Theo lời Tổng thống Serbia, Aleksandar Vucic, nói trên đài truyền hình quốc gia ngày 11-9, ông đã nhận được lời xin lỗi này từ chủ Điện Kremli vì trước đó, vào khoảng đầu tháng 9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trên trang Facebook của mình đã so sánh tư thế ngồi của Tổng thống Serbia trong Nhà Trắng, trước Tổng thống Mỹ Donald Trump, với một hình ảnh khét tiếng “mở cửa hai chân” của nữ diễn viên Sharon Stone trong phim “Bản năng gốc”. Theo lời ông Vucic, Bộ trưởng Ngoại giao Nga, Sergey Lavrov, cũng đã ngỏ lời xin lỗi ông về hành động của cán bộ dưới quyền...

leftcenterrightdel
Tổng thống Nga Vladimir Putin và gười đồng cấp Serbia Aleksandar Vucic (Ảnh: EPA)

Những dòng tâm trạng của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga dường như đã làm tổn thương “nước Serbia kiêu hãnh” như nhiều phương tiện truyền thông của nước này tán phát. Bản thân bà Zakharova, một phụ nữ rất thông minh, hóm hỉnh và quyết liệt trong việc bảo vệ quyền lợi của đất nước mình, đã đưa ra ngay lời xin lỗi cá nhân khi biết phản ứng không thuận đối với lời mình viết, nhưng lại cho rằng những dòng trên Facebook của bà đã không được hiểu đúng, bà chỉ muốn phê phán thái độ trịch thượng của Washington chứ thực chất bà không có ý xúc phạm tới những người anh em chung dòng máu Slav ở Serbia... Dù sao thì chuyện cũng đã rồi...

Tổng thống Serbia cho rằng, với những lời xin lỗi trên, Moscow thêm một lần bày tỏ lòng kính trọng và thái độ hữu nghị đối với Serbia. Thực sự trong những năm gần đây, quan hệ giữa Serbia với Nga vẫn luôn luôn ở mức thân thiện nhất trên bán đảo Balkan, khác quan hệ giữa Nga với những nước cộng hòa khác thoát thân từ Liên bang Nam Tư cũ. Bộ trưởng Quốc phòng Serbia, Aleksandar Vulin, nhân sự kiện này cũng đã nhắc lại, Serbia là nước duy nhất ở châu Âu đã không tham gia vào trò cấm vận tập thể đối với Liên bang Nga... Nga cũng như Belarus nhất quán không công nhận sự độc lập của Kosovo mặc dù đại đa số các nước phương Tây đã làm việc này...

Ngày 10-9, khoảng 24 tiếng trước khi bắt đầu cuộc tập trận chung truyền thống 3 quốc gia Nga, Belarus và Serbia “Tình anh em Slav”, Bộ trưởng Quốc phòng Serbia, Aleksandar Vulin đã tuyên bố Serbia quyết định ngừng tham gia tất cả các cuộc tập trận với nước ngoài, kể cả với NATO cũng như với ODKB (Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể, bao gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan). Belgrade lý giải rằng họ bắt buộc phải đưa ra quyết định này dưới sức ép của Liên minh châu Âu (EU) đe dọa ngừng quá trình hội nhập châu Âu của Serbia vì những liên hệ tiếp diễn với các cộng đồng người Serb ở Bosnia và Kosovo. Quyết định này đã gây nên nhiều dư luận trái chiều trong bối cảnh trước đó, họ đã quyết định cùng tập trận chung với Moscow và Minsk; trong thực tế, các đơn vị quân đội Serbia dự định tham gia tập trận chung đã tới khu vực thao trường ngay sát biên giới với Ba Lan trên lãnh thổ Belarus...

Ông Vulin cho rằng, Serbia-nước cộng hòa hiện là ứng cử viên của EU nhưng muốn duy trì tiếp sự trung lập về quân sự của mình-đang phải chịu đựng “sức ép lớn và bất công của EU”. Theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Serbia, đó là hệ lụy từ những sự “lo bò trắng răng”, gây ảnh hưởng tới các quyết định chính trị và khát vọng của những nước lớn và có nhiều ảnh hưởng. Ông Vulin cũng khẳng định rằng Serbia đã phải nhận tối hậu thư để từ bỏ tham gia cuộc tập trận đã định “Tình anh em Slav” vì ngược lại, cái gọi là “tương lai châu Âu” của nước cộng hòa Balkan này sẽ mù mịt hơn và sẽ xuất hiện nhiều sức ép tiêu cực lớn hơn đối với người Serb ở Serbia và ở Kosovo...

Người phát ngôn Điện Kremli, Dmitri Peskov, tuyên bố rằng Moscow tôn trọng quyết định này của Belgrade và lại không cho rằng đó là một quyết định mà Serbia bắt buộc phải đưa ra dưới sức ép từ bên ngoài! Vấn đề này trong cuộc điện thoại giữa Tổng thống Putin với Tổng thống Vucic đã không được đề cập tới... Cuộc tập trận chung hằng năm mang tên “Tình anh em Slav” giữa 3 nước Nga, Belarus và Serbia được bắt đầu từ năm 2015. Năm 2019, nó đã được tiến hành trên lãnh thổ Serbia. Năm nay, theo kế hoạch, nó sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 15-9, trên thao trường Brest của Lữ đoàn nhảy dù độc lập số 38 của quân đội Belarus, với sự tham gia dự kiến trong đội hình đầy đủ của 3 nước là khoảng 1.500 quân nhân... Brest là nơi mà quân đội phát xít Đức ngày 22-6-1941 đã tấn công từ lãnh thổ Ba Lan sang Liên Xô, khai hỏa chiến sự chống lại Moscow trong Chiến tranh thế giới thứ hai..

Thực ra, quyết định mới này của Belgrade không gây bất ngờ đối với dư luận. Quan hệ giữa Nga với Serbia thời gian gần đây đã có những thay đổi. Từ nhiều năm nay, Belgrade đã thực hiện chiến thuật mang tính nước đôi, một mặt tìm mọi cách để có thể nhanh hơn trong việc gia nhập EU, mặt khác vẫn tiếp tục duy trì quan hệ gần gũi và đồng minh với Moscow và Bắc Kinh. Tuy nhiên, đặc biệt là sau hiệp ước về bình thường hóa quan hệ kinh tế mà Tổng thống Serbia, Aleksandar Vucic ký ngày 4-9 với Thủ tướng Kosovo, Avdullah Hoti, ở Washington với sự có mặt của Tổng thống Mỹ Donald Trump, tình hình đã trở nên phức tạp hơn. Theo hiệp ước này, dù ở những nét chung nhất, Belgrade có trách nhiệm không chỉ tiếp tục mua khí đốt từ Nga mà phải mua cả loại khí đốt đắt đỏ SPG của Mỹ. Việc này không thể làm vui lòng Điện Kremli... Serbia cũng cam kết trong hiệp ước trên là chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv sang Jerusalem, hành động chứng tỏ sự công nhận Jerusalem là thủ đô của quốc gia Do Thái Israel, điều mà thế giới Arab không thể đồng tình. Mặc dù ông Vucic nói rằng những mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Kosovo không xóa bỏ những bất đồng chính trị giữa hai bên nhưng trong thế giới này, vật chất luôn tạo ra những tác động tinh thần không thể cưỡng nổi... Và Serbia không thể như trước đây “mũ ni che tai” trước những ý kiến không thuận nhĩ từ phương Tây, đặc biệt trong các vấn đề liên quan tới những đồng minh và đối tác truyền thống ở phương Đông... Ông Donald Trump cũng như lãnh đạo Israel hiện nay vẫn là những người có tiếng là “chơi rắn”... Bản thân xã hội Serbia thời gian gần đây cũng đã có những dấu hiệu bị chia rẽ trước cách hành xử như thế của chính quyền đương nhiệm...

Để cừu no, rất khó giữ bãi cỏ còn nguyên...

HỒNG THANH QUANG