Đó đã là một sự thật không thể ai chối bỏ được: Các mạng xã hội không bao giờ là một sân chơi ảo vô thưởng vô phạt, lại càng không phải là biểu tượng đơn thuần của tự do và công khai. Những gì đã và đang diễn ra gần đây cho thấy, đó đã là những sức mạnh hùng hậu với nhiều tiềm năng đen tối có thể làm khuynh đảo, sai lệch không ít việc trong thế giới thực, thậm chí cả những chuyện quốc gia đại sự...

leftcenterrightdel
(Ảnh minh họa) 

Còn nhớ, ở cuối những năm 80 của thế kỷ trước, khi internet mới manh nha hoạt động, nhà văn khoa học viễn tưởng người Ba Lan nổi tiếng thế giới Stanislaw Lem đã thốt lên: “Mới trong nôi đã làm tôi phát khiếp!”. Tấm huân chương nào cũng có hai mặt của nó. Và ngay từ lúc các mạng xã hội vừa xuất hiện và mở ra những tiềm năng to lớn, những người trí tuệ tỉnh táo đã gióng lên hồi chuông báo động về các mối nguy hiểm sẽ đón chờ người dùng trong tương lai. Và thực tế cho thấy, đó không chỉ là những ảnh hưởng không tốt từ những tâm trạng tiêu cực xuất hiện trên mạng xã hội. Ở giai đoạn hiện nay, những chủ nhân

thực sự của các mạng xã hội bằng các thủ thuật công nghệ của mình còn hành động một cách rất ý thức để tạo ra bức tranh sai lệch về thực tại đối với người dùng và nhờ thế, lái ý thức của người dùng theo hướng mà họ cần...

Từ hơn mười năm trước đây, Eli Pariser, nhà hoạt động trong lĩnh vực mạng xã hội người Mỹ đã đưa ra thuật ngữ “bong bóng các phin lọc” (Filter bubble) trong cuốn sách “Bong bóng các phin lọc: Internet che giấu chúng ta những điều gì” để định nghĩa về hiện tượng các thuật toán của các nền tảng xã hội khéo léo bóp méo những thông tin mà người dùng nhận được. Theo Pariser, hoạt động của các mạng xã hội được xây dựng theo kiểu “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, khiến người dùng thường nhận được nhiều hơn và thường xuyên hơn những thông tin mà họ thích và gặp thường xuyên hơn những góc nhìn mà họ đồng tình. Và điều đó khiến cho những người sử dụng mạng xã hội dần dà mất đi khả năng nhận thức hiện thực một cách khách quan và đúng mực, dẫn tới nguy cơ làm chia rẽ xã hội. Bức tranh hiện thực hiện lên trên các mạng xã hội hóa ra không phải là tấm gương phản chiếu thực tế một cách chân thực, mà chỉ là một sự giả định về thực tế theo cách mà những chủ nhân ông của các nền tảng số cho là quan trọng và đúng đắn. Rốt cục là một sân chơi được lập ra với chủ trương là bình đẳng đối với tất cả mọi người, không phụ thuộc vào thu nhập, vị thế xã hội, dân tộc, màu da, tôn giáo như internet cuối cùng lại chỉ làm gia tăng thêm tình trạng bất bình đẳng và những bất đồng ngày một sâu sắc trong xã hội.

Tất nhiên, không ai biết con gà có trước hay quả trứng có trước và một thực trạng thế giới mạng với nhiều nguy cơ như hiện nay là hệ lụy hay là nguyên nhân dẫn tới một xã hội loài người đang bị phân rẽ ngày một sâu sắc hơn. Đó vẫn là vấn đề đang được tranh luận. Theo nhiều nhà nghiên cứu, có một điều không thể phủ nhận được là tồn tại mối quan hệ tương hỗ rất chặt chẽ giữa hai thực thể này, tạo nên một hệ thống tự phát triển ngày một mạnh mẽ hơn nhờ những công lực của chính mình. Eli Pariser mới đây cũng tuyên bố về nguyên tắc đó: “Tôi sống ở đâu, bạn bè tôi là ai và những phương tiện truyền thông mà tôi sử dụng là những gì, tất cả những điều đó xác định góc nhìn của tôi, từ đấy nhào nặn những quyết định mà tôi sẽ đưa ra về việc tôi sẽ sử dụng những phương tiện truyền thông gì, sẽ ở đâu và sẽ giao du với những ai”. Một vòng khép kín có thể trở thành rất luẩn quẩn, thậm chí bế tắc...

Mạng xã hội theo cách tồn tại và hoạt động như hiện nay không giúp con người trở nên cởi mở và công bằng hơn đối với những gì khác mình mà chỉ làm gia tăng thêm tình trạng áp đặt và thù địch giữa những cách suy nghĩ khác nhau, lắm khi rất vô cớ và không thỏa đáng, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị.

Thực tế là, các chính trị gia đã nhận thức được điều này từ khá sớm. Và họ đã tìm mọi cách để lợi dụng những ưu thế của thế giới mạng cho các mục đích của mình. Ông Barack Obama trước cuộc bầu cử 2012 đã sử dụng diễn đàn mạng Reddit để giao tiếp với các cử tri và thậm chí còn trả lời cả những câu hỏi ẩn danh của cử tri trên một sân chơi đặc biệt. Khi đã làm chủ Nhà Trắng, tổng thống Mỹ thứ 44 này đã từng phát biểu về tình trạng bất công về sắc tộc trên YouTube và cách chọn diễn đàn này rõ ràng đã giúp ông nâng cao chỉ số tín nhiệm... Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, trong cuộc vận động tranh cử năm 2016, sở dĩ tỷ phú Donald Trump giành được thắng lợi là vì ông đã biết cách tận dụng những thế mạnh của thế giới mạng. Chính vì vậy nên mặc dù quỹ tranh cử của ông (429,5 triệu USD) chỉ bằng nửa so với đối thủ chính là bà cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton (897,7 triệu USD) nhưng ông vẫn giành được thế thượng phong. Khi đó, những khoản chi lớn nhất của cả hai ứng cử viên là trong việc quảng cáo. Nhưng nếu chiến dịch vận động tranh cử của bà Hillary mất nhiều tiền nhất cho các chi phí đi lại và tiền lương cho các cộng sự, thì bộ máy của ông Trump lại tập trung vào hoạt động online... Nhờ các nền tảng xã hội chính trên mạng mà ông Donald Trump cũng có thêm nhiều điều kiện tiếp cận với cử tri theo hướng có lợi nhất cho mình. Không ngẫu nhiên mà sau khi ông Donald Trump đắc cử năm 2016, một lãnh đạo của Facebook đã tuyên bố rằng, hãng này “có trách nhiệm” trong việc ông Trump được bầu làm tổng thống Mỹ... Thế nhưng, đó là khi giữa các mạng xã hội lớn với ông Donald Trump, mọi sự còn cơm lành canh ngọt. Còn khi thời tiết chính trị đổi thay, vì trên cương vị chủ nhân ông Nhà Trắng, tỷ phú Donald Trump đã không hài lòng với cách hành xử của các mạng xã hội cũng như nhiều phương tiện truyền thông chủ đạo của nước Mỹ, vị tổng thống Mỹ thứ 45 đã bị chính những thực thể này chơi xấu, khiến cho ông mất hẳn những diễn đàn quan trọng để đến với người dân... Và kết cục cuối cùng thì như tất cả đều rõ... Gậy ông đã đập lưng ông!

HỒNG THANH QUANG