Phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Sarkozy bắt đầu từ cuối tháng 11-2020 vì những nghi ngờ về việc khi còn làm chủ Điện Elysee, chính trị gia đầy ảnh hưởng này đã mưu toan tác động tới quá trình điều tra về những khoản đóng góp của bà Liliane Bettencourt cho quỹ vận động tranh cử tổng thống của ông. Bà Liliane Bettencourt, chủ hãng mỹ phẩm L’Oreal, là người thừa kế và doanh nhân được Tạp chí Forbes đánh giá là người phụ nữ giàu nhất trong lịch sử. Theo hồ sơ tòa án, năm 2014, ông Sarkozy đã thông qua luật sư của mình là ông Thierry Herzog, móc nối với thẩm phán Gilbert Azibert, khi đó là một thành viên của Tòa phá án, để có được những thông tin nội bộ về quá trình điều tra. Đổi lại, ông hứa sẽ giúp ông Azibert lên chức và giành một vị trí lãnh đạo tại công quốc Monaco. Quan tòa khi tuyên án đã nhấn mạnh rằng, ông Sarkozy “thừa biết là mình đang làm việc xấu”, tuy nhiên, bản thân ông Sarkozy tại tòa đã chối bỏ toàn bộ lời buộc tội này. Và ông có 10 ngày để kháng án.

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Ảnh: The Washington Post.

Các đồng phạm của ông Sarkozy là luật sư Thierry Herzog và thẩm phán Gilbert Azibert cũng phải đối mặt với một bản án tương tự. Tòa án Paris cho rằng, một “hiệp ước tham nhũng” đã được ký giữa 3 người. Hai nhân vật này cũng tuyên bố sẽ kháng án.

Tất nhiên, trong chuyện gì cũng có ngoại lệ và ông Sarkozy vẫn còn cơ hội để tránh phải vào tù. Theo luật lệ ở Pháp, những công dân bị kết án dưới hai năm tù giam có thể được theo chế độ tù tại gia với điều kiện là đeo trên mình một vòng điện tử. Vấn đề thay đổi hình thức thụ án sẽ được quyết định sau khi xem xét mọi lời kháng án. Và quyết định thích đáng sẽ được quan tòa đưa ra sau kiến nghị của bị cáo hoặc theo chính quan điểm của mình.

Ông Sarkozy làm chủ Điện Elysee từ năm 2007 đến 2012. Trong lịch sử của nền cộng hòa thứ 5 ở Pháp (bắt đầu từ năm 1958 tới nay), đây là lần thứ hai một cựu nguyên thủ quốc gia phải đối mặt với lời buộc tội tham nhũng. Hệ thống tư pháp ở Pháp đã không chỉ một lần đụng chạm tới các quan chức ở cấp rất cao. Năm 2011, Tổng thống Jacques Chirac, chủ nhân ông của Điện Elysee từ năm 1995 đến 2007, đã bị kết án hai năm tù treo vì tội lạm quyền và lãng phí của công từ các quỹ xã hội trong giai đoạn ông còn làm thị trưởng Paris. Tuy nhiên, ông Chirac do tình trạng sức khỏe đã không có mặt tại phiên tòa xét xử mình. Và năm 2019, cựu Tổng thống Chirac đã qua đời ở tuổi 86. Cựu Thủ tướng Francois Fillon trong giai đoạn 2007-2012, tức là dưới thời Tổng thống Sarkozy, đã bị kết án 5 năm tù (trong đó có 3 năm tù treo) vào tháng 6-2020 cũng vì tội biển thủ. Bà Christine Lagarde, hiện đang lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu, cũng từng bị kết án vì tội vô trách nhiệm và tham nhũng khi còn là Bộ trưởng Tài chính của nước Pháp. Còn ông Jerome Cahuzak, Bộ trưởng Bộ Ngân sách trong nội các của Tổng thống Francois Holland năm 2016 cũng đã bị kết án 3 năm tù vì tội trốn thuế.

Đó mới chỉ là một phần những rắc rối pháp lý mà cựu Tổng thống Sarkozy bị buộc vào. Hiện nay, Viện Kiểm sát tài chính quốc gia Pháp đang chuẩn bị hồ sơ cho một vụ án khác liên quan tới ông Sarkozy. Ông bị nghi ngờ là đã hỗ trợ bất hợp pháp cho quyền lợi của một công ty Nga. Đó là bản hợp đồng trị giá 3 triệu euro mà ông ký với công ty bảo hiểm Nga PECO-Garantia. Cổ đông của công ty Nga này là tập đoàn Pháp Axa, một khách hàng sộp của văn phòng luật Realyze do chính ông Sarkozy lập nên. Cơ quan điều tra cho rằng ông Sarkozy không phải đã đóng vai trò tư vấn mà đã lạm dụng ảnh hưởng để lobby cho quyền lợi của các ông chủ Nga bằng ảnh hưởng cựu nguyên thủ quốc gia của mình.

Các điều tra viên thoạt tiên nghi ngờ rằng ông Sarkozy đã vượt qua giới hạn nhận tài trợ cho các chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của mình năm 2007 và 2012. Cụ thể, ông bị buộc tội đã nhận bất hợp pháp các khoản tiền lớn ngoài hạn định từ bà Liliane Bettencourt và nhà lãnh đạo Lybia, Muammar Gaddafi. Người ta nghi rằng ông Sarkozy đã nhận từ bà Bettencourt 150.000 euro và từ ông Gaddafi tới 50 triệu euro. Trong khi đó, tại Pháp đã có giới hạn tối đa của những đóng góp từ một cá nhân là ở mức 4.600 euro. Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử thì những lời buộc tội liên quan tới bà Bettencourt đã bị bác bỏ, còn những lời buộc tội liên quan tới ông Gaddafi cũng bị rút lại.

Mặc dầu vậy, trong khuôn khổ điều tra về hỗ trợ tài chính cho chiến dịch vận động tranh cử của ông Sarkozy năm 2007, các điều tra viên đã có được quyền nghe lén điện thoại của ông Sarkozy và ông Herzog. Và họ biết được rằng hai người này đã có những cuộc trò chuyện với nhau bằng những số điện thoại của các tên họ giả. Thông qua nội dung của những cuộc trò chuyện đó, các điều tra viên đã lập ra lời buộc tội về việc mưu toan tác động tới diễn tiến quá trình điều tra về những khoản đóng góp của bà Bettencourt. Chính vì thế nên “họa vô đơn chí”, trong tháng 3 này, ông Sarkozy còn phải ra tòa thêm một lần nữa. Ông cùng các đồng sự của mình đang phải đối mặt với lời buộc tội về việc nhận tài trợ bất hợp pháp cho chiến dịch vận động tranh cử năm 2012. Và dù thế, vẫn bị thất bại trong cuộc bầu cử năm 2012.

Với vụ án xét xử ông Sarkozy, hệ thống tư pháp ở những quốc gia như nước Pháp vẫn đang cố gắng để đánh bạt đi những hoài nghi của người dân về việc trong thời đại hiện nay, các chính trị gia đắc thế có thể lộng quyền vượt qua mọi rào cản pháp lý vì quyền lợi cá nhân. Tham nhũng ở cấp nào cũng có thể bị xử lý nếu có đủ chứng cớ. Mong sao, đó không chỉ là những ví dụ đơn lẻ...

HỒNG THANH QUANG