Như một hệ lụy không hề vui vẻ chút nào của những biến động chính trị tại Ukraine năm 2014, đặc biệt, sau khi Liên bang Nga với một cuộc trưng cầu dân ý đã sáp nhập Crimea trong tháng 3-2014, khu vực Donbass (bao gồm Donetsk và Luhansk) đã lọt vào tay những lực lượng ly khai thân Moscow. Hai nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Luhansk (DPR và LPR) đã xung đột vũ trang với quân đội Ukraine. Trong đội ngũ lãnh đạo hàng đầu của DPR và LPR có một số người là công dân Nga và tất nhiên được Moscow ủng hộ. Nhiều nỗ lực vãn hồi hòa bình cho khu vực này với sự tham gia của cả Nga và một số nước phương Tây với thỏa thuận Minsk đều không mang lại kết quả mong muốn. Bởi lẽ, đó không chỉ là câu chuyện quan hệ riêng giữa lực lượng ly khai với chính quyền Kiev.
Bước vào năm 2021, nhận được khá nhiều viện trợ quân sự từ Washington, chính quyền Ukraine công khai đẩy mạnh những sự chuẩn bị cho chiến dịch quân sự nhằm vào Donbass. Một số nhân vật có trọng trách ở Kiev cũng tung ra những lời tuyên bố quyết liệt nhằm vào DPR và LPR. So với giai đoạn đầu bùng nổ khủng hoảng, lực lượng quân sự của Ukraine ở Donbass đã trở nên mạnh hơn gấp nhiều lần, trang thiết bị cũng dồi dào hơn...
 |
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tới thăm một đơn vị quân đội đóng ở Donbass. Ảnh: Reuters. |
Trong bối cảnh đó, với lý do việc mình ở lãnh thổ của mình thì mình có toàn quyền, Moscow đã không ngồi khoanh tay thúc thủ mà di chuyển nhiều đơn vị quân đội tới gần biên giới với Ukraine. Đồng thời Moscow cũng cho triển khai nhiều quân nhân ở Crimea. Phương Tây, với quan điểm rất ủng hộ chính quyền Kiev, cũng đã có những hành động mang tính phô diễn đáp trả Moscow. Trong tuần đầu tháng 4-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã gọi điện thoại cho Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky để bày tỏ sự ủng hộ. Trong các cuộc nói chuyện video với Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần đầu tháng 4-2021, cả Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều đề cập tới chủ đề liên quan tới Ukraine. Và ngay trong cuộc nói chuyện qua điện thoại ngày 8-4, bà Merkel cũng đề cập tới việc phải ngừng gia tăng lực lượng quân sự ở khu vực gần Ukraine... Theo CNN, Washington dự định sẽ đưa một số tàu chiến tới khu vực Biển Đen để thể hiện tình đoàn kết với Kiev...
Trong thời gian tới, Kiev có dự định sẽ tổ chức cuộc gặp quốc tế trong khuôn khổ Normandy về Donbass, nhưng chỉ với sự tham gia của 3 bên là Ukraine, Đức và Pháp. Vì sau những căng thẳng gần đây ở Donbass, Moscow đã từ chối ngồi vào bàn đàm phán theo phương thức này... Nếu việc đó diễn ra thì dù kết quả của cuộc gặp thế nào cũng khó đạt được những tiến bộ khả quan trong thực tế. Bởi lẽ, dù muốn hay không thì phương Tây cũng không thể loại bỏ được vai trò và ảnh hưởng của Moscow đối với khu vực Donbass và những lực lượng chủ trương độc lập cho DPR và LPR...
Theo nhiều nhà quan sát, ở thời điểm hiện nay, việc bùng nổ chiến sự ở Donbass không phải là điều có thể mang lại phúc lộc cho bất cứ một bên đối nghịch nào trong khu vực. Không ngẫu nhiên mà Tổng thống Vladimir Zelensky sau khi từ Donbass trở về đã lên tiếng rằng, cần phải bắt đầu giai đoạn hòa giải mới. Trên trang Facebook của mình, ông Zelensky viết rằng, tình hình trong khu vực này có nguy cơ trở thành “sự nguy hiểm thường nhật”. Trước đó, ông Ruslan Khomchak, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, cũng tuyên bố phương án dùng vũ lực để “giải phóng” Donbass có thể gây nên thương vong cho dân thường và các quân nhân, là không thể chấp nhận được đối với Kiev... Cũng phải nói rằng, chính vị tướng này cách đây không lâu đã nhấn mạnh rằng, lực lượng vũ trang Ukraine sẽ gia tăng sự có mặt ở Donbass và ở hướng nhằm vào Crimea... Đầu tháng 4-2021, máy bay không người lái của quân đội Ukraine đã ném bom xuống địa điểm dân cư của Donbass, khiến một cậu bé 5 tuổi bị tử thương... Kiev coi đó là tin giả nhưng đại diện Liên hợp quốc sau khi tới thực địa ở Donbass đã chứng nhận rằng, cậu bé bị chết vì trúng mảnh bom...
Theo các nhà phân tích, việc hòa giải giữa Kiev với lực lượng ly khai ở DPR và LPR chỉ có thể đạt được trong hai phương án: Thứ nhất, nếu Moscow tự nguyện từ bỏ Crimea (điều mà như Tổng thống Vladimir Putin không chỉ một lần nhấn mạnh, sẽ không bao giờ xảy ra); thứ hai, hoặc Kiev chấp nhận hiện trạng địa chính trị và xóa bỏ chính quyền đã được thành lập sau cuộc “Cách mạng màu” năm 2014 (việc này cũng gần như không thể có)... Thêm vào đó, ngay cả nếu như Kiev rất muốn kết thúc vấn đề Donbass thì trong tình cảnh hiện tại, Ukraine vẫn không thể tự tung tự tác vì những quan hệ chặt chẽ với Washington. Về thực chất, Hoa Kỳ không muốn cuộc khủng hoảng này kết thúc yên ả nếu không gây nên những sự thất bại cho Moscow.. Tóm lại, đây sẽ vẫn là một cuộc khủng hoảng trong vòng luẩn quẩn, có nguy cơ hiện hữu dài lâu.
HỒNG THANH QUANG