Ngay từ cuối năm 2020, Ấn Độ và Nam Phi đã lên tiếng kêu gọi các nước sản xuất vaccine ngừa Covid-19 tạm thời từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ trong một thời gian để có thể giúp các quốc gia đối phó hiệu quả hơn với đại dịch. Ngày 5-5 vừa qua, tại phiên họp của Đại hội đồng WHO đã thông qua quyết định tiếp tục thảo luận về đề nghị này. Tuy nhiên, cho tới nay, WHO vẫn chưa đạt được sự thống nhất. Hiện chỉ có khoảng 60 trong số 164 thành viên WTO ủng hộ đề nghị đó.
Tháng 4 vừa qua, một số nhà khoa học nổi tiếng thế giới và các chính khách đã gửi tới Tổng thống Mỹ Joe Biden sáng kiến tạm dừng hiệu lực việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19. Theo tờ Washington Post, tại thủ đô của Mỹ, vấn đề này đang được thảo luận và ủng hộ sáng kiến trên là một số quan chức cao cấp thuộc Đảng Dân chủ, trong đó có cả đại diện chính thức của Hoa Kỳ tại các cuộc đàm phán thương mại, bà Katherine Tai...
    |
 |
Trong khi các cuộc va chạm quan điểm về quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine ngừa Covid-19 vẫn đang diễn ra thì đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành trên khắp thế giới. Ảnh: IranPress. |
Theo các thông tin trên truyền thông, cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều có thái độ tích cực đối với vấn đề này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng: “Kiến thức, đó là tài sản chung của toàn nhân loại. Trong khoa học, không có chỗ cho sự đố kỵ. Và trong câu chuyện liên quan tới sức khỏe của nhân loại thì sẽ là không đúng nếu tiếp cận vấn đề từ quan điểm “việc này do chúng tôi đã làm và chúng tôi sẽ không cho phép ai dính vào cả". Đó không phải là cách tiếp cận đúng đắn”. Ông Edorgan cũng cho biết, các nhà khoa học Thổ Nhĩ Kỳ đang nghiên cứu để có thể tự sản xuất vaccine ngừa Covid-19, dự kiến sử dụng rộng rãi vào mùa thu tới. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, ngày 5-5 vừa qua, ông tiến hành đàm phán với Tổng thống Nga về vaccine Sputnik-5 do Moscow sản xuất: “Chúng tôi sẽ nhận được từ đó một lượng lớn và sẽ cùng sản xuất chúng tại Thổ Nhĩ Kỳ”. Ông Edorgan cũng cho biết nước ông đang nhận được vaccine ngừa Covid-19 của Trung Quốc và đã có thỏa thuận với Đức về việc nhập khẩu vaccine.
Mới đây nhất, bà Katherine Tai tuyên bố rằng, Chính phủ Mỹ ủng hộ việc rời bỏ các tiêu chí bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine ngừa Covid-19. Theo lời bà Katherine Tai, Washington dự định sẽ tích cực tham gia các cuộc đàm phán trong khuôn khổ WTO về vấn đề này. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chào đón quyết định của Nhà Trắng và cho rằng đấy là một thời điểm quan trọng trong cuộc đấu tranh chống lại Covid-19.
Ngày 8-5, trong thông cáo chung giữa 3 bộ: Ngoại giao, Kinh tế và Khoa học, Chính phủ Brazil bày tỏ sự ủng hộ Nhà Trắng trong tinh thần sẵn sàng đàm phán về việc từ bỏ quyền sở hữu sáng chế vaccine Covid-19 vì cho rằng, quyết định đó có thể giúp mở đường cho các sáng kiến nhằm làm tăng thêm sản lượng và cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển.
Theo Báo Frankfurter Allgemeine Zeitung, ngày 8-5-2021, hãng BioNTech dự định tạm thời từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các dự án mà hãng này cùng với công ty Mỹ Pfizer tiến hành để nghiên cứu và sản xuất vaccine ngừa Covid-19. Bởi thế, từ nay cho tới khi kết thúc đại dịch, BioNTech sẽ không có bất cứ động thái pháp lý nào để chống lại những “nhà giả kim” tiềm năng trong việc sản xuất các mẫu vaccine mà hãng sở hữu bản quyền trí tuệ. Tuy nhiên, cách hành xử này của BioTech đang bị chính phủ của nữ Thủ tướng Angela Merkel phản đối vì bà cho rằng, làm như vậy có thể sẽ gây sụp đổ hệ thống các nghiên cứu thương mại trong Liên minh châu Âu (EU).
Trên lãnh thổ Liên minh châu Âu hiện nay, chỉ các hãng dược phẩm của Đức và Thụy Điển sở hữu bản quyền trí tuệ đối với các vaccine. Nhưng hàng loạt quốc gia khác đang có các cơ sở công nghiệp dược phẩm có thể khởi động rất mau lẹ việc sản xuất vaccine nếu bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ. Điều này sẽ giúp họ thu lợi nhuận lớn nhanh hơn so với việc tìm cách đạt được thỏa thuận về bản quyền cùng các chủ nhân của các vaccine. Tại Đức hiện có hãng BioNTech, phối hợp với Pfizer, có bản quyền này. Còn tại Thụy Điển, đó lã hãng AstraZeneca, phối hợp với các đồng nghiệp Anh.
Tuy nhiên, ý kiến về vấn đề này hiện vẫn bị phân tán. Chống lại nó trước hết là những nhà sản xuất dược phẩm, cảnh báo Nhà Trắng về những hệ lụy không thể tránh khỏi khi thông qua một quyết định như thế. Họ cho rằng, việc dừng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có thể sẽ giúp những đối thủ cạnh tranh với Mỹ trên trường quốc tế tiếp cận miễn phí với những dự án từng làm tốn kém nhiều tỷ USD lấy từ tiền của những người đóng thuế tại Hoa Kỳ. Ngoài ra, nó có thể kéo theo những rắc rối về pháp lý trong tương lai.
Nhiều nhà lãnh đạo ở châu Âu cũng chống lại việc tạm thời rời bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine ngừa Covid-19. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, việc đó rất “lợi bất cập hại” và sẽ không dẫn tới sự gia tăng đang được trông đợi trong sản xuất và cung cấp chúng. Theo bà, “việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là cội nguồn của mọi cách tân và nó sẽ vẫn phải được giữ nguyên như thế trong tương lai”. Theo nữ Thủ tướng Đức, hạn chế cung cấp vaccine ngừa Covid-19 không phải là bản quyền sở hữu trí tuệ đối với chúng mà là công suất của các cơ sở sản xuất và những yêu cầu cao về chất lượng...
Trong khi các cuộc va chạm quan điểm khác đến trái ngược nhau diễn ra như thế thì trong thực tế, đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành trên khắp thế giới với số lượng nạn nhân ngày một cao thêm... Điều này không thể không khiến những người có lương tri cảm thấy lương tâm cắn rứt...
HỒNG THANH QUANG