Tuy nhiên, có lẽ chỉ tới ngày 21-4-2021, trong Thông điệp Liên bang đọc trước các quan chức và các nghị sĩ lưỡng viện Nga vừa qua, người đứng đầu Điện Kremli lần đầu tiên mới cứng rắn đưa ra cảnh báo những thế lực không thiện chí với nước Nga: Có, dứt khoát là có một lằn “ranh giới đỏ” mà vượt qua nó tức thì sẽ như giọt nước tràn ly...

leftcenterrightdel
Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp Liên bang tại phòng triển lãm trung tâm Manezh ở thủ đô Moscow. (Ảnh: nguồn: TASS)

Theo thông lệ từ không chỉ một năm nay, Thông điệp Liên bang thường niên của Tổng thống Putin chủ yếu đề cập tới các vấn đề nội bộ của nước Nga. Và năm nay, điều trước tiên cần phải nói tới là đại dịch Covid-19 đang hoành hành ở khắp thế giới, khiến nhiều quốc gia đang phải đối mặt với một thực tế “mông lung tuyệt đối”. “Không nỗi đau nào riêng của ai” và nước Nga cũng không là ngoại lệ trong cuộc chiến đầy khó khăn và mất mát chống lại đại dịch. Tuy nhiên, Moscow, như chính ông Putin đã nêu rõ trong Thông điệp Liên bang năm 2021 của mình, đã hành động rất có hiệu quả, vượt hơn hẳn nhiều quốc gia hàng đầu thế giới. Và từ những gì đã làm được, người Nga càng nhận thức rõ nhu cầu phải áp dụng mạnh mẽ hơn và gấp rút hơn những công nghệ hiện đại nhất vào ngành y tế, song song với việc quan tâm tới những nhu cầu cấp thiết thường nhật. Người đứng đầu Điện Kremli nhận thức rõ rằng: “Trong lĩnh vực y tế của chúng ta, cũng như trong các lĩnh vực xã hội khác, tới bây giờ vẫn tồn tại không ít vấn đề chưa được giải quyết: Về kỹ nghệ, về tài chính, về điều hành. Nhưng con người lại rất cần tới sự trợ giúp có chuyên môn cao một cách kịp thời”. Và ông đặt ra nhiệm vụ cấp bách luôn: “Nhìn từ góc độ đó tôi đề nghị xem xét các vấn đề y tế tại một trong những hội nghị mở rộng của Hội đồng Quốc gia. Chúng ta sẽ tiến hành việc này trong thời gian sớm nhất”...

Cần phải nói rằng, phần nội dung được cộng đồng quốc tế quan tâm cao độ nhất trong Thông điệp Liên bang năm 2021 của ông Putin lại chính là “mấy lời để kết thúc”, đề cập tới “ý nghĩa và nội dung chính sách của nước Nga trên trường quốc tế để bảo đảm hòa bình và an ninh đối với sự bình an của các công dân và sự phát triển ổn định của đất nước”. Tổng thống Nga nêu rõ: “Nước Nga có những lợi ích của mình, và tất nhiên là chúng ta bảo vệ và sẽ bảo vệ chúng trong các khuôn khổ của luật pháp quốc tế, như chính các nước khác đang làm thế. Và nếu như ai đó từ chối hiểu điều hiển nhiên này, không muốn tiến hành đối thoại, chọn giọng điệu ích kỷ và trịch thượng, thì nước Nga sẽ luôn tìm ra được con đường bảo vệ quan điểm của mình...”.

Ông Putin cho rằng, rất đáng tiếc là hiện nay dường như tất cả đã coi như “chuyện thường ngày ở huyện” việc sử dụng những biện pháp cấm vận kinh tế một cách bất hợp pháp, vì những động cơ chính trị, nhằm áp đặt ý chí thô bạo theo kiểu “lấy thịt đè người”. Và nguy hiểm hơn, mọi sự có vẻ như đang “quá mù ra mưa” dẫn tới những biến cố mang tính phản loạn nhằm đục nước béo cò, như chuyện mới xảy ra gần đây ở Belarus. Phương Tây đã chọn cách hành xử như thể “tai ngơ mắt lấp” trước mưu toan đảo chính của các lực lượng đối lập và ám sát Tổng thống Belarus và cách ném đá giấu tay này không gì khác hơn là sự đồng lõa với các thế lực chống lại một chính phủ hợp pháp... Người đứng đầu Điện Kremli cho rằng, thái độ như thế đã vượt quá mọi ranh giới có thể cho phép...

Tổng thống Nga cũng phê phán việc những đồng nghiệp phương Tây đã dứt khoát chối bỏ nhiều đề nghị từ phía Moscow về việc xây dựng đối thoại quốc tế trong lĩnh vực an ninh mạng, đồng thời duy trì “tập tục” vô cùng khiếm nhã là mượn cớ và thậm chí là vô cớ đưa ra liên tiếp các biện pháp cấu xé nước Nga trong đủ các lĩnh vực, kể cả thi đấu thể thao... Và ông tự nhận xét: “Chúng ta trong chuyện này đã cư xử một cách kiềm chế. Thường là chúng ta không lời qua tiếng lại đối với những hành vi không hữu nghị, thậm chí đối với cả sự khiếm nhã trắng trợn. Chúng ta muốn có những mối quan hệ tốt với mọi thành viên của cộng đồng quốc tế... Và Tổng thống Nga đã sử dụng các nhân vật trong tác phẩm “Truyện Rừng xanh” của nhà văn Anh nổi tiếng Rudyard Kipling (1865-1936, giải Nobel văn học năm 1907) để diễn tả cảnh a dua theo cái sai, cái xấu, cái phi lý, trong những nỗ lực xúc phạm Moscow từ phía phương Tây: “Và chúng ta đang nhìn thấy điều gì diễn ra trong thực tế: Như tôi đã nói, nước Nga luôn bị cấu chí lúc chỗ này, khi chỗ khác, một cách vô duyên cớ. Và tất nhiên là ngay lập tức xung quanh những sự thể đó, như xung quanh con hổ Shere Khan, lao tới bủa vây là những con chó rừng lông vàng vặt vãnh Tabaqui, “bảo hoàng hơn vua” để làm vừa lòng đại ca của mình, hệt như trong sách của Kipling. Kipling quả thực là một nhà văn vĩ đại...”. Cũng phải nói rằng, chính Kipling từng viết những câu thơ: “Đông là Đông, và Tây cứ là Tây, chẳng bao giờ tay nắm được trong tay...”. Không rõ khi chọn lựa các nhân vật của Kipling để đưa vào Thông điệp Liên bang năm 2021, ông Putin có nhớ tới những câu thơ này không?

Theo Tổng thống Nga, Moscow có đủ sức mạnh quân sự để bảo vệ lẽ phải của mình. Ông thông báo, “tới năm 2024 tỷ lệ các vũ khí và thiết bị hiện đại ở các đơn vị quân đội sẽ chiếm khoảng gần 76% - đó là một tỷ lệ rất tốt. Còn ở trong bộ ba hạt nhân ngay trong năm 2021 này tỷ lệ đó sẽ là hơn 88%!”. Hiện đang trực chiến ở nước Nga là nhiều loại vũ khí mới hùng hậu nhất thế giới...

HỒNG THANH QUANG