Trong 10 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, ông Joe Biden dự kiến sẽ ban hành ngay 10 lệnh hành pháp liên quan đến những vấn đề mà ông và Đảng Dân chủ coi là nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện đại nước Mỹ là khủng hoảng y tế do Covid-19, khủng hoảng về kinh tế, khí hậu và sắc tộc. Đáng chú ý là các sắc lệnh này của ông Joe Biden sẽ đảo ngược toàn bộ những chính sách mà người tiền nhiệm Donald Trump từng thực hiện.
Trái với vị tân tổng thống đang nóng lòng muốn khẳng định ngay uy quyền, ông Donald Trump lại dành những ngày ít ỏi còn lại trong Nhà Trắng để quyết đánh dấu di sản 4 năm cầm quyền của mình. Dù thời gian eo hẹp, ông Donald Trump cũng kịp “gắn mác” nhiều chính sách, từ cho phép khai thác tại Bắc Cực để bảo vệ ngành khoan dầu nội địa, thăm bức tường trên biên giới với Mexico để chứng tỏ cam kết “cải tổ hệ thống nhập cư”, đến ký hàng loạt các quyết định cứng rắn nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc, như: Đạo luật cho phép hủy niêm yết cổ phiếu của các công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch chứng khoán ở Mỹ, cấm doanh nghiệp Mỹ giao dịch với 8 ứng dụng Trung Quốc...
 |
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: CNN. |
Thực tế thì không phải đợi đến thời điểm chuyển giao quyền lực, sự đối đầu mới lộ rõ. 4 năm qua, chính trường nước Mỹ luôn là chiến trường quyết đấu giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, giữa ông Donald Trump và các đối thủ, trong đó có ông Joe Biden. Sự khác biệt “như nước với lửa” có thể cảm nhận trong hầu hết các vấn đề, từ đối nội đến đối ngoại. Trong cuốn hồi ký “Vùng đất hứa” ra mắt tháng 11 năm ngoái, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận: “Nền dân chủ của chúng ta dường như đang loạng choạng bên bờ khủng hoảng-một cuộc khủng hoảng đã bám rễ trong cuộc tranh cãi giữa hai tầm nhìn đối lập nhau về chuyện nước Mỹ thế nào và nên như thế nào”.
Nay khi quyền lực đã nằm trong tay, ông Joe Biden quyết tìm cách khép lại sự khác biệt này. Nếu như thông điệp “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, “Nước Mỹ trên hết” của ông Donald Trump từng gây nhiều tranh cãi, đối đầu, thì khẩu hiệu “Xây dựng lại tốt hơn” của ông Joe Biden hướng tới hàn gắn sự chia rẽ, cả trong lòng nước Mỹ và với thế giới, điều mà ông Joe Biden cho rằng người tiền nhiệm đã gây ra cho nước Mỹ.
Trong bối cảnh Mỹ đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức, từ virus corona tới khủng hoảng kinh tế, bất bình đẳng về sắc tộc..., ông Joe Biden đặt trọng tâm trước hết vào nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Khác với ông Donald Trump, ông Joe Biden hướng tới các biện pháp nghiêm ngặt hơn, như: Tiến hành chương trình truy vết toàn quốc Covid-19, ban hành lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở các cơ quan liên bang, quy định chặt chẽ việc đi lại giữa các tiểu bang...
Trước thực tế các cuộc biểu tình về chủng tộc liên tục diễn ra ở Mỹ, ông Joe Biden cho rằng, cần giải quyết nạn phân biệt chủng tộc bằng các chương trình kinh tế-xã hội hỗ trợ cộng đồng thiểu số. Trong vấn đề nhập cư, ông Joe Biden sẽ đảo ngược sắc lệnh của ông Donald Trump cấm nhập cảnh vào Mỹ với người dân từ 7 quốc gia Hồi giáo, đồng thời khôi phục chương trình “Dreamers” cho phép con cái của những người nhập cư không có giấy tờ được ở lại Mỹ mà không bị trục xuất.
Lĩnh vực đối ngoại còn thay đổi nhiều hơn. Ông Joe Biden từng tuyên bố “một ngày sau cuộc bầu cử” sẽ bắt tay ngay vào xây dựng lại mối quan hệ vốn bị rạn nứt với các đồng minh, điều mà ông Joe Biden cáo buộc là hệ quả từ cách tiếp cận của ông Donald Trump khiến “nước Mỹ trở nên đơn độc”. Trong tầm nhìn của ông Joe Biden, thế giới tương lai sẽ truyền thống hơn, dựa trên các thể chế quốc tế được thiết lập sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai và các giá trị dân chủ mà phương Tây chia sẻ. Đó là thế giới của những liên minh toàn cầu chống lại các mối đe dọa xuyên quốc gia, với sự dẫn dắt của Mỹ để bảo đảm vai trò cũng như lợi ích của Mỹ.
Đối nghịch với chính sách cô lập không ngần ngại của ông Donald Trump, ông Joe Biden sẽ quay lại chủ nghĩa đa phương, tìm cách tái dựng quan hệ với các đồng minh, nhất là với khối NATO. Nhìn nhận biến đổi khí hậu là mối đe dọa sống còn, ông Joe Biden sẽ đưa nước Mỹ quay trở lại Thỏa thuận khí hậu Paris mà ông Donald Trump rút khỏi năm 2019, đồng thời kêu gọi cả thế giới cùng hành động nhanh chóng để giảm khí thải nhà kính làm Trái Đất nóng lên.
Tất nhiên, hiện thực hóa tham vọng này không dễ, xóa bỏ di sản của ông Donald Trump không đơn giản chỉ đặt bút ký là xong. Trước khi rời nhiệm sở, ông Donald Trump cũng đã làm nhiều việc nhằm “trói tay” người kế nhiệm. Đơn giản như muốn thay đổi trong luật thuế mà ông Donald Trump áp dụng đòi hỏi phải có sự phê chuẩn của quốc hội. Cải cách thuế cũng không thể diễn ra trong ngắn hạn do đây không phải là ưu tiên của Đảng Dân chủ giữa đại dịch Covid-19.
Thuận lợi là Đảng Dân chủ hiện đang kiểm soát Hạ viện và có chút ưu thế tại Thượng viện. Lợi thế này giúp ông Joe Biden có thể đưa các chính sách của mình vào thực tế thông qua các luật, chứ không phải nhờ đến các sắc lệnh hành pháp của tổng thống vốn dễ bị tòa án ngăn lại. Khép lại hai tầm nhìn đối lập nhau về nước Mỹ không thể là câu chuyện “một sớm một chiều”. Ông Joe Biden sẽ phải làm nhiều việc và 100 ngày nắm quyền đầu tiên sẽ là thử thách đầu tiên với mục tiêu xây dựng nước Mỹ “trở lại tốt đẹp hơn” như ông tuyên bố.
TƯỜNG LINH