Chỉ trong vòng một tuần, thủ phủ các tỉnh lần lượt rơi vào tay quân Taliban. Bất chấp việc Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani hết công du gặp gỡ các lãnh chúa địa phương nhằm tìm kiếm liên minh chống Taliban, đến ra lệnh vũ trang cho dân thường để tăng cường phòng thủ, vòng vây của Taliban cứ siết chặt dần và nay Kabul đã đổi chủ. Cuộc di tản ồ ạt hàng nghìn người Mỹ khỏi Afghanistan gấp rút được tiến hành. Giờ phút hiện diện cuối cùng của Mỹ ở Afghanistan đã điểm.

leftcenterrightdel
Mỹ di tản khỏi Afghanistan gấp rút. Ảnh: TTXVN

Nhìn lại, nước Mỹ đâu có tiếc tiền của và binh lực cho cuộc chinh phạt Taliban-lực lượng hậu thuẫn cho tổ chức al-Qaeda tiến hành vụ khủng bố 11-9-2001. 20 năm can dự ở Afghanistan, gần 1.000 tỷ USD đã được đổ vào cuộc chiến, hàng trăm nghìn lượt quân Mỹ được huy động; rồi cả trăm tỷ USD bỏ ra cho các hoạt động tái thiết ở đất nước Nam Á này. Ngoài chi phí “khủng” về tiền bạc, Mỹ còn phải trả cái giá không nhỏ về sinh mạng: Gần 2.500 binh sĩ Mỹ thiệt mạng và khoảng 20.000 người khác bị thương. Ấy vậy mà kịch bản kết thúc cuộc chiến lại không như Washington mong đợi.

Xét về tương quan lực lượng, khó có thể nói Taliban chiếm ưu thế. Dù kế thừa kinh nghiệm trận mạc từ những chiến binh Mujahideen từng đọ sức với quân đội Liên Xô trong cuộc chiến kéo dài 10 năm (1979-1989), lực lượng Taliban chỉ có trang bị nghèo nàn, chủ yếu là vũ khí bộ binh và khí tài hạng nhẹ tồn tại từ hàng chục năm qua. Trái lại, quân chính phủ Afghanistan, ngoài sự hậu thuẫn và chi viện hỏa lực của Mỹ và khối quân sự NATO, được trang bị đủ loại vũ khí hiện đại, từ máy bay, xe tăng, pháo, đến xe quân sự, vũ khí bộ binh các loại.

Ấy thế nhưng đội quân được mô tả là “binh hùng tướng mạnh” với 300.000 người này lại tan tác trước các cuộc tấn công của lực lượng Taliban với chỉ khoảng 80.000 quân. Điều gì khiến Kabul sụp đổ nhanh tới mức Mỹ và NATO phải kinh ngạc? Các báo cáo độc lập chỉ ra rằng nhiều năm nay, nạn tham nhũng và tình trạng tư lợi tràn lan đã ngấm ngầm làm mục ruỗng chính quyền Afghanistan. Mỗi năm, hơn 1 tỷ USD bị tuồn khỏi nước này. Đây là số tiền bị rút ra từ các khoản viện trợ tái thiết mà Mỹ và các đồng minh dành cho Afghanistan sau cuộc chiến năm 2001.

Quân đội và lực lượng an ninh Afghanistan thì bị phá hủy bởi thói gia đình trị và tình trạng “lính ma”-những binh lính chỉ tồn tại trên giấy để rút tiền lương. Sự tha hóa của cấp trên cứ bào mòn dần, làm tê liệt ý chí chiến đấu của các binh sĩ. Nhiều người lính và dân quân địa phương cho biết họ phải tìm cách tự bảo vệ gia đình, tài sản cũng như tương lai con cái vì không tin chính phủ làm điều này. Vì thế, dù được trang bị tốt hơn hẳn Taliban nhưng quân đội và lực lượng an ninh Afghanistan lại yếu kém hơn về tinh thần. Đối mặt với các chiến binh của Taliban, đội quân chẳng còn ý chí này dường như vô hình, bỏ mặc cho đối phương đánh chiếm các thành phố lớn như đi vào chỗ không người. Thủ phủ các tỉnh rồi thủ đô Kabul kéo nhau sụp đổ như quân cờ domino chỉ trong vài ngày.

Thất bại trong cuộc chiến Afghanistan đã chấm dứt cuộc thử nghiệm của Mỹ nhằm thiết lập một mô hình kiểu phương Tây ở đất nước Nam Á này. Đúng là đã có những thành công ban đầu khi trường học, bệnh viện, các cơ sở hạ tầng công được xây dựng. Trẻ em gái được đến trường, phụ nữ có thể theo học cao đẳng, đại học, tham gia quản lý xã hội, làm việc trong quốc hội và chính phủ. Bộ mặt đất nước Afghanistan đã thay đổi, không còn u ám như dưới thời cai trị hà khắc của Taliban. Nhưng, việc chiếm được lòng dân thì không.

Người Mỹ đã không nhận thức được rằng, khi can thiệp vào tình hình nội bộ của một quốc gia, sự hiểu biết về chính trị, lịch sử và văn hóa địa phương là vô cùng quan trọng. Trong cuốn sách mang tên “Cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan, một lịch sử”, cựu Cố vấn Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Carter Malkasian cho rằng, nguyên nhân khiến nỗ lực của quân đội Mỹ trở thành “công cốc” là vì người Mỹ thiếu sự hiểu biết về sức ảnh hưởng của đạo Hồi cũng như sự phản kháng của người dân địa phương đối với cuộc xâm lược từ nước ngoài.

Trong khi đó, Taliban lại rất khôn khéo dựng lên khẩu hiệu “chống ngoại binh và chính phủ được phương Tây hậu thuẫn ở Afghanistan”, từ đó kích thêm động lực chiến đấu giành lại quyền kiểm soát và khiến chính quyền Kabul trở nên thiếu gắn kết. Nhiều nhà quan sát cho rằng, sự hiện diện của quân đội Mỹ được mô tả như lực lượng chiếm đóng đã làm nảy sinh tâm lý phản kháng, khuyến khích những người trẻ đứng lên chiến đấu, từ đó giúp cho Taliban hồi sinh, đánh sập ý chí của binh sĩ và cảnh sát Afghanistan. Đây là những yếu tố mà Washington không đánh giá hết nhưng lại được Taliban lợi dụng thành công.

Cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ đã khép lại nhưng nó không thể đưa Afghanistan thành một nền dân chủ ổn định và hiện đại như tính toán của Washington. Không những thế, nó lại cho thấy một nghịch lý rằng Mỹ với sức mạnh vượt trội về quân sự có thể dễ dàng tiêu diệt kẻ thù nhưng kết quả cuối cùng lại không phải là một chiến thắng; rằng Mỹ có thể thắng trận đầu, nhưng vẫn thua cả cuộc chiến. Taliban đã thành công trong chiến lược làm cho nước Mỹ rỉ máu trong một cuộc chiến không có hồi kết, đến mức không thể chịu đựng được. Thực tế cho thấy thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban hồi tháng 2-2020 ở Doha chỉ là một tờ giấy được Washington ký khống để có thể ra đi, bỏ lại phía sau một cuộc chiến vô vọng. Giáo sư Gilles Dorronsoro thuộc Đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne có lý khi nhận xét rằng, đây là một cuộc chiến mà thất bại đã thấy trước.

20 năm sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001 khiến Mỹ và NATO phải can thiệp vào Afghanistan lật đổ Taliban, mọi thứ quay lại điểm ban đầu, đúng vào thời điểm chuẩn bị kỷ niệm sự kiện đau thương này. Quá khứ “cộng sinh” giữa Taliban và tổ chức al-Qaeda của trùm khủng bố Bin Laden là lời cảnh báo không thể xem thường về mối hiểm họa khi các thế lực “ác quỷ” bắt tay với nhau. Ai mà biết thế giới ngầm của Taliban và al-Qaeda đang ấp ủ những mưu toan gì? Sự im hơi lặng tiếng của al-Qaeda thời gian qua không có nghĩa là tổ chức khủng bố này đã chấm dứt sự tồn tại. Trong khi đó, hiểm họa của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thì ai cũng đã rõ.

TƯỜNG LINH