Chính Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây cũng đã phải bày tỏ sự không hài lòng của mình bằng những lời lẽ rất mạnh mẽ với mạng xã hội. Theo ông, những nền tảng như Facebook là “sát nhân” khi cho phép những thông tin sai lệch về các loại vaccine ngừa Covid-19 tán phát trên mạng. Chủ đề này cũng đã trở thành nội dung chính trong “cuộc chiến” vừa tái diễn giữa hai siêu cường là Mỹ và Nga, trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

leftcenterrightdel
Chuyện về vaccine cover 19 tưởng đơn giản nhưng cũng gây nên những hệ lụy xấu trong quan hệ trên trường quốc tế. Ảnh: Reuters


Ngày 5-8 trên tờ The New York Times đã đăng bài, trong đó khẳng định rằng dường như nước Nga đang tiến hành một chiến dịch thông tin xuyên tạc chống lại chính quyền Mỹ và kích động tâm lý hoài nghi đối với việc tiêm vaccine. Cơ sở để ban biên tập báo đưa ra "sự thật động trời" đó là một bức vẽ biếm họa (?!) phổ biến trên trang patriots.win, diễn đàn mạng của những người có tư tưởng hữu khuynh ở Mỹ. Trên bức vẽ này có hình những người mang vũ trang trong những tấm áo khoác chống đạn in hình biểu tượng chiến dịch vận động tranh cử của ông Joe Biden và bà Kamala Harris cầm kim tiêm đạp cửa xông vào nhà các công dân Mỹ. Bức họa đã được Công ty Graphika phát hiện ra trong hội thảo về xuyên tạc thông tin trên mạng. Đại diện của công ty này cho rằng, bức họa này và những bức họa tương tự được tung lên mạng bởi những phần tử nào đó, trong quá khứ đã có liên quan tới các chiến dịch xuyên tạc thông tin từ Moscow. Cũng phải nói rằng, bản báo cáo của Công ty Graphika mà tờ The New York Times trích dẫn ngày 5-8 đã được công bố từ đầu tháng 6-2021. Và mặc dù không có bất cứ bằng chứng nào khác về cái gọi là “sự can thiệp” của nước Nga vào những vấn đề liên quan tới tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Mỹ, nhưng tờ báo được coi là có uy tín chính trị vào hàng cao nhất nước Mỹ này vẫn đăng những phát biểu của các chuyên gia ẩn danh và không chính thức về việc Moscow dường như đang cố gắng nhồi nhét vào đầu người Mỹ quan điểm cho rằng chính quyền của ông Joe Biden đang ép buộc các công dân của mình tiêm những loại vaccine kém hiệu quả.

Thực ra đây không phải lần đầu các phương tiện truyền thông Mỹ gắp lửa bỏ vào tay người Nga. Hồi đầu tháng 3 năm nay, tờ The Wall Street Journal cũng đã dẫn ra lời phát biểu của một đại diện giấu tên thuộc Trung tâm Cam kết toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc các cơ quan an ninh Nga thông qua internet đã triển khai một chiến dịch phản tuyên truyền chống lại vaccine Pfizer và các loại vaccine khác được sản xuất tại phương Tây. Nguồn tin của báo đã khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Chúng tôi có thể nói rằng những trang mạng như thế gắn bó với các cơ quan an ninh Nga. Tất cả chúng đều nằm trong quyền sở hữu của nước ngoài và nằm ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ. Chúng có những tầm bao quát khác nhau, giọng điệu và đối tượng khác nhau nhưng tất cả chúng đều nằm trong hệ sinh thái tuyên truyền và bóp méo thông tin của Nga...” (?) Tiếp theo đó, người phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cũng đưa ra tuyên bố với nội dung tương tự: “Hoàn toàn rõ ràng rằng Nga đang sử dụng những thủ thuật cũ và khiến cho người ta gặp nguy hiểm bằng cách tán phát những thông tin sai lệch về các loại vaccine, như đã thấy, đang cứu rỗi cuộc sống hằng ngày”.

 Nhiều phương tiện truyền thông khác ở Mỹ cũng đưa ra những tuyên bố về việc dường như đang có cả một chiến dịch của Moscow nhằm chống lại các loại vaccine của phương Tây. Trong các bài viết của mình, các nhà báo Mỹ dựa vào các bản báo cáo của các tổ chức phi thương mại (NPO) và các chuyên viên của họ. Thí dụ như tờ USA Today đã đưa ra “bằng chứng” của mình là một báo cáo của Liên minh Hỗ trợ dân chủ, trong đó đã đi đến kết luận về “sự can thiệp” của Nga trên cơ sở phân tích “những tuyên truyền” từ Nga, Trung Quốc và Iran trên Twitter. Bản báo cáo mà USA Today đã dẫn khẳng định một cách tỉnh bơ rằng: “Từ ba quốc gia được xem xét thì Nga với độ bị tình nghi cao nhất đã tuyên bố về mối liên quan có thể có giữa vaccine Pfizer với cái chết của người được tiêm chủng”.

Về phần mình, nữ đại diện báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki, ngày 16-7 trong một cuộc họp báo đã tuyên bố, thông qua những cố gắng phá hoại niềm tin đối với các loại vaccine của phương Tây từ phía Nga và Trung Quốc, hai nước này dường như đang nỗ lực cổ xúy cho các loại vaccine của chính mình. Trong lời phát biểu của mình, bà Jen Psaki đã sử dụng những khẳng định của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mà các phương tiện truyền thông Mỹ đã tán phát trước đó và nói: “Trung tâm Cam kết toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác định được rằng Nga và Trung Quốc đang cố xúy cho các loại vaccine của mình bằng những lời lẽ khoa trương nhằm phá hoại các chương trình của phương Tây trong nghiên cứu và sản xuất vaccine. Vấn đề ở đây không chỉ đơn giản là sự cạnh tranh giữa các loại vaccine: Sự nguy hiểm và tác động của dạng xuyên tạc thông tin này nằm trong sự khuếch đại những phản ứng phụ của các loại vaccine của phương Tây”.

 Moscow đã không nín lặng trước những lời buộc tội từ Washington mặc dù đang làm ra vẻ không muốn quá bận tâm tới chúng. Và mới đây nhất, trên trang Facebook của Đại sứ quán LB Nga tại Hoa Kỳ, đại sứ Nga Anatoly Antonov cũng đã lên tiếng cho rằng, những sự vu oan giá họa như thế hoàn toàn không có gì liên quan tới hiện thực và chỉ càng làm tâm lý bài Nga trong xã hội Mỹ gia tăng. Điều này hiển nhiên không tốt cho quan hệ lành mạnh giữa hai siêu cường. Ông cũng gửi luôn thông điệp tới các nhà báo Mỹ: “Nhiệm vụ chính của báo chí là đưa tới công chúng thông tin đã được kiểm chứng chứ không phải tán phát những thị phi và vu cáo”. Đại sứ Nga tại Mỹ cũng cho rằng, Nhà Trắng và lực lượng báo chí trung thành với chính quyền Mỹ bày trò buộc tội “Nga can thiệp” vào các chiến dịch tiêm vaccine ở Mỹ chỉ đơn giản để lôi kéo sự chú ý của các công dân ở nước này ra khỏi các vấn đề gay cấn mà Nhà Trắng đang loay hoay mãi vẫn chưa giải quyết được...

“Chuyện không có gì phải ầm ĩ” (như tên một vở kịch của William Shakespeare) nhưng lại gây nên những hệ lụy rất xấu trong quan hệ trên trường quốc tế.

HỒNG THANH QUANG