leftcenterrightdel
Du khách thích thú tham quan khu nuôi rắn lục.

Chăm rắn như chăm con

Theo Thượng tá Vũ Ngọc Lương, Phó giám đốc Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu (sau đây gọi tắt là Trung tâm): Một trong những thành công lớn nhất của Trung tâm đến thời điểm hiện tại là bảo tồn được loài rắn hổ chúa và rắn hổ đất; làm chủ được công nghệ bảo tồn từ sinh trưởng tới sinh sản của hai loài rắn này. Đây là hai loài rắn nằm trong nhóm nguy cấp cần được bảo vệ, thuộc quỹ gen của Nhà nước. Để có được thành công ngày hôm nay, các anh đã phải tốn rất nhiều thời gian, công sức tìm tòi, quan sát, nghiên cứu thông tin về điều kiện sinh trưởng, sinh sản của hai loài rắn này. “Từ năm 1977, Trung tâm đã nuôi rắn hổ chúa và hổ đất nhưng không có ghi chép cụ thể, không biết chúng ăn gì, môi trường sống thế nào, sinh sản ra sao. Vì thế, năm 2010 khi thực hiện dự án bảo tồn hai loài rắn trên, chúng tôi phải đến Cà Mau, Tây Ninh, Hà Nội để sưu tầm thông tin”, Thượng tá Vũ Ngọc Lương chia sẻ.

leftcenterrightdel
Kiểm tra trứng rắn trong quá trình ấp trứng. Ảnh: NGỌC LƯƠNG

Khởi đầu từ 10 chú rắn hổ chúa, 48 chú rắn hổ đất vào năm 2010, đến nay Trung tâm đã nhân giống được hơn 100 cá thể rắn hổ chúa và khoảng 500 cá thể rắn hổ đất. Sau nhiều ngày quan sát, ghi chép, nghiên cứu, các anh cũng biết được chúng thích ăn gì, điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm cho phù hợp, khi nào rắn phát dục để ghép đôi. Rắn hổ chúa là loài ăn thịt đồng loại nên không thể nhốt chung mà phải nhốt riêng từng con; chúng thích sống ở môi trường có độ ẩm cao; thức ăn ưa thích nhất là rắn ráo. Còn rắn hổ đất có thể nhốt chung, thức ăn của chúng là chuột, ếch, đặc biệt ưa thích cóc. Thời điểm sinh sản của hai loài rắn trên là vào tháng 11 dương lịch. Khoảng thời gian này, rắn hổ chúa thường tăng động, không ăn, tìm đường đi tìm bạn tình và tư thế nằm cũng khác ngày thường. Trứng rắn sau khi nở sẽ được các anh cho vào lò ấp. Lựa chọn nguyên liệu ấp trứng cũng là cả một quá trình tìm tòi, thử nghiệm. Nếu chỉ có đất không thì bí khí, chỉ có cát không thì không giữ được độ ẩm. Vậy là phải trộn đất và cát theo một tỷ lệ phù hợp để bảo đảm được những yêu cầu trên.

Sau khoảng 50 ngày, rắn con bắt đầu nở ra với tỷ lệ trứng nở đạt hơn 90%. Nhưng chăm một chú rắn con còn vất vả hơn nuôi trẻ con, đó là tâm sự của Thượng tá Vũ Ngọc Lương. Sau khi nở khoảng 5 đến 7 ngày, rắn con lột xác lần đầu, sau 10 ngày lột xác lần hai và bắt đầu ăn. Để rắn hổ đất con ăn được, các anh phải cắt cóc ra thành từng miếng nhỏ xếp lên đĩa rồi cho vào chuồng. Với rắn hổ chúa, thịt rắn phải được lọc xương, cắt miếng dài vừa ăn. Rắn được theo dõi sức khỏe thường xuyên để có biện pháp điều trị, nhốt riêng. Chú rắn nào không ăn hay bị bệnh, các anh phải đút ăn từng miếng. Sau khoảng hai năm, rắn hổ chúa đạt khoảng 2kg thì lấy nọc được; với rắn hổ đất là 1kg sau khoảng một năm.

Thượng tá Vũ Ngọc Lương, cho biết thêm: “Rắn cũng dễ mắc các bệnh về nội và ngoại ký sinh trùng (giun sán, ve), bệnh về dinh dưỡng (ăn uống kém, suy nhược), bệnh về tiêu hóa, bệnh về đường hô hấp (viêm phổi, viêm phế quản, ho). Những lúc này, rắn thường bỏ ăn nên chúng tôi phải đút cho chúng ăn. Khi tôi nói rắn bị ho, nhiều người không tin. Tôi lấy hai con rắn bị viêm đường hô hấp để chứng minh cho mọi người thấy. Một con tôi tiêm kháng sinh và thuốc bổ thì khỏi. Con còn lại không chữa trị gì, khi mổ ra thì phổi bị đen, có nhiều dịch. Lúc đó mọi người mới tin”.

leftcenterrightdel
Một chú rắn hổ đất vừa được nở ra.

Điểm tham quan bổ ích

Từ năm 1996, Trung tâm đã mở cửa cho người dân đến tham quan để họ hiểu hơn về loài rắn. Nhưng phải hơn 10 năm sau, trước nhu cầu ngày càng lớn của người dân, khu tham quan mới được đầu tư mở rộng và bài bản như hôm nay. Ngoài hơn 10 loài rắn, khu tham quan còn có 32 loài động vật khác, trong đó có nhiều loài nằm trong nhóm nguy cấp cần được bảo tồn như: Vượn, gấu, hổ, rái cá vuốt bé… Cũng như loài rắn, dưới sự chăm sóc và mát tay của cán bộ, nhân viên Trung tâm, các loài động vật đều sinh trưởng tốt; một số loài như gấu ngựa, gấu chó, rái cá vuốt bé đã sinh sản một cách tự nhiên. Thậm chí với loài gấu, Trung tâm còn được khuyến cáo nên “kế hoạch hóa gia đình” để bảo đảm mật độ, môi trường sống. “Tiếng lành đồn xa”, các chú cò, vạc cũng rủ nhau về đây sinh sống ngày một đông.

Anh Sasha, du khách đến từ Nga, cho biết: “Tôi là hướng dẫn viên du lịch, đưa du khách đến đây nhiều lần rồi nhưng vẫn thích đến đây. Các du khách khác cũng rất thích đến đây tham quan. Ở Nga có nhiều rắn nhưng không nhiều bằng ở đây”.

leftcenterrightdel
Cò, vạc rủ nhau về sinh sống.

Còn cô giáo Hồ Thị Loan Trinh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi ở phường 7, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: “Năm nào nhà trường cũng đưa các cháu đến đây ít nhất một lần. Tại đây, các cháu được trải nghiệm kỹ năng sống, giao lưu với nhiều người, trong đó có cả người nước ngoài và hiểu rõ hơn về các loài động vật, môi trường sống của chúng”. Cháu Hồ Hà Hoàng Huy, 5 tuổi, học sinh Trường Mầm non Tỏa Sáng ở phường 5, TP Mỹ Tho, cho biết: “Cháu đến đây hai lần rồi, lần trước là với ba mẹ. Cháu rất thích vì ở đây có nhiều loài động vật”.

leftcenterrightdel
Giáo viên và các cháu học sinh tham quan khu nuôi rắn hổ chúa.

Ngoài rắn và các loài động vật, du khách đến Trung tâm còn được tham quan Bảo tàng rắn Đồng Tâm, được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là bảo tàng rắn đầu tiên ở nước ta. Du khách cũng được xem những hình ảnh về các trường hợp bị rắn cắn để hiểu thêm về sự nguy hiểm của loài rắn. Trung bình mỗi năm, Trung tâm đón gần 300.000 lượt du khách và miễn phí vé tham quan cho trẻ em dưới 6 tuổi, bộ đội, công an, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng.

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN