Học mọi lúc, mọi nơi
Đến Tiểu đoàn 2, Trường Sĩ quan Lục quân 1, được xem các học viên tập thể dục, chúng tôi cứ ngỡ như đang xem hình ảnh trên phim nước ngoài. Bởi những chàng lính trẻ, gương mặt rạng rỡ vừa tập các động tác mạnh mẽ, dứt khoát, vừa hô vang số đếm bằng tiếng Anh đều tăm tắp. Ai nấy tỏ rõ niềm hứng khởi và tự nhiên... Học tiếng Anh trong giờ tập thể dục buổi sáng đã trở thành nền nếp thường ngày của các học viên ở đây.
Theo Đại tá Nguyễn Hữu Sơn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, cùng với các hoạt động thể dục thể thao, nghi thức hô khẩu lệnh, chào báo cáo bằng tiếng Anh của học viên, cán bộ phụ trách lớp với giáo viên cũng được Trường Sĩ quan Lục quân 1 triển khai mấy năm nay. Không chỉ học viên mà tất cả cán bộ, giảng viên, nhân viên trong trường đều phải tham gia các lớp tiếng Anh với các trình độ khác nhau để phục vụ nhiệm vụ công tác và kiểm tra, phúc tra hằng năm. Vào các buổi tối, giảng đường rộn ràng các lớp học ngoại ngữ. Trước giờ đi ngủ, hệ thống loa truyền thanh còn phát các đoạn hội thoại tiếng Anh tới từng trung đội để giúp cán bộ, học viên rèn luyện kỹ năng nghe, nói...
Cũng như Trường Sĩ quan Lục quân 1, phong trào học tiếng Anh thực sự nở rộ ở các học viện, nhà trường quân đội khoảng 5 năm trở lại đây, nhất là từ khi có Chỉ thị số 89/CT-BQP ngày 9-11-2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về một số nhiệm vụ cấp bách nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống nhà trường quân đội. Nhiều trường tạo ra môi trường học tập ngoại ngữ mọi lúc, mọi nơi, góp phần thiết thực nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, giáo viên, học viên như: Học viện Lục quân, Học viện Quân y, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Hải quân, Học viện Phòng không-Không quân, Trường Sĩ quan Chính trị, Trường Sĩ quan Lục quân 1, Trường Sĩ quan Lục quân 2, Trường Sĩ quan Thông tin, Học viện Hậu cần, Trường Sĩ quan Pháo binh... Một điều dễ nhận thấy khi đến nhiều trường là hệ thống pa nô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền, bảng tin thi đua, lịch công tác của các đơn vị đều được thể hiện bằng song ngữ Việt-Anh...
|
|
Học viên Tiểu đoàn 2, Trường Sĩ quan Lục quân 1 ôn luyện tiếng Anh tại đơn vị. |
Thực tế việc học ngoại ngữ trong các trường quân đội có nhiều khó khăn, trở ngại bởi thời gian huấn luyện ở thao trường nhiều, việc sử dụng smartphone và internet cũng hạn chế. Thế nhưng các trường lại rất sáng tạo trong việc dạy và học ngoại ngữ. Với phương châm “vừa học vừa làm, khó đâu gỡ đấy”, Trường Sĩ quan Chính trị lồng ghép việc học tiếng Anh vào mọi hoạt động của học viên với những mô hình hay như học tiếng Anh qua bài hát và những vần thơ tự sáng tác; tổ chức trò chơi bổ ích qua Câu lạc bộ tiếng Anh. Nhà trường còn hỗ trợ kinh phí, khuyến khích giảng viên đi học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ ở các cơ sở trong và ngoài nước, học trực tuyến, từ xa. Trường Sĩ quan Pháo binh vốn là nơi gắn bó với tiếng Nga nên môn tiếng Anh không phải là thế mạnh của cả thầy và trò. Thế nhưng trước yêu cầu đào tạo tiếng Anh để hội nhập quốc tế, nhà trường cũng đã quyết tâm khắc phục khó khăn, nhân rộng phong trào học tập tiếng Anh trong toàn trường. Tất cả giáo viên tiếng Nga của trường đều được gửi đi đào tạo để chuyển sang dạy tiếng Anh. Nhà trường đã phân loại cán bộ, giảng viên và học viên để tổ chức bồi dưỡng tiếng Anh cho phù hợp với năng lực, trình độ của từng đối tượng. Thỉnh thoảng, tại buổi giao ban, hiệu trưởng nhà trường còn yêu cầu một số đơn vị báo cáo bằng tiếng Anh...
Chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên ngoại ngữ nên Học viện Hậu cần thường xuyên cử giảng viên tham gia các khóa học nâng cao trình độ ở nước ngoài. Đến nay, 100% giảng viên tiếng Anh đã qua các khóa đào tạo về phương pháp giảng dạy của Hội đồng Anh và Australia... Học viện còn thành lập Trung tâm Ngoại ngữ-Tin học và tổ chức nhiều lớp học ngoại khóa tiếng Anh cho cán bộ,
giảng viên có học vị tiến sĩ, thạc sĩ, giảng viên trẻ, tùy theo nhu cầu của người học có sự hỗ trợ một phần kinh phí của học viện. Đây cũng là đơn vị có phong trào hoạt động giao lưu giữa các câu lạc bộ tiếng Anh dành cho học viên rất sôi nổi. Học viện Biên phòng, Trường Sĩ quan Thông tin thì mạnh dạn thí điểm giảng dạy bằng tiếng Anh các môn chuyên ngành cửa khẩu, chỉ huy-tham mưu thông tin cấp phân đội trình độ đại học...
Để ngoại ngữ thiết thực với bộ đội
Mặc dù phong trào học tập ngoại ngữ đã lan tỏa trong các học viện, nhà trường quân đội, nhưng đây chỉ mới là thành quả bước đầu. Bởi thực tế, nền tảng ngoại ngữ của bộ đội nói chung còn thấp. Trình độ ngoại ngữ của học viên các nhà trường chưa đáp ứng so với mục tiêu yêu cầu đào tạo. Khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ của cán bộ, giảng viên, học viên còn hạn chế. Nhiều quân nhân, sĩ quan chưa có thói quen học tập ngoại ngữ thường xuyên, liên tục tại đơn vị.
Chia sẻ với chúng tôi, Đại tá Trịnh Bá Chinh, Phó giám đốc Học viện Hậu cần cho rằng, một bộ phận cán bộ, sĩ quan do đặc thù công việc chuyên môn ít giao tiếp quốc tế, ít khi sử dụng đến ngoại ngữ. Hơn nữa, tiêu chí đánh giá trình độ ngoại ngữ giữa nhà trường và đơn vị chưa đồng bộ nên chưa tạo động lực học tập thường xuyên cho cán bộ, sĩ quan. Nhiều học viên sĩ quan sau khi ra trường về đơn vị công tác, quay lại học tiếp vòng 2 thì trình độ tiếng Anh đã bị mai một. Điều đó cho thấy tính hiệu quả của ngoại ngữ đối với bộ đội chưa sâu bền. Đó là một bất cập lớn cần phải giải quyết trong thời gian tới.
Nâng cao trình độ ngoại ngữ cho bộ đội là một yêu cầu bức thiết để thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Để việc học ngoại ngữ thiết thực, hiệu quả với bộ đội, cần phải xây dựng môi trường học tập ngoại ngữ sâu rộng hơn nữa, đi sâu vào đời sống hằng ngày của cán bộ, giảng viên, học viên. Biến việc học tập ngoại ngữ thành sử dụng ngoại ngữ hằng ngày. Xây dựng chương trình môn học tiếng Anh chuyên ngành với nội dung sát đúng, thiết thực với các đối tượng, bảo đảm học viên có thể sử dụng ngoại ngữ trong công tác chuyên môn sau khi ra trường...
Bài và ảnh: THANH MINH - VĂN CHIỂN - THU HÒA