Ảo mộng từ những tin đồn

Đặt chân lên huyện Lục Yên những ngày tháng 7, từ quán cơm, quán nước, cửa hàng hay ngoài chợ… đâu đâu chúng tôi cũng nghe người ta bàn tán về việc có người đào được viên đá bán vài trăm triệu đồng, có viên có giá trị hàng tỷ đồng. Cách người ta kể và lắng nghe rất say sưa. Đơn giản bởi sức hút của thông tin chính là số tiền quá lớn. Đó là vận may đổi đời. Với nhiều người, cả đời cũng chưa từng được sở hữu số tiền lớn như vậy. Thường kèm theo mỗi câu chuyện, người ta đặt ra những “giá như” đầy khao khát, thèm muốn… khi sở hữu số tiền “khủng” đó. Tuy nhiên, có một điểm chung của các câu chuyện là chủ đào được đá quý là ai, người đưa chuyện cũng không hề biết. Họ chỉ “nghe thấy” người ta kể, anh này, chị kia ở thôn nọ đào được chứ không biết đích xác là ai.

Để xác minh thông tin, chúng tôi đến UBND xã Liễu Đô. Anh Hoàng Văn Yên, Xã đội trưởng xã Liễu Đô cho biết: “Mới hôm qua, ngay tại cổng UBND xã, người ta đồn anh Trịnh Văn Đồng ở thôn Tiền Phong đào được viên đá trị giá 10 tỷ đồng. Thương lái ở Hà Nội hỏi mua trả 8 tỷ đồng. Tin truyền nhanh như điện nhưng không biết thực hư thế nào”. Qua thông tin của anh Yên, chúng tôi tìm gặp anh Đồng. Thực ra, anh Đồng không phải là một người đào đá chuyên nghiệp mà anh có một cửa hàng tạp hóa bán thiết bị điện, nước. Vào đợt nóng cao điểm nên anh Đồng rất bận rộn với việc bán và lắp đặt các thiết bị điện, nước cho người dân. Anh Hoàng Văn Yên đặt câu hỏi:

- Người ta đồn anh mới đào được viên đá 8 tỷ đồng à?

- Làm gì có! Đào được viên đá giá trị lớn như vậy thì tôi đã nghỉ, chẳng phải đi làm bở hơi tai cả ngày kiếm mấy trăm nghìn đồng làm gì.

- Tưởng anh đào được thì mừng cho anh.

- Chỉ là tin đồn thôi!

leftcenterrightdel
Lúc cao điểm có hàng nghìn người lên bãi Bưởi, xã Liễu Đô, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đào đá quý
leftcenterrightdel
Người dân đào hố sâu 2-3mm để tìm đá quý

Qua cuộc trò chuyện với anh Đồng, anh Yên kể: Hiện nay ở huyện Lục Yên, người ta tung ra rất nhiều tin đồn về những viên đá đào được hàng trăm triệu đồng, hàng tỷ đồng nhưng người dân địa phương chưa ai được chứng kiến chuyện đó. Có hôm người ta đồn chị Hoàng Thị Phiếu ở thôn Chính Quân mới đào được viên đá trị giá hàng trăm triệu đồng. Là hàng xóm nên anh Yên biết rất rõ. Viên đá chị Phiếu đào chỉ bán được 3 triệu đồng. Rồi một đồn mười, mười đồn trăm...

Nói về nguồn cơn rộ lên những tin đồn về mỏ đá quý ở xã Liễu Đô, ông Nông Đức Thắng, Chủ tịch UBND xã Liễu Đô cho biết: “Cuối tháng 6, đầu tháng 7 có một nhóm người tung tin trong dư luận và qua mạng xã hội Zalo, facebook… đào được viên đá trị giá 5 tỷ đồng ở bãi Bưởi, xã Liễu Đô. Dần dần, dư luận bàn tán xôn xao trữ lượng đá quý ở bãi Bưởi nhiều, chất lượng tốt. Cứ như vậy, người dân các huyện lân cận, thậm chí ở các tỉnh khác ùn ùn kéo đến đào. Đợt cao điểm có đến hàng nghìn người. Họ men theo lối mòn, leo lên núi đào bới huyên náo hết cả xã, làm đảo lộn cuộc sống nơi đây. Người địa phương thì ít, người tứ xứ là chủ yếu, tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an ninh”.

Việc đào đá quý ở huyện Lục Yên đã xuất hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước. Địa bàn các xã: Tân Lập, Minh Tiến, Phan Thanh, Tân Lĩnh, An Phú đều có đá quý. Thời điểm đó, người dân đi đào đá rất đông. Hoạt động mua bán diễn ra công khai. Theo quy luật, hết ngày thương lái ở các tỉnh đến bãi thu mua. Những viên to, thương lái đi ô tô đến tận nhà đông nườm nượp. Những viên đá quý trị giá chục triệu đồng, trăm triệu đồng là có thật. Và việc đó diễn ra gần như công khai cách đây mấy chục năm. Tuy nhiên, việc bùng phát tin đồn đá quý ở huyện Lục Yên lần này chủ yếu xuất phát trong dư luận và mạng xã hội. Vì vậy ông Thắng cũng không loại trừ khả năng hiện tượng “lộn bãi”.

Ra “chợ trời” mua đá quý

Theo giải thích của ông Thắng, “lộn bãi” là việc các lái buôn lợi dụng đá quý ở huyện Lục Yên có chất lượng tốt, quý hiếm nên tung những tin đồn thất thiệt. Sau đó mang đá ở các nơi khác, thậm chí nhập ở nước ngoài có chất lượng thấp trà trộn bán cho những người kém hiểu biết.

Sau một thời gian tìm hiểu ở xã Liễu Đô, chúng tôi được biết, cuối giờ chiều tại một số điểm ở chân núi, lối mòn lên bãi Bưởi, một số thương lái trên địa bàn và cả thương lái ngoài tỉnh Yên Bái tập trung thu mua đá của người dân đào trên núi mang xuống.

16 giờ, vào vai một người mua đá quý, chúng tôi tới cuối con đường mòn thôn Chính Quân. Có gần chục lái buôn túc trực sẵn. Đồ nghề của họ chủ yếu là kính soi đá, đèn chiếu… Lân la hỏi chuyện, một thương lái tên Tuấn cho biết: “Đá quý ở bãi Bưởi là loại spinel, dòng đá quý và rất hiếm, sánh ngang với ruby. Chúng có màu sắc, vân đá rất sắc nét và đẹp mắt, thường được dùng để làm đồ trang sức, phong thủy”. Như để diễn tả, Tuấn lấy một mảnh giấy bóng màu xanh đưa cho chúng tôi xem, nói thêm: “Màu xanh của đá rất khó diễn tả, nhưng càng xanh đậm thì càng có giá trị”.

- Tin đồn hôm trước người dân đào, bán được viên đá 3,8 tỷ đồng màu sắc của nó thế nào?

- Màu xanh của viên đá đó rất lạ và độc-Tuấn trả lời.

- Thấy bảo viên đá đó đem về chặt ra bán 200 triệu đồng cũng không ai mua?

- Buôn đá quý kiểu này cũng như đánh bạc. Mình soi thấy tia lấp lánh trong đá, ước lượng đưa giá hợp lý. Khi chặt ra lại là vấn đề khác. Hôm trước, nghe nói có mấy người đào được viên đá, khách trả 600 triệu đồng không bán, cuối cùng chặt ra không được đồng nào.

Nghe Tuấn nói vậy, một thương lái tuổi ngoài 60, đầu cắt cua chen vào: “Nói phét!”. Rồi ông đủng đỉnh diễn giải: “Hơn 30 năm buôn đá, đi khắp các bãi, tôi còn lạ gì. Bao nhiêu năm nay, các mỏ đá dạy cho người ta đủ thứ, giỏi nhất là cách đồn thổi, làm giá”. Nghe thương lái này nói, gần chục thương lái có mặt ở đó cười hì hì. Câu chuyện bắt đầu xôm hẳn khi ông này dẫn câu chuyện: “Hôm trước, 4 thằng bảo mua chung một viên đá. Sau khi định giá khoảng 30 triệu đồng, 3 thằng xuýt xoa tâng lên giá trị khoảng 50 triệu đồng. Chưa chia ngã ngũ, một thằng nhảy vào chốt: “Thôi để cho tôi 30 triệu đồng, anh em chia đều”. Cuối cùng chặt ra chẳng được xu nào, khóc tu tu giữa chợ, trông đến buồn cười”. Nghe vậy, cánh lái buôn xúm vào thêm thắt: “Chuyện như vậy không hiếm, thằng tham “ôm” rõ lắm rồi vỡ mộng tiền tỷ, bán hết cả nhà”...

Câu chuyện dừng lại khi có những đoàn người mang đá từ trên núi xuống, chủ yếu là thanh niên. Có những viên đá to bằng cái chén, bằng nắm tay, thỉnh thoảng có viên to bằng cái mũ cối. Bằng mắt thường quan sát ban đầu, những viên đá bám đầy đất, không khác những viên đá bình thường là mấy. Các lái buôn xúm lại xem đá. Họ thi nhau đeo kính, soi đèn vào những viên đá. Sau khoảng 30 phút xem xét hàng chục viên đá, lái buôn tên Tuấn chọn một viên bằng nửa nắm tay đưa lên và hỏi:

- Viên này bao nhiêu?

- Thì trả được bao nhiêu? Tiền triệu đấy!

- Viên này có tí xỉ spinel. 500 nghìn đồng nhé.

- Không! 3 triệu đồng thì bán.

- Viên này có tí lấp lánh, chặt ra có khi chẳng được tí nào.

- Thôi, công sức 3 anh em đào cả buổi. 800 nghìn đồng, anh em về làm cốc bia.

- Biết vất vả thì mới trả 500 nghìn đồng. Bán thì mua.

Cuối cùng, viên đá cũng được chủ đá bán với giá 500 nghìn đồng. Khi Tuấn vừa đưa tiền xong, các thương lái có mặt ở đó xuýt xoa khen viên đá đẹp. 4 thương lái xin chung tiền viên đá với Tuấn. Vậy là viên đá được mua với giá 500 nghìn đồng nhưng có đến 5 người cùng chung vốn. Một thương lái đến sau nghe tin vừa mua được viên đá, tò mò muốn xem. Sau một hồi anh này trả 1 triệu đồng nhưng Tuấn dứt khoát đòi 2 triệu đồng. Người này quyết định không trả thêm.

Một buổi mua bán, cả người đi đào đá lẫn người mua ngót ba chục, lựa chọn vài chục viên đá nhưng cuối cùng chỉ có một viên được giao dịch với giá 500 nghìn đồng.

Trước khi về, các lái buôn còn nói một cách khôi hài: Phiên giao dịch thành công, có may mắn. Mai mang ra chợ thống nhất đội giá 7 triệu đồng.

Các lái buôn vui vẻ ra về.

Theo ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Lục Yên, ngay sau khi nắm bắt sự việc, UBND huyện Lục Yên đã tiến hành xác minh cho thấy thông tin người dân đào được đá quý giá 5 tỷ đồng chỉ là tin đồn, không xác thực.

(còn nữa)

VĂN TUẤN