Thời điểm bão Durian đang tàn phá đất nước Philippines với sức gió trên 250km/giờ, tôi mới chuyển công tác từ Cơ quan Thường trực Báo Quân đội nhân dân tại Đồng bằng sông Cửu Long về Ban đại diện phía Nam của báo có trụ sở tại quận 3, TP Hồ Chí Minh. Biết tôi nguyên là sĩ quan không quân, các anh chỉ huy đã phân công tôi vào Sư đoàn Không quân 370 để liên hệ đi theo máy bay trực thăng đưa tin, bài về hoạt động tìm kiếm cứu nạn của đơn vị.
 |
Đồng chí Huỳnh Văn Tý, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, thăm hỏi người dân đảo Phú Quý, ngày 5-12-2006. |
Rạng sáng 4-12, khi đi vào Biển Đông, bão Durian giảm xuống mấy cấp khiến nhiều người nghĩ nó sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan khi vào đất liền. Nhưng khác với dự đoán, cơn bão mạnh lên rồi suy yếu, rồi lại mạnh lên nhiều lần và đổi hướng nhanh chóng làm các nhà dự báo "bở hơi tai". Khi hướng vào nước ta, tưởng nó sẽ đổ bộ vào Quảng Nam, Quảng Ngãi, hoặc Phú Yên, Khánh Hòa, nhưng bão lại bẻ về phía đảo Phú Quý (Bình Thuận) với sức gió mạnh cấp 11, cấp 12, giật cấp 14, 15. Tối 4-12, Sở chỉ huy Sư đoàn 370 liên tục nhận được các công điện khẩn từ Bộ Tổng Tham mưu và Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) về việc chuẩn bị phương tiện, lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn. Tôi được Đại tá Kiều Văn Dũng, lúc đó là Phó tham mưu trưởng Sư đoàn 370 thông báo khả năng có trực thăng bay ra đảo Phú Quý vào sáng hôm sau.
Bão đổ bộ vào đảo Phú Quý lúc 21 giờ ngày 4-12 với lượng mưa gió khủng khiếp. Chỉ 30 phút sau, toàn bộ đảo bị mất điện và mất liên lạc hoàn toàn. Nhà cửa, cây cối, đặc biệt là tàu thuyền tơi tả trong trận cuồng phong. Mặc dù có hơn 10 máy bay trực thăng An-26 của Quân chủng PK-KQ đang trực ở khu vực Nam Trung Bộ, nhưng không thể bay ra đảo trong điều kiện đêm tối và mưa bão lớn. 5 giờ sáng 5-12, tôi đã có mặt ở ga hàng không quân sự Tân Sơn Nhất. Tại đây, một tổ trực thăng Mi-171 của Trung đoàn 917 do phi công Nguyễn Văn Yên lái chính và các nhân viên cứu hộ đã sẵn sàng đợi lệnh cất cánh. Thời điểm này, bão Durian đang càn quét vùng biển TP Vũng Tàu khiến khu vực TP Hồ Chí Minh mưa khá lớn. Theo thông báo sơ bộ của tỉnh Bình Thuận, hơn 500 tàu thuyền, gần 200 ngôi nhà đã hỏng hoàn toàn hoặc bị hư hại; hàng trăm cột điện, cột đèn bị gãy đổ và nhiều bè nuôi cá bị thiệt hại nặng nề. Đảo Phú Quý đang cần cứu trợ khẩn cấp.
 |
Máy bay trực thăng của Trung đoàn 917 đưa người bị thương trên đảo Phú Quý về đất liền chữa trị. |
Đúng 8 giờ 30 phút, chiếc máy bay của chúng tôi được lệnh cất cánh đến TP Phan Thiết đón các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Quân khu 7 ra kiểm tra đảo Phú Quý. Trên đường bay từ Tân Sơn Nhất qua TP Biên Hòa (Đồng Nai) trời mưa vừa, nhưng vào địa phận huyện Thống Nhất (Đồng Nai), xung quanh máy bay bỗng tối sầm, chỉ thấy những tia chớp chói lòa ngang dọc. Mọi người đều hiểu máy bay đang bay ngược chiều cơn bão. Chiếc trực thăng rung lắc rất mạnh. Nó chẳng khác gì một con chuồn chuồn bay trong bão tố. Tất cả đều im lặng, tập trung cao độ vào công việc của mình, chỉ còn nghe thấy tiếng cánh quạt chém vào gió mưa xoàn xoạt. Bay vào vùng mưa gió lớn thì mọi nguy hiểm đều có thể xảy ra... Nhìn vào đồng hồ độ cao, tôi thấy Nguyễn Văn Yên đã kéo máy bay lên hơn 2.000m. Đây là một quyết định rất đúng đắn, vì trên đường bay có núi Chứa Chan cao 837m và nhiều ngọn núi khác ở khu vực huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Ngoài ra còn yếu tố mật độ không khí, hướng gió, tốc độ gió, tầm nhìn... liên tục thay đổi, có thể làm cho máy bay trượt phải, trượt trái, bồng lên hay thụt xuống nhiều mét. Bay ở độ cao này sẽ an toàn khi xử lý các tình huống bất trắc.
40 phút bay ngược chiều cơn bão, phi công Nguyễn Văn Yên và tổ bay vẫn vững vàng tay lái. Đến địa phận huyện Hàm Tân (Bình Thuận) trời bỗng trong veo, ánh nắng rực rỡ ngoài cửa sổ máy bay. Một lát sau, chúng tôi hạ cánh ở căn cứ sân bay Phan Thiết (cũ). Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tý, Đại tá Nguyễn Văn Mạnh, Phó tham mưu trưởng Quân khu 7 và một số cán bộ lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận đã nhanh chóng lên máy bay để ra đảo Phú Quý. Sau khoảng 40 phút, chiếc trực thăng cứu hộ Mi-171 đặt bánh xuống bãi đỗ trên đảo.
 |
Cảnh hoang tàn ở cảng cá Phú Quý sau cơn bão Durian. |
Đã từng ra đảo Phú Quý nhiều lần, nhưng chưa bao giờ tôi thấy cảnh tan hoang, điêu tàn đến như vậy. Đeo chiếc máy ảnh lên cổ, cầm cuốn sổ nhỏ và cây bút trên tay đi tác nghiệp ngoài cầu cảng, mà tôi cảm giác như đang mang cả chục kilôgam đá trên mình. Trên đường đi, đập vào ánh mắt và khuôn hình máy ảnh của tôi là những ngôi nhà đổ sập, những hàng cột điện, cột đèn gãy gục, cây lá vương đầy khắp nơi...
Cảng cá Phú Quý là nơi hội tụ của tàu thuyền khắp khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ, nhưng giờ chỉ là cảnh xác tàu thuyền nổi lềnh bềnh, có chiếc bị hất ngược lên bờ. Tôi cố gắng đưa máy ảnh lên ghi lại cảnh những người ngư dân với đôi mắt thẫn thờ vô định. Không có ai bị thiệt mạng, đảo nắng chang chang, lặng gió như chưa hề có trận cuồng phong nào đi qua, nhưng lại đau xé lòng vì những thiệt hại về vật chất vô cùng to lớn. Chị Huỳnh Thị Như ở xã Ngũ Phụng ngồi bệt trên tấm ván tàu bị vỡ, nói trong nước mắt: “Bao nhiêu năm tích cóp đóng được 5 con tàu trị giá hàng chục tỷ đồng, giờ thì chỉ còn những tấm ván vỡ như thế này đây”. Những dòng chữ trong cuốn sổ nhỏ của tôi ngày càng dài hơn, dày hơn, những bức ảnh về cảnh đổ nát, tan hoang trong máy ảnh cũng một nhiều lên. Tất cả nặng trĩu cùng nỗi đau, nỗi xót xa của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận và quân, dân đảo Phú Quý.
Tôi đi theo Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý Huỳnh Văn Hưng đến thăm các bè nuôi cá lồng ở xã Long Hải. Anh Hưng nói: “Tối qua có 200 cán bộ, chiến sĩ biên phòng và các đơn vị quân đội khác tham gia giúp dân chống bão. Anh em tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân là chính, một số thì cùng bà con kéo được gần 100 con tàu lên bờ. Những chiếc chưa kịp kéo thì đều bị sóng gió đánh hỏng”. Khu nuôi cá lồng xác xơ sau bão. Tôi hỏi chuyện một vài người dân, nhưng họ chỉ lắc đầu, nước mắt trào ra mà không nói được gì.
Gần trưa, Thượng tá Phan Minh Hảo, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Phú Quý đưa tôi ra bờ biển xem bộ đội kéo tàu giúp dân. Tại đây, tôi đã chụp bức ảnh “Quân dân đảo Phú Quý kéo tàu bị nạn sau cơn bão Durian”. Bức ảnh sau đó đoạt giải 3 Giải Báo chí Quốc gia lần thứ nhất, năm 2007.
Chiều 5-12, máy bay của chúng tôi chở đoàn công tác của Quân khu 7 và tỉnh Bình Thuận về lại TP Phan Thiết, rồi bay ra sân bay Thành Sơn (Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận) chờ đón Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Phó tổng Tham mưu trưởng vào ngày hôm sau. Ngay chiều hôm đó, tôi viết xong bài báo: “Phú Quý gồng mình khắc phục hậu quả của cơn bão số 9”, cùng bức ảnh bộ đội kéo tàu giúp dân. Ngày 6-12-2006, chúng tôi tiếp tục tháp tùng Trung tướng Nguyễn Đức Soát đi thăm, kiểm tra các điểm bị thiệt hại nặng trên đảo và làm việc với lãnh đạo huyện Phú Quý. Hôm đó đã có một số con tàu chở lương thực, thực phẩm, thuốc men, đồ dùng sinh hoạt ra cho bà con (trong đó có tàu Trường Sa 20 chở 200 tấn gạo ra giúp những gia đình bị thiệt hại nặng). Đến Trạm Ra-đa 55 của Sư đoàn Phòng không 377, Đồn Biên phòng 464 và một số đơn vị quân đội khác doanh trại vắng tanh. Anh em chỉ huy báo cáo với đồng chí Phó tổng Tham mưu trưởng rằng bộ đội đang tỏa đi các nơi giúp dân khắc phục hậu quả cơn bão, chỉ còn quân số trực theo quy định. Trung tướng Nguyễn Đức Soát gật đầu xúc động, nắm chặt tay Đại úy Nguyễn Duy Thuật, Chính trị viên Trạm Ra-đa 55: "Các đồng chí làm tốt lắm! Trong lúc khó khăn, hoạn nan, tình cảm quân-dân càng phải đậm sâu hơn". Tôi bắt lấy cái "tứ" này để viết tiếp bài: “Phú Quý nặng nghĩa, nặng tình” đăng trên Báo Quân đội nhân dân số báo ra ngày 7-12-2006.
Bão Durian tràn vào nước ta đã làm 98 người chết, 1.770 người bị thương; làm sập khoảng 34.000 căn nhà, tốc mái gần 166.000 căn nhà. Các địa phương như Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Trà Vinh bị thiệt hại rất lớn. Tổng thiệt hại do bão Durian gây ra cho Việt Nam ước tính hơn 5.200 tỷ đồng.
Tham gia bay tìm kiếm cứu nạn cùng các chiến sĩ không quân trong cơn bão Durian năm ấy là một trong nhiều kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời làm báo của tôi.
Bút ký của LÊ PHI HÙNG