Làm theo phương pháp của Đại tướng Phùng Quang Thanh, nhóm phóng viên chúng tôi đã về nhiều đơn vị cơ sở thuộc Quân khu 2, Quân đoàn 1, Binh chủng Hóa học... để tiếp cận góc nhìn của chiến sĩ về vấn đề này. Loạt bài xin bắt đầu từ những câu chuyện người thực, việc thực.
Bài 1: Chiến sĩ thời 4.0, thông minh và hiểu biết
Tự tin và chủ động
Đơn vị đầu tiên chúng tôi đến là Lữ đoàn 86, Binh chủng Hóa học. Gần hai năm qua, khi dịch Covid-19 xuất hiện, Lữ đoàn 86 nhận nhiệm vụ đột xuất đi phun khử khuẩn ở khắp nơi (Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh...) trong khi vẫn hoàn thành rất tốt các nhiệm vụ chính trị trung tâm. Bộ đội thường xuyên phải cấm trại 100% quân số, mọi trách nhiệm riêng tư đành gác lại, nhiệm vụ đi vào vùng dịch căng thẳng, nguy hiểm, vậy mà ai cũng vui vẻ, thông suốt, hào hứng với nhiệm vụ; chắc chắn lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn 86 phải có bí quyết gì đó. Các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy muốn chúng tôi tự tìm câu trả lời thông qua tiếp xúc trực tiếp với các hạ sĩ quan, binh sĩ. Nhóm phóng viên chúng tôi chia làm nhiều mũi tìm đến các vị trí bộ đội đang hoạt động.
Thao trường Tiểu đoàn 902 đang giờ giải lao. Bộ đội vừa tập luyện triển khai xe tiêu độc ARS 14 tiêu tẩy địa hình, nội dung huấn luyện gắn liền với thực tiễn chống dịch Covid-19. Từ cán bộ đến chiến sĩ quần áo đều ướt đẫm mồ hôi. Binh nhất Đinh Văn Quang, Trung đội 4, Đại đội 5, Tiểu đoàn 902, quê ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang kể: "Việc đầu tiên khi nhập ngũ về đơn vị là tôi tìm hỏi các anh cán bộ có vợ thì có con không. Khi tôi chưa nhập ngũ, nhắc tới bộ đội hóa học, người dân trong vùng có tâm lý lo lắng, sợ bộ đội hóa học tiếp xúc với hóa chất, ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản. Hóa ra, những nỗi lo lắng đó là thừa, vì các anh cán bộ đều có con cái khỏe mạnh".
    |
 |
Hoạt động đọc sách báo trong giờ nghỉ của Đại đội 1, Tiểu đoàn 901, Lữ đoàn 86 (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19). |
Khuyến khích chiến sĩ tâm sự, trao đổi về những điều đang khúc mắc trong lòng, tạo ra môi trường văn hóa dân chủ thực sự, đó là những điều mà Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 86 đã và đang làm có hiệu quả. Dân chủ không chỉ ở lời nói, mà phải thông qua hành động. Binh nhất Đinh Văn Quang cho biết, chỉ ít ngày sau khi vào đơn vị, anh đã chứng kiến việc tiếp xúc với hóa chất phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, bộ đội lại có khí tài bảo hộ nên rất an toàn. Đặc biệt, khi có các tình huống ô nhiễm môi trường hoặc sự cố hóa chất, bộ đội hóa học đều được trang bị kiến thức và phương pháp xử lý khoa học. Vừa qua, khi tỉnh Bắc Giang quê hương Quang bị dịch Covid-19, anh nằm trong đội hình đơn vị về chống dịch, khiến gia đình và người thân rất tự hào.
"Sau 5 tháng nhập ngũ, đồng chí đã dự hội nghị đối thoại dân chủ với cấp trên buổi nào chưa?"-chúng tôi hỏi Binh nhì Hoàng Đức Trưởng thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 901. Trưởng cho biết, trao đổi với cán bộ cấp đại đội, tiểu đoàn thì thường xuyên hằng ngày, bất cứ lúc nào chiến sĩ có nhu cầu; riêng đối thoại với chỉ huy lữ đoàn mỗi tháng một lần, anh dự rất đều đặn. Buổi đối thoại gần nhất, tháng 6-2021, Trưởng và đồng đội cùng phản ánh với cấp trên việc khẩu phần ăn có bữa còn chưa đủ no (với một số người ăn khỏe) và cần có thêm biện pháp bảo đảm sức khỏe cho bộ đội khi huấn luyện ngoài trời những ngày nắng nóng. “Thủ trưởng giải đáp công khai, minh bạch, sau đó thì vấn đề được khắc phục. Chẳng hạn vấn đề nước uống. Giờ đây, những hôm nắng nóng, chúng tôi có đủ nước chanh đá để uống khi huấn luyện. Những hành động sâu sát và sự quan tâm cụ thể, thiết thực như vậy cho chiến sĩ mới như tôi niềm tin rất lớn vào kỷ luật quân đội”-Trưởng bộc bạch.
Học hỏi không ngừng...
Đến Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 tham quan các mô hình, phương thức bảo đảm thực thi dân chủ cơ sở, chúng tôi rất ấn tượng bởi ở phòng họp đại đội nào cũng niêm yết danh bạ điện thoại của lãnh đạo, chỉ huy các cấp từ cấp quân đoàn đến cấp đại đội. Trung sĩ Hoàng Huy Lâm, Đại đội 11 cho chúng tôi biết: "Danh bạ điện thoại được niêm yết công khai, chiến sĩ mới về đơn vị đều được hướng dẫn về quyền và nghĩa vụ, trong đó có quyền gọi điện phản ánh tình hình đơn vị đến cả Tư lệnh và Chính ủy quân đoàn. Vì là đơn vị chủ lực, kỷ luật rất nghiêm nên đơn vị nhấn mạnh, nếu quân nhân thấy có vấn đề vi phạm dân chủ, quân phiệt hoặc tiêu chuẩn, chế độ bị vi phạm, sợ cán bộ quản lý trực tiếp trù dập thì gọi điện trực tiếp lên cấp trên báo cáo".
Cùng với niêm yết danh bạ điện thoại của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, mỗi đại đội đều được trang bị một điện thoại di động homephone do trực ban đại đội quản lý. Mỗi chiến sĩ được gọi miễn phí (không quá 10 phút) mỗi tuần, trường hợp cần thiết (gọi về gia đình, người thân, người yêu) thì được thêm. "Tiểu đoàn đã có vụ việc nào để chiến sĩ gọi điện báo cáo thủ trưởng cấp trên yêu cầu giải quyết chưa?"-chúng tôi hỏi Hoàng Huy Lâm. Anh cho biết, các vấn đề mà hạ sĩ quan, binh sĩ quan tâm như việc đi phép, đi tranh thủ, tiêu chuẩn vật chất hậu cần, các quyền lợi trong và sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự thì chỉ huy các cấp đã giải đáp và giải quyết rất kịp thời hằng ngày. Hằng tháng, binh sĩ còn có một buổi đối thoại dân chủ với chỉ huy trung đoàn, việc này là bắt buộc, người vắng phải dự buổi đối thoại “vét”; hằng quý đối thoại dân chủ với chỉ huy sư đoàn; 6 tháng một lần đối thoại dân chủ với chỉ huy quân đoàn. Vì phân tầng, phân cấp rất cơ bản như vậy, chiến sĩ hầu như không cần dùng đến quyền gọi điện phản ánh vượt cấp.
Hoàng Huy Lâm đã có hai tuổi quân, là cán bộ tiểu đội có uy tín, có tiếng là bộc trực, thẳng thắn, được chiến sĩ mới rất tin cậy, quý mến. Trong câu chuyện cởi mở với chúng tôi, Lâm cho rằng, để phát huy dân chủ ở cấp phân đội, nhất là quyền nói thẳng, nói thật của chiến sĩ thì việc quan trọng nhất là phải trang bị cho bộ đội hiểu biết đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của mình.
Cuộc trò chuyện ngẫu nhiên giữa chúng tôi với một số chiến sĩ của Tiểu đoàn 6 diễn ra khá thú vị. Binh nhì Đinh Công Quỳnh, quê ở xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, thẳng thắn nhận xét bữa ăn ở đơn vị nhiều về lượng nhưng còn yếu khâu chế biến, “chưa ngon như ở nhà”, đồng thời “thú nhận” không nhớ rõ chức trách quân nhân. Nhưng ngay sau đó anh trả lời rất bình tĩnh: "Tôi nghĩ chức trách hàng đầu của quân nhân là sẵn sàng chiến đấu theo mệnh lệnh cấp trên để bảo vệ Tổ quốc, các nội dung khác thì chỉ cụ thể hóa chức trách đó". Quả là “vụng chèo khéo chống”!
Những tâm sự thẳng thắn, chất phác của Đinh Công Quỳnh cùng các đồng đội như Dương Văn Trị, Vũ Minh Thiện... cũng phản ánh tâm thế của thế hệ chiến sĩ mới hôm nay. Họ có trình độ văn hóa (hầu hết tốt nghiệp THPT trở lên), có chính kiến, dám nói thẳng suy nghĩ của mình về những vấn đề của đơn vị.
(còn nữa)
Bài và ảnh: SONG NGUYỄN - PHẠM HOÀNG