Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ công bố các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga, đồng thời trục xuất 10 nhân viên ngoại giao nước này. Đây là động thái nhằm đáp trả những hành động mà Washington cáo buộc là “sự can thiệp” của Điện Kremlin vào chính trường Mỹ và các cuộc tấn công mạng quy mô lớn. Bộ Tài chính Mỹ cũng thông báo trừng phạt 8 cá nhân và thực thể liên quan tới việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: Reuters

Còn nhớ trước đó vài ngày, dư luận từng hứng khởi khi ông Joe Biden đưa ra đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào mùa hè này để khởi động cuộc đối thoại về mối quan hệ chiến lược Mỹ-Nga mà ông cho là cần có sự “ổn định”. Ấy thế nhưng hy vọng vừa lóe lên đã tắt ngấm khi Washington tiếp tục tung ra các đòn mạnh tay nhằm vào Moscow. Điện Kremlin cũng ngay lập tức tuyên bố sẽ đáp trả một cách tương xứng bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Mỹ.

Thực tế thì quan hệ Nga-Mỹ đã xấu đi nhanh chóng từ vài tháng qua. Kể từ khi Văn phòng Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ đặt lên bàn ông Joe Biden bản báo cáo dài 15 trang cáo buộc Nga đã thao túng chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái theo hướng có lợi cho ông Donald Trump, sóng gió bắt đầu nổi lên giữa Washington và Moscow. Trong một lần trả lời báo chí, ông Joe Biden đã không ngần ngại đe dọa Moscow sẽ “phải trả giá” cho hành động của mình.

Căng thẳng cứ dần leo thang và lên tới đỉnh điểm khi ông Joe Biden công khai gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là “kẻ sát nhân” trong vụ nhân vật đối lập người Nga Alexei Navalny bị đầu độc. Khỏi phải nói, Moscow tức giận thế nào với so sánh mang tính xúc phạm này. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng phát biểu của ông Joe Biden đã đẩy quan hệ Nga-Mỹ “chạm đáy”, đồng thời cảnh báo cách hành xử cứng rắn của Mỹ với Nga chẳng khác nào “trò nghịch diêm nguy hiểm”. Moscow ngay lập tức triệu hồi Đại sứ Nga ở Mỹ về nước để họp bàn khẩn cấp về tương lai quan hệ với Washington.

Kể từ khi ông Joe Biden quay lại Nhà Trắng, dư luận luôn trông ngóng xem quan hệ Mỹ-Nga sẽ định hình thế nào, liệu có bớt căng thẳng hơn so với thời ông Donald Trump? Bản thân ông Joe Biden cũng từng bày tỏ mong muốn xây dựng mối quan hệ ổn định, dễ đoán định với Nga và phù hợp với lợi ích của Mỹ. Nhưng có lẽ sự đụng độ quan điểm trong nhiều vấn đề, nhất là mối nghi kỵ kéo dài kể từ khi Mỹ cấm vận Nga liên quan đến vấn đề Crimea khiến quan hệ Mỹ-Nga luôn trong trạng thái băng giá.

Trong phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại sau khi lên nắm quyền, ông Joe Biden đã tuyên bố khá rắn rằng: “Đã qua rồi thời kỳ mà nước Mỹ chịu đựng những hành vi hung hăng của Nga. Washington sẽ đáp trả âm mưu của Nga hòng gây suy yếu các nền dân chủ”. Sau một loạt lệnh cấm mới đây của Mỹ nhằm vào Nga, giới phân tích nhận định chính quyền của ông Joe Biden sẽ tiếp tục thể hiện lập trường cứng rắn với Nga và điều này chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm những căng thẳng vốn có giữa Washington và Moscow.

Dù vậy, còn quá sớm để kết luận quan hệ Mỹ-Nga không còn cơ hội tan băng. Thực tế cho thấy, hợp tác Nga-Mỹ trên trường quốc tế, dù đã giảm nhiều bởi lệnh cấm của Mỹ, vẫn đóng vai trò quyết định đến việc duy trì an ninh và ổn định trên thế giới, nhất là trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí, ngăn chặn chạy đua vũ trang, biến đổi khí hậu... Đơn cử như việc hai nước đồng ý gia hạn thêm 5 năm Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New Start) ký giữa Nga và Mỹ hồi năm 2011, một quyết định được đánh giá là cứu thế giới khỏi vòng xoáy của cuộc đua hạt nhân mới. Hay như vai trò của Mỹ và Nga trong tiến trình vãn hồi hòa bình tại Afghanistan nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài đã hơn 4 thập kỷ ở nước này.

Thêm vào đó, chắc ông Joe Biden cũng thừa hiểu việc gia tăng sức ép bằng các biện pháp trừng phạt Nga vô hình trung lại đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau. Điều mà Mỹ không bao giờ muốn xảy ra. Dù sao thì Trung Quốc mới là đối thủ cạnh tranh chiến lược tiềm tàng nhất của Mỹ trong tương lai gần, chứ không phải Nga. Chưa có những hành động cứng rắn mới của Mỹ, Nga và Trung Quốc cũng đã tìm cách phối hợp với nhau để tạo đối trọng với sức ép từ phía Mỹ. Người ta từng chứng kiến Bắc Kinh và Moscow bắt tay nhau trong các bước đi nhằm giảm vai trò của đồng USD, động thái dẫn tới việc lần đầu tiên đồng USD chỉ còn chiếm dưới 50% trong các giao dịch thương mại giữa Nga và Trung Quốc vào đầu năm 2020.

Xem ra, khôn ngoan là cần tránh kịch bản có thể dẫn tới tình thế đối đầu “không thể đảo ngược” và đây là điều mà cả Mỹ và Nga đều phải tính tới. Dù hiện tại quan hệ Mỹ-Nga đang trong vòng xoáy bất định nhưng các nhà phân tích cho rằng, ông Joe Biden và ông Vladimir Putin chắc sẽ không có ý định “quay lưng lại với nhau”. Bởi họ ý thức được là Nga và Mỹ cần đối thoại, dù chỉ ở mức “tối thiểu”. Dù đối đầu căng thẳng nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn khẳng định “các kênh đối thoại vẫn mở” và Mỹ không muốn khơi mào “một chu kỳ leo thang và xung đột với Nga”. Còn ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thì bày tỏ hy vọng: “Lẽ thường sẽ chiến thắng”.

TƯỜNG LINH