Học trò xứ đảo không an phận thủ thường
Sinh ra và lớn lên tại huyện đảo Lý Sơn, cho đến khi tốt nghiệp THPT, Trần Thành Đức vẫn chưa biết đất liền là gì, mặc dù nhà chỉ cách bờ khoảng 15 hải lý. Hơn 20 năm trước, điều kiện kinh tế-xã hội ở Lý Sơn còn nghèo nàn, lạc hậu, trẻ em được đi học rất ít. Theo quan niệm của người dân xứ đảo, trẻ con không cần phải học nhiều, bởi xung quanh đã có biển, cá, muối... chỉ cần giỏi chài lưới, bơi thuyền và có sức khỏe thật tốt để ra khơi là đủ.
Không cam chịu an phận thủ thường, từ ngày còn là học sinh THCS, cậu bé Trần Thành Đức đã nuôi dưỡng ước mơ được vào đất liền học tập, có cơ hội đi đây đi đó để khám phá thế giới bên ngoài. Đức tự nhủ, muốn vào đất liền, muốn được đi đến nhiều nơi thì nhất thiết phải giỏi ngoại ngữ. Vậy là cậu vùi đầu vào học tiếng Anh. Trong điều kiện không có điện, không có internet, cậu chăm chỉ học tập, nghiên cứu, nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, sách tham khảo. Việc Trần Thành Đức thường xuyên thức khuya, dậy sớm bên ngọn đèn dầu để học tiếng Anh trở nên quen thuộc với các thành viên trong gia đình. Không ít lần Đức mải học đến nỗi ngọn đèn vụt tắt bởi cạn dầu… Nhờ tư chất thông minh và năng khiếu học ngoại ngữ, tiếng Anh đã trở thành một trong những môn học nổi trội nhất của Trần Thành Đức trong suốt những năm học phổ thông.
Với kết quả đạt trình độ TOEFL 500, năm 2000, Trần Thành Đức đăng ký thành công vào học ngành quản trị kinh doanh, Đại học Minh Truyền (Ming Chuan University), Đài Loan (Trung Quốc). Đây không chỉ là niềm vui lớn của gia đình cậu học trò vượt khó học giỏi mà còn là niềm hãnh diện của Trường THPT Lý Sơn. Vì thời điểm ấy, thậm chí hàng chục năm sau đó, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào đại học, đặc biệt là đủ điều kiện du học nước ngoài ở huyện đảo Lý Sơn rất hiếm hoi.
Sau 4 năm miệt mài học tập tại Đại học Minh Truyền, tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, Trần Thành Đức được Tập đoàn kinh doanh thương mại quốc tế Global của Australia nhận vào làm việc. Vừa làm việc cho Global, anh vừa theo học thạc sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Đại học Cambridge (Anh). Cùng với miệt mài học tập, nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm, tích cực tìm kiếm cơ hội phát triển, năm 2009, anh tiếp tục theo học tiến sĩ chuyên ngành marketing tại Đại học Harvard (Hoa Kỳ). Bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ tại một trong những ngôi trường danh giá nhất thế giới, Trần Thành Đức nhận được nhiều lời mời từ các tập đoàn kinh tế, công ty lớn trên thế giới. Cuối cùng, anh quyết định đầu quân cho Công ty Cổ phần Thương mại quốc tế Indoway của Singapore. Đây là công ty chuyên về lĩnh vực xuất, nhập khẩu.
Với năng lực nổi trội và sử dụng thành thạo tiếng Anh, TS Trần Thành Đức được công ty trọng dụng, đãi ngộ hết mức, không phải lo lắng gì đến kinh tế. Tuy nhiên trong thâm tâm, anh vẫn muốn một ngày nào đó trở về Việt Nam, đem tất cả kiến thức, kinh nghiệm học được từ các nước tiên tiến để phục vụ quê hương. Đặc biệt, khi lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) và nền kinh tế chia sẻ (KTCS) bắt đầu phát triển mạnh trên thế giới thì ấp ủ ấy của anh càng nhân lên mạnh mẽ. Anh cho rằng, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, một thời đại “công nghệ số” đã hình thành, dẫn đến việc ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực đời sống trở thành xu hướng phát triển tất yếu của xã hội. Do đó, việc hoàn thiện pháp luật liên quan đến mô hình KTCS sẽ giúp thị trường cạnh tranh hơn và loại hình dịch vụ đa dạng hơn, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.
Từ ý tưởng nêu trên, TS Trần Thành Đức quyết định trở về Việt Nam, cùng các cộng sự thành lập Công ty Cổ phần Quốc tế Gogo Thanh Hóa, chuyên đầu tư lĩnh vực TMĐT-tích lũy hưu trí. Thời gian đầu mới thành lập, công ty gặp không ít khó khăn do nền tảng công nghệ thông tin của doanh nghiệp còn yếu; công tác quản trị và điều hành còn non kém. Đặc biệt, thực lực về tài chính rất hạn hẹp. Cơ hội đến với TS Trần Thành Đức khi ngày 12-8-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt đề án thúc đẩy mô hình KTCS, cho phép: “Tạo lập một môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động KTCS và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài theo hướng tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh…”. Chớp lấy thời cơ này, anh cùng ban lãnh đạo công ty tiến hành tái cấu trúc lại doanh nghiệp, chuyển đổi thành Công ty Cổ phần ATM Lucky Việt Nam, tập trung đầu tư hơn 8 hạng mục kinh doanh cơ bản: Giáo dục, games, vận tải, sức khỏe, thẩm mỹ, tem tích lũy, điểm liên kết và vòng quay may mắn, mang lại giá trị cho người sử dụng dịch vụ trên app, cho cộng đồng và cho toàn xã hội.
TS Trần Thành Đức chia sẻ, đối với hạng mục “giáo dục” của app gồm: Tư duy logic, toán; phát triển ngôn ngữ: Tiếng Việt, tiếng Anh; phát triển tố chất sáng tạo (đồ họa: vẽ tranh 3D) giúp các học sinh cũng như cộng đồng tránh xa dần những sản phẩm, dịch vụ công nghệ mang tính bạo lực, đồi trụy, phản cảm, có tính gây nghiện cao. Về lĩnh vực sức khỏe, có thể đo các chỉ số về sức khỏe: Huyết áp, tim mạch, nhạc sóng não kiểm soát và điều chỉnh tâm lý của bản thân. Cùng với đó là hoạt động thẩm mỹ: Đo các chỉ số thẩm mỹ; liên kết với các thẩm mỹ viện, spa nhằm cung cấp cho người dùng sản phẩm dịch vụ làm đẹp tốt nhất. Ngoài ra, công ty còn có dịch vụ tem tích lũy, được dán trên các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp liên kết với app ATM Lucky. Đặc biệt, đối với hoạt động xã hội, Công ty Cổ phần ATM Lucky Việt Nam do TS Trần Thành Đức làm Tổng giám đốc đã cam kết với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) hằng năm đều trích phần trăm lợi nhuận sau thuế để mua sổ tiết kiệm tặng gia đình người có công với cách mạng. Theo kế hoạch trong năm 2020, công ty sẽ phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội tiến hành trao hơn 500 sổ tiết kiệm tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, mức lĩnh 3.300.000 đồng/người/tháng. Chia sẻ với chúng tôi về việc làm ý nghĩa này, TS Trần Thành Đức bộc bạch: “Quê hương đã nuôi dưỡng mình trưởng thành, cho mình cơ hội được đi học, tiếp thu kiến thức từ các nước tiên tiến. Vì vậy, trách nhiệm của mình là phải trả nghĩa cho quê hương. Đây không chỉ là tâm nguyện của cá nhân mình mà là lòng thành của cả Ban giám đốc Công ty Cổ phần ATM Lucky Việt Nam…”.
51 lần hiến máu tình nguyện
Không những thành công trên lĩnh vực kinh doanh, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, hướng về nguồn cội, cái tên Trần Thành Đức cũng khá quen thuộc trong phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) trải dài khắp từ Bắc vào Nam. Tính đến hết năm 2019, TS Trần Thành Đức đã có 51 lần tham gia HMTN (cả trong và ngoài nước). Từ lâu, anh đã coi việc hiến máu cứu người như một thói quen. Vì vậy, đi công tác bất cứ địa phương nào, hễ gặp hoạt động hiến máu nhân đạo là anh tình nguyện tham gia. Trong căn phòng nhỏ ở khu tập thể Bộ Công nghiệp nhẹ (phố Lê Gia Định, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), chúng tôi chứng kiến anh giữ gìn cẩn thận tập giấy chứng nhận HMTN như một kỷ niệm đẹp của đời mình.
Anh mang nhóm máu O, chiếm khoảng 37,4% dân số, thuộc nhóm máu chuyên cho. Biết được “thế mạnh” này của mình, TS Trần Thành Đức vận động nhiều người cùng chung nhóm máu với mình lập thành nhóm “Người mang nhóm máu O” với phương châm: “Sẵn sàng lên đường, sẵn sàng cứu người”. Ông Nguyễn Đức Thuận, nguyên Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội, người đồng hành nhiều năm với TS Trần Thành Đức trong các chiến dịch vận động HMTN chia sẻ: “Không chỉ nhiều lần tham gia HMTN, anh Đức còn tích cực tuyên truyền, vận động được hàng nghìn người tham gia hiến máu. Những đóng góp cho cộng đồng của TS Trần Thành Đức rất đáng trân trọng, nêu gương…”.
Cho đến giờ, TS Trần Thành Đức không nhớ hết có bao nhiêu bệnh nhân đã được anh và các thành viên cùng chung nhóm máu góp phần cứu sống, nhưng một kỷ niệm có lẽ anh và các cộng sự không thể nào quên, đó là đêm khuya một ngày cuối tháng 8-2018, anh nhận được thông tin trong nhóm: Có một ca mổ phức tạp tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cần truyền máu gấp. Bật dậy khỏi giường như chiếc lò xo, lấy điện thoại, anh Đức gọi tập hợp các thành viên của nhóm “Người mang nhóm máu O” rồi lao ra ngoài trời đang mưa gió, đến thẳng Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
Chỉ một lúc sau, các thành viên của nhóm cùng với Trần Thành Đức đã có mặt tại bệnh viện. Do ca bệnh rất nặng nên bác sĩ phải huy động máu của cả nhóm mới có thể cứu sống được bệnh nhân. Chứng kiến những giọt nước mắt hạnh phúc của gia đình người bệnh, các thành viên trong nhóm thấy mình như khỏe ra. Tất cả cùng vui vẻ ra về khi trời vừa hửng sáng…
Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG