QĐND - LTS: “Trong quá trình điều tra, tôi luôn bị ám ảnh về cảnh tượng diễn ra tại những khám giam tồi tàn, nơi những kẻ nổi loạn và tù nhân đang sống, với các căn bệnh tê phù, bệnh lỵ làm chết người hàng loạt”. Đó là cảm tưởng của ông Gô-di-ăng - bác sĩ chính hạng 1 - Chánh Sở Y tế Bắc Kỳ khi nghiên cứu về tình hình và diễn biến của bệnh tê phù tại Nhà tù Hỏa Lò-Hà Nội những năm 1909-1910. Sau cuộc điều tra này, ông đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng. Kết quả nghiên cứu của bác sĩ Gô-di-ăng cho chúng ta cái nhìn chân thực về thực trạng bệnh tật và đời sống thiếu thốn, khổ cực của tù nhân trong nhà tù thực dân Pháp khi đó cũng như những bài học rút ra từ giải pháp đề xuất của bác sĩ này. Tài liệu hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, tờ 56-75, thuộc hồ sơ 79863, phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ. Tài liệu bằng tiếng Pháp, chúng tôi xin trích dịch một số nội dung quan trọng như sau:
 |
Tái hiện cảnh phòng giam trong Nhà tù Hỏa Lò thời thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Ảnh: Mạnh Duy
|
Về vấn đề vệ sinh tại nhà tù, có một ổ dịch tiềm ẩn từ nhiều năm nay với nguy cơ tái phát cao - là ổ dịch tại Nhà tù Hà Nội (Nhà tù Hỏa Lò). Vào thời kỳ mà nhà tù này vẫn còn nằm trên phố Pa-vi-lông Noa (nay là phố Mã Mây), bệnh tê phù đã gây ra những tác hại nghiêm trọng. Đây cũng chính là nguyên nhân buộc người ta phải đưa ra quyết định phá dỡ những khám giam cũ, xây dựng khám giam mới tại vị trí hiện nay giữa hai đại lộ Ca-rô (phố Lý Thường Kiệt) và Rô-lăng-đê (phố Hai Bà Trưng), cạnh tòa án. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, họ đã sai lầm khi lựa chọn vị trí này vì nó nằm ngay giữa trung tâm đô thị và trũng hơn so với những khu đất xung quanh, làm cho nền nhà thường xuyên ẩm ướt, đôi khi nó còn biến nơi này thành điểm ngập úng thực sự.
Những khám giam mới được đưa vào sử dụng từ ngày 1-2-1899 và từ đây, bệnh tê phù đi theo bước chân của người tù đến khám giam mới.
Sau khi nghiên cứu về mối quan hệ của bệnh dịch tê phù, tiếp đến là bệnh scobut hoành hành tại Nhà tù Hà Nội từ năm 1909-1910, tôi trình bày ngắn gọn những thông tin liên quan đến chủ đề này do các tỉnh cung cấp và kết thúc công trình nghiên cứu bằng việc đưa ra một số nhận xét chung về nguyên nhân học và sinh lý bệnh học của căn bệnh này như sau.
Thực trạng bệnh tê phù tại Nhà tù Hà Nội
Tại Nhà tù Hà Nội, bệnh tê phù xuất hiện quanh năm, tuy nhiên, dịch bệnh này thường bùng phát vào giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5. Theo số liệu thống kê về số ca tử vong trong vòng 5 năm qua, số người mắc bệnh tê phù gia tăng không ổn định. Do vậy, chúng tôi không thể đưa ra bất kỳ một số liệu cụ thể nào, dẫu chỉ là con số tương đối: 1906-17 người chết; 1907-27 người chết; 1908-24 người chết; 1909-71 người chết; 1910-65 người chết (61 người chết trong vòng 5 tháng đầu năm). Vào tháng 4 năm 1910, rất nhiều tù nhân tại Nhà tù Hà Nội mắc bệnh tê phù. Nhiều phác đồ điều trị khác nhau đã được áp dụng để chống lại dịch bệnh này song vẫn không mang lại hiệu quả. Từ tháng 11-1909, dịch bệnh này cho thấy những dấu hiệu đáng lo ngại. Tính đến ngày 1-5-1910, trên tổng số 472 tù nhân kể cả nam và nữ, đã có tới 75 người mắc bệnh, trong đó có khoảng 20 người nhiễm bệnh khá nặng.
Đối với phần lớn trường hợp mắc bệnh tê phù, các triệu chứng lâm sàng thường gặp đó là: Liệt nhẹ, phù, teo chân, mặt phù nề, tiếng tim mờ, đau bụng dưới, đau thắt lưng, đau lưng, đau xương, đau dây thần kinh hông, mất phản xạ, mắc chứng tăng cảm giác ở cơ, ít nước tiểu…
Tỷ lệ tù nhân nữ mắc căn bệnh này lại ít hơn nhiều so với tù nhân nam, có lẽ là do khám nhốt họ thoáng khí hơn. Đối với những tù nhân được tự do hơn (do tính chất công việc đặc thù như nấu ăn) thì phần lớn những người này không bị ảnh hưởng gì. Đội ngũ nhân sự tự do bản xứ (gồm khoảng chục nhân viên không ăn, ngủ tại nhà tù) cũng như phạm nhân người Âu bị nhốt trên tầng và sống trong điều kiện không gian thuận lợi, thông thoáng, chế độ dinh dưỡng tốt hơn thì hầu như họ không bao giờ mắc chứng bệnh này.
Đôi khi, bệnh dịch này tấn công với tốc độ lây lan khá nhanh, chẳng hạn như một nhóm gồm 13 can phạm đến từ Nam Định, nhập tù vào tháng 2 năm 1910, đã bị chết hàng loạt vào tháng 5 và chỉ còn lại 2 người sống sót.
Như tôi đã trình bày trong bản báo cáo đầu tiên (tháng 5 năm 1910) gửi Ngài Thống sứ, một trong những đặc điểm của dịch bệnh này là, chứng bệnh xảy ra khá đột ngột và làm người bệnh cảm thấy đau nhanh, chẳng hạn như một số tù nhân mới đến, nhìn bề ngoài không thấy có vấn đề gì nhưng chỉ vài ngày sau đó họ đã chết do các biến chứng về tim.
Nếu những trường hợp mắc bệnh được phát hiện sớm và đưa tới Bệnh viện bản xứ Bảo hộ kịp thời thì có thể họ sẽ khỏi bệnh hoặc ít nhất sức khỏe cũng được cải thiện. Song điều đáng tiếc là do tình trạng quá tải nên đã nhiều lần bệnh viện phải trả lại nhà tù những bệnh nhân còn chưa hồi phục và vào thời điểm dịch bệnh đang bùng phát do tiếp xúc với ổ dịch.
Đối với những người như các đối tượng ủng hộ Đề Thám, họ bắt buộc phải ở tù, một khi bị mắc bệnh, họ sẽ không có cơ hội để hồi phục sức khỏe.
Vào thời điểm bùng phát dịch năm 1910, người ta đã phải điều trị tại chỗ hầu hết những người mắc bệnh. Tình hình càng thê thảm hơn khi nhà tù chỉ có một khu bệnh xá. Đây được xem là một trong những bệnh xá sơ sài nhất, không có khu vực riêng và cũng chỉ có một khán hộ biệt phái làm việc. Do vậy, chúng ta có thể hiểu bác sĩ phụ trách công tác y tế tại nhà tù đã vất vả như thế nào khi vừa phải theo dõi, vừa chữa trị cho từng đấy bệnh nhân.
Hướng dẫn phòng bệnh
Trước tiên, tôi phải khẳng định rằng, Nhà tù Hà Nội, ổ nhiễm khuẩn dịch bệnh tê phù nằm ngay giữa khu đô thị. Vì vậy, chúng ta nên san phẳng nhà tù này càng sớm càng tốt. Nhà tù được bố trí theo kiểu hình vuông có sân ở giữa và bao trùm lên đó là không khí tang tóc, đau khổ với những khám giam tối tăm được che khuất bằng những bức tường cao, kiên cố nằm ngay sát các dãy nhà. Công trình này được xây dựng tại vị trí thấp hơn rất nhiều so với khu vực xung quanh. Do đó, vào mùa mưa, nước dâng cao gây ngập úng trên diện rộng trong nhiều tuần khiến người tù luôn phải sống trong môi trường không khí ô nhiễm, ẩm ướt.
Với những bất cập như hiện nay, chúng ta cần khẩn trương đề ra biện pháp khắc phục. Đó là nên xây dựng một nhà giam đơn giản gần tòa án, còn nhà lao trung ương phải được xây cách xa thành phố tại một địa điểm phù hợp.
Trong giai đoạn hiện nay, cần hạn chế việc tiếp nhận các can phạm vào tù và nếu có thể, nên nhốt họ trên tầng để tránh bị nhiễm khuẩn tại các khám giam ở tầng trệt. Vì lý do nhân đạo và để giảm bớt tình trạng quá tải trong nhà tù, nên giảm án cho các thường phạm, trả tự do tạm thời cho những tù nhân mắc bệnh tê phù ở mức độ vừa phải hoặc mới nhiễm bệnh mà việc giam giữ những người này không mang tính bắt buộc.
Một trong những triệu trứng thường gặp trong giai đoạn điều trị, đó là phần lớn người bệnh bị sụt giảm khá nhiều cân. Sau khi giảm cân đáng kể, trong thời gian dưỡng bệnh, một số người bệnh đã tăng cân nhẹ. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy có hai trường hợp lần lượt mắc các bệnh tê phù và scobut (số tù 2047 và 2733). Họ không chỉ giảm cân đáng kể mà còn suy nhược trầm trọng và cuối cùng đã chết: Trường hợp đầu tiên sụt 16,2kg và chỉ còn 33,2kg vào lúc chết; trường hợp thứ hai sụt 19,5kg đến lúc chết chỉ còn 35,5kg.
Vào ngày 17-5-1910, phát hiện 5 trường hợp mắc bệnh; ngày 24-5, 1 trường hợp. Từ đó đến ngày 5-7, không phát hiện thêm bất cứ trường hợp nào. Hơn nữa, ngày 1-5, có 75 người mắc bệnh, đến ngày 20-5 chỉ còn lại 35 người cần được điều trị và những người khác đã hoàn toàn bình phục; ngày 24-5, 15 người; ngày 31-5, 6 người. Trong vòng 15 ngày, có thể nói dịch bệnh tê phù đã chấm dứt. Chúng ta không kết luận là có thể chữa khỏi hoàn toàn tất cả những trường hợp mắc căn bệnh này song với sự tiến bộ rõ rệt như vậy, chí ít cũng phải công nhận là ngay từ bây giờ, những người từng mắc bệnh đã khỏi bệnh và trở về với cuộc sống nơi trại giam. Họ đã may mắn hồi phục sức khỏe hoàn toàn.
Chúng ta không quá ngạc nhiên trước sự biến đổi về tâm lý của người tù: Trong suốt thời gian dài, họ đã phải chứng kiến những người bạn tù lần lượt ra đi, ngay bản thân họ cũng bị đau đớn tột cùng, tuy họ không bị bệnh dịch này tấn công song tinh thần của họ cũng đã phải chịu đựng hậu quả gián tiếp từ việc đó. Vậy mà, đến ngày 28-6, tức là tròn 1,5 tháng sau khi thực hiện chế độ ăn mới, nhà tù lại phải dùng gạo của nhà máy theo yêu cầu của nhà cung cấp. Người ta chỉ duy trì chế độ gạo đỏ cho 8 tù nhân đã hoặc đang mắc bệnh tê phù tương đối nặng, đó là các trường hợp mang số tù 2703, 2709, 2731, 2738, 4149, 2698, 2851 và 2729. Cùng thời điểm này, cá khô và cá mặn cũng được đưa trở lại trong khẩu phần ăn của người tù.
Sau 1,5 tháng dịch bệnh tê phù tạm thời lắng xuống, tại Nhà tù Hà Nội, chứng bệnh scobut bắt đầu thế chỗ bệnh tê phù. Căn bệnh này xuất hiện kể từ sau khi nhà tù sử dụng lại gạo trắng, cá xông khói và cá mặn. Điều này cũng trùng khớp với việc áp dụng một số biện pháp cưỡng chế đối với người tù, vì vào cuối tháng 6, một vài người trong số họ đe dọa giết giám ngục nếu họ không được trả tự do. Những người này đã bị xích lại với nhau, mỗi nhóm hai người. Tuy nhiên, biện pháp này đã bị dỡ bỏ theo yêu cầu của bác sĩ ngay khi phát hiện những trường hợp đầu tiên mắc bệnh scobut.
Vào ngày 31-7, khi tôi đến thăm nhà tù, tôi thấy có một sự trái ngược hoàn toàn giữa dáng vẻ của người tù hiện nay so với dáng vẻ của họ trong chuyến thanh tra đầu tiên của tôi tại đây. Phần lớn người bệnh mới chỉ vừa lê lết được trên đất hoặc nhờ những người tù khác kéo đi. Gương mặt họ hốc hác thể hiện nỗi sợ hãi tận cùng và họ liên tục kêu than, thể hiện rõ sự mệt mỏi, suy sụp về cơ thể. Tình trạng này còn thê thảm hơn rất nhiều trong thời điểm họ mắc bệnh tê phù và nhất là những cơn đau vật vã mà họ phải chịu đựng. Ở một số người bệnh, xuất hiện các đốm xuất huyết dưới móng tay, móng chân, cương máu, da bầm tím, có vẻ sần sùi, chảy máu chân răng, xuất hiện đường viền màu xanh nhạt hoặc vàng nhạt ở răng, những chiếc răng này thường lung lay, lộ chân và thường nghiêng ra khỏi hàng. Một số người lại bị run chân tay, đau ở vùng thắt lưng, lưng….
Do tình trạng quá tải trong nhà tù cũng như các điều kiện vệ sinh, nhân sự khán hộ không bảo đảm nên bác sĩ phụ trách công tác y tế tại nhà tù không thể tiến hành khám chữa cũng như theo dõi bệnh nhân thường xuyên và cẩn trọng được. Mặc dù vậy, những thông tin trích từ các phiếu khám, ghi chép của tôi và công trình nghiên cứu về tỷ lệ bạch cầu do các bác sĩ - sĩ quan quân y là Ma-thi và Lê-giơ thực hiện đã giúp chúng tôi có cái nhìn tổng thể về dịch bệnh của cả hai năm 1909 và 1910.
HOÀNG HẰNG – HỒNG NHUNG