Ngay từ khi mới đặt chân vào Nhà Trắng, ông Donald Trump đã cho ngưng trong thực tế chương trình cải cách hệ thống y tế công cộng “Obama Care” mà người tiền nhiệm Barack Obama đã khởi xướng. Dù chưa đưa ra được sáng kiến gì mới mang tính xây dựng nhưng vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đã liên tiếp xóa bỏ sự có mặt của Washington trong nhiều tổ chức và cam kết quốc tế. Một trong những quyết định đầu tiên trên cương vị tổng thống của ông Donald Trump là từ bỏ Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngày 24-1-2017.
Đây là một trong những lời hứa được đưa ra trong lúc vận động tranh cử của ông Donald Trump với lý do là khi tham gia TPP, Washington bị thiệt thòi vì có thể phải giảm số lượng việc làm cho các công dân Mỹ. Tiếp theo, ngày 1-6-2017, nước Mỹ đã từ bỏ thỏa thuận Paris về khí hậu và tuyên bố “sẵn sàng cho các cuộc thương lượng mới”. Tiếp theo, ngày 8-5-2018, Tổng thống Donald Trump tuyên bố về việc Mỹ từ bỏ thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran. Ngày 20-6-2018, Washington cũng chính thức rời bỏ Hội đồng Nhân quyền (HRC) Liên hợp quốc vì coi đó là một tổ chức “đạo đức giả và chỉ hoạt động vì các lợi ích của riêng mình”. Ngày 30-12-2018, Mỹ tuyên bố rời bỏ tổ chức UNESCO. Tới đầu tháng 2-2019, Washington cũng ngừng thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết trong chương trình cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược với nước Nga… Ngày 21-5-2020, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rằng nước Mỹ sẽ từ bỏ cả Hiệp ước về bầu trời mở (TOS) được ký từ tháng 3-1992… Theo quy định, quốc gia thành viên của hiệp ước này cần phải thông báo trước về kế hoạch tháo lui của mình nửa năm trước khi thực hiện quyết định đó rồi sẽ phải tham gia một cuộc họp chung để xem xét những hệ lụy từ việc này…
    |
 |
Tổng thống Donald Trump. Ảnh: dantri.com.vn |
Trong bối cảnh xã hội Mỹ còn đang phải đối mặt với một mối đe dọa khác cũng rất lớn là phong trào đòi xét lại quá khứ và giành lợi quyền xứng đáng cho người da màu, cách hành xử hiện tại của Nhà Trắng càng làm gia tăng thêm những rắc rối trên chính trường. Ngay cả những người ủng hộ ông Donald Trump cũng cảm thấy không dễ chịu trước những thách thức mà nước Mỹ đang và sẽ phải đối mặt khi tự cô lập mình trên trường quốc tế như thế.
Phe đối lập thì nhân thể những sự kiện này cố gắng hết sức đổ thêm dầu vào lửa. Theo Thượng nghị sĩ của Đảng Dân chủ Robert Menendez từ bang New Jersey, việc Tổng thống Donald Trump quyết định nước Mỹ từ bỏ WHO trong bối cảnh xuất hiện những kỷ lục mới về đại dịch chứng tỏ sự hỗn loạn toàn phần đang ngự trị trong bộ máy điều hành Nhà Trắng. Trên trang Twitter của mình, ông Menendez cho rằng, bước đi đó của chính quyền đương nhiệm không chỉ không bảo vệ được cuộc sống của các công dân và lợi ích của nước Mỹ mà còn khiến cho người Mỹ trở nên “bệnh tật và cô đơn hơn trong cuộc chiến chống lại đại dịch”.
Những nhân vật đối lập khác từ Đảng Dân chủ cũng như nhiều chuyên gia về y tế ở Mỹ đều nhận định rằng, ông Donald Trump dù đã chấp nhận đeo khẩu trang khi xuất hiện ở chỗ đông người nhưng dường như vẫn “mũ ni che tai” trước sự hoành hành của đại dịch và bằng các hành động của mình chỉ làm trầm trọng thêm những kịch bản xấu nhất đối với nước Mỹ… Đồng thời, cũng theo những người có thái độ chỉ trích đối với đương kim Tổng thống Mỹ, cách hành xử của ông Donald Trump như hiện nay chỉ làm nội tình nước Mỹ thêm rối và vô hình trung làm gia tăng cơ hội cho đối thủ của ông trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới (ứng cử viên của Đảng Dân chủ, nguyên Phó tổng thống Joe Biden).
Bản thân ông Biden đã không bỏ lỡ cơ hội để nhấn mạnh thêm vào sự khác biệt giữa mình với đương kim Tổng thống Mỹ. Trên trang Twitter, ông Biden đã viết: “Khi nào nước Mỹ lấy lại được vai trò chủ đạo của mình trong củng cố sự nghiệp bảo vệ sức khỏe toàn cầu thì khi đó tình cảnh của chính người Mỹ mới trở nên an toàn hơn. Hành động đầu tiên của chúng tôi khi tôi được bầu làm Tổng thống Mỹ sẽ là quay lại với WHO và lấy lại vị thế hàng đầu thế giới”. Cũng trên trang Twitter, Thượng nghị sĩ Mỹ Eric Swalwwell của Đảng Dân chủ đã viết: “Quyết định của lãnh đạo quốc gia từ bỏ WHO-đó là bước đi không chỉ hoàn toàn vô trách nhiệm và vô lý mà đơn giản còn không thể nào hiểu được. Trong những ngày mà hệ thống y tế của chúng ta đang vấp phải khủng hoảng, bằng bước đi này, chúng ta dường như đã tự tàn phá chính mình và các công dân của mình. Thật khó mà hình dung hết sẽ có bao nhiêu công dân Mỹ sẽ trở thành nạn nhân của sự ngu ngốc này…”.
Trên trường quốc tế, ngay cả những đồng minh thân cận của Washington cũng buộc phải bày tỏ thái độ kinh ngạc tới gần như phẫn nộ trước việc Mỹ từ bỏ WHO. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn trên trang Twitter đã lên tiếng phê phán: “Việc Mỹ rời khỏi WHO lại thêm một sự thách thức đối với hợp tác quốc tế. Trong những ngày mà đại dịch đang trở thành mối đe dọa toàn cầu, điều cần thiết là phải làm ngược lại, tất cả đều phải gia tăng nỗ lực đấu tranh chống lại nó và củng cố hợp tác. Khi đại dịch đe dọa tất cả chúng ta, mọi người cần phải làm ngược lại, cần phải hỗ trợ lẫn nhau chứ không phải ngừng hợp tác…”.
Chỗ thiêng không bao giờ vắng. Những không gian mà Washington để trống trong các cơ chế quốc tế như WHO sẽ là cơ hội lấn sân cho những quốc gia mà chính quyền Mỹ coi là đối thủ tiềm tàng hiện nay…
HỒNG THANH QUANG