QĐND - Theo lời kể của những ngư dân cao niên, trước kia, vùng biển Phú Quốc còn rất hoang sơ, bò biển (Dugong) nhiều vô kể. Nhưng lâu dần, lời đồn đại về những tác dụng thần kỳ của xương và nanh Dugong khiến loài vật này trở thành mặt hàng có giá trị cao. Hàng trăm cá thể Dugong dần dần biến mất khỏi vùng biển Phú Quốc... Đây là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam.
Huyền thoại ngàn đời
Dugong, bò biển hay cá cúi theo cách gọi của ngư dân Việt Nam, có lẽ là loài thú sống dưới biển gắn với nhiều truyền thuyết nhất trong lịch sử. Trong văn học, cổ xưa nhất, Dugong được nhắc đến trong “Trường ca I-li-át và Ô-đi-xê" của Hô-me (Homer). Ở đó, Dugong hiện lên trong hình hài của nữ thần biển mình người đuôi cá, có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành cùng giọng hát mê hồn.
Sau này, những huyền thoại về Dugong lại tiếp nối. Vào những đêm trăng sáng, những con tàu lênh đênh trên biển xa thường mơ màng nghe tiếng hát Dugong đang mùa yêu đương. Tiếng hát khiến nhiều thủy thủ mê man, không thể điều khiển được con tàu. Để rồi, tàu đâm vào đá ngầm... Người Hy Lạp cổ gọi Dugong là “nàng tiên cá”. Trong tiếng Ấn, Dugong có nghĩa là “người con gái đẹp”.
 |
“Nàng tiên cá” Dugong. Ảnh: Myseek
|
Dugong còn là một biểu tượng về tình mẫu tử. Ðuôi loài thú biển này dài, dạng vây nằm ngang thay vì dọc đứng của loài cá. Chi trước hình mái chèo, cấu tạo xương rất giống bàn tay người với nhiều đốt xương hợp thành 5 ngón rõ ràng, dùng để chuyển hướng khi bơi và cũng dùng để "bồng" con cho bú sữa giống như người. Dugong cái có 2 bầu vú tròn nằm ở 2 vây trước, sữa màu trắng đục.
Ở Việt Nam, Dugong được phát hiện chủ yếu tại khu vực Côn Đảo và Phú Quốc. Trong đó, khoảng đầu thập niên 2000, tại khu vực Côn Đảo chỉ còn khoảng 10 cá thể, tại Phú Quốc có khoảng 100 cá thể. Hiện tại, việc phát hiện Dugong tại cả hai quần đảo này đều như “mò kim đáy bể”. Đây là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam nên việc khai thác bị cấm triệt để. Trên thế giới, Dugong là đối tượng trên đà tuyệt chủng được ưu tiên bảo vệ ở phạm vi toàn cầu. Thế giới có hẳn một tổ chức với tên gọi Tổ chức Bảo vệ Dugong Thế giới (Sirenian International) nhằm bảo tồn và phục hồi loài thú biển quý hiếm này.
Đi tìm một huyền thoại
May mắn được tham gia một chuyến công tác của Vùng 5 Hải quân, tôi quyết biến ước mơ tìm “nàng” thành hiện thực. Điểm đến đầu tiên của đoàn công tác là xã đảo Thổ Chu. Nằm không xa quần đảo Phú Quốc, Thổ Chu là nơi từng phát hiện Dugong. Ông Tư Bình, người đầu tiên dẫn dân ra lập nghiệp ở Thổ Chu sau sự kiện lính Pôn Pốt tàn sát và bắt đi toàn bộ dân trên đảo, cũng khẳng định về sự xuất hiện của Dugong. Ông kể, thời còn đi biển, thỉnh thoảng cũng gặp nhưng chủ yếu ở vùng nước sâu, nhiều cỏ biển. Tuy nhiên nhiều năm nay, Dugong đã hoàn toàn vắng bóng.
Câu chuyện về Dugong lại được tôi nhắc tới trong cuộc vui với các ngư dân trên tàu Phụng Vi. Nguyễn Tài Anh, em chủ tàu, nhà ở An Thới, Phú Quốc, lần duy nhất anh gặp Dugong là tại vùng biển gần quần đảo Thổ Chu. Cá thể đó khá lớn, chỉ bơi lên thở ít giây, thấy thuyền của ngư dân lại lặn mất.
Trở lại Phú Quốc, tôi tìm về làng chài cổ Hàm Ninh. Theo lời kể của những ngư dân cao niên, trước kia, vùng biển Phú Quốc còn rất hoang sơ, Dugong nhiều vô kể, chỉ cần chèo ghe ra xa vài ki-lô-mét là đã có thể nhìn thấy chúng bơi lội. Nếu đi biển mà bắt gặp tiếng hú của Dugong thì báo hiệu sẽ thu hoạch đầy cá. Nhưng lâu dần, lời đồn đại về những tác dụng thần kỳ của xương và nanh Dugong khiến loài vật này trở thành mặt hàng có giá trị cao. Người ta đua nhau đóng ghe, sắm lưới to để đi đánh bắt Dugong. Hàng trăm cá thể Dugong dần dần biến mất khỏi quần đảo Phú Quốc.
Theo ông Nguyễn Hồng Cường, nguyên Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc, Dugong là loài động vật có vú, thường chỉ lặn xuống biển 15 phút để ăn cỏ rồi phải ngoi lên thở, nên khi bị vướng lưới sẽ bị chết ngạt. Ngư dân bắt được đem Dugong xẻ thịt bán. Người dân đồn đoán từ xương, răng, da thịt... Dugong đều là “thần dược” và có giá cao nên loài này luôn bị săn lùng. Sau này, khi Nhà nước có quy định bảo vệ, cấm đánh bắt loài này thì hoạt động đánh bắt đã ngừng nhưng số lượng Dugong còn lại không nhiều.
 |
Biển Phú Quốc ngày càng vắng Dugong. Ảnh: Văn Hùng
|
Việt Nam xác định được hai vùng còn có Dugong là Phú Quốc và Côn Đảo. Vào thập niên 1970-1980, có ngư dân bắt được cả chục con Dugong. Đến năm 1976, các cơ quan chức năng đã có nhiều kế hoạch, biện pháp bảo vệ loài động vật quý hiếm này. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn diễn ra rất nhiều vụ bắt, giết Dugong. Năm 2001, khi ông Cường còn là Trưởng phòng Thủy sản Phú Quốc, công an xã Gành Dầu thông báo ngư dân đưa một con cá voi chết về bờ, đề nghị Phòng Thủy sản xuống có biện pháp xử lý. Khi người của phòng xuống thì phát hiện đó là một con Dugong nặng khoảng 400kg. Sở Thủy sản Kiên Giang đề nghị được chuyển vào bờ. Đến cảng cá mới có cân to, con Dugong ấy cân được hơn 450kg. Tuy nhiên, ngư dân đã tháo hết răng. Theo suy đoán của ông Cường, khi vô tình mắc lưới, con Dugong vẫn còn sống. Ngư dân đã dùng dây tời buộc vào cái đuôi nó lôi về. Tuy nhiên, Dugong quẫy quá mạnh làm đứt dây. Thoát được, nhưng vì đuối sức nên nó đã chết. Ngư dân khác đi biển thấy, lôi về. Hiện trạng vẫn còn một đoạn dây buộc ở đuôi. Con Dugong được Viện Hải dương học Nha Trang tiếp nhận và làm thành tiêu bản phục vụ khách tham quan.
Năm 2008, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc lại nhận được tin báo người dân làm thịt một con Dugong khoảng 100kg. Cán bộ ban cùng các cơ quan chức năng đến nơi cũng chỉ có thể lập biên bản, xử phạt 5 triệu đồng, tiêu hủy những phần còn lại.
Theo ông Cường, hiện nay trên vùng biển Phú Quốc, các tàu, bè tập trung đông, khuấy động môi trường sống của Dugong, khi bỏ chạy chúng thường bị dính lưới ngư dân. Đặc tính của Dugong là hai mẹ con cùng đi. Khi dính lưới mắt nhỏ, con mẹ thường thoát được, con con chết ngạt. Vì thế, hằng năm ở Phú Quốc vẫn có hiện tượng giết Dugong. Trong đó, điển hình là vụ xẻ thịt Dugong vào tháng 9-2012. Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR) nhận tin báo từ người dân trên đảo về việc một con Dugong nặng khoảng 100kg bị xẻ thịt và bán cho các nhà hàng. Sau đó, WAR vào cuộc điều tra và xác nhận tin báo là đúng sự thật. Theo thông báo của WAR, con Dugong này bị xẻ thịt ngay trên tàu và bán cho một trung gian ở thị trấn Dương Đông. Sau đó, trung gian này giao trực tiếp cho người mua hoặc các nhà hàng trên đảo Phú Quốc. Giá mỗi cân thịt Dugong khi đó dao động từ 400.000 đồng đến 550.000 đồng.
Gần đây nhất, vào tháng 10-2014, xác một còn Dugong được ngư dân tìm thấy ngay trong Khu bảo tồn cỏ biển thuộc Khu bảo tồn biển Phú Quốc. Trên mình còn có một sợi dây cước lớn quấn ngang cổ. Bước đầu, theo đánh giá của các chuyên gia, có thể con Dugong này chết do bị mắc lưới.
Trong vai một kẻ “có tiền có của”, tôi tìm đến chợ Dương Đông. Thấy dáng lơ ngơ, một người đàn ông chừng ngoài 50 tuổi áp sát, hỏi nhỏ: “Mua bò biển không?”. Giả mừng rỡ, tôi hỏi: “Bao nhiêu một ký?”. Người đàn ông ra giá 800.000 đồng/kg thịt, 500.000 đồng/kg da. Nhân tiện, tôi hỏi mua cặp nanh. Anh ta báo giá 80 triệu đồng/cặp. Nói không cầm đủ tiền mặt mua cặp nanh, tôi xin anh ta số điện thoại để hẹn lại. Mặt tỉnh queo, anh ta biến mất.
Mặc dù số lượng Dugong ở vùng biển Côn Đảo và Phú Quốc không nhiều nhưng việc bảo vệ gặp không ít khó khăn do ý thức người dân chưa cao. Trong khi đó, theo ông Cường, cơ quan bảo tồn chỉ có chức năng tuyên truyền chứ không có quyền xử phạt. Vì thế, muốn kiểm tra, giám sát phải phối hợp các đơn vị chức năng khác, nhưng sự phối hợp này đôi khi chưa được trôi chảy và chế tài chưa đủ mạnh để răn đe đối tượng vi phạm. Các cơ quan chức năng, các đoàn thể xã hội, các tổ chức bảo vệ động vật quốc tế đã có nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm bảo vệ Dugong, tuy nhiên, “nàng tiên cá” vẫn ngày càng vắng bóng trên vùng biển Phú Quốc.
PHƯƠNG TRANG