến một điều rõ như ban ngày mà không còn nhiều người nữa phải hoài nghi: Dù ai đang làm chủ Nhà Trắng nhưng trong các cuộc chơi quốc tế, Washington trước hết và trên hết chỉ quan tâm nhất tới lợi ích hay những gì mà họ coi là lợi ích của chính mình. Chẳng lẽ đó lại là một việc lạ?! Có điều, trong những sự tư lợi rất đặc thù ấy của Washington, có những nước trong những thời điểm nhất định và những hoàn cảnh nhất định, có thể đắc lợi, hoặc cũng có thể ngã bổ chửng ra vì bị đồng minh siêu cường chơi không đẹp.

HỒNG THANH QUANG