Đồng hành với ngư dân bám biển
Từ bao đời nay, con tàu luôn là phương tiện kiếm sống vô cùng quý giá, được ví như người thân của ngư dân trong hành trình chinh phục biển khơi. Bởi vậy, những người dân miền biển luôn nâng niu, chăm sóc con tàu hơn cả sức khỏe bản thân.
Thế nhưng, dù có cẩn trọng đến mấy thì những sự cố bất ngờ trong hải trình mưu sinh dài ngày trên biển vẫn có thể xảy ra. Nhiều năm làm nghề đánh bắt xa bờ, ông Vũ Hải Thùy, 54 tuổi, ngụ tại TP Phan Thiết (Bình Thuận), Thuyền trưởng tàu cá BTh 95631 TS đã không ít lần gặp sự cố tàu bị trục trặc kỹ thuật. Cách đây 8 năm, ông cùng các thuyền viên suýt bỏ mạng giữa trùng khơi khi con tàu của ông bỗng nhiên bị hỏng máy chính. Tàu tròng trành, trôi dạt tự do, nguy cơ bị sóng nhấn chìm bất cứ lúc nào. Liên hệ mãi, may gặp được tàu của Vùng Cảnh sát biển 3 cứu giúp khi tất cả các thuyền viên đều đói, mệt, hoang mang tột độ. Ông Thùy tâm sự: “Những sự cố mất lái, gãy chân vịt, chết máy, nước tràn... luôn là nỗi ám ảnh đối với mỗi ngư dân. Trước đây khi gặp phải sự cố, tàu cá chỉ còn cách cầu cứu Cảnh sát biển hoặc đồng nghiệp, nhẹ thì nhờ lai dắt vào bờ; nặng thì bỏ tàu, giữ tính mạng trước hết, chấp nhận nợ ngập đầu rồi lăn lưng làm bù để trả nợ chứ chẳng có cách nào sửa chữa ngay được”... Nhưng ấy là chuyện của nhiều năm trước.
    |
 |
Nhân viên Trung tâm DVHCKT đảo Sinh Tồn sửa chữa tàu cá ngư dân |
Từ năm 2016 đến nay, những sự cố tương tự của tàu cá ngư dân đã dễ dàng được khắc phục bởi ngay giữa đại dương đã có những “bệnh viện” chuyên điều trị sự cố mọi loại tàu cá lớn nhỏ, giúp ngư dân tiếp tục hành trình đánh bắt xa bờ. Đó là những trung tâm DVHCKT, âu tàu, làng chài được hình thành trên quần đảo Trường Sa. Hiện nay, tại các đảo Trường Sa, Sinh Tồn, Tốc Tan, Núi Le đều có trung tâm, đảm nhiệm hỗ trợ ngư dân hoạt động trên biển, sửa chữa hỏng hóc các loại tàu, thuyền; cung cấp nhiên liệu, nước ngọt, thiết bị thay thế, bảo dưỡng... khi ngư dân cần đến; đồng thời phối hợp với các lực lượng chốt giữ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Thượng tá Huỳnh Văn Đa, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải đoàn 129 cho biết: “Từ khi thành lập đến nay, các trung tâm đã cung ứng vật tư kỹ thuật, nước ngọt, lương thực, thực phẩm, sửa chữa cho khoảng 200 lượt tàu cá từ các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận… Tại mỗi trung tâm đều có phao, tiêu dẫn luồng cho tàu, thuyền, kho chứa nhiên liệu, nước ngọt, nhà tránh trú bão cho ngư dân. Sự tiếp sức của cán bộ, nhân viên các trung tâm trên đảo góp phần củng cố niềm tin, giúp ngư dân yên tâm mưu sinh trên biển”.
    |
 |
Không chỉ được hỗ trợ sửa chữa tàu, các ngư dân còn được tặng cờ Tổ quốc và tủ thuốc y tế. |
Trong các trung tâm nói trên, Trung tâm DVHCKT đảo Sinh Tồn có cơ sở hạ tầng tốt nhất, có bến cảng cho phép tàu có lượng giãn nước đến 1.000 tấn cập bến; cùng với 3 bến phao neo đậu tàu. Hệ thống các trụ tiêu, cọc bích bảo đảm cho tàu, thuyền ra, vào và neo đậu an toàn. Ngoài ra còn có đầy đủ hệ thống cấp nước, hệ thống phòng cháy, chữa cháy và cấp điện trên âu tàu. Đây là điểm dừng chân lý tưởng, là ngôi nhà chung, chỗ dựa vững chắc của ngư dân trên biển. Chỉ trong tháng 9 vừa qua, cán bộ, nhân viên Trung tâm DVHCKT đảo Sinh Tồn đã sửa chữa, cứu hộ thành công 4 lượt tàu cá của ngư dân gặp nạn trên biển. Điển hình như trường hợp tàu cá BTh 98804 TS. Đêm 20-9, tàu BTh 98804 TS đang đánh bắt hải sản ở khu vực quần đảo Trường Sa thì bị hỏng bộ phận bơm nước ngọt máy chính. Tàu bị trôi dạt về phía bắc đảo Sinh Tồn. Nhận được thông tin hỗ trợ, đến 14 giờ ngày 21-9, tàu 741 của Hải đoàn 129 phối hợp với tàu KN 475 (Chi đội Kiểm ngư số 4) đã kéo tàu cá gặp sự cố vào Trung tâm DVHCKT đảo Sinh Tồn. Tại đây, đội ngũ thợ kỹ thuật của trung tâm nhanh chóng sửa chữa, sử dụng giá đỡ bơm nước ngọt ER150 để khắc phục; sau đó vận hành thử đạt chất lượng tốt mới bàn giao cho chủ tàu, đồng thời trao tặng lá cờ Tổ quốc và tủ thuốc y tế trước khi tàu cá tiếp tục vươn khơi. Thiếu tá Trần Hữu Bằng, Chỉ huy trưởng Trung tâm DVHCKT đảo Sinh Tồn cho biết: “Mỗi khi có tàu đến sửa chữa, đội kỹ thuật đều không quản ngại thời gian, thức thâu đêm làm việc liên tục để bảo đảm tàu ra khơi sớm nhất có thể. Đối với những tàu cần mua trang thiết bị thay thế, chúng tôi chỉ lấy bằng giá bán trong đất liền, còn những tàu có thể sửa bằng vật tư có sẵn đều được sửa chữa miễn phí”.
Trước đó, ngày 2-3-2019, Trung tâm DVHCKT thị trấn Trường Sa cũng sửa chữa thành công sự cố hỏng bơm làm mát máy chính của tàu cá BTh 97751 TS, do ông Nguyễn Văn Cường, ngụ tại xã Tam Thanh, huyện Phú Quý (Bình Thuận) làm thuyền trưởng. Sau hơn 7 giờ làm việc với tinh thần hết lòng vì ngư dân, cán bộ, nhân viên kỹ thuật trung tâm đã khắc phục xong sự cố, bàn giao tàu cho ngư dân tiếp tục ra khơi... Ông Nguyễn Văn Cường chia sẻ: “Không nhờ cán bộ, nhân viên trung tâm giúp đỡ thì tàu chúng tôi không biết ra sao. Nếu phải nhờ tàu bạn lai dắt vào bờ thì chuyến đi biển không những trắng tay mà còn nợ nần chẳng biết đến bao giờ trả nổi. Tình cảm, sự giúp đỡ của các anh đã tiếp thêm sức mạnh cho ngư dân chúng tôi yên tâm bám biển”.
“Ngôi nhà” bình yên trên biển
Cơn bão số 9 cuối tháng 11-2018 hoành hành dữ dội ở quần đảo Trường Sa. Cán bộ, chiến sĩ hải quân và nhân dân trên các đảo phải gồng mình chống chọi với cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Chung sức cùng các đơn vị, Trung tâm DVHCKT thị trấn Trường Sa, đảo Sinh Tồn... cũng hối hả giúp đỡ ngư dân, hướng dẫn tàu, thuyền vào tránh trú; cấp nước ngọt miễn phí và giúp đỡ bà con sửa chữa một số máy bơm nước, máy điện; chuẩn bị đầy đủ nơi ăn ở tại làng chài để di chuyển bà con ngư dân khi bão đổ bộ lên đảo. Tại âu tàu đảo Sinh Tồn, Thiếu tá Trần Hữu Bằng tất bật kiểm tra mức độ an toàn và số lương thực cần thiết phục vụ đủ cho ngư dân dự kiến từ 3 đến 5 ngày tránh bão. Xong việc, anh lại trực tiếp cầm loa tuyên truyền phòng ngừa tai nạn, hướng dẫn các tàu lần lượt vào neo đậu đúng nơi quy định. Những con sóng dữ dội xô bờ, hất tung nước biển lên cầu tàu khiến người anh ướt sũng. Mặc cho mưa dông, sóng gió, anh vẫn cùng đồng đội lo cho ngư dân tránh trú an toàn. Trong cơn bão số 9 đã có hơn 30 tàu cá, với gần 550 ngư dân các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu vào trú bão tại âu tàu đảo Sinh Tồn.
Trong “ngôi nhà” ấm áp nghĩa tình ấy, ngư dân được cán bộ, nhân viên trung tâm bố trí chỗ nghỉ; hỗ trợ đồ ăn, thức uống và động viên tinh thần vượt qua dông bão.
Không chỉ khi bão gió, ngay cả những lúc trời yên, biển lặng, tàu cá ngư dân gặp nạn cũng tìm đến nương nhờ trong ngôi nhà của các trung tâm DVHCKT. Ông Nguyễn Đình Thường (xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), Thuyền trưởng tàu cá QNg 95834 TS kể lại: “Khoảng 23 giờ ngày 7-9, tàu của tôi đang hoạt động gần đảo Phan Vinh thì bỗng nhiên bị rung lắc dữ dội. Chúng tôi kiểm tra, phát hiện tàu bị mắc cạn. Lúc đó ai cũng lo lắng, tàu kẹt cứng, bị thủng nên nước chảy vào khoang. Nghĩ đến âu tàu đảo Sinh Tồn, tôi liền gọi điện cầu cứu. Chỉ vài giờ sau, tàu 741 thuộc Hải đoàn 129 đã có mặt, đưa 46 ngư dân của tàu chúng tôi về đảo Sinh Tồn an toàn. Tại đây, chúng tôi được chăm sóc chu đáo, kiểm tra sức khỏe, bố trí chỗ ở, hỗ trợ ăn uống, sinh hoạt suốt 8 ngày chờ tàu đưa vào đất liền. Nếu không có cán bộ, nhân viên trung tâm DVHCKT, chẳng biết chúng tôi có còn được trở về đất liền nữa hay không. Ân tình của các anh, chúng tôi mãi khắc ghi...”.
Những câu chuyện nghĩa tình trên biển cứ dày thêm mãi. Dù cuộc sống nơi đầu sóng, ngọn gió còn nhiều khó khăn, vất vả, phải đối mặt với bao hiểm nguy nhưng cán bộ, nhân viên các trung tâm DVHCKT trên quần đảo Trường Sa luôn vững tinh thần, lạc quan, đoàn kết, tận tình giúp đỡ ngư dân. “Chúng tôi đã xác định quyết tâm, dù khó khăn đến đâu cũng kiên cường bám biển, đồng hành với ngư dân. Đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là niềm vinh dự, tự hào của Bộ đội Cụ Hồ-người chiến sĩ hải quân”, Thiếu tá Phan Đình Hoàng, phụ trách Trung tâm DVHCKT thị trấn Trường Sa bày tỏ.
Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH - ANH NHI