Ngay sau khi thỏa thuận “chia tay” mà Thủ tướng Theresa May và Liên minh châu Âu (EU) phải mất tới hai năm đàm phán mới ký kết được vào tháng 11-2018, cuối cùng lại “chết yểu” tại Quốc hội Anh, người ta đã nghĩ đến 3 kịch bản mà nước Anh phải đối mặt. Tổng tuyển cử trước thời hạn chính là một trong số đó. Rõ ràng vào thời điểm “nước sôi lửa bỏng”, việc bỏ phiếu chống lại chính phủ sẽ là kịch bản “lợi bất cập hại”. Bất tín nhiệm chính phủ để mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn sẽ chỉ khiến mọi chuyện đình trệ, làm vị thế của London thêm sa sút khi mà thời hạn Brexit đang đến gần. Tổng tuyển cử trước thời hạn và khả năng thay đổi đảng cầm quyền không đem lại lợi ích gì mà chỉ gây thêm chia rẽ trong nội bộ nước Anh, khiến tình hình càng trở nên “rối như canh hẹ” trong bối cảnh hơn lúc nào hết nước Anh đang cần sự đoàn kết và ổn định để cùng vượt qua giai đoạn nhiều thách thức hiện nay.
Tuy nhiên, cho dù có loại bỏ được kịch bản tổng tuyển cử trước thời hạn đi chăng nữa thì vẫn còn hai kịch bản khác đang treo lơ lửng trên đầu nước Anh. Đó là tổ chức lại một cuộc trưng cầu ý dân về Brexit hoặc một Brexit “cứng” (tức là không có thỏa thuận nào). Một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai-vốn phải mất hơn một năm mới có thể tổ chức được, cũng đồng nghĩa với việc Anh không thể nào tuân thủ thời hạn rời EU vào ngày 29-3 tới. Đó là chưa kể tới việc liệu rằng một cuộc trưng cầu ý dân mới có nói lên đúng nguyện vọng của người dân hay chỉ làm gia tăng bất ổn và chia rẽ?
Chính vì lẽ đó, kịch bản được nhắc đến nhiều nhất hiện nay là một Brexit “cứng”. Không đạt được thỏa thuận cũng đồng nghĩa với việc không có giai đoạn chuyển tiếp, Anh phải lập tức ra khỏi liên minh thuế quan châu Âu. Với kịch bản này, London mặc nhiên phải từ bỏ 750 thỏa thuận quốc tế, kể cả thỏa thuận về thị trường chung châu Âu trong khi Brussels sẽ tái lập các hàng rào thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu đối với hàng hóa của Anh bán sang thị trường chung châu Âu. Dĩ nhiên, mọi chuyện sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều cho cả đôi bên.
Một Brexit “cứng” có thể gây chấn động phần còn lại của châu lục ở nhiều phương diện mà nhiều người dân EU chưa ý thức được, từ giao thông hàng không hỗn loạn tới các cảng biển bị tê liệt và số phận bấp bênh của hàng triệu công nhân. Nhằm ứng phó với kịch bản này, các quốc gia EU đang chi hàng triệu USD, tuyển hàng nghìn công nhân và ban hành các quy định khẩn cấp. Ví dụ như Pháp đã kích hoạt kế hoạch chi 50 triệu euro đầu tư vào các cảng biển và sân bay “bị ảnh hưởng nhiều nhất”. Theo Thủ tướng Edouard Philippe, một số cảng sẽ được xây dựng thêm nơi đỗ ô tô, một số cảng khác sẽ được trang bị các hạ tầng để phục vụ công tác kiểm tra hải quan. Ngoài ra, nước này cũng lên kế hoạch tuyển dụng hàng trăm nhân viên hải quan và thanh tra thú y. Trong khi đó, cơ quan hải quan Hà Lan đang lên kế hoạch tuyển dụng khoảng 900 nhân viên mới, cũng như đang tìm kiếm các bác sĩ thú y giỏi để phụ trách kiểm tra việc nhập khẩu động vật. Cộng hòa Czech và Slovakia cũng đang tích cực xúc tiến đạo luật về các quyền ngắn hạn của các công dân Anh.
Nói là vậy, thế nhưng không hẳn là mọi cánh cửa đã đóng lại với Anh và EU. Cả London và Brussels vẫn có khả năng tránh được kịch bản Brexit “cứng” cho dù “khe cửa” khá hẹp. Các lãnh đạo EU tuy khẳng định sẽ không đàm phán lại một thỏa thuận nào với Anh nhưng có thể trì hoãn thời hạn Brexit nếu Thủ tướng Theresa May có một kế hoạch rõ ràng. Nhờ đó, nước Anh cũng có thêm thời gian để tìm tiếng nói chung cho Brexit “một cách có trật tự”.
HOÀNG VŨ