Tiếp sau Italy, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, nhiều quốc gia châu Âu khác cũng tuyên bố “đóng cửa”. Giấc mơ “châu Âu không biên giới” bỗng bị đe dọa bởi loại virus nguy hiểm này. Nếu như đóng cửa biên giới có thể hiểu như biện pháp chống dịch, thì cái cách các nước vội vã khép cửa nhà mình trong cơn đại dịch đang đặt câu hỏi về mối liên kết của một trong những liên minh được coi là thành công nhất trên thế giới.

7 thập kỷ trước, khi đặt những viên gạch đầu tiên cho móng của “ngôi nhà chung châu Âu”, các kiến trúc sư đã vẽ nên một châu Âu thoát khỏi những ranh giới hữu hình vốn chia cắt châu lục hàng thế kỷ. Họ tin rằng trong một “châu Âu không biên giới”, sự liên kết sẽ khơi những nguồn lực nhỏ lẻ của từng quốc gia cùng chảy vào một dòng sông lớn, tạo nên sức mạnh mà bất cứ đối thủ nào cũng phải kiêng nể.

leftcenterrightdel

Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Milan, Italy, ngày 2-3-2020. Ảnh: THX/TTXVN.

Nhưng đúng vào thời điểm thử thách khi dịch Covid-19 lên đỉnh, đòi hỏi sự đồng cảm, chia sẻ và chung tay của cả châu lục, dòng sông lớn đó lại bất ngờ ngừng chảy. Khi số ca nhiễm virus và tử vong tăng chóng mặt khiến Italy không kịp trở tay, nước này buộc phải kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) trợ giúp khẩn cấp thiết bị bảo hộ y tế và 55 triệu khẩu trang. Thế nhưng, đáp lại lời kêu gọi khẩn cấp ấy là sự im lặng, ngoại trừ Đức đồng ý viện trợ với con số ít ỏi: 1 triệu khẩu trang do sức ép của Ủy ban châu Âu (EC). Đất nước Italy lúc lâm nguy đã không tìm được sự che chở dưới mái nhà chung EU.

Báo chí châu Âu thậm chí còn mô tả một số nước EU phong tỏa biên giới không chỉ nhằm hạn chế virus lây lan mà còn để ngăn công dân nước khác đổ sang mua hàng tích trữ. Thực tế phũ phàng đó khiến bà Usula Von der Layen, Chủ tịch EC, phải lên tiếng chỉ trích gay gắt tình trạng đơn phương cấm nhập cảnh của một số nước thành viên, làm gián đoạn việc cung cấp thiết bị y tế đến với người bệnh.

Người ta có thể đổ lỗi cho các nhà lãnh đạo EU đã đánh giá thấp sự bùng nổ của bệnh dịch, lại chậm trễ trong các đối sách khiến châu Âu bất ngờ, bị động và rơi vào rối loạn. Cũng có người tìm lời giải thích cho lý do dịch bệnh bùng phát đến bất ngờ ở châu Âu là do tính cách của người dân châu lục này, nhất là giới trẻ, vốn quen với lối sống tràn đầy sinh khí giao lưu khiến việc kiểm soát nguy cơ lây nhiễm chéo gặp nhiều khó khăn.

Đúng là có thực tế khi Covid-19 bùng phát mạnh ở Italy và lan rộng khắp châu lục, EU đã không đưa ra một quyết sách đáng chú ý nào để ngăn chặn dịch bệnh. Đúng là trong thời đại dịch, sự đi lại cũng như luân chuyển nguồn nhân lực một cách tự do trong EU theo Hiệp ước Schengen đã trở thành “cánh cửa lớn” để virus tràn khắp châu lục. Nhưng thiếu đoàn kết chống dịch là thực tế không thể phủ nhận.

Cứ nhìn cái cách Italy bị “bỏ rơi”, theo mô tả của báo chí châu Âu, là thấy tiêu chí “liên minh, đoàn kết” trong EU đang có vấn đề. Dịch bệnh tràn qua đã làm lộ rõ thực tế là nhiều nước theo đuổi phương châm “tự lo thân mình” trước khi “hỗ trợ người khác”. Mỗi nước hành động một cách và những bước đi rời rạc đó làm tăng cảm giác về sự tách biệt và chia rẽ. Bà Chủ tịch EC đã phải thừa nhận rằng đây là cách tiếp cận đáng ngại, nhất là trong lúc châu Âu cần đoàn kết để vượt qua khó khăn.

Tình đoàn kết và gắn bó vốn được coi là niềm tự hào của EU đã bị “phép thử” - Covid-19 vạch rõ những hạn chế mà người ta từng thấy trong khủng hoảng nợ công (năm 2009), khủng hoảng di cư (năm 2014). Khiếm khuyết này sẽ góp phần khoét sâu thêm mâu thuẫn trong EU, tạo cớ cho những người phản đối mô hình liên minh tấn công những mục tiêu mà EU theo đuổi. Giờ còn quá sớm để dự báo hết những hậu quả của đại dịch Covid-19 với châu Âu, nhưng chắc chắn ngoài những con số thương vong, những thiệt hại kinh tế, thì chính trị sẽ là lĩnh vực bị tác động mạnh với những thay đổi đáng ngại.

Sau những chậm trễ lúc đầu, châu Âu đã cùng nhau gồng mình chống dịch. Các “tuyến đường xanh” ưu tiên cho giao thông thiết yếu nhằm bảo đảm vận chuyển hàng hóa thông suốt trong khu vực đã được thiết lập. EU cũng lên kế hoạch phối hợp mua thiết bị y tế chung cho các nước thành viên. Giữa tâm dịch châu Âu, người dân Italy đã hát cùng nhau từ ban công tách biệt của họ để thể hiện sự chia sẻ và đoàn kết, sự giúp đỡ từ các nước cũng đã đến với Italy.

Dịch bệnh rồi cũng qua đi, nhịp sống thanh bình rồi sẽ trở lại. Nhưng câu chuyện Italy kiệt sức vì đơn độc trong cuộc chiến với Covid-19; khi tình trạng quá tải, thiếu giường bệnh và vật tư y tế đã khiến các bác sĩ phải đưa ra “sự lựa chọn sinh tử” xem cứu chữa ai sẽ là vết đen trong trang sử “nhất thể hóa châu Âu”. Nó nhắc nhở người ta rằng, “giấc mơ không biên giới” phải bắt đầu từ không biên giới giữa những trái tim.

TƯỜNG LINH