Đây có thể coi là cuộc gặp “lịch sử” bởi giờ đây, “Bộ tứ” đã định hình rõ như là một liên minh chứ không đơn thuần chỉ là diễn đàn đối thoại kinh tế và chính trị cấp thấp như quá khứ. Những thỏa thuận trên bàn hội nghị đã vẽ nên tầm nhìn khá rõ ràng về tương lai của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, làm lộ rõ những tính toán của Mỹ trong chiến lược xoay trục sang khu vực này nhằm giành ưu thế trong cuộc đua cạnh tranh ảnh hưởng giữa các siêu cường.
Nằm ven bờ Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cùng các vùng biển nối liền hai đại dương này, bao gồm các quốc gia ở Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á cùng nhiều quốc gia thuộc Trung Đông và châu Phi, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chiếm gần một nửa dân số thế giới, có nguồn tài nguyên phong phú. Đây được coi là một trong những khu vực năng động bậc nhất về kinh tế, nơi hội tụ 3 cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản cùng những “con rồng”, “con hổ” châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Hồng Công (Trung Quốc), những nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Việt Nam...
Đặc biệt, với kiến tạo địa hình bao gồm nhiều điểm “thắt cổ chai”, khu vực này tạo ra những tuyến đường biển có ý nghĩa chiến lược, sống còn đối với thương mại toàn cầu, như tuyến đường biển qua eo biển Malacca, Bering... Ai kiểm soát được Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, người đó sẽ kiểm soát được thế giới, bởi phần lớn các giao dịch thương mại thế giới đều tập trung tại khu vực này. Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi khu vực này phải chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt về địa chiến lược, về các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tầm ảnh hưởng giữa các nước lớn. Tuy nhiên, chính các yếu tố đó lại đặt Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào tâm điểm chú ý của thế giới.
Ngồi vào chiếc ghế quyền lực trong Nhà Trắng, ông Joe Biden phải đối mặt với hàng núi thách thức đối ngoại mà người tiền nhiệm để lại. Đó là nước Mỹ đang rối bời trong mâu thuẫn, giữa một bên là tham vọng siêu cường duy nhất rất cần sự chung sức của các đồng minh và bên kia là chủ nghĩa biệt lập cùng học thuyết “Nước Mỹ trên hết” khiến ngay những người bạn thân cận nhất của Washington cũng cảm thấy bị tổn thương. Đó là nước Mỹ đã cảm nhận hơi thở của đối thủ cạnh tranh Trung Quốc phả sát sau gáy trên đường đua về tiềm lực kinh tế, khoa học-công nghệ.
Xoay trục sang khu vực chiến lược và nhiều tiềm năng như Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thiết lập liên minh với những đồng minh cùng chí hướng và nhiều tiềm năng như Nhật Bản, Ấn Độ và Australia được xem như giải pháp giúp Mỹ tháo bỏ mối lo đang tích tụ. Cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên trở thành cơ hội không thể tốt hơn để Washington hiện thực hóa mong đợi đó. Nó đánh dấu nỗ lực mới nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ tại khu vực khi phải đối mặt với đối thủ Trung Quốc đang trỗi dậy, đồng thời phần nào lấy lại hình ảnh cho nước Mỹ vốn đang bị tổn thương bởi cuộc rút quân nhiều tai tiếng khỏi Afghanistan.
Giờ đây với Mỹ, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là ưu tiên an ninh, chiến lược và đối ngoại hàng đầu. Không những thế, cùng với thỏa thuận lịch sử thiết lập Đối tác an ninh ba bên (AUKUS) ký hôm 16-9 giữa Mỹ, Anh và Australia, cuộc gặp thượng đỉnh “Bộ tứ” tại Washington chính thức đặt tầm ảnh hưởng của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với Mỹ vượt trên khu vực Trung Đông, thậm chí cạnh tranh ngang ngửa với mối quan hệ truyền thống xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu.
Bằng cách bắt tay với Nhật Bản, Ấn Độ và Australia trong khuôn khổ nhóm “Bộ tứ”, Mỹ có thể mở rộng hợp tác, không chỉ tập trung vào lĩnh vực an ninh mà còn cả về kinh tế và chính trị. Với một loạt cam kết được công bố, khuôn khổ hợp tác trong “Bộ tứ” đã không còn lỏng lẻo và thiếu thực chất như trước đây, mà đi vào những lĩnh vực có tính chiến lược, những hợp tác được coi là có vai trò quyết định trong cuộc đua giành vị trí siêu cường. “Bộ tứ” sẵn sàng thể hiện vai trò của mình trong việc giải quyết vấn đề toàn cầu, xuyên quốc gia, cùng những thách thức và các mối quan tâm chung của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đó là tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nơi chủ quyền của các nước được tôn trọng, những tranh chấp được giải quyết hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế, nơi mà tự do đi lại trên biển, trên không được tôn trọng và bảo đảm. Đó là tham vọng vượt lên của “Bộ tứ” trong các lĩnh vực công nghệ hàng đầu như củng cố an ninh chuỗi cung ứng chip bán dẫn và những linh kiện quan trọng, triển khai quan hệ đối tác 5G, hợp tác trong lĩnh vực không gian như chia sẻ dữ liệu vệ tinh và phân tích về nguy cơ biến đổi khí hậu, sử dụng bền vững đại dương và tài nguyên biển.
“Bộ tứ” cũng không quên ghi dấu ấn của mình trong cuộc chiến toàn cầu với đại dịch Covid-19 bằng tham vọng mở rộng quy mô bao phủ vaccine. Với tiềm lực của hai nước sản xuất vaccine lớn nhất thế giới là Mỹ và Ấn Độ, “Bộ tứ” sẵn sàng cam kết viện trợ hơn 1,2 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 cho thế giới, ngoài số đã tài trợ thông qua cơ chế COVAX, đồng thời đẩy nhanh mở rộng năng lực cho Công ty Biological E. Limited của Ấn Độ để sản xuất ít nhất 1 tỷ liều đến cuối năm 2022.
Màn xoay trục trên bàn “Bộ tứ” sẽ dẫn đến những điều chỉnh trong chính sách cũng như những ưu tiên của Mỹ. Chắc chắn, việc hiện thực hóa tầm nhìn của “Bộ tứ” sẽ dẫn đến những cạnh tranh và thậm chí cả va chạm, bởi đây là cuộc đua giành ảnh hưởng không chỉ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà còn trên quy mô toàn cầu.
TƯỜNG LINH