Sự đụng độ công khai giữa Mỹ và Trung Quốc có thể cảm nhận rõ khi trong cuộc hội đàm cấp cao mới đây ở Thiên Tân (Trung Quốc), những tuyên bố kiểu “gây chiến” từng khiến dư luận bất ngờ tại cuộc gặp cấp ngoại trưởng ở Alaska (Mỹ), hồi tháng 3-2021, lại tái hiện. Trong khi Trung Quốc tuyên bố sẽ “hướng dẫn”Mỹ đối xử với các nước khác một cách công bằng, thì phía Mỹ đáp lại bằng khẳng định sẽ tiếp cận vấn đề Trung Quốc dựa trên vị thế “sức mạnh và sự đoàn kết”. Rời hội đàm, phía Trung Quốc thậm chí còn đặt lên bàn đàm phán hai bản yêu sách mà Bắc Kinh cho là Washington cần thực hiện để khắc phục mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước.
Khi ông Joe Biden bước vào Nhà Trắng, dư luận từng hy vọng quan hệ Mỹ-Trung, vốn băng giá bởi chính sách cứng rắn của người tiền nhiệm Donald Trump, sẽ có cơ hội tái khởi động. Tuy nhiên, điều đó không diễn ra trên thực tế. Thay vì những cái bắt tay ngoại giao và các hợp đồng kinh tế được ký kết, người ta chỉ thấy các đòn trừng phạt mà Mỹ và Trung Quốc liên tục tung ra. Gần đây nhất là vụ Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ áp các lệnh trừng phạt với 6 cá nhân, trong đó có cựu Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Louis Ross, Chủ tịch Ủy ban đánh giá an ninh, kinh tế Mỹ-Trung Carolyn Bartholomew... nhằm phản ứng trước cách hành xử mà Bắc Kinh coi là sai lầm của Washington với Hồng Công (Trung Quốc).
    |
 |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay Joe Biden, khi đó đang là Phó tổng thống Mỹ, tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh hồi tháng 12-2013. Ảnh: Reuters. |
Xem ra, quan hệ Mỹ-Trung đang ngày càng đối đầu và thiếu tin tưởng. Những lời chỉ trích hầu như xuất hiện hằng ngày trên báo chí hai nước. Tất nhiên, cạnh tranh Mỹ-Trung là tất yếu bởi hai nước đều là cường quốc kinh tế với tiềm lực quân sự hùng mạnh đang muốn giành vai trò ảnh hưởng toàn cầu. Nhưng điều đáng nói là cuộc đua Mỹ-Trung giờ không còn mang tư duy “cùng thắng”, mà có nguy cơ trở thành cuộc đối đầu không khoan nhượng, với mục tiêu là nhằm làm suy yếu sức mạnh kinh tế cũng như quân sự của nhau.
Trong con mắt của Washington, đối đầu Mỹ-Trung không còn đơn giản là những vấn đề hữu hình như tranh chấp thương mại hay cán cân quân sự, mà là các giá trị hai bên theo đuổi. Vì thế, Mỹ phải tiến hành một chiến lược quy mô chưa từng có nhằm đánh bại đối thủ hùng mạnh nhất mà nước Mỹ từng đương đầu là Trung Quốc. Mục tiêu đó được đặt ra từ dưới thời Tổng thống Donald Trump và được ông Joe Biden kế thừa nhưng với cách tiếp cận mang tính chiến lược hơn. Thay vì tiếp tục cổ xúy chủ nghĩa biệt lập với quan điểm “nước Mỹ trên hết” của người tiền nhiệm, ông Joe Biden chuyển sang khẩu hiệu “nước Mỹ đã trở lại”, tìm cách làm ấm lại các mối quan hệ đồng minh với các đối tác ở châu Âu và châu Á để đối đầu với Trung Quốc. Washington cũng đẩy nhanh sự định hình của những liên minh mới, như nhóm “Bộ tứ” gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia để triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm làm đối trọng với sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh không cho rằng mình phải ngồi “chiếu dưới”. Quan điểm của Bắc Kinh là “Phương Đông đang trỗi dậy và phương Tây đang suy yếu”. Vì thế, Trung Quốc sẽ “không cho phép bất kỳ ai bắt nạt, đàn áp hoặc khuất phục”. Trong các tuyên bố công khai và trên mạng xã hội, Bắc Kinh luôn chỉ trích các hành động của Mỹ như đơn phương áp đặt các lệnh trừng phạt và thuế quan với Trung Quốc, coi đó là những việc làm không xứng với vai trò được cho là “chuẩn mực quốc tế” của Mỹ. Thậm chí Trung Quốc còn tuyên bố thẳng: “Mỹ cần nhìn ra những thay đổi này, thích nghi với chúng, rút kinh nghiệm và sửa chữa những sai lầm trong quá khứ”. Bắc Kinh cũng không ngần ngại vạch ra những khiếm khuyết trong hệ thống của Mỹ như cách xử lý tệ hại trong đại dịch Covid-19, hay cuộc tấn công vào Điện Capitol (tòa nhà Quốc hội) sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ để khẳng định mô hình của Trung Quốc ưu việt hơn.
Trong bối cảnh đó, hy vọng về sự nhượng bộ của các bên là điều khó khăn. Cho đến nay, Mỹ và Trung Quốc dường như chưa thực sự thương lượng về bất cứ điều gì xung quanh những bất đồng, mà mới chỉ đặt ra các “lằn ranh đỏ” cảnh báo đối thủ không được vượt qua nếu như không muốn quan hệ đổ vỡ. Những ranh giới đó có thể thấy qua những yêu cầu mà Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đặt ra với phía Mỹ trong cuộc gặp vừa rồi tại Thiên Tân, bao gồm không thách thức hệ thống chính trị của Trung Quốc, không làm gián đoạn sự phát triển của Trung Quốc, không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc như Hồng Công, Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan.
Không vạch rõ “lằn ranh đỏ” như Trung Quốc nhưng mối quan tâm của Mỹ cũng toàn những vấn đề nhạy cảm. Đó là những hành động mà Washington cáo buộc là đi ngược lại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ như ở Hồng Công, Tân Cương và Tây Tạng; là các vấn đề như gián điệp kinh tế, tấn công trên không gian mạng hay những hành vi mà Mỹ coi là “không công bằng” trong lĩnh vực công nghệ cao. Washington cũng bày tỏ quan ngại về đối đầu căng thẳng giữa Trung Quốc với Australia, xung đột biên giới Trung-Ấn, tranh chấp trên Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Khi chưa bên nào thực sự cảm thấy cần phải tỏ ra có nhu cầu hợp tác, khó có thể hy vọng về việc Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm tìm được điểm chung để ổn định mối quan hệ. Những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc mới chỉ dừng lại như những động thái “dò đường” nhằm giúp các bên định hình rõ chiến lược cạnh tranh tổng thể Mỹ-Trung trong tương lai.
TƯỜNG LINH