Châu Âu đã trở thành trung tâm phát dịch mạnh mẽ nhất thế giới. Đúng như các chuyên gia đã dự đoán, thảm họa y tế này đang dẫn tới những hệ lụy nặng nề trong mọi mặt hoạt động của con người… Họa vô đơn chí, cuộc chiến giá dầu mỏ mới xuất hiện càng làm trầm trọng hơn những tác động tiêu cực của thiên họa…

Theo đánh giá của các chuyên gia, đại dịch Covid-19 sẽ gây thiệt hại không nhỏ không chỉ về nhân mạng mà còn cho cả nền kinh tế thế giới. Trong thời gian tới đây, nó có thể sẽ làm giảm hơn 0,5% tổng GDP của các quốc gia trên toàn cầu. Điều đáng lo ngại hơn là phản ứng của thị trường ở nhiều nước đang có vẻ như “thần hồn nát thần tính” và có thể gây thêm những thiệt hại mà lẽ ra có thể tránh được. Các chỉ số trên thị trường chứng khoán nhiều quốc gia đang ở mức báo động về một cuộc giảm phát lớn trong tương lai không xa. Các chuyên gia cũng cho rằng, phải mất tương đối nhiều thời gian mới mong phục hồi được nhịp điệu phát triển kinh tế thế giới, có thể từ 6 tới 18 tháng. Và mọi việc ở đây phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả hỗ trợ của chính quyền ở các quốc gia.

Đại dịch Covid-19 cũng đang làm trầm trọng thêm những hệ lụy từ cuộc chiến giá dầu mỏ sau khi LB Nga tuyên bố rút khỏi cơ chế OPEC+ và gây những tác động không chỉ tới kinh tế mà cả đời sống chính trị ở các quốc gia, trước hết là những nước trực tiếp khởi sự. Mặc dù lãnh đạo Saudi Arabia vẫn mạnh miệng tuyên bố một cách lạc quan rằng, họ sẽ giành được nhiều ưu thế khi quyết định tăng khai thác “vàng đen” nhưng thực tế cho thấy, đang có nhiều hiểm họa đe dọa quốc gia có nền kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào dầu mỏ này, khi giá “vàng đen” liên tục suy giảm như hiện nay. Và sẽ tạo ra tương lai ảm đạm hơn đối với thái tử thừa kế Mohammed Bin Salman Al Saud.

Tại Nga, trong những bài phát biểu gần đây nhất, Tổng thống Vladimir Putin cũng đã nhắc nhiều tới những ảnh hưởng tiêu cực từ việc giá dầu mỏ giảm và cho rằng, đó cũng là một trong những nguyên nhân có thể dẫn tới sự bất ổn trong đời sống chính trị quốc gia trong tương lai. Và đây là một trong những lý do quan trọng, như chính lời người đứng đầu Điện Kremli nói, khiến ông đã mau chóng chấp nhận đề nghị của nữ phi hành gia vũ trụ đầu tiên, đại biểu Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Valentina Tereshkova về việc “xí xóa” số lần ông ứng cử tổng thống trước kia và để Hạ viện bỏ phiếu chấp thuận những sửa đổi đối với bản hiến pháp Nga năm 1993 cho phép ông có thể ra tranh cử “một cách tinh khôi” trong cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ diễn ra vào năm 2024. Theo quan niệm của ông Putin, hơn bao giờ hết, giữa một thế giới đầy bất ổn như hiện nay, nước Nga càng cần một vị tổng thống như một sự bảo đảm vững chắc cho quá trình phát triển theo con đường đã chọn của mình, không phụ thuộc vào số lần mà nhân vật đó từng ra ứng cử tổng thống trong quá khứ. Với những sửa đổi mới này, ông Putin sau năm 2024 có thể sẽ tiếp tục làm chủ điện Kremli thêm hai nhiệm kỳ 6 năm nữa…

Sự bất ổn cũng đang gia tăng trong đời sống chính trị ở nhiều quốc gia khác vì đại dịch Covid-19 và cuộc chiến giá dầu mỏ. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12-3 cuối cùng cũng phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc vì đại dịch Covid-19. Tính đến ngày 17-3, ở Mỹ có hơn 4.500 người bị nhiễm Covid-19 và gần 100 người đã chết vì đại dịch này. Tuy nhiên, điều cần nói ở đây lại là việc tuyên bố trên của người đứng đầu Nhà Trắng đã như “sét đánh ngang tai” đối với chính các cộng sự của ông vì trước đó, hầu như không một ai có tâm thế sẵn sàng để thực hiện các biện pháp hạn chế mà ông Donald Trump đưa ra nhằm chống đại dịch Covid-19. Phải mất không ít thời gian thì bộ máy điều hành trực tiếp nước Mỹ mới tạm thời hình dung ra những cách thức mà các lệnh cấm đó tác động đến thực tế…

Thực ra, Nhà Trắng đã nhận được những lời cảnh báo nghiêm túc về những hệ lụy có thể xảy ra từ dịch cúm mới này nhưng họ đã “mũ ni che tai” trước ý kiến của các chuyên gia. Cho đến phút cuối cùng, đương kim Tổng thống Mỹ vẫn trung thành với tác phong quen thuộc “coi trời bằng vung” của mình và hy vọng, với những tính toán chính trị đầy tỉnh táo liên quan tới chiến dịch vận động tranh cử mới, rằng nước Mỹ sẽ không phải chịu thảm cảnh chung cùng các phần còn lại của thế giới trước mối đe dọa từ dịch Covid-19. Thế nhưng, thực tế cho thấy, “không nỗi đau nào riêng của ai” và nước Mỹ cũng đang bị đại dịch Covid-19 tấn công mạnh mẽ như đối với tất cả quốc gia khác, gây nên những ảnh hưởng rất tiêu cực, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu mỏ lại quay sang đà suy giảm…

Như mọi người đều biết, chính sách vận động tranh cử của ông Trump đã chủ yếu dựa trên một lập luận chính yếu là: Một nền kinh tế mạnh, gia tăng việc làm, tăng thu nhập cho doanh nghiệp gia đình và lạm phát thấp. Đó cũng là lập luận mà ông dự định sẽ lặp lại trong thời gian tới. Thế nhưng, đại dịch Covid-19 cùng cuộc chiến giá dầu mỏ hiện nay có thể sẽ làm yếu đi nền kinh tế Mỹ khiến ông Trump mất đi lý lẽ mạnh mẽ nhất của mình… Nhân sự ở các tập đoàn công nghệ, các công ty khai thác dầu mỏ, vận tải… đã bắt đầu cảm thấy khó ở. Và không ai nói trước được những gì sẽ xảy ra nếu xu thế này tiếp diễn.

HỒNG THANH QUANG