Tuy nhiên, ngay bây giờ đã phải tỉnh táo để nhận diện rõ hơn những hậu quả tai hại có thể nảy sinh, thậm chí là đang manh nha, đe dọa tới sự tồn vong của trật tự thế giới hiện nay do Covid-19. Trước hết, đó là nạn đói...

leftcenterrightdel
Dịch Covid-19 tạo ra mối đe dọa thực sự về nguồn cung lương thực trên thế giới. Ảnh: Forbes.

Hệ lụy nhỡn tiền dễ nhận thấy nhất là nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng lương thực trên quy mô toàn cầu. Ngay trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, Liên hợp quốc (LHQ) đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng đói kém đang trở nên trầm trọng hơn tại nhiều nơi trên hành tinh chúng ta và có nguy cơ không chỉ ở những nước thuộc “thế giới thứ ba”. Theo báo cáo của Chương trình lương thực thế giới (WFP) của LHQ năm 2019, số lượng những người đói ăn và thiếu ăn trên thế giới đã liên tục gia tăng trong suốt 3 năm vừa qua. Thực tế là ngay cả những quốc gia luôn vỗ ngực coi mình là phát triển hơn cả cũng đang bị phụ thuộc vào việc nhập khẩu nông sản và vì thế, đang ở mức độ thấp trong lĩnh vực an ninh lương thực. 

Mọi việc trên thị trường xuất nhập khẩu lương thực thực phẩm trong thời gian trước đây không có nhiều lo ngại. Nói một cách công bằng, những thành quả tích cực của quá trình toàn cầu hóa trong nhiều năm qua đã góp phần tạo ra cách nghĩ ở các cường quốc kinh tế rằng, không nhất thiết quốc gia nào cũng phải chân lấm tay bùn vì ‘’có tiền mua tiên cũng được’’, lúc nào cũng dư nguồn nông sản để nhập khẩu. Và thực tế cũng đã là như vậy. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả. Ở thời điểm hiện nay, nhiều quốc gia là những nhà xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới trước nguy cơ đại dịch chí tử này có thể kéo dài và ngày một trầm trọng hơn, gây ảnh hưởng xấu tới mọi mặt đời sống và sản xuất, đã bắt đầu xem xét lại chính sách xuất khẩu nông sản của mình. Nước Nga chẳng hạn, họ mới tuyên bố là đang theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình và có thể sẽ thu hẹp số lượng lúa mì xuất khẩu… Một trong những quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới là Kazakhstan cũng đã ra lệnh cấm xuất khẩu lúa mì và một số loại ra quả phổ biến khác. Các nước xuất khẩu gạo có thứ hạng ở châu Á cũng đang hành xử một cách thận trọng và kiên quyết theo hướng giảm bớt xuất khẩu lương thực. Trung Quốc đã phải cấm các công dân của mình đổ xô mua và tích trữ lương thực tại nhà quá mức tiêu dùng thường nhật, dù chính quyền đã khẳng định là Bắc Kinh có đủ dự trữ lương thực cho một năm tới…

Những quốc gia không có “của ăn của để’’ dài hơi như Trung Quốc dù rất phát triển, hẳn sẽ có nhiều lý do để lo lắng hơn. Thí dụ như Na Uy chẳng hạn. Theo thông tin báo chí ở nước này, từ năm 1928 tới năm 1996 tại Na Uy đã có dự trữ lương thực đủ dùng cho một năm. Tuy nhiên, tới năm 1996, phần lớn lượng lương thực dự trữ đã bị bán đi. Và tới năm 2003, việc tích trữ lương thực cho tương lai đã bị xóa bỏ. Trong khi đó, ngành nông nghiệp Na Uy chỉ tự sản xuất ra được lượng nông phẩm bằng khoảng 40% nhu cầu của nhân dân… Phần còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào việc nhập khẩu. Tình trạng trên có thể dẫn tới những hệ lụy đau đớn, vì thực tế hệ thống thương mại trong một thế giới toàn cầu hóa rất dễ bị tổn thương và khó có thể “cơm lành canh ngọt’’ lâu dài khi xảy ra các cuộc khủng hoảng trầm trọng như đại dịch Covid-19 hiện nay…

Trong khi đó, mọi điều có thể trở nên tệ hại hơn trong lĩnh vực bảo đảm lương thực thực phẩm thiết yếu cho con người ở thời đại dịch và đặc biệt, trong tương lai hậu đại dịch là tình trạng lũng đoạn thị trường của những con cá mập thương mại. Có một thực tế là trên thế giới, hệ thống thương mại toàn cầu trong lĩnh vực lương thực thực phẩm hiện nay nằm trong tay một nhóm các tập đoàn lớn. Chỉ có 4 tập đoàn lớn nắm tới 75% lượng lương thực mua bán trên toàn cầu. Đó là các tập đoàn: ADM  (Archer Daniels Midlands), Bunge, Cargill và Dreyfus, chúng thường được gọi là nhóm ABCD hay “Bảng chữ cái” trong mua bán lương thực. 3 tập đoàn là ADM, Bunge và Cargill là của Mỹ, còn Dreyfus là của Hà Lan. Chính những tập đoàn này luôn hành xử theo nguyên tắc cố gắng bằng mọi phương thức để mua càng rẻ càng tốt và bán càng được giá cao càng hay. Những tập đoàn này từ lâu vẫn hay bị buộc tội liên quan tới việc tàn phá rừng, lạm dụng các hóa chất bị cấm, trốn thuế, sử dụng lao động bị cưỡng bức… Các tập đoàn này cũng luôn tìm mọi cách để lũng đoạn và đang kiểm soát thị trường toàn cầu và đại đa số thị trường tại các quốc gia. Chính nhờ vị thế độc quyền đó mà nhóm ABCD luôn có tiếng nói quyết định trong việc dìm giá mua nông phẩm… Và đây không thể là điều tốt lành cho an ninh lương thực toàn cầu…

Bần cùng tất yếu sinh đạo tặc. Nhiều người còn nhớ năm 2010, khi giá lương thực bị đẩy tăng gấp đôi thì ở gần 30 quốc gia tại châu Phi, châu Á và khu vực Trung Đông đã bùng nổ tình trạng bạo loạn, dẫn tới hiện tượng “mùa xuân Arab” đáng buồn ở nhiều nước. Hiện nay đã vang lên những lời báo động rằng, đại dịch Covid-19 cũng có thể làm bùng nổ phong trào “mùa xuân Arab” thứ hai…

“Loài người, hãy cảnh giác!”-có lẽ chưa bao giờ lời kêu gọi của người cộng sản Tiệp Khắc Julius Fucik lại có tính thời sự như hôm nay khi chúng ta suy nghĩ về nguy cơ mà nạn đói do đại dịch Covid-19 có thể gây ra đối với thế giới… Trật tự thế giới cũ đang bị lung lay tới tận nền móng, không hứa hẹn những bình ổn cho tương lai…

HỒNG THANH QUANG