Có một điều trớ trêu là tỷ lệ người có cảm tình với Moscow ở mức cao nhất lại chính trong giai đoạn hậu cải tổ, khi Liên bang Xô viết bị đẩy vào quá trình tan rã. Phương Tây đã tỏ ra quý mến vị tổng thống đầu tiên và cũng là cuối cùng của Liên Xô, Mikhail Gorbachev, vì chính ông này đã bó tay thúc thủ trước mọi việc diễn ra để kết liễu siêu cường vào loại hàng đầu mà ông ta đã có trách nhiệm lãnh đạo và bảo vệ. Chính sách quỵ lụy ngoại bang của vị tổng thống đầu tiên ở nước Nga thời “hậu Xô viết” Boris Yeltsin cũng khiến phương Tây một thời đắc chí xoa đầu Điện Kremli.

leftcenterrightdel
Tổng thống Nga Putin đọc thông điệp quốc gia ngày 21-4. Ảnh: REUTERS 

Thế nhưng, với Tổng thống Vladimir Putin, mọi sự đã thay đổi. Ở giai đoạn hiện nay, bất chấp những biện pháp cấm vận khắc nghiệt mà phương Tây đang áp đặt đối với Moscow và những trò khiêu khích đủ loại, Điện Kremli vẫn nhất quán một đường lối đối ngoại riêng để dần khôi phục lại danh vọng cũ. Trong Thông điệp Liên bang ngày 21-4 vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin đã nhấn mạnh rằng, nước Nga muốn có quan hệ tốt với tất cả các thành viên tham gia quá trình quốc tế, nhưng đối với những ai coi đó là dấu hiệu của sự yếu thế và khiêu khích thì phản ứng đáp lại sẽ là rất đích đáng: “Tôi hy vọng rằng sẽ không ai cả gan vượt qua ranh giới đỏ, còn việc ở đâu đã có sự vượt qua đó thì chúng tôi sẽ tự xác định...”. Ranh giới đỏ đó là gì? Theo lời Người phát ngôn Điện Kremli Dmitry Peskov, đó là những lợi ích quốc gia của người Nga, lợi ích về an ninh đối ngoại, lợi ích về an ninh đối nội, không để bất cứ ai từ bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ, dù đó là các cuộc bầu cử hay những quá trình chính trị nội bộ khác. Và đó cũng là sự làm tổn hại các lợi ích kinh tế của người Nga.

Thực tế cho thấy, hiện nay Moscow có vẻ như đơn độc. Theo một cuộc điều tra xã hội, tại châu Âu, tỷ lệ số người được hỏi ý kiến bày tỏ thái độ tiêu cực đối với Moscow cao nhất là ở Anh, Hà Lan, Thụy Điển và Đan Mạch (từ 85% tới 70%). Còn theo nhận định của nhà chính trị học nổi tiếng người Nga Georgi Bovt trên tờ Luận chứng và sự kiện gần đây, danh sách “bạn bè và kẻ thù” của nước Nga không có nhiều thay đổi theo dòng thời gian. Theo số liệu của trung tâm thăm dò dư luận xã hội quốc tế Pew Research, tại Pháp khoảng 15-20 năm trước đây, đã có khoảng một phần ba số người được hỏi ý kiến ngỏ ý tốt khi nói về Moscow. Và giờ thì tỷ lệ này vẫn gần như ở nguyên mức cũ (trong khi tỷ lệ những người có thái độ tiêu cực đối với nước Nga là khoảng 55-58%). Người Thụy Điển thì ở thời của Pyotr Đại đế cũng đã không thích nước Nga như ở thời nay, khi ông V.Putin làm chủ Điện Kremli: Tỷ lệ người có cảm tình với nước Nga chỉ ở mức 16%, dù rằng “trong hai mươi năm gần đây, chúng ta không hề lấy cái gì của nước Thụy Điển...”! Cũng theo ông Bovt, chỉ có ở Đức thì mới có những thay đổi: Nếu ở năm 2010 đã có tới 50% số người Đức được hỏi ý kiến bày tỏ cảm tình với nước Nga thì hiện nay đang có hơn 60% ác cảm với nước Nga.

Ngày 23-7, trong khuôn khổ cuộc hội thảo online “Chính sách đối ngoại của nước Nga: Thành tích, thách thức, nhiệm vụ và triển vọng” diễn ra trên nền tảng của Đảng Nước Nga thống nhất, khi nói về những điều kiện chính trị ngoài nước mà cuộc vận động tranh cử vào Duma Quốc gia Nga đang phải đối mặt, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã nhấn mạnh rằng, phương Tây luôn dùng mọi thủ đoạn để làm cho nước Nga bị rối tâm loạn trí: “Họ sử dụng vô số thủ đoạn xấu xa, trong đó có những việc ăn không nói có, vu oan giá họa”. Ông Lavrov cũng nhận xét rằng, các chuyên gia chính trị phương Tây đã tự đặt ra nhiệm vụ tạo nên một “vòng đai bất ổn” xung quanh nước Nga: “Họ buộc những dân tộc anh em, những láng giềng gần gũi của chúng ta phải đưa ra những lựa chọn: Hoặc là với nước Nga, hoặc là với phương Tây. Kế hoạch rất rõ ràng: Quây kín nước ta bằng một kiểu hàng rào phòng dịch. Và còn có thể trục lợi từ ảnh hưởng quyết định đối với sự phát triển của những nước giáp biên giới với chúng ta”. Ông Lavrov nhận xét, các nước phương Tây không thích nước Nga vì Moscow đã khiến họ không thể còn ảo tưởng gì về con đường mà nước Nga sẽ phát triển sau khi Liên Xô tan rã. Thái độ kỳ thị đó thể hiện trong các lĩnh vực khác nhau. Và để tạo nên một “hàng rào” như thế, phương Tây bắt buộc phải bỏ qua chính những nguyên tắc của họ: “Họ phải mắt lấp tai ngơ trước hành vi của các nước bị mình bảo trợ: Ukraine, những nước cộng hòa vùng Baltic. Đối với những quốc gia luôn lớn tiếng khoe khoang tôn trọng nhân quyền, đối với nền văn minh Âu châu vĩ đại thì việc đó thật đáng xấu hổ”. 

Theo lời của ông Lavrov, nước Nga không bao giờ đóng cửa trước bất kỳ ai, không muốn trở thành “người lữ hành đơn độc” trên trường quốc tế. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga cũng nhấn mạnh rằng, người Nga hiện nay cũng cần phải làm quen với tình cảnh “không ai yêu chúng ta cả”: “Moscow không định quay về với cơ chế tự cách ly cũng như không muốn ra mặt công khai đối đầu. Lãnh đạo đất nước không để cho nước ta bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém mới. Chúng ta bây giờ đã có đủ mọi thứ để bảo vệ chủ quyền. Moscow đã thấu hiểu những bài học từ thập niên 1980 và 1990, khi những nhượng bộ của chúng ta đã bị coi như những dấu hiệu yếu thế...”.\

HỒNG THANH QUANG