“Đây là một việc làm có ý nghĩa hết sức nhân văn, thể hiện sự tri ân sâu sắc của BĐBP với đồng bào các dân tộc nơi biên giới và cũng là sự kế tiếp của Chương trình “Nâng bước em tới trường”-bước khởi đầu của sự “đặt nền, xây móng” tạo nguồn đội ngũ cán bộ tại chỗ cho các địa phương, từng bước xây dựng khu vực biên giới ngày càng vững mạnh mà BĐBP đã và đang làm”-đó là khẳng định của Thiếu tướng Nguyễn Danh Vượng, Chính ủy BĐBP.

Ươm mầm xanh biên cương

“Mế đừng lo! Ở đây con được các bác, các chú chăm sóc chu đáo lắm. Con có phòng ngủ riêng, phòng học riêng, góc học tập để sách vở, ba lô đến trường. Thích lắm mế ạ.... ”. Vừa kéo tay mẹ đưa sang “tham quan” góc học tập của mình, Tẩn Chí Dũng vừa chững chạc “động viên” mẹ.

Ôm chặt con trai vào lòng, Tẩn Lở Mẩy mắt ngấn lệ, nhưng miệng lại cười hạnh phúc, nói: “Ăn ở và điều kiện học hành của con ở đây mế rất yên tâm. Nhưng mế chỉ lo con còn nhỏ, chưa hiểu chuyện, rồi những lúc mế nhớ con, con nhớ mế”…

Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Văn Tứ, Đồn trưởng ĐBP Trịnh Tường cho biết: Mới 6 tuổi nhưng Tẩn Chí Dũng nhanh nhẹn và thông minh lắm. Hôm đưa Dũng vào Trường Tiểu học và Trung học Cốc Mỳ làm thủ tục nhập học lớp 1, cậu bé cứ luôn mồm hỏi bao giờ cháu được đến trường học cùng thầy cô giáo ạ? Hoàn cảnh Dũng cũng tội, bố mất trong vụ tai nạn cuối năm 2018, mẹ không công ăn việc làm, lại phải cáng đáng thêm ông bà ngoại và em gái nhỏ 3 tuổi, trong khi gia đình Dũng thuộc diện gia đình người có công. Hoàn cảnh như vậy nên gia đình em rất vui mừng, yên tâm khi Dũng được ĐBP Trịnh Tường nhận về làm “con nuôi đồn biên phòng”, có điều kiện học tập và phát triển tương lai sau này.

leftcenterrightdel
Các cháu là con nuôi Đồn Biên phòng Trịnh Tường trong giờ làm bài tập.

“Dũng ít tuổi nhưng rất nghị lực. Hiếm có cháu nhỏ nào mới chừng ấy tuổi mà đã hiểu được hoàn cảnh gia đình, thương mẹ, thương ông bà và thương em đến thế”-Thiếu tá QNCN Lê Đăng Khoa, nhân viên phòng, chống ma túy và tội phạm ĐBP Trịnh Tường-người được giao trực tiếp chăm sóc, dạy dỗ việc học cho Dũng, kể.

Cùng ở với Tẩn Chí Dũng là Sùng A Tủ. Năm nay Tủ đã 13 tuổi, hoàn cảnh của Tủ cũng chẳng khá hơn Dũng là bao. “Thằng Tủ thích học lắm, nhưng điều kiện gia đình quá khó khăn. Đã nhiều lần tao bảo nó nghỉ học để giúp gia đình làm nương kiếm tiền nuôi em. Nhờ có ĐBP Trịnh Tường nhận chăm sóc, nuôi dưỡng để thằng Tủ được tiếp tục học cái chữ, sau này trở thành người có ích cho bản làng. Tao mừng lắm!”-anh Sùng A Tăng, bố của Sùng A Tủ vừa sung sướng ngắm bộ quần áo mới của con trai, vừa nói với chúng tôi như vậy.

Tẩn Chí Dũng và Sùng A Tủ chỉ là hai cháu trong số 205 cháu được các ĐBP cả nước đón nhận về chăm sóc, nuôi dưỡng. Mỗi cháu có một hoàn cảnh khác nhau, có cháu mồ côi cha, có cháu mồ côi mẹ, có những cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa, hoặc có những cháu còn đủ đầy cả cha lẫn mẹ nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không có điều kiện đến trường. Ở các cháu đều có một điểm chung: Mong muốn được ăn đủ no, mặc đủ ấm và khát khao được đến trường học cái chữ để trở thành người có ích cho bản làng nơi biên cương của Tổ quốc. Và các anh-những người lính mang quân hàm xanh chính là người đang giúp các em viết ước mơ cho mình…

Chủ trương giàu tính nhân văn

Có mặt chứng kiến lễ đón nhận “Con nuôi đồn biên phòng” của BĐBP tỉnh Lào Cai, chúng tôi cảm nhận đủ đầy sự ấm áp, chan chứa tình cảm của những người lính tưởng chừng rất khô khan, cứng nhắc dành cho những em nhỏ có hoàn cảnh không may mắn. Nhiều người có mặt không giấu được cảm xúc phải thốt lên: “Giống như những người cha đón các con đi xa trở về nhà mình”. Vâng, đó là ngôi nhà lớn không chỉ nuôi các em về cơm ăn, áo mặc mà còn là nơi rèn giũa các em sớm có tác phong, bản lĩnh của Bộ đội Cụ Hồ, hoàn thiện nhân cách để làm người có ích cho xã hội.

Trò chuyện với Đại tá Nguyễn Trọng Ngữ, Chính ủy BĐBP tỉnh Lào Cai, anh cho biết: “Việc đón các cháu về chăm sóc, nuôi dưỡng tại ĐBP không phải bây giờ chúng tôi mới bắt đầu làm. Năm 2015, ngay khi thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, một số ĐBP thuộc BĐBP tỉnh như ĐBP Y Tý, Bát Xát, Si Ma Cai, A Mú Sung… đã nhận chăm sóc và nuôi dưỡng các cháu có hoàn cảnh khó khăn tại đồn. Không riêng BĐBP tỉnh Lào Cai mà BĐBP các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đã làm như vậy. Tuy nhiên, việc nuôi dưỡng và chăm sóc chưa thành hệ thống cụ thể như Hướng dẫn 1430/HD-CCT và Kế hoạch 1670/KH-CCT của Cục Chính trị BĐBP về thực hiện mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” vừa qua. Các em được đón về chăm sóc tại ĐBP gần như được dạy dỗ từ những điều sơ đẳng nhất. Chúng tôi hướng dẫn các cháu từ cách vệ sinh cá nhân, đánh răng, rửa mặt, đến cách cầm chổi quét nhà như thế nào; hằng ngày đưa đón đến trường, tối kèm cặp các cháu học và làm bài tập”...

Nhờ sự tận tâm của các bác, các chú BĐBP, nên chỉ sau thời gian ngắn, các em đều có sự tiến bộ rõ nét và yêu quý những người lính mang quân hàm xanh hết mực. Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó chính ủy BĐBP khẳng định: Sau 3 tháng phát động chương trình, toàn lực lượng biên phòng đã nhận 205 cháu về chăm sóc nuôi dưỡng tại các đồn và tự nguyện đóng góp kinh phí hơn 2 tỷ đồng để chăm nuôi các cháu. Cùng với đó, các ĐBP cũng đều có sự chuẩn bị chu đáo về nơi ăn ở, mua sắm đồ dùng học tập, sinh hoạt cá nhân, phân công cán bộ đưa, đón các cháu đến trường và dạy dỗ các cháu hằng ngày… Ngoài ra, Bộ tư lệnh BĐBP may cho mỗi cháu “Con nuôi đồn biên phòng” một bộ đồng phục và tặng nhiều phần quà thiết thực nhân dịp năm học mới.

“Con nuôi đồn biên phòng” là một bước phát triển nâng tầm của Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Đảng ủy Bộ tư lệnh BĐBP kỳ vọng, nếu chỉ sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” (từ năm 2014 đến tháng 5-2019), toàn lực lượng BĐBP đã giúp đỡ được gần 3.000 em học sinh ở khu vực biên giới có hoàn cảnh khó khăn được đến trường (trong đó có gần 200 cháu là học sinh nước bạn Lào và Campuchia) với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng/em, đến khi học hết lớp 12; thì Chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” sẽ không chỉ góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh mà còn xây dựng, tạo nguồn đội ngũ cán bộ tại chỗ cho các địa phương; từng bước xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Lý giải điều này, Thiếu tướng Nguyễn Danh Vượng, Chính ủy BĐBP khẳng định: “Nếu “Nâng bước em tới trường” là đỡ đần các em có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội đến trường, vươn lên trong cuộc sống thì “Con nuôi đồn biên phòng” sẽ phải nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa cả về vật chất cũng như tinh thần. Nghĩa là những cán bộ, chiến sĩ biên phòng cần phải có sự đầu tư thời gian chăm sóc, xác định rõ thái độ trách nhiệm của bản thân đối với những cháu được đón về đồn nuôi dưỡng; phải chăm lo các cháu một cách “thực tâm, thực chất và thực lòng”. Do đó, việc lựa chọn nhận các em về ĐBP chăm nuôi cũng có sự chặt chẽ, khắt khe hơn về lý lịch cũng như hạnh kiểm đạo đức. Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cho BĐBP và địa phương mai sau”.

Và những kỳ vọng...

Đồng tình với mục đích, ý nghĩa của chương trình, bà Giàng Thị Dung, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) nói: “Đây là chủ trương hết sức kịp thời và đúng đắn của Bộ tư lệnh BĐBP nhằm giúp đỡ các cháu học sinh hiếu học nhưng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có điều kiện được ăn ở, học tập, phát triển toàn diện. Chương trình đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết quân-dân trên địa bàn vùng biên, cùng nhau chung sức đồng lòng bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. Điều này cũng góp phần quan trọng trong việc phát huy vai trò, uy tín của BĐBP ở khu vực biên giới thời kỳ mới”.

Bước đầu, Chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” đã nhận được sự đồng thuận của cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng; sự tin tưởng của cấp ủy, chính quyền, người dân các địa phương, có sự lan tỏa sâu rộng, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng hành cùng lực lượng biên phòng và các em tới trường. Con số 2 tỷ đồng và những việc làm cụ thể, như mỗi cán bộ, chiến sĩ ĐBP tự nguyện trích 100.000 đồng/người/tháng hỗ trợ chăm nuôi các em ngay trong những ngày đầu triển khai thực hiện chương trình là minh chứng sống động. Những người lính quân hàm xanh kỳ vọng, bằng sự tận tâm, hết lòng sẽ giúp các em chuẩn bị hành trang, có nền tảng tri thức tốt để tạo dựng cuộc sống ấm no, trở thành công dân tốt. Và những “mầm xanh” này sẽ là nguồn phát triển cán bộ tại chỗ cho địa phương vùng biên giới trong tương lai không xa.

Bài và ảnh: KIM ANH