Ông Sảng với bài thơ “Nhớ bạn” do ông Hùng Tín viết và gửi về gia đình cụ Hoàng Khắc Cảnh

đầu tháng 6-1967.

Đôi bạn pháo binh

Hoàng Đăng Ngải sinh cuối năm Bính Tý 1936, trước giao thừa Tết Đinh Sửu 1937 chừng 3 giờ đồng hồ, liền kề với “khúc ruột trên” Hoàng Khắc Sảng và là út trong 8 anh chị em ruột đều tham gia cách mạng. Hai anh em Sảng-Ngải cùng học lớp 10 Trường Phổ thông cấp 3 Hoa Lư ở vùng tự do trong kháng chiến chống Pháp thuộc tỉnh Ninh Bình và cùng nhập ngũ một ngày đầu năm 1954. Ngải vào Sư đoàn 316, dự đào tạo sĩ quan pháo binh khóa 1 ở Sơn Tây, tốt nghiệp loại giỏi. Ra trường, anh với Hùng Tín-người đồng môn thân thiết-cùng được bổ nhiệm chức vụ Đại đội trưởng thuộc Trung đoàn 68 (pháo binh), Sư đoàn 308. Khi đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc, cấp trên điều động hai anh vào Trung đoàn 84 pháo binh, Quân khu 4. Trước khi đi, đôi bạn tri kỷ ấy đến thăm anh Hoàng Khắc Ánh, anh ruột Ngải, cán bộ ngành lương thực ở TP Hà Nội.

Không ai ngờ chỉ sau đó một năm, đầu tháng 6-1967, vợ chồng cụ Hoàng Khắc Cảnh-Phạm Thị Đỏ, thân sinh của Hoàng Đăng Ngải, ở xã Kim Định, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình nhận được thư Hùng Tín, với bài thơ “Nhớ bạn” đầy xúc động, xót thương. Ít lâu sau, cơ quan chính sách huyện Kim Sơn gửi đến gia đình cụ Cảnh tấm Huân chương Chiến công hạng Nhì và quân tư trang của Hoàng Đăng Ngải, giấy báo tử do đồng chí Nguyễn Đệ, thủ trưởng Trung đoàn 84, Quân khu 4 ký tháng 9-1967. Ngoài ra, còn có bản “Sơ đồ phần mộ” được trình bày bằng bút viết tay, ghi chú: “Liệt sĩ Hoàng Đăng Ngải (hòm thư 54272RT). Đồng chí Hà Văn Xương, Thiếu úy, Ctrị phó (Chính trị viên phó-TG) c12, d4, e84 và đồng chí Hàn Viết Tuệ, Trung sĩ, b phó b5, c12, d4 mai táng. Mộ hình dài có bia gỗ, để ở xóm Di Loan… Tọa độ (x: 82390; y: 23090). Từ Hà Nội đi theo Đường số 1 đến cách cầu Hiền Lương 1.400m, rẽ tay trái vào Đường 70, hỏi ra Cửa Tùng. Đến bờ sông Bến Hải, hỏi đường vào xóm Di Loan”.

Cuối năm ấy, chính quyền xã Kim Định tổ chức trọng thể Lễ truy điệu liệt sĩ Hoàng Đăng Ngải. Thương xót người thân, cả gia đình cụ Hoàng Khắc Cảnh cũng khôn nguôi nghĩ về Hùng Tín-người bạn thân thương của Ngải. Hoàng Khắc Sảng công tác trong quân đội, nhiều lần đôn đáo hỏi han tin tức Hùng Tín… Khi nghe tin Trung đoàn 84 di chuyển vào phía trong, rồi tham gia Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh (Quảng Trị) năm 1968… thì mọi nỗ lực tìm kiếm tin tức về người ở tiền phương, trong hoàn cảnh bấy giờ, đều tạm thời bị gián đoạn.

Những trận pháo chiến và bài thơ “Nhớ bạn”

 Sau khi thống nhất đất nước, tháng 9-1977, ông Sảng đang dạy học ở Trường Văn hóa Quân đội tại Lạng Sơn xin nghỉ phép để cùng người anh ruột là Hoàng Khắc Sảnh (cán bộ lâm nghiệp huyện Kim Sơn) đi tìm phần mộ ông Ngải, hy vọng nhân việc ấy có thể sẽ biết được tin tức về ông Hùng Tín.

Bản sơ đồ phần mộ liệt sĩ Hoàng Đăng Ngải do Trung đoàn 84, Quân khu 4 gửi Ủy ban hành chính huyện Kim Sơn để chuyển đến gia đình cụ Hoàng Khắc Cảnh, tháng 10-1967.

Nghe tin có người đến làng mình tìm mộ liệt sĩ, bà con xóm Di Loan sốt sắng hỏi gặp. Ông Thanh-người đã dành chỗ ở trong nhà mình cho Hoàng Đăng Ngải và bộ đội Trung đoàn 84 năm xưa kể lại: Chuẩn bị cho trận đánh Cửa Tùng trưa 24-5-1967, đa số người dân địa phương đã sơ tán đến nơi an toàn. Chỉ có dân quân du kích ở lại giúp bộ đội. Khi trận đánh diễn ra, anh Ngải làm nhiệm vụ thay đồng chí sĩ quan trinh sát (đi công tác). Tại vị trí tháp chuông nhà thờ Di Loan, với chiếc ống nhòm, anh cung cấp số liệu về tình hình địch để các pháo thủ điều chỉnh thông số kỹ thuật bắn. Bị thiệt hại nặng, bọn Mỹ cay cú, cho máy bay trinh sát quần thảo rồi tập trung ném bom hủy diệt nhà thờ Di Loan và các xóm quanh đó. Thi hài anh Ngải nằm trong tháp chuông đổ sập!

Uất hận căm thù dồn lên nòng súng, Trung đoàn 84 kiên cường giội lửa vào đầu bọn xâm lược, bắt chúng phải đền tội! Sau trận đánh ấy, đơn vị chôn cất Hoàng Đăng Ngải và các chiến sĩ hy sinh, lập sơ đồ phần mộ, bàn giao cho chính quyền và nhân dân sở tại trông nom rồi tiếp tục hành quân nhận nhiệm vụ mới… Tháng 3-1977, xã Vĩnh Quang (nay là thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) tổ chức quy tập các phần mộ nói trên về Nghĩa trang Liệt sĩ Vĩnh Giang.

Thế là, một lần nữa tin tức về ông Hùng Tín lại bặt tăm! Bài thơ “Nhớ bạn” của ông viết ngày 29-5-1967 (sau khi Trung đoàn 84 trừng trị quân xâm lược ở thị trấn Đông Hà, kế tiếp trận Cửa Tùng trưa 24-5-1967, tiêu diệt hàng chục xe quân sự, phá hủy 50 khẩu pháo, tiêu diệt 300 tên Mỹ; Lầu Năm Góc Hoa Kỳ đã phải kêu lên như con ác thú bị thương) vẫn còn đó, ám ảnh và thúc giục ông Sảng trong cuộc tìm kiếm vẫn dang dở: …Tôi lại qua sông thăm mồ đồng chí/ Gọi nhỏ đủ nghe: Ngải hỡi bạn đời!/ Tôi muốn khoe với bạn trận đánh vừa rồi/ Bao xe nát và 50 đại bác/ Mỹ 300 ở Đông Hà phơi xác/ Làm quân thù nhớn nhác kêu la/ Tôi ngồi yên nghe sóng biển vọng đằng xa/ Như tiếng nhạc ru bạn ta yên nghỉ/ Chào vĩnh biệt! Mình lại đi diệt Mỹ.

Được sự giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương, anh em ông Sảnh đã tìm được mộ liệt sĩ Hoàng Đăng Ngải. Khi cất bốc hài cốt để di chuyển về quê, ông Sảnh đã cầm chiếc bấm móng tay bằng thép có chỗ vẫn sáng loáng được móc liền với chiếc kéo con, nằm cạnh hài cốt ông Ngải trong tiểu sành, giơ lên nói với ông Sảng: “Ngày em Ngải chưa vào Khu 4, khi về phép vẫn dùng hai thứ này để cắt móng chân, móng tay cho bố mẹ. Ngải còn đưa cho anh, bảo giữ lấy để ở nhà dùng... Nhưng anh không đồng ý, vì Ngải cần có nó trên đường chiến trận”.

Thời gian trôi. Ông Sảng khôn nguôi mong tin về ông Hùng Tín. Sau khi bố mẹ và các anh chị em ruột của ông đều đã khuất núi, nỗi niềm về ông Hùng Tín càng da diết. Hằng năm, vào ngày giỗ liệt sĩ Hoàng Đăng Ngải và dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), ông Sảng lại lần giở bài thơ của ông Hùng Tín và bản sơ đồ mộ chí ông Ngải mà ông nhớ không sai một chi tiết nào.

           Nhớ bạn

Đúng 11 giờ ngày 24 tháng 5 năm 1967

Cuộc chiến đấu đang tầm ác liệt

Hoàng Đăng Ngải bạn ơi!

Sao vẫn ung dung xuống tầng thang gác

Không kịp rồi! Nhà thờ Di Loan vùi mất

Người chiến sĩ kiên trung đã tắt thở

nơi đây

Hỡi linh hồn bay bổng chín tầng mây

Hay ở nơi đây với Vĩnh Quang anh dũng

Chiều nay mây ngừng trôi ủ rũ

Biển âm thầm lặng lẽ rặng lao thưa

Thi thể nằm trong cỗ ván liệm vải cờ

Không kèn trống, thanh la; không hương

thờ nghi ngút

Ngải bạn ơi! Trong nấm mồ có biết

Dân chúng nhớ thương, dòng nước mắt

vơi đầy

Đồng đội chiều nay mặc niệm giữa

hàng cây

Chào vĩnh biệt! Từ nay mình chẳng gặp

Không thấy mặt, đã nằm sâu ba thước đất

Hãy lên đây hút cùng ta mẩu thuốc

Lại tâm tình cho đỡ nhớ, đỡ thương

Lá thư yêu bạn viết ở giữa đường

 Như đòn gánh đường xa ngang

chừng gãy nửa

Đau đớn thay cho mối tình dang dở

Ba mươi tuổi đầu đang chớm nở

yêu đương

Ba mươi tuổi đầu đang độ tuổi yên cương

Vó ngựa lao bay trên đường chống Mỹ

Cửa Tùng ơi! Hãy ghi xương khắc tủy

Biến căm thù thành dũng khí xung phong

Miền Nam ơi! Mảnh đất thành đồng

Mãi mãi ngân vang anh hùng biết mấy

Pháo của ta đêm nay vang rền như

sấm dậy

Kia Đông Hà bốc cháy tận ngoại vi

Tôi lại qua sông thăm mồ đồng chí

Gọi nhỏ đủ nghe: Ngải hỡi bạn đời!

Tôi muốn khoe với bạn trận đánh vừa rồi

Bao xe nát và 50 đại bác

Mỹ 300 ở Đông Hà phơi xác

Làm quân thù nhớn nhác kêu la

Tôi ngồi yên nghe sóng biển vọng

đằng xa

Như tiếng nhạc ru bạn ta yên nghỉ

Chào vĩnh biệt! Mình lại đi diệt Mỹ.

                         Vĩnh Quang, Vĩnh Linh,

                         29-5-1967 - HÙNG TÍN

Lần giở những kỷ vật đặc biệt ấy, ông Sảng cảm thấy như ông Hùng Tín đang rong ruổi trên những nẻo đường của đất nước thống nhất từng ngày, từng giờ đổi mới. Và, Hoàng Đăng Ngải “Ba mươi tuổi đầu đang chớm nở yêu đương/ Ba mươi tuổi đầu đang độ tuổi yên cương/ Vó ngựa lao bay trên đường chống Mỹ” năm nào, giờ đây cũng đang dõi theo, phù hộ cho người bạn thân Hùng Tín và cho tất cả mọi người đang nỗ lực bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước phồn vinh… Bất giác, ông Sảng gọi: “Hùng Tín ơi! Em ở đâu?”.

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG