Ngay từ trung tuần tháng 4, chủ nhân của Nhà Trắng qua điện thoại đã bày tỏ ý muốn gặp gỡ với người đứng đầu Điện Kremli để thảo luận về những vấn đề đã tích tụ lại trong quan hệ giữa hai nước tại “một nước thứ ba ở châu Âu”. Có thể đó là Czech, Iceland, Slovenia, Azerbajan, hoặc Thụy Sĩ. Theo kế hoạch đã xác định, vào trung tuần tháng 6, ông J.Biden có chuyến công du về “thế giới cũ” và chính trong khoảng thời gian này, Tổng thống Mỹ có thể sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Nga...      

Cho tới giữa tháng 5, Moscow chưa chính thức xác nhận kế hoạch này nhưng có lẽ mọi sự đang dần tiến tới việc trực tiếp gặp nhau của hai nguyên thủ quốc gia để có thể thảo luận hiệu quả hơn về những phương thức khắc phục phần nào các trở ngại trong quan hệ song phương nói riêng và trong các quan hệ giữa Moscow với phương Tây nói chung...     

Thực tế là quan hệ giữa Nga với hàng loạt nước phương Tây, trong đó cả Mỹ, đang ngày xấu đi. Tháng 4 vừa qua, chính ông J.Biden đã ký sắc lệnh áp dụng những biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow. Washington cũng đã trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga ra khỏi nước Mỹ. Moscow tất nhiên cũng có những biện pháp đáp trả tương ứng và ra lệnh cấm nhập cảnh đối với một số quan chức và cựu quan chức cấp cao của Mỹ... Một số quốc gia ở Đông Âu mang trong mình tư tưởng “bảo hoàng hơn vua” cũng “gây sự” với Nga bằng những quyết định tương tự theo cách của Mỹ...   

leftcenterrightdel
Ông Biden khi còn là Phó Tổng thống Mỹ trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin tại Moscow hồi tháng 3-2011. Ảnh: AP 

Có lẽ cũng là để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ sắp tới nên tại Reykjavik, thủ đô Iceland, đã diễn ra cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ A.Blinken. Ngày 20-5, Ngoại trưởng Nga S.Lavrov đã đánh giá tích cực về cuộc gặp này với người đồng nghiệp Mỹ ở Reykjavik, vì theo ông, “nó có tính xây dựng”. Ông S.Lavrov cho rằng, đã có quá nhiều “tắc nghẽn” trong quan hệ Nga-Mỹ và “thông tuyến” là việc hoàn toàn không đơn giản. Moscow hiện sẵn sàng xem xét và giải quyết bất cứ vấn đề nào trong chương trình nghị sự song phương, kể cả những vấn đề khu vực và toàn cầu, những cuộc xung đột và khủng hoảng. Hai ngoại trưởng khi gặp nhau cũng đã đề cập tới chủ đề “sự có mặt” về ngoại  giao của nước Nga ở Mỹ và của nước Mỹ ở Nga... Đây là một chủ đề nhạy cảm trong quan hệ hai nước.

Theo lời ông S.Lavrov, câu chuyện “ăn miếng trả miếng” đó đã bắt đầu từ thời của vị tổng thống thứ 44 Barack Obama. Trước khi rời Nhà Trắng, chính ông B.Obama đã tịch thu "như trấn lột” những tài sản ngoại giao của nước Nga tại Mỹ và trục xuất những nhà ngoại giao Nga cùng gia đình của họ “một cách thô bạo”. Nhưng ở thời điểm đó, Moscow đã “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì hy vọng rằng chính quyền mới của vị tổng thống thứ 45 Donnald Trump sẽ thay đổi quyết định của người tiền nhiệm. Thế nhưng, việc đó đã không xảy ra. Trái lại, năm 2017, Nhà Trắng lại đưa ra những quyết định mới “phản ngoại giao” chống lại nước Nga. Vì thế, Moscow đã phải đáp trả bằng những hành động tương ứng. Câu chuyện đó không thể khiến cho bên nào cảm thấy dễ chịu cả. Hiện nay, đã tới lúc mà cả Moscow lẫn Washington đều nhận thức rằng, không nên để mọi sự "quá mù ra mưa" thêm nữa. Và trong cuộc gặp tại Reykjavik vừa qua, hai ngoại trưởng Nga và Mỹ đã khẳng định rằng, họ sẽ chuẩn bị những đề nghị cho cuộc gặp thượng đỉnh hai nước sắp tới về những vấn đề này và việc phát triển đối thoại về sự ổn định chiến lược. Đó mới là điều khiến đại đa số các quốc gia trong cộng đồng quốc tế quan tâm...       

Cũng tại Reykjavik, ông S.Lavrov và ông A.Blinken đã đạt được thỏa thuận về việc tiếp tục tạo thêm hiệu quả cho những hoạt động chung đối với các cuộc xung đột khu vực, nơi mà lợi ích của Nga và Mỹ trùng hợp, thí dụ như ở Afghanistan, trong chương trình hạt nhân của Iran hay trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên...      

Ngoại trưởng Nga S.Lavrrov cho rằng, đó đã là một cuộc trò chuyện hữu ích: "Chúng tôi sẽ báo cáo với các tổng thống” và hy vọng rằng hai nguyên thủ quốc gia sẽ “xác định những con đường tiếp theo cho những nỗ lực chung để làm cải thiện tình cảnh rất không lành mạnh trong quan hệ hai nước”.     

 Trước đó, ngày 19-5, Ngoại trưởng Mỹ A.Blinken đã khẳng định lại rằng, Washington từ bỏ kế hoạch ban đầu là áp dụng những biện pháp cấm vận đối với dự án Nord Stream-2 và giám đốc điều hành Hãng Matias Varnig. Ông Blinken coi cách làm đó là phù hợp với lợi ích quốc gia của nước Mỹ. Nord Stream-2 là đường ống dẫn dầu từ Nga sang Đức rồi tiếp theo sang các nước Tây Âu khác, đi qua biển Baltic chứ không đi qua Ukraine và Ba Lan. Nord Stream-2 sẽ làm tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu từ Nga sang Tây Âu. Kiev và Warsaw đang lo lắng rằng, sau khi Nord Stream-2 được vận hành thì nước Nga sẽ giảm hoặc thậm chí sẽ dừng việc cung cấp khí đốt cho Tây Âu qua đường dẫn nằm trên lãnh thổ hai quốc gia này và như thế sẽ gây ra những thiệt hại kinh tế và địa chính  trị đối với Ukraine và Ba Lan...      

Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố rằng, Nord Stream-2 đã dính líu với hoạt động cần phải trừng phạt bằng những biện pháp cấm vận. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống J.Biden đã từ bỏ kế hoạch đó vì “lợi ích an ninh quốc gia”.

 Trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹcũng có nhấn mạnh rằng, phương thức duy nhất để ngăn chặn dự án này (hiện đã hoàn thành tới 95% khối lượng công việc) là áp dụng những biện pháp trừng phạt đối với những người tiêu thụ khí đốt ở CHLB Đức.  Tuy nhiên, Nhà Trắng hiện không muốn làm tổn thương tới những mối quan hệ với Berlin vì dự án Nord Stream-2, dù vẫn sẽ tiếp tục duy trì các sức ép bằng cấm vận đối với Nga...

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngay lập tức bày tỏ sự cảm ơn và tuyên bố rằng, một quyết định như thế đã tháo gỡ được rất nhiều khó khăn trong quan hệ giữa Đức với Mỹ. Người phát ngôn của Điện Kremli, Dmitri Peskov, cũng cho rằng, “đó tất nhiên là một tín hiệu tích cực”...

Nói cho cùng, làm lành thường vẫn là điều tốt đẹp hơn là chơi dữ... 

HỒNG THANH QUANG