Kiến trúc sư của những kỳ tích

Đây là điều khá đặc biệt bởi hiếm khi thông tin về đại hội của Đảng cầm quyền ở một nước lại liên tục xuất hiện trên mặt báo chí thế giới nhiều như vậy. Sự khác biệt này chỉ có thể giải thích bởi dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam đang nổi lên như một đất nước với những thành tựu mà thế giới mô tả là “kỳ tích”.

Quả thật, nhìn lại chặng đường nhiệm kỳ vừa qua, có thể nói Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ, xứng đáng với lời khen như vậy. Trong bối cảnh hiếm khi nào phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và những yếu tố bất định, trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 6,8%/năm, đứng trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới. Cú bứt tốc mạnh mẽ đã giúp Việt Nam vượt qua Singapore và Malaysia, trở thành nền kinh tế thứ 4 trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2020, như đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

leftcenterrightdel
Thành công của Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam được dư luận quốc tế quan tâm. Ảnh: TTXVN 

Kỳ tích đó càng nổi rõ hơn khi ngay cả “cú sốc toàn cầu” của đại dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) cũng không thể quật ngã được Việt Nam. Trong khi cả thế giới lao đao, phần lớn các nước đều có mức tăng trưởng âm hoặc rơi vào suy thoái, Việt Nam vẫn hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa chống dịch Covid-19 thành công, vừa đạt mức tăng trưởng 2,91%. Không những thế, sự linh hoạt của “nhịp cầu” xuất khẩu còn giúp Việt Nam lập kỷ lục khi cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm qua. Không phải ngẫu nhiên mà Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định: “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng lên Việt Nam”.

Cùng với sự ổn định chính trị, việc kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô đã giúp Việt Nam duy trì được động lực tăng trưởng. Thành tựu mà Việt Nam đạt được đã tạo ra một “mô hình Việt Nam” mà thế giới nhìn nhận là rất đặc biệt, bởi nó giúp giải quyết được vấn đề về ổn định, huy động mọi nguồn lực và đặc biệt sự tham gia của nhân dân. Hình ảnh một Việt Nam náo nhiệt trong đêm Giao thừa đón năm mới 2021, đối lập với khung cảnh vắng lặng ở nhiều nước, không chỉ khiến thế giới bất ngờ và thán phục mà còn là bằng chứng rõ ràng về thành quả điều hành kinh tế-xã hội của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi trong suốt những ngày qua, Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nằm trong tâm điểm của dư luận quốc tế. Lý do thì như ông Steve Rutchinski, đại diện Hiệp hội Hữu nghị Canada-Việt Nam (CVFS), giải thích: “Đảng Cộng sản Việt Nam là “kiến trúc sư” của những thành tựu to lớn trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xây dựng nền dân chủ và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”. Trong khi truyền thông Trung Quốc đánh giá 5 năm qua Việt Nam đã “tạo ra kỳ tích mới” ở châu Á, thì trang halonoviny.cz của Séc cho rằng: “Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế bởi dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong những năm gần đây, Việt Nam được biết đến là thành viên ASEAN có vai trò, vị thế ngày càng tăng trong khu vực cũng như trên thế giới”.

Chớp thời cơ để “con rồng trỗi dậy”

Những thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua là cơ sở, là điểm tựa để Việt Nam tiếp tục thực hiện bước chuyển quan trọng. Nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế cho rằng, Việt Nam đang trong thời điểm bước ngoặt với những dấu hiệu cho thấy một cuộc đổi mới lần thứ hai sẽ xuất hiện. Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã tích lũy đủ nền tảng, tiềm lực để bước vào giai đoạn “cất cánh”, vươn tới khát vọng hùng cường. Mục tiêu là phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Một quốc gia muốn được coi là phát triển thì thu nhập bình quân đầu người tối thiểu phải đạt 20.000USD/năm. Để có thể biến mục tiêu nêu trên thành hiện thực, để đến năm 2045 (đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng, Việt Nam phải duy trì mức tăng trưởng GDP ở mức trên 7% liên tục trong hơn hai thập kỷ tới, như tính toán của Ngân hàng thế giới (WB). Khó khăn, thách thức đang thử thách bản lĩnh, ý chí Việt Nam nhưng chúng ta không có con đường nào khác là phải vượt lên nếu như không muốn tụt lại trong cuộc đua toàn cầu.

Tuy nhiên, chúng ta có thể tự tin nhìn vào tương lai, bởi lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cho thấy nếu khơi dậy được khát vọng, sức mạnh tiềm tàng của cả dân tộc, thì nó sẽ trở thành một lực lượng có sức mạnh vô địch. Chân lý đó một lần nữa được kiểm nghiệm trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, khi lời kêu gọi “chống dịch như chống giặc” đã gợi đúng truyền thống của một dân tộc từng vượt qua rất nhiều thử thách chống ngoại xâm. Và khi “chống dịch” là ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; khi mỗi người dân trở thành một chiến sĩ trên mặt trận chống Covid-19, thì thành công là điều tất yếu.

Một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng là tham vọng, là khát vọng của gần 100 triệu con dân đất Việt. Vì thế, nếu khơi dậy được sức mạnh lòng dân, khi toàn dân tộc cùng thống nhất một ý chí, chúng ta có thể thực hiện mục tiêu mà Đại hội XIII đặt ra, đúng như lời khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Không thế lực nào ngăn cản nổi dân tộc ta đi lên, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”.

Chúng ta tự tin bởi Việt Nam có sự ổn định về chính trị, yếu tố quan trọng mà như đánh giá của Giáo sư Chuan Petkaew thuộc Đại học Suratthani Rajabhat (Thái Lan): “Sự ổn định chính trị đã trở thành ưu điểm xuyên suốt quá trình phát triển của Việt Nam, ưu điểm mà không phải quốc gia nào cũng có được”. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng thì cho rằng, không thể đánh giá thấp sức hấp dẫn của môi trường chính trị ổn định trong thành công của Việt Nam trở thành trung tâm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thập kỷ qua. Thêm vào đó, việc khống chế thành công đại dịch Covid-19 đã đưa Việt Nam nổi lên như một điểm đến đầu tư và trung tâm sản xuất trong những thập kỷ tới. Thành công của Việt Nam vừa duy trì nền kinh tế hoạt động mà không phải phong tỏa như nhiều nước khác, vừa bảo đảm xuất khẩu tăng trưởng được thế giới coi như kỳ tích. Tờ Thời đại chúng ta (UZ) của Đảng Cộng sản Đức (DKP) đánh giá: “Có nhiều lý do để các nhà đầu tư tìm tới quốc gia được mệnh danh là “con rồng đang trỗi dậy”.

Và cuối cùng, không thể không nhắc tới nhân tố quan trọng trong việc hiện thực hóa khát vọng hùng cường là vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trang mạng Stratfor chuyên phân tích thông tin địa chính trị toàn cầu (trụ sở tại Mỹ) nhận định: “Việt Nam đang ở “thế” thuận lợi để tiếp tục gặt hái thành quả kinh tế và chính trị và Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ là nhân tố giúp đảm bảo ổn định chính trị cho Việt Nam”. Ông Alexander Sokolovsky, Giáo sư Khoa châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện Phương Đông-Đại học Liên bang Viễn Đông (DVFU) thì chia sẻ: “Cá nhân tôi không nghi ngờ gì về việc đại hội thành công, bởi như lịch sử đã chứng minh, Đảng Cộng sản Việt Nam là một lực lượng thực sự có ý chí kiên cường có thể đạt được các mục tiêu đã đề ra và có khả năng đương đầu với mọi khó khăn. Người dân Việt Nam chắc chắn sẽ ủng hộ các quyết định của Đảng vì những quyết định đó phản ánh mục tiêu chính của Đảng là làm cho cuộc sống ở Việt Nam thịnh vượng và hạnh phúc”.

Với thành công từ Đại hội XIII của Đảng, không chỉ định hướng phát triển cho 5 năm trước mắt mà tầm nhìn chiến lược cho đất nước trong những thập kỷ tiếp theo đã được vạch định rõ nét. Đó là bệ phóng để Việt Nam viết tiếp kỳ tích. Niềm tin và hy vọng đang dâng lên, không chỉ với người dân Việt Nam mà còn cả với cộng đồng quốc tế. Trang Times of India của Ấn Độ viết: “Cộng đồng quốc tế cần ủng hộ Việt Nam vào đúng thời điểm này khi đất nước đang tìm kiếm định hướng chính sách cho 25 năm tới. Nếu Việt Nam được hỗ trợ hiệu quả với mong muốn đạt được một trật tự tích cực, hợp tác, dựa trên luật lệ quốc tế ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đó sẽ là động lực to lớn cho khu vực Đông Á để phát huy hết tiềm năng của mình. Nếu Việt Nam thành công, Đông Á sẽ thành công”. Còn Đại sứ Venezuela tại Việt Nam, bà Tatiana Josefina Pugh Moreno thì bày tỏ tin tưởng: “Thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến tấm gương của một dân tộc anh hùng không ngừng vươn lên giành thắng lợi”.     

TƯỜNG LINH