Nước Mỹ trong lịch sử gần 250 năm của mình lần đầu tiên phải đối mặt với một tình huống gay cấn đến như vậy. Điện Capitol đã bị tấn công bởi những người ủng hộ ông Donald Trump trong đoàn “Tuần hành để cứu nước Mỹ” ngày 6-1-2021. Ở thời điểm đó, các nghị sĩ Mỹ vừa bắt đầu cuộc họp chung (của Thượng viện và Hạ viện) để xác nhận phiếu của các đại cử tri bầu Tổng thống Mỹ. Và một cảnh tượng chưa từng có đã xảy ra tại “thành trì” của nền dân chủ Mỹ: Những người ủng hộ đương kim tổng thống đã vượt qua hàng rào cảnh sát (vì lý do gì đó đã khoanh tay thúc thủ, không ngăn cản lại như cần phải thế) xông vào phòng họp yêu cầu xem xét việc mà họ coi là gian lận trong cuộc bầu cử ngày 3-11-2020, khi mà thần tượng Donald Trump của họ với sự khởi đầu rất lạc quan, nhưng rốt cuộc lại chỉ nhận được ít phiếu hơn đối thủ Joe Biden từ Đảng Dân chủ... Những vụ lộn xộn và bạo lực chưa từng có trong 4 bức tường Điện Capitol đã buộc lực lượng an ninh phải hành động cứng rắn, sử dụng khí gas làm chảy nước mắt, khiến 5 người thiệt mạng, trong đó có một cảnh sát...
    |
 |
Những người ủng hộ Trump cố gắng vượt qua hàng rào cảnh sát tại Điện Capitol ngày 6-1-2020. Ảnh: AP. |
Thực sự nước Mỹ đã có nhiều thay đổi rất lớn trong những năm cầm quyền tại Nhà trắng của vị tổng thống thứ 45. Hóa ra những “khuôn vàng thước ngọc” mà các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã xác định gần 250 năm trước không còn là những chuẩn mực bất biến đối với cộng đồng “hợp chúng” rất đa dạng thời nay ở Mỹ. Và kết quả cuộc bầu cử tổng thống ngày 3-11-2020 mặc dù đã được Quốc hội Mỹ công nhận với thắng lợi của ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden, đã không trở thành cơ hội mới để đoàn kết lại đất nước, ít ra là trong 4 năm tới, mà có lẽ vẫn tiếp tục là lý do khiến người Mỹ xung đột lẫn nhau, thậm chí có thể bằng cả những hành vi bạo lực. Bộ Quốc phòng Mỹ đã dự báo rằng trong ngày tuyên thệ nhậm chức của tổng thống mới, có thể sẽ xuất hiện khủng bố do những người ủng hộ đương kim tổng thống Donald Trump gây ra...
Dư luận Mỹ và thế giới đã bị sốc mạnh trước những gì đã diễn ra trong Điện Capiton ngày 6-1-2021 dù không cảm thấy bất ngờ. Thời gian gần đây, bạo lực hay hỗn loạn đường phố không còn là chuyện quá xa lạ ở nước Mỹ. Và ngay trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống mới đã có dự đoán rằng, rất có thể lại xảy ra biểu tình của những người ủng hộ ông Donald Trump nếu ông không giành được đủ số phiếu để ngồi lại Nhà trắng thêm một nhiệm kỳ nữa. Ngay trước khi Quốc hội Mỹ họp chung ngày 6-1-2021, đương kim tổng thống trước những người ủng hộ ông tham gia “Tuần hành để cứu nước Mỹ” tại Washington đã tuyên bố: “Chúng ta sẽ không bao giờ lùi bước và không bao giờ công nhận thua cuộc. Chúng ta sẽ ngăn chặn việc ăn cắp phiếu...”. Ông Donald Trump cũng nhấn mạnh: “Chúng ta không muốn để chiến thắng của chúng ta bị những người Dân chủ cực tả đánh cắp như họ đang làm và không để chiến thắng đó bị những phương tiện truyền thông đại chúng đánh cắp đi như họ đã từng làm và đang làm hiện giờ...”. Và kịch bản xấu đã trở thành hiện thực ngày 6-1-2021. Đến mức ngay cả vị tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa George Bush (con) cũng phải nói rằng ông cảm thấy điều đó rất không xứng đáng với nước Mỹ vì thường chỉ có thể xảy ra ở cái gọi là những nước cộng hòa “rất củ chuối”! Phe Dân chủ dĩ nhiên là nhất quyết dồn trách nhiệm người “đổ dầu vào lửa” cho đương kim tổng thống. Các cựu tổng thống thuộc Đảng Dân chủ như Barack Obama hay Bill Clinton trong các tuyên bố của mình đều đích danh nêu rõ rằng chính ông Donald Trump là người đã kích động bạo lực... Tổng thống đắc cử Joe Biden kêu gọi dư luận không nên gọi đám đông đã tràn vào trụ sở Quốc hội Mỹ là “những người phản đối”. Ông nói: “Đó không phải là những người phản đối. Và quý vị đừng nên gọi đó là những người phản đối. Đó là băng đảng của những kẻ cướp phá. Nổi loạn. Khủng bố”. Ông Joe Biden cũng thẳng thừng phê phán chính tổng thống đương nhiệm và cho rằng, nhiều hành động của ông Donald Trump đã làm tổn hại những rường cột của nền dân chủ Mỹ và chỉ phục vụ những mục tiêu cá nhân của mình... Về phần mình, đương kim Tổng thống Mỹ cũng lên tiếng phê phán những lộn xộn đã diễn ra ngày 6-1-2021 trong Điện Capitol và hứa rằng, những kẻ phạm tội sẽ bị trừng phạt: “Tôi cũng như mọi người Mỹ, rất giận dữ vì bạo lực, sự vô luật pháp và cơn ác mộng đã diễn ra...”. Đồng thời, ông Donald Trump cũng hứa với những người ủng hộ mình rằng, mọi sự mới chỉ bắt đầu, sẽ còn nhiều “chấn động” nữa: “Tôi muốn các bạn biết rằng, chuyến du hành không thể tưởng tượng nổi của chúng ta mới chỉ bắt đầu. Xin cảm ơn. Chúa sẽ phù hộ các bạn. Và chúa sẽ phù hộ nước Mỹ...”.
Thực tế cho thấy, đương kim Tổng thống Mỹ không chỉ đại diện cho cá nhân ông mà là cả một bộ phận không nhỏ, có thời điểm đã là đa số, ở nước Mỹ, một nước Mỹ với tâm lý hữu khuynh, bất mãn với nhiều điều trong chính kết cấu xã hội và luật pháp của mình, một nước Mỹ luôn muốn mình là “trên hết” và coi giới chính trị tinh hoa quen thuộc là những người đã bị suy đồi vì ham muốn lợi lộc cá nhân! Ông Donald Trump bước vào Nhà trắng với kỳ vọng làm thay đổi cái mà ông gọi là “đầm lầy” trong nền chính trị Mỹ với cách hành xử không giống bất cứ một ai trong số những người tiền nhiệm, làm xáo trộn đến đảo ngược nhiều điều không chỉ ở riêng nước Mỹ mà cả ở trên trường quốc tế, tạo ra những thách thức lớn đối với không chỉ một quốc gia. Ông đã không đạt được mục đích của mình vì bị thượng tầng chính trị không chỉ ở nước Mỹ mà ở cả phương Tây chống lại. Nhiều phương tiện truyền thông và mạng xã hội lớn cũng không đồng tình với cách nghĩ và cách làm của ông. Thậm chí ngay cả cấp phó của ông, Mike Pence, cũng công khai bộc lộ bất đồng với sếp trưởng, đến mức những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ chung, tổng thống cấm cửa Phó tổng thống trong Nhà trắng... Bản thân ông Donald Trump lại chưa sẵn sàng để tỏ ra quyết liệt hơn và huy động toàn bộ lực lượng ủng hộ mình đứng lên chống lại những thế lực đối địch vì hiểu, sảy một ly sẽ đi một dặm. Chính thái độ này đang gây khó thêm cho ông. Những gì đang diễn ra xung quanh kiến nghị đòi truất quyền của ông ngay sát lễ bàn giao cho thấy, ông có thể bị coi là một vị tổng thống thất bại nữa trong lịch sử nước Mỹ (trước đây mới chỉ có duy nhất một mình vị tổng thống thứ 37 Richard Nixon bị huyền chức trước thời hạn do vụ bê bối nghe trộm điện thoại Watergate)... Dư luận đang đề cập tới việc, không loại trừ khả năng sẽ có một vụ án mang tính hình sự được khởi động chống lại vị tổng thống thứ 45 sau khi ông bàn giao quyền lực cho người kế nhiệm... Với tính cách của một người quyết liệt như Donald Trump, liệu ông có thể chịu ngồi yên để mình bị hại?!
Đối với cộng đồng quốc tế, điều quan trọng nhất không hẳn đã là việc phe nào phải chịu trách nhiệm về những gì đang diễn ra ở Washington mà ở chỗ, thực sự không một quốc gia nào thoát khỏi những hệ lụy khủng hoảng chung để coi mình là hình mẫu áp đặt cho phần còn lại của thế giới. Gậy ông có thể lại đập lưng ông, nước Mỹ cũng có thể bị thiệt hại bởi những rối loạn mà họ thông thường hay "múa tay trong bị" ủng hộ hoặc đích thân dính líu vào công tác tổ chức ở các nước khác. Cách hành xử tiêu chí kép quen thuộc của phương Tây nói chung và nước Mỹ nói riêng trong các quan hệ quốc tế đã không thể tiếp tục giữ an toàn cho chính họ. Gieo gió trong nhà người khác hoàn toàn có thể khiến phải gặt bão trong chính nhà mình.
Ông chủ mới của Nhà trắng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn để trở thành vị tổng thống của cả dân tộc Mỹ. Sự ra đi của Doanld Trump không làm kết thúc những đòi hỏi thay đổi mà ông từng đại diện. Thực tế cho thấy, bất chấp vô số những lời lẽ tốt đẹp của các chính trị gia về việc kết liên lại hai nửa khác nhau của nước Mỹ, nhưng bản thân họ bằng cách hành xử của mình gần như "mũ ni che tai" đối với bên đối lập. Những rạn vỡ rất ít khi được hàn gắn một cách thành tâm và thực chất. Mỗi vị tổng thống khi đắc cử đều chỉ muốn tập trung lực lượng để làm theo cách của mình và bằng mọi phương thức giảm âm hoặc thậm chí đè chìm tiếng nói của phía bên kia. Bản thân nước Mỹ hiện nay cũng không còn có thể tổ chức bầu cử mang lại kết quả làm an lòng xã hội để khỏi làm bùng nổ rối loạn. Rõ ràng là không phải bất cứ cái gì đã hay ho hôm qua vẫn tiếp tục thú vị trong ngày hôm nay. Thậm chí trong thời điểm hiện nay, như một số nhà bình luận chính trị lưu ý, đã xuất hiện nguy cơ có thể làm sứt mẻ chính sự toàn vẹn của nước Mỹ, khi bị dồn tới sự chọn lựa khó khăn: Hoặc tự mâu thuẫn và xung đột mà tan rã, hoặc phải cực đoan hơn để vãn hồi trật tự...
Nước Mỹ đang đứng trước những sự chọn lựa không dễ dàng chút nào, bởi lẽ những mâu thuẫn trầm kha vẫn còn lại, thậm chí gay gắt hơn trước...
HỒNG THANH QUANG