Những tháng ngày trong trại giam, được sự giáo dục, cảm hóa của cán bộ, sự động viên, đồng hành của người thân, người mang án tù bắt đầu lại hành trình khơi trong tâm hồn, làm lại cuộc đời. Đó là một hành trình đầy gian nan, ướt đẫm nước mắt hối hận, dằn vặt, đau khổ, mong muốn được tha thứ, hoàn lương.
“Khi tra tay vào còng số tám, bà chủ vẫn dặn tôi: “Yên tâm, chiều cô sẽ đưa cháu ra. Không được khai gì”. Tôi ngây thơ tin rằng đó là sự thật. Suốt 7 tháng bị giam, tôi không khai nửa lời. Cho đến một ngày mẹ chồng đưa con trai thứ hai mới 19 tháng tuổi của tôi vào thăm. Thằng bé vừa thiu thiu ngủ trên tay mẹ cũng là lúc hết giờ thăm phạm nhân. Tôi phải trao con lại cho mẹ chồng, thằng bé giật mình khóc thét khi bị kéo ra khỏi tay mẹ. Trái tim tôi đau thắt lại, mắt hoa lên, đôi chân nặng như đeo cùm và sụp xuống. Với tất cả bản năng yêu thương của người mẹ, tôi thấy vô cùng ân hận, đau khổ. Tôi có lỗi với con, với gia đình…”. Đó là lời tâm sự đẫm nước mắt của phạm nhân Hoàng Thị Mai sau 5 năm thực hiện án tại trại giam Bình Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cũng như rất nhiều những phạm nhân khác ở các trại giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên); Ngọc Lý (Bắc Giang); Ninh Khánh (Ninh Bình)... Giọt nước mắt muộn màng của họ như sự trào dâng ăn năn từ sâu thẳm tâm can, nơi gìn giữ bản tính thiện. Mỗi câu chuyện của phạm nhân cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh những ai ngấp nghé muốn bước qua ranh giới thiện-ác.
    |
 |
Phạm nhân ở trại giam Bình Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong giờ lao động đan lưới. Ảnh: VĂN TUẤN |
Mắc tội với mẹ
Khi sa cơ lầm lỡ, mọi thứ sẽ dần rời xa, phạm nhân chỉ còn những người thân ruột thịt là cùng chịu nỗi đau và luôn bên cạnh động viên, an ủi, trở thành điểm tựa tinh thần cuối cùng để cố gắng cải tạo. Trong những tháng ngày tù tội thì hình ảnh người mẹ luôn là biểu tượng cao cả, bao dung đối với hầu hết các phạm nhân.
Chúng tôi gặp chị Mai khi đã gần trưa, sau buổi lao động, mồ hôi còn thấm ướt lưng áo phạm. Điều khiến chúng tôi ấn tượng là đôi mắt đẹp, buồn mênh mang, nặng trĩu của người phụ nữ này. Cuộc đời chị Mai là chuỗi ngày đầy u buồn, bất hạnh. Chị Mai sinh ra trong một gia đình có hai anh em ở tỉnh Thanh Hóa. Khi chị được một tháng tuổi thì bố mẹ ly hôn. Hình ảnh gắn liền với tuổi thơ của chị là sự nghèo đói, cơm ăn không đủ bữa, quần áo quanh năm chỉ có hai, ba bộ vá chằng vá đụp. Năm 1994, khi chị Mai đang học lớp 9, mẹ chị đi thêm bước nữa. Để tiếp tục nuôi giấc mơ đi học, chị quyết định lấy chồng. Về nhà chồng, nửa ngày chị đi học bổ túc, nửa ngày đi làm. Cuộc sống vốn thiếu thốn tình cảm từ nhỏ lại càng thêm phần cơ cực khi chồng nghiện rượu. Thỉnh thoảng trong cơn say, anh chồng lên tận trường học lôi chị ra sân “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”. Khi con trai lớn lên 5 tuổi, cực chẳng đã, chị đưa con về bên ngoại, rồi vào Nghệ An lập nghiệp. Ban đầu, chị theo đoàn văn công nghiệp dư đi hát và làm MC đám cưới với mức lương 70 nghìn đồng/ngày. Dần dần tích cóp được ít vốn, chị mở thêm quán làm đẹp, cắt tóc, gội đầu. Rồi đến một ngày, có một khách quen thấy chị nhanh nhẹn, hoạt bát đã mời chị về làm quản lý nhà nghỉ. Chỉ làm thêm buổi tối, lương cứng 2,5 triệu đồng/tháng, ngoài ra chị còn nhận thêm tiền bo từ khách và nhân viên. Buổi đêm đầu tiên đi làm, chị nhận được tiền bo hơn 2 triệu đồng. Ngay đêm đó chị đã biết rằng đây là nhà nghỉ kinh doanh trá hình có dẫn gái mại dâm, nhưng số tiền thu nhập quá lớn làm chị lóa mắt. Sau 6 năm làm việc, lún sâu vào vũng bùn tội lỗi, chị Mai bị bắt, xét xử với ba tội danh, môi giới mại dâm, hiếp dâm, bắt giữ trái phép, thời gian lĩnh án 16 năm tù. Trong một giờ nói chuyện, chị Mai chia sẻ với chúng tôi rất nhiều tình tiết vụ án. “Khi chị bị bắt, người nhà có thường xuyên vào thăm chị không?”. Nghe chúng tôi hỏi vậy, chị lặng người, nước mắt tuôn trào. Chị nấc lên như muốn đẩy ra bao đau buồn, uẩn ức trong sâu thẳm tâm hồn. Chị kể, khi biết con bị bắt, mẹ chị đã xuống tóc đi tu. “Mẹ tôi lên thăm nhưng không một lời oán trách, chỉ động viên tôi cố gắng cải tạo tốt, sớm về đoàn tụ với gia đình. Mẹ tôi đi tu để toàn tâm kêu cầu trời phật thương xót, cứu rỗi tội lỗi, nghiệp báo cho con”. Chọn cách im lặng, xuống tóc nương tựa cửa Phật, mẹ chị Mai đã nén nỗi đau, dựa vào cửa chùa quên đi cuộc sống bão giông.
Bao đêm suy tư thương mẹ vì lỗi lầm của mình mà đi tu, thương con thơ dại khi ốm đau không được mẹ chăm sóc, lòng chị Mai quặn thắt, ân hận vô cùng. Theo Thượng tá Nguyễn Thơ, Phó giám thị trại giam Bình Điền: “Khi phạm nhân chịu án, không chỉ họ mà người thân và gia đình cũng phải cùng chịu nỗi đau và sự dằn vặt tâm can. Hầu hết những phạm nhân chịu án dài, chồng hoặc vợ đều gửi đơn ly dị, bạn bè thăm nom cũng rất thưa vắng, chỉ còn người thân ruột thịt. Có những bà mẹ hơn 80 tuổi, vượt đường xa vài trăm cây số vào thăm con, chúng tôi góp lại biếu các mẹ chút tiền lộ phí, mua gói quà cho con”. Trong muôn vàn số phận tù tội, hoàn cảnh của chị Mai làm nhiều người suy nghĩ, cuộc sống con người không chỉ biết sống cho riêng mình mà còn phải nghĩ đến cha mẹ, con cái… Giọt nước mắt muộn màng, đắng ngắt.
Dằn vặt đeo bám suốt đời
Đi tìm hiểu ở bốn trại giam, nơi giam giữ hàng vạn phạm nhân, chúng tôi vẫn mong muốn tìm được sự ăn năn, suy nghĩ tích cực “quay đầu là bờ” của họ. Đặc biệt là những phạm nhân trọng án sát nhân.
Dương Bảo My, phạm nhân ở trại giam Phú Sơn 4, tỉnh Thái Nguyên. Năm 2013, My bị bắt khi 16 tuổi 5 tháng với tội danh giết người, cướp của và lĩnh án 18 năm tù. 5 năm thụ án, My già hơn nhiều so với tuổi. Do nếm trải cuộc sống nhà tù từ khi còn rất trẻ nên nét mặt của My khá trầm và lạnh. “Sau một thời gian thụ án, em có ngẫm nghĩ gì về tội lỗi của mình gây ra?”-chúng tôi mở đầu câu chuyện. “Lúc phạm tội, em đang học lớp 10. Do sống buông thả nên đã cùng người yêu gây ra tội ác”. Mới học lớp 10 nhưng My đã ham chơi, yêu một thanh niên lêu lổng. Theo My thì người yêu không nghiện hút nhưng cả hai thường xuyên đi bar và chơi đá. Không kiếm ra tiền nhưng ăn chơi không có điểm dừng nên khi hết tiền, cả hai rủ nhau đi cướp và gây ra án mạng. Nhân tính tụt dốc đến điểm đáy tội ác, My mới giật mình tỉnh ngộ. “Khi mới vào trại, em rất hoảng loạn. Vừa kinh hoàng với tội lỗi mình gây ra, vừa run sợ đón nhận sự trừng phạt của pháp luật. Nhưng sự trừng phạt lớn nhất là lương tâm. Gần hai năm liền em bị căng thẳng, mỗi khi nhắm mắt, em lại nhìn thấy nạn nhân với thân hình đầy máu đến đòi nợ. Thậm chí có lúc nhìn vào đâu em cũng thấy hình ảnh nạn nhân hiện ra. Em sợ mỗi khi cô độc, sợ bóng tối”. Nói đến đây My bật khóc. My khóc vì cả một thời tuổi trẻ trong sáng và mơ mộng bị lấp đầy bởi tội lỗi và sự trả giá. Trước khi chia tay chúng tôi, My nghẹn ngào: “Em muốn gửi lời xin lỗi đến gia đình nạn nhân”. Lời nói của My rất nhỏ nhưng chất chứa bao đau khổ, dằn vặt vò xé tâm can.
Phạm nhân Lê Anh Tuấn ở trại giam Bình Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng phạm tội giết người, lĩnh án 18 năm tù. Tuấn sinh ra trong gia đình có 5 anh em, bố mẹ làm nghề buôn bán. Là con thứ tư trong gia đình nên Tuấn được bố mẹ cưng chiều. Dù thi đỗ một trường cao đẳng nhưng Tuấn không chí thú học hành mà bỏ ngang đi buôn phụ tùng ô tô từ Việt Nam sang Lào. Sau một thời gian, dù còn rất trẻ nhưng Tuấn trở thành một tay giang hồ có tiếng. Tuấn bỏ nghề buôn chuyển sang làm cá độ bóng đá. Do xích mích trong quá trình làm ăn, Tuấn đã tổ chức hội thanh toán giang hồ. Tuấn trực tiếp đâm chết người. Sau hai ngày hoảng loạn bỏ trốn, Tuấn đã ra đầu thú và chịu bản án nghiêm khắc của pháp luật. Hơn 6 năm thụ án, giờ Tuấn đã ngoài 30 tuổi, có nhiều thời gian để ngẫm nghĩ về những việc đã làm. Tuấn tâm sự: “Càng nghĩ tôi càng thấy ân hận. Bố mẹ già yếu, tôi không thể có mặt chăm sóc mà còn mãi mãi là nỗi đau dai dẳng, vết nhơ của gia đình. Chỉ một phút nông nổi, tôi đã tước đi tính mạng của một con người, cướp đi vĩnh viễn cha của một đứa trẻ. Tôi biết dù có phải trả giá bao nhiêu cũng không thể bù đắp lại những lỗi lầm tôi đã gây ra. Từ đáy lòng, tôi chỉ mong muốn gửi một lời xin lỗi và mong được tha thứ”.
Có tội phải đền tội, đó là tất yếu, nhưng để mỗi con người khi phạm tội có cơ hội hoàn lương, sớm trở về hòa nhập cùng xã hội thì môi trường trại giam chính là những viên gạch đầu tiên giúp phạm nhân cải tạo, tìm về với bản tính lương thiện vốn có của mình. Chúng tôi xin gửi tới bạn đọc môi trường cải tạo các phạm nhân ở kỳ tiếp theo.
Phóng sự của TUẤN ANH - VĂN TUẤN - HẢI LÝ