Vụ nổ tại cảng Beirut hôm thứ ba, ngày 4-8 khiến gần 160 người chết, 6.000 người bị thương và 300.000 người bị mất nhà ở đã như giọt nước tràn ly làm vỡ tung bình Pandora uất giận của người dân Liban trước hiện trạng mà họ cho là tồi tệ bởi tầng lớp chính trị cầm quyền bất tài và tham nhũng.
Với vị thế địa chính trị của mình, Liban trong nhiều thập niên gần đây thực ra chưa bao giờ được yên bình thực sự vì đã phải là vũ đài đấu sức của các lực lượng chính trị đối nghịch nhau trong khu vực, giữa một bên là thế giới Arab và bên kia là quốc gia Do Thái Israel. Bản thân xã hội Liban cũng luôn ẩn chứa những mâu thuẫn tồn tại và phát triển như mọi xã hội tư bản chủ nghĩa khác. Tuy nhiên, chưa bao giờ thể chế quyền lực ở đây lại phải đối mặt với một làn sóng biểu tình mạnh mẽ và quyết liệt như hiện nay. “Đốm lửa cháy rừng” là vụ nổ kho chứa 2.750 tấn ammonium nitrate (có sức công phá tương đương với 240 tấn TNT) ở cảng Beirut ngày 4-8. Lượng phân hóa học này là hàng buôn lậu, bị tịch thu từ một tàu chở hàng mang cờ Moldova nhưng chủ là người Nga ở Cộng hòa Síp, đang trên đường từ Batumi tới Mozambique. Chúng được chuyển lên kho từ 6 năm trước và có vẻ như đã bị các cơ quan hữu quan quên lãng. Tổng thiệt hại vật chất ước tính từ 10 đến 15 tỷ USD. Các nạn nhân vẫn đang tiếp tục được tìm kiếm...
    |
 |
Hiện trường vụ nổ ở thủ đô Beirut, Liban, hôm 4-8. Ảnh: CNN. |
Lo lắng vì mình có thể bị đổ lỗi, chính quyền Israel đã ngay lập tức phủ nhận bất cứ một sự dính líu nào tới vụ nổ ở cảng Beirut. Phong trào Hezbollah cũng tuyên bố không liên quan tới vụ nổ... Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump dựa trên những điều mà theo ông nói là đã tham khảo từ một số vị tướng Mỹ, mau mắn đưa ra giả thuyết rằng vụ nổ có thể do một lực lượng hay một nhóm nước nào đó âm mưu khủng bố. Tuy nhiên, ngay sau đó, ba ông tướng từ Lầu Năm Góc đã bác bỏ giả thuyết này, dù ông Donald Trump vẫn không chối bỏ những gì mà mình đã nói. Nguyên nhân dẫn đến vụ nổ cho tới nay vẫn đang được truy xét... Đương kim Thủ tướng Liban, Hassan Diab cho rằng vụ nổ là hậu quả của tình trạng vô trách nhiệm, “đem con bỏ chợ” và tội lỗi chính thuộc về nội các cũ đã mất chức từ hồi đầu năm nay...
Chính quyền Liban đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp trong thời hạn hai tuần. Tuy nhiên, những phản ứng muộn màng và chưa đủ mạnh của chính phủ đã không xoa dịu được tâm trạng giận dữ từ phía người dân. Và thế là đã bùng nổ làn sóng biểu tình dữ dội dẫn tới xung đột bạo lực với cảnh sát. Những người biểu tình mang theo những mô hình giá treo cổ mà trên đó có hình nộm ghi tên thủ lĩnh phong trào Hezbollah, Hassan Nasrallah và đương kim Tổng thống Michel Aoun... Trên nhiều đường phố ở Beirut cũng xuất hiện những tấm áp phích mang nội dung tương tự với những khẩu hiệu: “Hãy từ chức ngay!”, “Tất cả các vị là những kẻ sát nhân!”... Những người biểu tình cũng bày tỏ nguyện vọng để Liban nằm dưới quyền quản lý của Liên hợp quốc...
Những người biểu tình tới ngày chủ nhật vừa qua đã chiếm giữ một số trụ sở công cộng và tiến sát gần tới tòa nhà Quốc hội, ném đá và pháo nổ vào cảnh sát. Và họ chỉ bắt đầu tản ra khi các đơn vị quân đội xuất hiện... 728 người bị thương và 1 sĩ quan cảnh sát đã tử nạn trong các vụ đụng độ.
Đa phần các nhà quan sát đều cho rằng, nguyên nhân dẫn tới trạng thái căng thẳng hiện nay ở Liban không đơn thuần là những thiệt hại nặng nề mà vụ nổ tại cảng Beirut ngày 4-8 gây nên. Thực tế thì từ mùa thu năm ngoái, tại Liban đã xuất hiện lúc chìm lúc nổi những làn sóng biểu tình chống giai tầng cầm quyền đương nhiệm bị người dân coi là bất tài và tham nhũng... Lực lượng chính tham gia các cuộc biểu tình này là giới trẻ đả phá những bất đồng tôn giáo. Khẩu hiệu của họ là: “Tất cả chúng ta đều là người Liban”. Các cuộc biểu tình đã dẫn tới việc Thủ tướng Saad Hariri phải từ chức và Liban trong ba tháng liền đã ở trong tình trạng không có người lãnh đạo nội các. Rốt cuộc thì tới ngày 22-1-2020, Tổng thống Michel Aoun, một tín đồ Công giáo Maronite, sáng lập viên phong trào Yêu nước Tự do đã phải đưa ra một nội các mới gồm chủ yếu các nhà kỹ trị do giáo sư Hassan Diab, 61 tuổi, đứng đầu. Tuy nhiên, quyết định mang tính cực chẳng đã này chỉ có thể gieo chút hy vọng nhỏ nhoi vào một triển vọng mới và không giúp triệt tiêu những nguyên nhân chính yếu dẫn tới tâm trạng bất mãn của quần chúng ở Liban. Và vụ nổ ở cảng Beirut đã châm lại ngọn lửa bạo động, đẩy chính quyền đương nhiệm vào những thách thức khôn lường mới.
Theo truyền thống, các nước lớn ở phương Tây luôn luôn ủng hộ những cuộc biểu tình đường phố nhằm thay đổi bàn cờ thế sự ở các quốc gia khác. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm Beirut ngày 6-8, trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống Liban Michel Aoun, đã đưa ra một số điều kiện để Liên minh châu Âu có thể viện trợ giúp Liban mà trong đó, theo các chuyên gia thời sự quốc tế, có thể là yêu cầu phải thay đổi chính phủ. Trong các cuộc tiếp xúc trên đường phố Beirut, ông Macron cũng đã không ngừng tuyên bố rằng, “tôi sẽ không đưa tiền cho giới thượng lưu, tôi sẽ theo dõi để không có tham nhũng”... Cách hành xử trên của một chính trị gia tầm cỡ như tổng thống Pháp hiển nhiên cũng là động lực đổ thêm dầu vào ngọn lửa quyết tâm của những người biểu tình ở Liban...
Rất có khả năng là trong tương lai gần nhất, Liban lại phải cần một thành phần nội các khác để đáp ứng được đầy đủ hơn những đòi hỏi của người dân... Tuy nhiên, đó có lẽ vẫn chưa phải hồi kết của những hỗn loạn tại Liban, bởi lẽ bản chất của nền chính trị sở tại không thể thay đổi được và những giọt nước tràn ly đã tích tụ ở đây quá nhiều...
HỒNG THANH QUANG