Dân làng Bom Bo nấu rượu cần, cơm lam, dệt thổ cẩm gắn thương hiệu Bom Bo bán cho khách du lịch hay chuyển về xuôi… Rượu cần Bom Bo ngọt và nồng làm chếnh choáng bao người. Người dân S’tiêng tự hào lắm, vui nhiều lắm”-già làng Điểu Lên nói với chúng tôi bên ché rượu cần chiều mưa tháng 8.
Ký ức hào hùng vọng mãi
Hiếm có một vị già làng nào trên vùng đất đỏ bazan lại có nhiều điều đặc biệt và kỳ lạ như già làng Điểu Lên. Ông có một niềm tin, tình yêu, khát vọng và ý chí đến kỳ lạ mà bất cứ ai gặp một lần đều có thể nhớ mãi. Ở tuổi 74, già làng Điểu Lên vẫn toát lên vẻ rắn rỏi, mạnh mẽ, khí chất của một già làng với những thành tích lẫy lừng trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bom Bo là huyền thoại thì già làng Điểu Lên là nhân tố đặc biệt tạo nên huyền thoại ấy. Bởi lẽ đó, không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người khi về thăm lại Bom Bo đều muốn được một lần gặp vị già làng đặc biệt đã từng 3 lần được Nhà nước tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt ác phá kìm”, “Dũng sĩ diệt Mỹ-ngụy”. 15 tuổi tham gia cách mạng, tuổi trẻ của già làng Điểu Lên đã cống hiến cho cách mạng với niềm tin son sắt, tham gia gần 50 trận đánh cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Và sau khi nước nhà thống nhất, già làng Điểu Lên về lại đời thường, trở thành điểm tựa tinh thần và là “pho sử sống” của vùng đất này. Ông còn là điển hình của cuộc sống mới, người truyền lửa của văn hóa dân tộc S’tiêng có từ bao đời nay.
    |
 |
Đời sống kháng chiến được tái hiện trong Khu bảo tồn văn hóa S’tiêng sóc Bom Bo |
Những câu chuyện lịch sử, những đổi thay của quê hương Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước được già làng Điểu Lên nhắc đến, kể lại hào sảng, gần gụi. Bom Bo xưa kia là một căn cứ cách mạng được xây dựng trong những năm kháng chiến chống Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bom Bo được phát triển thành một căn cứ hậu cần chiến lược của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, là bàn đạp để triển khai các chiến dịch lớn. Địch đã huy động lực lượng ròng rã nhiều năm trời để càn quét, bắt bớ nhằm triệt hạ căn cứ cách mạng, chia rẽ lòng dân Bom Bo nhưng đều thất bại. Sang giai đoạn 1964-1965, chính quyền Sài Gòn thực hiện dồn dân lập ấp chiến lược ở khắp Nam Bộ. Bom Bo trở thành điểm được áp dụng sớm nhất vì nơi đây là cứ địa cách mạng phía tây Đường số 14 huyết mạch duy nhất nối Tây Nguyên với Sài Gòn, được Quân giải phóng phát triển thành địa bàn cung ứng hậu cần cho Bộ chỉ huy Miền và Khu ủy Khu 10.
Địch xua quân càn vào sóc Bom Bo triển khai dồn dân lập ấp chiến lược, bắt bớ. Không chịu khuất phục, dân làng Bom Bo được sự hỗ trợ của các cán bộ cách mạng đã đấu tranh ngăn cản, chống trả lập ấp chiến lược và kéo nhau vào rừng sâu theo cách mạng. Bộ đội ở đâu, dân làng Bom Bo theo đó. Họ khai phá đất làm rẫy, trồng lúa, khoai, sắn. Những đêm của mùa thu hoạch, trong ánh đuốc lồ ô nơi rừng sâu, bộ đội cùng dân hòa chung không khí giã gạo, rèn vũ khí. Tiếng giã gạo, tiếng búa rèn giáo mác cùng với không khí hừng hực khí thế cách mạng, tình quân dân son sắt thuở nào vang vọng vào núi rừng, được nhạc sĩ Xuân Hồng cảm nhận và ghi lại trong bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Già làng Điểu Lên hồi tưởng: “Ngày ấy dân làng Bom Bo dành trọn niềm tin theo Đảng, theo Bộ đội Cụ Hồ. Dù nghèo nhưng các gia đình đồng bào S’tiêng đều dành hết nguồn lực vật chất và sức lực cống hiến cho cách mạng. Hồi chuẩn bị gấp rút cho Chiến dịch Phước Long-Đồng Xoài năm 1965, chỉ trong thời gian ngắn ngủi 3 ngày đêm, dân làng Bom Bo đã huy động giã lúa đủ cung cấp cho bộ đội hơn 5 tấn gạo”.
Những năm 1964-1965, Bom Bo nhìn quanh đều rừng là rừng. Rừng sâu hun hút thâm u, đi lại vô cùng khó khăn. Ngày ấy xa khuất núi rừng bao nhiêu thì giờ đây Bom Bo đã gần hơn rất nhiều nhờ những tuyến giao thông được xây dựng mới ngang dọc mảnh đất huyền thoại này. Con đường nhựa phẳng lỳ nối từ trung tâm huyện Bù Đăng về Bom Bo được đầu tư đã mở ra hoạt động thông thương, vận chuyển hàng hóa nông sản; khách du lịch từ mọi miền Tổ quốc và quốc tế đến với Bom Bo cũng dễ dàng và mất ít thời gian hơn… Những ngày ở Bom Bo, chúng tôi cảm nhận được sức sống và cả hiện thực đổi mới. Những núi đồi thâm u, rừng rậm đã được chuyển đổi thành những nương rẫy sản xuất cây công nghiệp giá trị cao. Nhiều quán xá, dịch vụ mới được mở ra. Đàn ông ngày nối ngày lên rẫy. Đàn bà ở nhà nấu rượu, dệt thổ cẩm, nấu cơm lam, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Điều đặc biệt là rượu cần và thổ cẩm nơi đây đã tạo được thương hiệu hẳn hoi. Thổ cẩm làm ra được dệt tên sóc Bom Bo. Ché rượu cần cũng được làm nhãn hiệu Rượu cần Bom Bo. Rượu cần Bom Bo ngọt và nồng, dễ uống, dễ say, chếnh choáng, ngất ngây men núi rừng.
Nơi giữ suối nguồn văn hóa dân tộc S’tiêng
Sau 43 năm, Bom Bo đã đổi thay như được khoác lên tấm áo mới. Nhưng về thăm lại Bom Bo lần này, chúng tôi cảm nhận được có một Bom Bo rất khác. Dù được chia tách nhiều lần, từ xã Bom Bo năm 1998 được thành lập và sau chia tách thành xã Bom Bo và xã Bình Minh, nhưng người dân nơi đây vẫn sử dụng địa danh Bom Bo cho cả vùng căn cứ Nửa Lon năm xưa. Khác vì nơi căn cứ cách mạng thâm u, nhìn đâu cũng là rừng thì nay Bom Bo đã phát triển thành một thị tứ đồng bộ về nhiều mặt, trở thành một địa chỉ lưu giữ, bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa bao đời của đồng bào S’tiêng. Những năm gần đây ở thôn Bom Bo, xã Bình Minh đã được UBND tỉnh Bình Phước triển khai xây dựng công trình Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. Khu bảo tồn là quần thể văn hóa được UBND tỉnh Bình Phước đầu tư xây dựng, có diện tích 113ha, kinh phí đầu tư gần 289 tỷ đồng, gồm các hạng mục: 2 nhà dài truyền thống, khu nhà ở của sóc Bom Bo xưa, khu vui chơi sinh hoạt cộng đồng, hệ thống giao thông nội vùng, nhà triển lãm, khu tái định cư, trường học, làng nghề truyền thống, bãi đậu xe, các tượng hình tái hiện khung cảnh Quân giải phóng và đồng bào các dân tộc cùng giã gạo đêm khuya, tái hiện đời sống kháng chiến xưa… Khu bảo tồn đã hoàn thành giai đoạn 1 và hằng năm đón hàng chục nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu. Ngành văn hóa của tỉnh cũng đã xây dựng nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc S’tiêng vào những dịp lễ, tết.
Già làng Điểu Lên tự hào nói với chúng tôi:
- Những ngày tháng gian khổ cùng bộ đội đánh Mỹ, diệt ngụy, dân làng Bom Bo không thể nghĩ được những điều đổi mới hôm nay. Họ được chính quyền tỉnh và huyện quan tâm đặc biệt. Nhiều chương trình xóa đói, giảm nghèo, dạy nghề, tập huấn kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, chuyển giao mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Giờ đây, hầu hết các hộ dân ở Bom Bo đều ổn định chỗ ở và sản xuất. 100% trẻ em trong độ tuổi đi học đều đến trường. Hiện nay, thôn Bom Bo có gần 370 hộ với hơn 2.000 người và tỷ lệ hộ có kinh tế khá và giàu đạt 60%, 98% hộ gia đình đều có điện sinh hoạt, hộ nghèo chỉ còn 3%...
Bên cạnh phát triển kinh tế, nơi đây trở thành điểm du lịch, vừa là nơi bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào S’tiêng. Ở Bom Bo, già làng luôn là chỗ dựa tinh thần cho cả cộng đồng. Mỗi tối, nhà của già làng Điểu Lên thường đông khách. Người trong thôn Bom Bo đến để trò chuyện, để được nghe về những đạo lý, luật tục văn hóa từ bao đời của người S’tiêng, nghe những điều hay lẽ phải, biết cái đúng, cái sai để ứng xử trong các mối quan hệ giữa người với người; giữa con người với thiên nhiên; được nghe lại lịch sử hào hùng của dân làng Bom Bo năm xưa…
Vui nhất là dịp lễ, tết, mọi người tập trung ở Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng, nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào. Tiếng trống, tiếng đàn bầu, sáo và tiếng cồng chiêng vang động cả núi rừng. Già làng Điểu Lên cùng các chàng trai, cô gái S’tiêng hòa chung điệu múa truyền thống quanh đám lửa gỗ cây lồ ô rực cháy. Ông lại được dịp kể lại những ký ức hào hùng năm xưa cho dân làng và du khách.
Già làng Điểu Lên có một người con gái út tên là Điểu Thị Xia, sinh năm 1987. Xia xinh xắn, hay lam hay làm, dệt thổ cẩm khéo tay nhất vùng, hát hay, múa giỏi và biết chế biến hầu hết các món ăn truyền thống của dân tộc S’tiêng. Điều đặc biệt của Xia giống cha mình là có chung khát vọng truyền lửa, giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc S’tiêng. Khát vọng của Xia là khát vọng nối dài của cha mình. Già làng Điểu Lên giỏi đánh Mỹ, diệt ngụy thì Điểu Thị Xia lại được biết đến là một thế hệ trẻ đầy khát vọng giữ gìn, phát huy và tạo sự lan tỏa của nét văn hóa truyền thống đồng bào S’tiêng. Khi xem những sản phẩm thổ cẩm do Xia làm, chúng tôi ngỡ ngàng ở tính phong phú, đa dạng, hoa văn độc đáo và rất thức thời. Điểu Thị Xia tự tin chia sẻ: “Thổ cẩm là nghề truyền thống đặc sắc của đồng bào S’tiêng nên em rất muốn được phát triển sản phẩm, quảng bá để cho nghề truyền thống không bị mai một mà được duy trì, tỏa sáng”. Để làm được điều đó, bên cạnh các sản phẩm thông dụng như áo, khố, váy, khăn, Điểu Thị Xia tự học để tạo ra những sản phẩm tiện dụng, phù hợp với thị hiếu như: Túi xách, trang phục công sở, khăn choàng… và được nhiều khách du lịch chọn mua. Để quảng bá cho sản phẩm, Xia đã tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại do tỉnh, huyện tổ chức, trực tiếp giới thiệu sản phẩm và những điều rất riêng, độc đáo của sản phẩm thổ cẩm do chính những bàn tay khéo léo, tài hoa của người dân Bom Bo ngày nay làm nên.
Chúng tôi rời Bom Bo mà không được nghe tiếng chày giã gạo của Đội Văn nghệ xã Bình Minh tái hiện đời sống kháng chiến trong các chương trình văn hóa nghệ thuật. Nhưng bù lại, chúng tôi cảm nhận được về một huyền thoại Bom Bo ngày mới, Bom Bo của đổi mới với nếp sống văn hóa mới, những con người cũ và mới của các thế hệ có chung khát vọng giữ lửa truyền thống Bom Bo đến hôm nay và mai sau, trở thành sức mạnh tinh thần vững chãi nơi cuối dãy Trường Sơn.
Bài và ảnh: ĐẶNG BẢO MINH