Vượt qua những nghi ngờ, hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm “bộ tứ kim cương” đã diễn ra cuối tuần trước theo đề xuất của Mỹ. Dù xa cách do chỉ họp trực tuyến bởi đại dịch Covid-19 nhưng các nhà lãnh đạo của nhóm “bộ tứ” cũng đã kịp xích lại gần nhau trong nhiều thỏa thuận, khép lại giai đoạn nhạt nhòa của mối liên kết từng gây nhiều tranh cãi.
    |
 |
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga (phải) trong cuộc gặp qua video với lãnh đạo các nước trong "bộ tứ kim cương" mới đây . (Ảnh: REUTERS ) |
Hình thành năm 2007 theo sáng kiến của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, “bộ tứ kim cương” được hy vọng sẽ đóng vai trò như một diễn đàn giải đáp các thách thức an ninh mà khu vực rộng lớn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang phải đối mặt, từ tranh chấp lãnh thổ, căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông, đến vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung...
Thế nhưng, chính sự khởi đầu nặng về yếu tố an ninh, hợp tác mới chỉ bó hẹp trong các cuộc diễn tập quân sự chung, cùng những tuyên bố như kiểu “khu vực cần một tổ chức đa quốc gia hoạt động giống như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Mỹ và châu Âu” đã khiến mô hình này bị dư luận đặt câu hỏi. Thực tế thì chẳng mấy ai mặn mà với viễn cảnh xuất hiện một NATO của châu Á, chẳng ai muốn đối mặt với nguy cơ khu vực bỗng biến thành chiến trường tranh giành ảnh hưởng giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc. Đã từng có thời điểm Ấn Độ và Australia tỏ ra thận trọng, không mấy hứng khởi với các sáng kiến chung trong “bộ tứ” do Mỹ và Nhật Bản khởi xướng.
Tuy nhiên, nhu cầu về môi trường hòa bình, ổn định để phát triển luôn là vấn đề cấp thiết với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Khu vực cũng đứng trước đòi hỏi cần thúc đẩy trật tự tự do dựa trên quy tắc mở, với nòng cốt là luật pháp quốc tế để nâng cao an ninh và thịnh vượng, ngăn chặn các nguy cơ bất ổn. Trong bối cảnh đó, tầm nhìn của “bộ tứ” về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do và rộng mở” phần nào đáp ứng mong muốn của khu vực, từ đó mở ra không gian cho mối liên kết này phát triển.
Với các thỏa thuận đạt được nêu trong Tuyên bố chung, có thể nói cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên của “bộ tứ” đã tạo một bước tiến trong việc nâng cấp mối liên kết này. Không còn đơn thuần là diễn đàn an ninh, “bộ tứ” giờ hướng tới giải quyết các vấn đề mang tính cấp bách toàn cầu, từ ứng phó với các tác động kinh tế và y tế do đại dịch Covid-19 gây ra, phòng, chống biến đổi khí hậu, đến giải quyết các thách thức chung, như: Khủng bố, an toàn trên không gian mạng, đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng, phát triển công nghệ, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai...
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành, hai thành viên của “bộ tứ” là Mỹ và Ấn Độ lại chính là hai nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, cuộc gặp lần này đã quyết định khởi động một nỗ lực chung nhằm gia tăng nguồn cung vaccine ngừa Covid-19. Theo đó, Ấn Độ sẽ sản xuất vaccine ngừa Covid-19 đơn liều theo bản quyền của Công ty Johnson&Johnson (Mỹ), với sự hỗ trợ tài chính của Nhật Bản, trong khi Australia phụ trách khâu vận chuyển. Với sáng kiến này, “bộ tứ” muốn thể hiện vai trò dẫn dắt thế giới thoát khỏi đại dịch, cạnh tranh với chính sách “ngoại giao vaccine” mà Trung Quốc đang thúc đẩy, đồng thời củng cố vị thế của Ấn Độ với tư cách nhà sản xuất và cung cấp vaccine lớn nhất và đáng tin cậy trên thế giới.
Trong lĩnh vực kinh tế, những sáng kiến hợp tác mà “bộ tứ” khởi xướng cũng thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là chiến lược chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, tránh phụ thuộc quá mức dẫn đến thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng khi Trung Quốc phải đóng cửa nhiều hoạt động sản xuất để chống dịch Covid-19. Tháng 4 năm ngoái, Nhật Bản đã công bố chương trình hỗ trợ tài chính lên tới 2,2 tỷ USD để các doanh nghiệp nước này chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Tháng 5-2020, Mỹ công bố tiếp sáng kiến Mạng lưới kinh tế thịnh vượng, mời thêm 3 quốc gia gồm Hàn Quốc, New Zealand và Việt Nam tham gia, để thảo luận về cách thức ứng phó khi các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, dòng chảy thương mại quốc tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Xu hướng này chắc chắn sẽ được thúc đẩy sau cuộc gặp trực tuyến của “bộ tứ”. Liên minh này cũng để ngỏ khả năng sẽ có thêm các thành viên mới trong tương lai.
Tất nhiên, tham vọng mở rộng ảnh hưởng của “bộ tứ” cũng khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng hiện thực hóa các cam kết. Cũng có ý kiến cho rằng, nỗ lực ôm đồm quá nhiều vấn đề một lúc sẽ biến “bộ tứ” từ mô hình tập hợp các quốc gia tiềm năng để hướng tới việc thiết lập một liên minh trở thành diễn đàn đối thoại không có gì nổi bật, khó có thể tạo ra những thay đổi đáng kể. Xét về khả năng kiến tạo đối thoại, trong khu vực đã có Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tổ chức đang thể hiện khá hiệu quả vai trò đối tác, liên kết được nhiều nước hơn so với “bộ tứ”.
Còn nhiều câu hỏi về tương lai của “bộ tứ kim cương”. Nhưng với vai trò đại diện cho 1,8 tỷ người (1/4 dân số thế giới), nắm giữ hơn 1/4 GDP toàn cầu cùng khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài trị giá 8,7 nghìn tỷ USD, “bộ tứ kim cương” cho thấy mình còn nhiều tiềm năng. Bên cạnh sức mạnh quân sự, “bộ tứ kim cương” đang nỗ lực tập hợp sức mạnh kinh tế cùng sức mạnh mềm để khẳng định uy quyền trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
TƯỜNG LINH