Nhưng Argentina không phải là nạn nhân đầu tiên của Covid-19. Trước đó, Ecuador cũng phải đề nghị hoãn trả nợ đến tháng 8, Lebanon thì đã tuyên bố vỡ nợ. Theo dự báo, các vụ vỡ nợ sẽ còn diễn ra trên khắp châu Phi, nơi nhiều nước có nghĩa vụ phải thanh toán các khoản nợ đến hạn lên tới 44 tỷ USD chỉ riêng trong năm nay.

Chưa bao giờ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lại nhận được yêu cầu hỗ trợ nhiều đến vậy như hiện nay. IMF có 189 thành viên thì có tới 81 quốc gia thu nhập từ mức trung bình thấp trở xuống, tức là hơn 40% tổng số thành viên của IMF, đã phải liên hệ yêu cầu hỗ trợ thêm. Đại dịch Covid-19 chưa qua, “cơn lốc” khủng hoảng nợ đã ập tới.

leftcenterrightdel
Một góc Thủ đô Buenos Aires của Argentina. Ảnh: Mercopress

Thật ra, chưa có cú sốc Covid-19, gánh nặng nợ cũng đã quá sức với nhiều nước. Báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc (LHQ) về thương mại và phát triển (UNCTAD) đã cảnh báo một thực tế đáng lo ngại khi nhiều nước đang phát triển phải dành phần lớn khoản thu ngân sách để trả nợ. Thông thường mỗi năm, các nước đang phát triển thường dành khoảng 10% số tiền thu được để trả nợ. Tuy nhiên, với không ít nước, con số này lên tới 25%. Hệ quả là nguồn ngân sách dành cho dịch vụ y tế và xã hội trở nên rất hạn hẹp.

Đáng ngại hơn, tốc độ gia tăng các khoản nợ đang tăng nhanh đến mức nguy hiểm. Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra con số thống kê khiến nhiều người phải giật mình. Nếu như năm 2013, nợ trung bình của các nước thu nhập thấp chỉ chiếm 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thì chỉ 4 năm sau, con số này đã tăng lên mức 50% GDP. Trên quy mô toàn cầu, tổng số nợ nước ngoài của các quốc gia đang phát triển đã lên đến con số khổng lồ 7.800 tỷ USD.

Có nhiều yếu tố khiến nợ nần cứ đeo bám dai dẳng nhiều nước. Có thể kể ra ở đây chiến tranh, xung đột vũ trang, suy thoái môi trường, hay đơn giản như bùng nổ dân số… Vài thập kỷ gần đây, dân số thế giới tăng với tốc độ ngày càng nhanh, thời gian Trái đất có thêm 1 tỷ người ngày càng rút ngắn lại. Năm 1998, dân số thế giới là 6 tỷ người, năm 2011 là 7 tỷ người. Còn với tốc độ tăng trung bình 100 triệu người/năm như hiện nay, đến năm 2025, dân số thế giới sẽ lên tới 10 tỷ người. Trái đất đã trở nên quá chật chội.

Kinh tế đình đốn bởi Covid-19 càng khiến tình trạng nợ vốn đã bi đát lại thêm trầm trọng. Trong “cơn lốc” đại dịch, ngay các cường quốc kinh tế như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu còn lao đao, nói gì đến những nước nghèo đang “cần tới từng xu” để tồn tại. Nhiều nước đang phát triển rơi vào tình trạng kiệt quệ về thương mại và tài chính. Trong khi đó, chỉ riêng khoản nợ công mà các nước này phải trả từ nay đến cuối năm 2021 đã lên tới 3.400 tỷ USD.

Nếu không có giải pháp tháo gỡ, gánh nặng nợ sẽ biến thành thảm họa kinh tế với các quốc gia nghèo đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Trong điều kiện hiện tại, nhiều quốc gia đơn giản là không có tiền để trả. Không cho giãn nợ, hoãn nợ có thể dẫn đến nguy cơ nhiều nước nghèo mất khả năng trả nợ, phải nhờ cậy đến những khoản vay “phi truyền thống” bên ngoài Câu lạc bộ Paris, nơi điều kiện cho vay thường đi kèm theo những yêu cầu “thế chấp” mạo hiểm. Đó là những thỏa thuận đổi chác phức tạp và mập mờ, khi tiền tươi có thể phải đánh đổi bằng cách nhắm mắt gán các cơ sở hạ tầng của mình cho nước khác trong cả thế kỷ.

Cứu giúp nước nghèo thoát khỏi gánh nặng nợ nần đã trở thành yêu cầu cấp thiết mang tính toàn cầu. Có thể thấy, đối phó với một thách thức vừa là thảm họa về y tế, vừa gây khủng hoảng kinh tế-xã hội như đại dịch Covid-19, các nước nghèo đang bị đẩy vào tình trạng mong manh hơn bao giờ hết. Vì vậy, một giải pháp hiệu quả và bền vững để hỗ trợ các nước nghèo vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay đòi hỏi sự đoàn kết và hợp tác chặt chẽ giữa tất cả các bên, từ các tổ chức và thể chế tài chính đa phương, các nước giàu cho tới các chủ nợ của khu vực tư nhân.

Vấn đề đặt ra là phải tính toán sao cho việc giãn nợ được thực hiện một cách có trật tự. Không những thế, nhiều nhà kinh tế cho rằng giải pháp không đơn thuần chỉ là giãn nợ, cơ cấu lại nợ mà là phải xóa nợ. Cộng đồng quốc tế cũng cần phải thống nhất giải pháp “tự động đóng băng tạm thời” các khoản nợ phải trả cho các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng của đại dịch cho đến khi kinh tế các nước này phục hồi.

Đây là thách thức không nhỏ bởi theo tính toán của UNCTAD, tổng số nợ cần xóa trên toàn cầu hiện đã gần 1 nghìn tỷ USD. Nhưng xem ra, thế giới khó có con đường nào khác, bởi nếu không được giải cứu kịp thời, tình trạng nghèo đói và bệnh tật đang đe dọa cuộc sống của hàng trăm triệu người trên toàn cầu sẽ còn tồi tệ hơn, và tương lai của các nước nghèo sẽ tiếp tục bị bóp nghẹt bởi gánh nặng nợ.

TƯỜNG LINH