Một thực tế không thể phủ nhận là phải mất nhiều thời gian nữa, vaccine ngừa Covid-19 mới có thể ra đời. Với hơn 2,5 triệu người nhiễm bệnh, hơn 170.000 người tử vong, đại dịch Covid-19 đã trở thành thảm họa lớn nhất và tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai mà nhân loại phải đối mặt. Ngăn chặn dịch bệnh vẫn là ưu tiên hàng đầu của mọi quốc gia trên thế giới hiện nay.
Nhưng cũng có một thực tế khác không thể phủ nhận là sự tàn phá của Covid-19 đang vượt quá sức chịu đựng với thế giới. Trong thời đại mà sự thịnh vượng phụ thuộc vào trao đổi thương mại và luồng di chuyển của người dân trên toàn cầu, chính sách “pháo đài chống dịch” dù giúp chặn đà lây lan của dịch bệnh nhưng cũng lấy đi sinh khí của các nền kinh tế. Đóng cửa biên giới, dựng lên những rào chắn, giãn cách xã hội có thể là liều thuốc cắt cơn cấp tính nhưng chưa thể là đơn thuốc trị cơn bạo bệnh, trong khi tác dụng phụ của nó lại đang làm các nền kinh tế lao đao.
    |
 |
Hệ thống xét nghiệm bệnh truyền nhiễm Việt Nam tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Ảnh minh họa. |
Mới có vài tháng “nhiễm” Covid-19, kinh tế toàn cầu đã tụt dốc thê thảm. Những dự báo mới nhất cho thấy dịch bệnh đang đẩy kinh tế thế giới vào nguy cơ suy thoái trầm trọng nhất trong một thế kỷ. Với mức tăng trưởng GDP toàn cầu có thể giảm tới 3% trong năm nay, sức tàn phá của “cơn bão” Covid-19 còn tồi tệ hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Ra khỏi tình trạng ngặt nghèo hiện tại để tái khởi động nhịp sống như trước đại dịch, tránh cơn suy thoái thêm trầm trọng là thách thức mà các nước đều đang phải đối mặt. Điều đó đồng nghĩa với việc thế giới phải tính đến chuyện làm sao sống chung với những con virus SARS-CoV-2 tai quái, ít nhất là cho đến khi vaccine trị bệnh ra đời.
Có điều, cái giá sinh mạng phải trả bởi Covid-19 quá lớn khiến các nước đều cảm thấy bối rối với lộ trình đưa cuộc sống bình thường trở lại. Nếu không cẩn trọng mà tháo bỏ ngay các biện pháp hạn chế hà khắc, nguy cơ dịch bùng phát trở lại là điều khó tránh khỏi. Bài học Singapore từng là “điểm sáng” trong giai đoạn đầu chặn dịch giờ trở thành “điểm nóng” Covid-19 của khu vực bởi lơi lỏng kiểm soát dịch bệnh, nhất là đối với lao động người nước ngoài, là lời cảnh báo với bất cứ quốc gia nào nóng vội.
Khi đại dịch Covid-19 tràn khắp toàn cầu, nhiều điểm mạnh, yếu của các quốc gia, các hệ thống chính trị bị phơi bày rõ ràng, thậm chí đến mức khiến người ta ngỡ ngàng. Những thể chế chính trị vốn được coi là hoàn thiện bỗng trở nên lúng túng, tỏ ra đuối sức trước đòn tấn công ồ ạt của những con virus nguy hiểm.
Một nước Mỹ giàu có và mạnh mẽ tưởng chừng sẽ là “thành trì” ngăn dịch, nhưng mọi thứ lại diễn ra theo chiều ngược lại. Mặc dù đã có cảnh báo, nhưng khi “cơn lốc” Covid-19 tràn tới, đất nước này lại “thất thủ” và giờ trở thành “ổ dịch” lớn nhất thế giới. Chỉ sau vài tuần, những gì được coi là át chủ bài trong tay ông Donald Trump cho mục tiêu tái đắc cử tổng thống Mỹ là nền kinh tế phát triển vững chắc với thị trường chứng khoán đang ở mức cao kỷ lục đã bị Covid-19 xóa sạch. “Kẻ thù vô hình”-virus SARS-CoV-2 đã biến ông thành “tổng thống thời chiến” trong một cuộc chiến mà ông bị các đối thủ chính trị chỉ trích là quá chậm chân.
Một mô hình liên kết được coi là thành công nhất trong lịch sử-Liên minh châu Âu (EU) lại tỏ ra chia rẽ, thiếu đoàn kết trong cơn đại dịch. Sự đơn độc và bất lực của Italy trong cuộc đối đầu với Covid-19 khi không có sự trợ giúp của những người láng giềng trong EU đang khiến niềm tin của nước này vào tương lai “ngôi nhà chung châu Âu” bị rạn nứt nghiêm trọng. Không biết sau Covid-19, EU sẽ đi đến đâu khi liên minh này còn chưa hết sốc bởi sự kiện Brexit (Anh rời khỏi EU), giờ có thể mất tiếp Italy.
Làm sao bước ra khỏi đại dịch trong tâm thế của người chiến thắng chứ không phải là kẻ thất trận đang làm đau đầu nhiều chính trị gia trên thế giới. Chẳng ai muốn khi dịch bệnh qua đi, thể chế quốc gia của mình bị coi là yếu kém, bảng thành tích tranh cử của mình lại dính “vết đen” Covid-19. Thêm vào đó, trong bối cảnh các dự báo cho rằng bản đồ kinh tế thế giới sẽ có nhiều thay đổi thời “hậu Covid-19”, càng chậm chân thoát khỏi dịch bệnh thì càng mất đi những lợi thế trong cuộc đua toàn cầu.
Xem ra, đã đến thời điểm phải tính đến một “chiến lược thoát hiểm”, một phương cách để vừa ngăn chặn dịch bệnh, vừa gỡ bỏ dần các hạn chế vốn đang bóp nghẹt các nền kinh tế, cũng như tương lai của không ít chính trị gia trên thế giới. Trong bối cảnh Covid-19 chắc chắn còn kéo dài, chấp nhận dịch bệnh trên thực tế, kiểm soát để có thể chung sống an toàn với dịch bệnh đang là lối thoát mà nhiều nước phải tính đến.
“Sống chung” không phải là kịch bản đặc biệt, bởi dù đang độc quyền thu hút sự chú ý của dư luận, Covid-19 chỉ là cái tên mới nhất trong danh sách dài những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt, như: Chiến tranh, chạy đua hạt nhân, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, đói nghèo, bất bình đẳng... Đại dịch Covid-19 dù nguy hiểm đến mấy cũng không phải là thảm họa cuối cùng. Nó hoàn toàn có thể bị đánh bại bởi sự chung tay của cả cộng đồng.
TƯỜNG LINH