Chính vì thế, nên lễ Giáng sinh cũng như kỳ nghỉ đầu năm ở nhiều quốc gia đã phải diễn ra trong những điều kiện cách ly bắt buộc...
Những người ít nhiều mê tín đều luôn đón nhận những năm nhuận như năm 2020 với vẻ lo ngại. Vì những lý do nào đấy, từ xưa, các năm nhuận dễ bị coi là bất hạnh (?). Thực tế cho thấy, không phải năm nhuận nào cũng kém may mắn, nhưng thật buồn là năm nhuận 2020 đối với hầu hết thế giới đã là một năm quá tang tóc do đại dịch Covid-19. Hệ lụy của thảm họa này trên quy mô toàn cầu là những thất bát to lớn về nhân mạng và kinh tế... Đại dịch cũng đã và sẽ là một cuộc sát hạch lớn đối với những triết lý và thậm chí cả triết học của các nền văn minh liên quan tới sự sống và cái chết... Có thể không nói quá lời, đại dịch Covid-19 sẽ làm thay đổi thế giới và nhân loại một cách rất mạnh mẽ, thậm chí là căn bản... Cộng thêm vào đó là những “chuyện thường ngày ở huyện” trong nhiều năm gần đây, như các vụ khủng bố đẫm máu, các vụ tai tiếng chính trị và những cuộc đụng độ quân sự ở quy mô chiến tranh giữa các quốc gia hàng xóm láng giềng...
    |
 |
Đại dịch Covid-19 sẽ làm thay đổi thế giới và nhân loại một cách rất mạnh mẽ, thậm chí là căn bản... Ảnh minh họa: vinmec |
Ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay. Năm mới đã bắt đầu từ những chuyện xảy ra trong năm cũ. Ngay trong sáng đầu tiên sau lễ Noel, ngày 25-12-2020, viên tướng Iran, Mohammad Hejazi, Phó tư lệnh lực lượng Quds thuộc Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, đã tuyên bố trên các phương tiện truyền thông rằng, sự trả thù của Tehran đối với Washington vì vụ sát hại ngày 3-1-2020 Tư lệnh Quds, Qasem Solaimani, vẫn chưa kết thúc. Theo đó, những vụ việc đã diễn ra mới chỉ là “những cái tát” ít nhiều nhẹ nhàng, phía trước mới là “sự trả thù tàn bạo”. Tất nhiên, Washington cũng sẽ không bó tay thúc thủ. Không ngẫu nhiên mà có tin rằng, những ngày cuối năm 2020, Iran đã cho cấp tốc triển khai thêm lực lượng phòng không, trong đó có các vũ khí do Nga sản xuất, ở gần các cơ sở hạt nhân của mình để phòng ngừa các đợt tấn công bằng tên lửa của Mỹ... Có lẽ cả Tehran lẫn Washington đều sẽ rất khó nguôi ngoai vì câu chuyện này và bởi thế, quan hệ giữa hai nước còn lâu mới có thể trở thành bình thường và điều đó tác động không tích cực lên không khí chung của thế giới, bất kể ai sẽ là người làm chủ Nhà Trắng. Và không ngẫu nhiên mà cuộc khủng hoảng Mỹ-Iran đã được coi là một trong những sự kiện đáng lưu tâm nhất trong năm 2020, lưu tâm và lo ngại cho năm 2021...
Tất nhiên, thảm họa chung lớn nhất nảy sinh trong năm 2020 phải là đại dịch Covid-19. Người bệnh đầu tiên được ghi nhận là vào ngày 11-1-2020 ở Trung Quốc. Cho tới cuối năm qua, đã có tới hơn 68 triệu người nhiễm bệnh và gần 1,8 triệu người bị chết vì Covid-19. Chủng biến thể mới của virus này đang buộc cả thế giới phải đối mặt với những thách thức mới, dù đến thời điểm hiện nay, không chỉ một quốc gia đã tuyên bố sản xuất được vaccine ngừa virus SARS-CoV-2...
Năm 2020 còn để lại cho năm mới những vết thương lớn trên chính trường nói riêng và đời sống xã hội ở không ít quốc gia. Thế giới nói chung và cả những quốc gia, những khu vực riêng lẻ vẫn phải tiếp tục sắp xếp lại trật tự để có thể đối phó một cách có hiệu quả hơn với thực tại đã và đang hình thành. Bạo động tại Mỹ nhân cái chết của người da đen George Floyd hồi cuối tháng 5-2020 do cách đối xử tồi tệ của cảnh sát đã khơi lại cả những chấn thương tinh thần của chế độ nô lệ từ hàng trăm năm trước... Cuộc chia tay không dễ dàng của “hòn đảo sương mù” với Liên minh châu Âu cho thấy, ở phần lãnh thổ vẫn tự nhận mình là tân tiến nhất trong các quan hệ khu vực, hiện vẫn bị bao bọc bởi tư duy “áo ai gần vai người nấy”, rất khó không dưng hỉ xả cho nhau. Điều này hiển nhiên trái với tinh thần “ngôi nhà chung” mà các chính trị gia ở Tây Âu thường hết lời ca tụng... Những vụ khủng bố rợn người mang tính trung cổ (cắt đầu người vô tội) ở Pháp cũng thêm lần làm bộc lộ những mâu thuẫn và xung đột tín ngưỡng, xã hội ở ngay cả “kinh đô ánh sáng” của “lục địa cũ”... Cuộc xung đột vũ trang ngắn ngày nhưng hệ lụy sẽ rất dai dẳng ở Nagorno Karabakh giữa Azerbaijan, được Thổ Nhĩ Kỳ công khai hậu thuẫn, với Armenia cũng cho thấy rằng, trong không gian Xô viết cũ, những “ân oán giang hồ” tích tụ từ thời xa xưa không thể dễ giải quyết và sẽ ám ảnh dài lâu trong tương lai như những quả bom hẹn giờ... Báo Pháp Le Monde đã gọi chiến sự ở Nagorno Karabakh, với sự tham gia của những loại vũ khí mang tính công nghệ cao, là “hình mẫu của chiến tranh trong tương lai” đối với các quân đội ở châu Âu... Một sự rất đáng lo ngại là xu hướng lên nắm quyền của những chính trị gia thế hệ mới, chịu ảnh hưởng sâu sắc hơn của phương Tây sẽ tạo ra những vấn đề mới cho Moscow... Thực tế cho thấy, bất chấp những cam kết từ những năm 90 của thế kỷ trước của các nhà lãnh đạo các quốc gia hàng đầu ở phương Tây đối với vị tổng thống cuối cùng của Liên bang Xô viết Mikhail Gorbachev và vị tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga thời “hậu Xô viết” Boris Yeltsin về việc sẽ tôn trọng lợi ích của Moscow ở không gian ảnh hưởng truyền thống của người Nga, các chính trị gia hiện nay ở phương Tây không hề có ý định chấm dứt “cuộc quân hành lặng lẽ” sang phương Đông, dồn nước Nga vào thế bị cách ly và phong tỏa càng ngày càng khó khăn và nguy hiểm hơn... Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tỏ ra rất can trường khi phải đối diện với những thách thức và đe dọa. Trong năm 2020, Điện Kremli đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm củng cố tiềm lực và thực lực của mình, cũng như nhằm nâng cao uy thế và uy lực của chính quyền đương nhiệm. Theo lời Người phát ngôn của Điện Kremli, Dmitri Peskov, những cuộc khủng hoảng của năm 2020 cũng như các lệnh cấm vận của phương Tây và không khí thiếu hữu nghị dai dẳng từ phía một số lực lượng quốc tế buộc Moscow phải có những hành động kiên quyết...
Dẫu sao, theo phong tục, giã từ năm cũ, con người đón năm mới luôn cần niềm hy vọng vào những sự tốt đẹp hơn. Dẫu năm qua đã xảy ra bao nhiêu sự can qua thì với năm 2021, đang có nhiều triển vọng để nhân loại cải thiện thực tế. Chỉ nhìn riêng trong cuộc chiến đấu chống lại đại dịch Covid-19, đã vẫn có những tấm gương xứng đáng được tôn vinh, như nước Việt Nam của chúng ta chẳng hạn. Dù không chủ quan, nhưng những gì đã đạt được ở các quốc gia như Việt Nam cho thấy rằng, những nỗ lực đủ mạnh mẽ và một tư duy đúng đắn, cộng với các biện pháp tổ chức thích hợp và có thể là chút ít may mắn nữa, con người có thể giảm thiểu được tác động của đại dịch ngay cả với những vật lực không phải là quá lớn...
HỒNG THANH QUANG