Về mặt pháp lý, Anh rời EU từ ngày 31-1-2020. Nhưng cuộc chia tay này chỉ hoàn tất sau quá trình chuyển giao phức tạp trong suốt 11 tháng, kéo dài cho đến tận ngày cuối cùng của năm 2020. Từ nay, Anh trở lại tình trạng độc lập, các quy tắc của EU không còn trùm lên “xứ sở sương mù”, đồng nghĩa với việc sự đi lại tự do giữa Anh và các quốc gia EU cũng chấm dứt.
Với những cử tri Anh từng bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý đầy chia rẽ cách đây hơn 4 năm, thời khắc này thật đáng nhớ. Sự hưng phấn có thể cảm nhận trong tuyên bố của Thủ tướng Anh Boris Johnson: “Chúng tôi đã tái kiểm soát được tiền, biên giới, luật pháp, thương mại và vùng biển đánh bắt cá của mình. Chúng tôi mang tới thỏa thuận tuyệt vời này cho toàn thể Vương quốc Anh trong một thời gian kỷ lục và dưới những điều kiện đặc biệt khó khăn... Tất cả những lằn ranh đỏ về việc lấy lại chủ quyền đều đã đạt được”.
    |
 |
Người dân Anh ăn mừng khi London chính thức rời khỏi EU đêm 31-1. Ảnh: lefigaro.fr. |
Việc Anh và EU ký được thỏa thuận thương mại ngay trước đêm Giáng sinh đã tháo bỏ viễn cảnh về sự chia cắt hai bên, vấn đề có thể dẫn tới sự áp đặt hạn ngạch và thuế quan lên tất cả thương mại giữa hai bờ eo biển Manche, làm trầm trọng thêm các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 với cả Anh và EU. Cho dù phải điền thêm nhiều thủ tục, giấy tờ nhưng các nhà sản xuất Anh sẽ được tiếp cận thị trường nội khối EU mà không phải chịu thuế, tức là sẽ không có thuế nhập khẩu đối với hàng trăm tỷ USD hàng hóa giữa Anh và EU.
Phải chăng một chương mới đã mở ra với nước Anh? Phải chăng nước Anh đã “có trong tay sự tự do”, như lời Thủ tướng Boris Johnson, để có thể làm mọi thứ “khác đi và tốt hơn”? Lâu nay, những người theo chủ nghĩa Brexit (Anh rời khỏi EU) luôn cho rằng, EU đã kìm hãm sự phát triển của Anh bởi các quy định khó khăn, rằng “Ngôi nhà chung châu Âu” đã trở nên quá chật chội với một nước Anh đầy tham vọng. Theo họ, nước Anh không thể thu mình mà phải hướng ra bên ngoài, thậm chí vươn tới các hiệp định thương mại tự do với các nước xa xôi thuộc Vành đai Thái Bình Dương. Họ hy vọng rời khỏi EU, nước Anh có thể bắt tay vào sứ mệnh hỗ trợ thương mại tự do trên toàn cầu, có thể cải cách mạnh bạo để biến “xứ sở sương mù” thành “Singapore bên dòng sông Thames” với những quy định thông thoáng hơn so với một châu Âu già cỗi và cứng nhắc.
Nhiều dự tính được đưa ra nhưng chưa ai có thể khẳng định chắc chắn điều gì. Không biết mọi thứ sẽ diễn ra thế nào nhưng trước mắt, những rào chắn, cả hữu hình như đường biên giới tự nhiên, cả vô hình như các thủ tục thuế quan, nhập cảnh..., lại tái hiện như cách đây nửa thế kỷ. Tác động có thể cảm nhận ngay là từ tháng 10 tới, người dân Anh khi nhập cảnh vào châu Âu sẽ không còn được sử dụng căn cước công dân như cũ, mà phải dùng hộ chiếu như công dân các nước ngoài EU. Họ cũng sẽ phải xếp hàng làm thủ tục hải quan mỗi khi xuất hay nhập cảnh, thay vì được ưu tiên đi qua cửa riêng như trước.
Trong lĩnh vực kinh tế, dù đã đạt được thỏa thuận thương mại với EU, giao thương giữa hai bên vẫn không thể hoàn toàn “sóng êm bể lặng”. Các doanh nghiệp Anh sẽ phải chịu những quy tắc hải quan, tiêu chuẩn quản lý và kiểm tra biên giới mà EU yêu cầu áp dụng với các nước thứ ba, khiến hoạt động thương mại chậm và tốn kém hơn. Văn phòng chịu trách nhiệm ngân sách (OBR) của Chính phủ Anh dự báo sản lượng kinh tế Anh sẽ thấp hơn khoảng 4% trong vòng 15 năm so với kịch bản nước này vẫn ở lại EU.
Thêm vào đó, gần nửa thế kỷ gắn bó dưới “mái nhà chung châu Âu” đã tạo ra những mối gắn kết không dễ gì có thể xóa bỏ. Với những người ủng hộ Brexit vốn chỉ chiếm đa số sít sao 51,9%, ngày đầu năm 2021 là “thời khắc tuyệt vời” với một nước Anh đang tràn đầy lạc quan trước viễn cảnh tương lai, thì những người ủng hộ EU chiếm tỷ lệ 48,1% dân số lại coi là “đáng thất vọng”, là “cuộc chia ly với những nỗi buồn”.
Nước Anh sẽ vẫn tiếp tục chia rẽ bởi vấn đề “đi hay ở” cùng EU. Sự rạn nứt không chỉ trong xã hội mà ngay trong từng gia đình. Ngay sau khi Anh và EU ký thỏa thuận hậu Brexit, ông Stanley Johnson, cha của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, sẽ xin cấp quốc tịch Pháp. Trái với tâm lý hào hứng của con trai, ông Stanley Johnson thổ lộ: “Tôi sẽ luôn là một người châu Âu, đó là điều chắc chắn. Người ta không thể nói với người dân Anh rằng: Bạn không phải là người châu Âu. Có mối quan hệ với EU là quan trọng”.
Không những thế, Brexit còn có thể tạo mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Anh. Brexit không phải là ý nguyện của đa số người dân thuộc vùng lãnh thổ Scotland của Anh. Trong cuộc trưng cầu ý dân tháng 6-2016, có tới 62% cử tri Scotland phản đối Brexit, tỷ lệ phản đối cao nhất trong toàn bộ các vùng lãnh thổ của Anh. Sau khi Anh rời EU và chứng kiến cách Chính phủ Anh ứng phó với đại dịch Covid-19, ngày càng có nhiều người ở Scotland muốn rời khỏi Anh để trở thành quốc gia độc lập.
Theo kế hoạch, các cuộc bầu cử Nghị viện Scotland khóa mới sẽ diễn ra vào tháng 5-2021. Nếu Đảng Dân tộc Scotland (SNP) của bà Nicola Sturgeon, Thủ hiến Scotland theo chủ trương độc lập, giành chiến thắng, rất có thể một cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề Scotland tách khỏi Anh sẽ diễn ra. Brexit là cuộc “chia tay trong hòa bình” hay “chia ly với nỗi buồn” vẫn là câu hỏi.
TƯỜNG LINH