QĐND Cuối tuần là ấn phẩm đặc biệt hằng tuần của Báo QĐND. Bắt đầu từ số 2, ra ngày 14-7-1990, trên tờ báo này liên tục duy trì chuyên mục “Nhìn từ Hà Nội” với những bài bình luận mang đậm phong cách riêng ổn định, được độc giả đón nhận và đồng nghiệp trọng thị...
Chính luận đã luôn là một thể loại được chú trọng trên tờ QĐND ngay từ số 1, xuất bản ở Chiến khu Việt Bắc. Trên trang 1 số đầu tiên, Báo QĐND đăng bài xã luận của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: “Đánh thắng và bảo vệ mùa màng”. Báo cũng rất quan tâm tới mảng quốc tế và dành già nửa trang cuối để đăng bài viết “Nước Cộng hòa Dân chủ Đức đã được một năm” trong mục “Nước bạn chúng ta”. Tác giả bài viết này là ch.s. - một đồng chí người Đức hoạt động trong đội ngũ của chúng ta. Đây tuy chỉ là một bài kiểu cung cấp thông tin nhưng cũng mang tính định hướng cao với quan điểm bạn-thù rõ ràng. Mặc dù phải làm báo trong điều kiện vật chất và thông tin hết sức khó khăn ở Chiến khu Việt Bắc, Ban biên tập Báo QĐND vẫn cố gắng duy trì các bài bình luận về vấn đề quốc tế. Có cảm giác như đối với Ban biên tập Báo QĐND trong kháng chiến chống Pháp, bình luận là một thể loại rất nghiêm túc, tới mức “nghiêm trọng”, mang nặng tính chính thống. Người viết bình luận thường chỉ được coi như người phát ngôn quan điểm chung hoặc quan điểm của cấp trên với một phong cách đôi khi hơi giống như các thông báo chính thức. Tuy nhiên, từ “Bình luận” cũng ít khi được ghi kèm với bài bình luận quốc tế, trong khi đó, các bài xã luận (chủ yếu về các vấn đề trong nước) bao giờ cũng được in dưới mũ “Xã luận” của mình. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mục “Bình luận quốc tế” ở Báo QĐND đã đóng vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng và thông tin…
Sau năm 1975, điều kiện làm việc của những người viết bình luận quốc tế ở Báo QĐND đã tốt hơn trước. Số người được viết chuyên mục này cũng đông hơn, vì thế phong cách viết đa dạng hơn. Hình thành cả một đội ngũ nhiều thế hệ những người viết bình luận quốc tế mặc áo lính, có khả năng tác chiến nhanh, dám đi sâu vào những vấn đề to lớn mang tính quan điểm với thái độ cứng cỏi, thẳng thắn gần như trở thành đặc trưng cho các nhà báo mặc áo lính. Tuy nhiên, thực sự khởi sắc về bình luận quốc tế của Báo QĐND là trong giai đoạn đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, từ giữa những năm 80 của thế kỷ 20. Đội ngũ những người viết bình luận quốc tế được mở rộng. Các phong cách viết có bản sắc cá nhân rõ nét được chú trọng hơn, tên tuổi các nhà bình luận như những cá nhân làm công việc khó khăn này cũng được biết tới nhiều hơn. Với phương châm “học là làm được”, Ban biên tập Báo QĐND và lãnh đạo Phòng biên tập Thời sự quốc tế khi đó chủ trương sớm cho các cây bút trẻ thử sức ở thể loại đỉnh cao trong nghề này. Vì thế nên các phóng viên làm thời sự quốc tế ở Báo QĐND mau chóng trưởng thành hơn và làm chủ thể loại bình luận quốc tế nhanh hơn. Mũ “Bình luận” cũng hay được dùng hơn trên các bài bình luận quốc tế. Chính không khí giai đoạn đổi mới đã tạo tiền đề thuận lợi cho việc hình thành và phát triển của chuyên mục “Nhìn từ Hà Nội” chuyên về bình luận quốc tế trên Báo QĐND Thứ bảy, nay là QĐND Cuối tuần.
Số 1 của Báo QĐND Thứ bảy ra ngày 7-7-1990, gồm 12 trang. Danh chính ngôn thuận, phần quốc tế được dành hai trang, bao giờ cũng có bài mang tính ngôn luận. Trong Phòng biên tập Báo QĐND Thứ bảy ở giai đoạn đầu, mảng quốc tế được phân công cho nhà báo trẻ Hồng Thanh Quang. Và anh chính là người đã cố gắng tìm ra sự khác biệt cho phần quốc tế trên tờ giai phẩm hằng tuần này. Trong số 1 có đăng hai bài bình luận quốc tế của hai cán bộ cấp phòng của Phòng biên tập Thời sự quốc tế Báo QĐND lúc đó là Trần Nhung (bài “Đại hội 28 Đảng Cộng sản Liên Xô: Lái con tàu vượt qua thử thách”) và Quang Lợi (bài “Vẫn là “ông lớn” Hoa Kỳ trong một “châu Âu mới”). Mũ “Nhìn từ Hà Nội” chưa được sử dụng ở số 1. Từ “Bình luận” cũng không được ghi kèm các bài trong chuyên mục “Nhìn từ Hà Nội”, nhưng do cách trình bày bài báo và đặc biệt là tính chất và phong cách các bài báo mà chuyên mục này mặc nhiên được coi là chuyên mục bình luận quốc tế. Trong chuyên mục này, đã cảm nhận được quá trình tác động qua lại giữa chuyên mục và thể loại: Tồn tại những đặc tính vốn có của thể loại bình luận quốc tế và đã xuất hiện những đặc tính mới của thể loại này, thoạt đầu là của các bài in trong “Nhìn từ Hà Nội” và về sau được công nhận là đặc tính mới của thể loại bình luận quốc tế trên Báo QĐND. Đó có lẽ cũng là đóng góp của chuyên mục này vào lý luận báo chí nói chung và lý thuyết về thể loại báo chí nói riêng. Phải tới số 2 của Báo QĐND Thứ bảy, chuyên mục này mới được khai trương với bài viết của Tuấn Minh (bút danh của nguyên Tổng biên tập Trần Công Mân). Bài viết có nhan đề “Đông Âu: Lá phiếu bầu vẫn có hai mặt”. Từ đó tới nay, Báo QĐND Thứ bảy đã một lần đổi tên, nhiều lần thay đổi dung lượng dành cho phần quốc tế, không chỉ một lần đổi vị trí trang quốc tế, nhưng chuyên mục “Nhìn từ Hà Nội” vẫn được duy trì khá đều đặn, hầu như mỗi tuần một bài. Tính ổn định của chuyên mục này càng về sau càng cao, không chỉ về mặt hình thức mà cả về phong cách viết, tạo được một giọng điệu riêng trong làng bình luận quốc tế ở nước ta. Cũng chính nhờ chuyên mục này mà có thêm những người viết trẻ về bình luận quốc tế ở Báo QĐND đã tự khẳng định mình bên cạnh những bậc đàn anh và trở thành những cây bút uy tín ổn định, như: Hồng Thanh Quang, Yên Ba, Hồng Kỳ...
Ngay từ đầu, khi chọn tên chuyên mục, những người có trách nhiệm đã chủ trương nhấn mạnh tới tính định hướng của các quan điểm sẽ được trình bày trong chuyên mục này. Đó là quan điểm được “nhìn từ Hà Nội” về các vấn đề quốc tế, thực chất là quan điểm đại diện cho Cơ quan của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, tiếng nói của LLVT và nhân dân Việt Nam, với cách diễn giải sáng tạo và nhuần nhụy của người viết bài. Là một tòa soạn có truyền thống vững vàng về chính trị với nhiều thế hệ có uy tín viết bình luận nói chung và bình luận quốc tế nói riêng, Báo QĐND ở chuyên mục này luôn giữ vững định hướng chính trị, tuyệt đối trung thành với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn trên thế giới đang diễn ra những biến đổi có tính căn bản, làm bộ mặt bản đồ chính trị hành tinh của chúng ta trở nên khác trước rất nhiều. Điều thuận lợi cho các cây bút viết chuyên mục “Nhìn từ Hà Nội” là những thay đổi tích cực trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ đổi mới.
Với kim chỉ nam là Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, các cây bút vừa mềm dẻo thích ứng với thời cuộc, vừa giữ vững được định hướng xã hội chủ nghĩa của mình. Việt Nam trong những năm qua đã cố gắng tìm ra được vị trí đích thực của mình trên bản đồ chính trị thế giới, tạo cho đường lối phát triển hữu duyên nhất với các xu thế chung của thời đại, đồng thời bảo toàn và phát huy được những phần tích cực và tốt đẹp trong di sản của quá khứ. Chúng ta thực sự muốn nhận thức đúng các mặt đa diện của hiện tại, muốn lý giải đúng những diễn biến quốc tế, kể cả những sự kiện có thể nói là đau lòng. Chúng ta thực sự muốn phân tích tình hình quốc tế một cách khách quan và chuẩn xác để tìm ra trong hệ thống bòng bong các mối quan hệ tùy thuộc lẫn nhau của thời kỳ “hậu Chiến tranh lạnh” chỗ đứng có lợi nhất cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của mình, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thời kỳ mới với những thuận lợi mới và khó khăn mới đã đặt ra cho chuyên mục “Nhìn từ Hà Nội” những nhiệm vụ nặng nề, nhằm đáp ứng các yêu cầu trên…
30 năm nhìn lại, chuyên mục đã cố gắng cung cấp cho độc giả một hệ thống định vị đúng đắn để xử lý các thông tin đa dạng nhận được hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng, thậm chí hằng năm trong bối cảnh phức tạp của thế giới, giúp độc giả nhận thấy tính quy luật và tất yếu của sự kiện này hay sự kiện khác diễn ra trên trường quốc tế, hoặc ngược lại, vạch trần sự phi lý hay bất bình thường của một số hiện tượng quốc tế khác... Nói một cách khác theo kiểu của hai nhà tương lai học John Naisbitt và Patricia Aburdene trong cuốn “Các xu thế lớn năm 2000”, nó đã cố gắng tạo nên “một cấu trúc, một cái sườn cho sự tham khảo”, mà thiếu đi, độc giả sẽ để trôi tuột khỏi tay khối lượng khổng lồ các dữ kiện đến mỗi tuần.
NAM LÝ