Theo cuốn sách Công ty tuyển than Hòn Gai, 45 năm xây dựng và phát triển… “Trong những năm chiến tranh chống Mỹ (1965-1972) ngoài việc trực tiếp chiến đấu, tự vệ đã cùng với công nhân xí nghiệp… tháo gỡ 68 quả bom nổ chậm, thu nhặt 2.500 quả bom bi, bom xuyên…”. Tôi tìm đến một người tự vệ đã góp phần tháo gỡ, thu nhặt bom Mỹ của Xí nghiệp tuyển than Hòn Gai ngày đó, đấy là ông Trần Đình Tiến.

Ông Tiến với những kỷ vật thời phá bom. (Ảnh: Đỗ Khánh)

Ông Tiến đưa cho tôi xem: “Đây là cái mũ thợ lò (màu mận chín đã mất hết quai đeo) theo tôi suốt những năm tháng phá bom. Đây là cái kìm công binh bằng sắt được phát (nó đã xỉn màu). Tôi đã cải tiến nó từ 4 tác dụng sang 6 tác dụng nhờ 3 cái chốt này đây. Ông chỉ vào 3 mẩu sắt gắn chặt ở càng tay kìm. Còn đây là cái gối gỗ được cắt từ mảnh gỗ thông hòm mìn-hai mảnh gỗ cắt rãnh lùa vào nhau thành hình dấu X dùng để gối đầu ngủ thường trực ở hang Thị đội Hồng Gai, chân núi Bài Thơ hay hầm trực chiến ở Xí nghiệp. Còn đây là đầu nổ tức thì của một quả bom Mỹ mà tôi đã giấu đơn vị giữ làm kỷ niệm một thời phá bom của tôi”. Tôi giơ tay định cầm cái “ngòi tử thần” to bằng cái cốc vại uống bia bây giờ thì ông Tiến giơ tay ngăn lại: Nguyên tắc người không có nhiệm vụ cấm sờ vào vật nguy hiểm-một lời nói cửa miệng của lính phá bom. Tự tay ông Tiến xoay cái đầu nổ-chắc đã tịt ngòi-cho tôi xem dòng chữ trên cái đầu nổ: MK 344-V5.5-000,.015,.100.

“Tất cả những thứ này là kỷ vật của đời tôi. Bảo tàng có đề nghị tôi cũng không đưa”. Ông lại cho xem tấm ảnh chụp 3 người gồm ông Tiến, Vũ Anh Đào và Nguyễn Văn Thích đang tháo một quả bom ở Bến ô tô Hồng Gai xưa-như ông Tiến nói: “Nó nằm ở ngã ba giữa phố Lê Quý Đôn và đường Lê Thánh Tông bây giờ-ngày ấy ở đây có Cửa hàng kem mậu dịch quốc doanh. Anh Trương Thái, phóng viên báo Quảng Ninh đến đây giơ máy ảnh định chụp, tôi còn nói đùa: “Khu vực nguy hiểm có bom sao lại vào đây?”. Bức ảnh đã được trưng bày ở Bảo tàng Quảng Ninh. Tôi có được ảnh này là nhờ có một lần triển lãm lưu động gần nhà cháu tôi. Nó thấy ảnh cậu nó, nên đã mạn phép lấy về cho tôi: Dòng chữ ghi dưới bức ảnh là: “Tiểu đội tháo bom Đại đội cơ khí, tiểu đoàn Tuyển than Hồng Gai. Hình ảnh 3 đồng chí: Trần Tiến, Vũ Đào, Nguyễn Văn Thích đang tháo quả bom trên bến ô tô Hồng Gai-thời chống Mỹ”. Rồi ông lại lấy một tập giấy đưa cho tôi xem. Đó là hồ sơ mà anh em trong tổ phá bom Tuyển than Hòn Gai ngày xưa làm để xin xét danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhưng chưa đủ thủ tục (bộ hồ sơ gồm 9 tờ kín hai mặt trang giấy, gồm bản thành tích, 3 bản xác nhận, 4 bản kê khai thành tích cá nhân có 28 chữ ký và 18 con dấu). Ông Tiến cho biết: “Chúng tôi đã phải liên lạc với nhau, tập hợp ý kiến viết cho đúng thành tích, thời gian từ 2004 đến 2007 đến nay đành chờ. Nếu Công ty Tuyển than Hòn Gai đứng ra báo cáo cấp trên may ra…”.

Tiểu đội tháo bom đại đội cơ khí, tiểu đoàn tuyển than Hồng Gai, hình ảnh 3 đồng chí: Trần Tiến, Vũ Đào, Nguyễn Văn Thích đang tháo quả bom. Ảnh tư liệu (Gia Phong chụp lại)

Ngoài trời mưa rả rích, trong căn phòng nhỏ ở phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long, giọng ông lúc trầm xuống, lúc sôi nổi, thỉnh thoảng ngước nhìn mưa như nhớ về một thời bom đạn đã qua. Ông Tiến kể: “Tôi làm thợ gò Phân xưởng cơ khí. Cái thời chiến tranh ngày ấy chúng tôi luôn chấp hành phân công của cấp trên, chẳng để ý gì thủ tục giấy tờ, quyết định của cấp nào. Tổ phá bom chúng tôi toàn là “dân cơ khí” cũng đã được cấp trên xem xét tính tình từng người mà đưa vào tổ này, nó đòi hỏi tính cẩn thận, kiên trì, quyết đoán vì nghề này sơ ý là bom nổ không kịp đứng dậy. Chúng tôi đã được huấn luyện qua 3 khóa học của thị đội Hồng Gai, tỉnh đội Quảng Ninh và Quân khu 3 để phá các loại bom Mỹ: bom phá, bom xuyên, bom từ trường, bom nổ chậm, bom “thông minh”, bom bi đủ loại, có quả nặng từ 250 đến 500 bảng Anh, được chế tạo và thả xuống Hòn Gai suốt thời chiến tranh chống Mỹ. Đội phá bom chúng tôi lúc đầu có 3 người, sau tăng lên thành 8 người. Phạm vi phụ trách của đội chúng tôi là kiểm soát, rà phá bom từ bến phà đầu Hồng Gai đến Lộ Phong-Hà Tu. Đâu có bom Mỹ thả xuống là chúng tôi đến tìm những quả chưa nổ mà phá, tháo ngòi nổ vô hiệu hóa chúng. Có quả bom nằm ở mặt đất cắm vào nhà, hay chui sâu xuống lòng đất hàng chục mét để lại những “hút bom” cho cánh phá bom chúng tôi tìm đường xuống cắt ngòi nổ lôi cổ nó lên đem nộp Thị đội. Bom Mỹ hủy diệt Hồng Gai, những trọng điểm như bến phà, nhà máy cơ khí, Xí nghiệp tuyển than Hòn Gai, những khu dân cư ở chân núi Bài Thơ như phố Dốc Học, phố Hàng Nồi, phố chợ, cho đến phố Thư Ký, bến tàu, bến ô tô là địa điểm đã bị bom Mỹ hủy diệt. Còn Cao Xanh, Cao Thắng, SVĐ Hà Lầm, Hà Tu, Bãi Cháy đều đã có bom Mỹ rơi xuống. Có lệnh báo động là chúng tôi chọn cao điểm là ngọn đồi nào đó mà đếm bom rơi bao quả, nổ bao nhiêu mà nhẩm tính bao quả chưa nổ. Cũng chẳng biết quả nào là bom câm nếu không lần đến tận nơi chúng rơi xuống mà xác định. Quả bom đầu tiên mà chúng tôi phá là quả bom rơi xuống bốt (trạm) điện Hà Tu, nó chui sâu đến hơn 10 mét. Xí nghiệp phải huy động cánh Nhà sàng-than luyện chia nhau thành kíp 5 đến 10 người đốt đèn đất hay đèn măng sông mà đào. Ngày ấy, mọi sinh hoạt đều chuyển về đêm vì ngày máy bay địch mò vào nhiều đợt, báo động liên miên. Làm ban đêm cũng phải ngóng nghe báo động máy bay đến, tắt đèn ngay kẻo ăn đòn của chúng. Chúng tôi thường trực để lần theo “hút bom”, gần tới quả bom là việc của chúng tôi-chỉ bới đất chứ không được cuốc, xúc mạnh tay. Lúc nào tổ phá bom cũng phải có từ 3 người trở lên”.

“Ngày ấy không có chế độ bồi dưỡng đặc biệt gì cho tự vệ phá bom. Nếu phá bom vào ca ba thì được suất bồi dưỡng “4 hào rưỡi”. Hôm nào vất vả quá thì cán bộ đề nghị thưởng thêm cho bát phở “2 hào” là sướng rồi. Hằng tháng lĩnh lương công nhật như mọi người. Tem phiếu bao cấp như mọi người khác theo ngành nghề. Hằng quý, hằng năm thành tích phá bom “cộng dồn” với thành tích sản xuất để bình thi đua. Tôi đã nhiều lần được bình là dũng sĩ quyết thắng-chiến sĩ thi đua. Sau chiến tranh lại vẫn là thợ gò bậc 7/7 của Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai, đến 1987 nghỉ hưu, lương bây giờ 1,2 triệu/tháng. Ngày rục rịch làm cầu Bãi Cháy cũng vì trách nhiệm công dân-biết những quả bom Mỹ còn nằm đâu đó trên mảnh đất làm đường dẫn lên cầu. Tôi đã đến đại diện báo Tiền phong ở Hạ Long tình nguyện chỉ ra những “hút bom”. Các anh ấy cũng đã tháo được một số quả bom đã han gỉ. Có điều hơi buồn: Mấy hôm trước anh em chúng tôi đến Bảo tàng Quảng Ninh xem những hiện vật mà anh em đã nộp cho Bảo tàng. Có bức ảnh hình anh em mình mà lại đề tên nhầm là người đơn vị khác”. Bây giờ, hằng ngày sáng sáng thức dậy, ông Tiến tập “vỗ đùi” cho khí huyết lưu thông sau đó làm cuốc chạy bộ khứ hồi lên cầu Bãi Cháy. Xong rồi lại tay búa, tay kéo sửa chữa hay làm mới cái nồi, cái gầu, cái thùng gánh nước cho bà con hàng xóm nhờ cậy.

Bài và ảnh: NGUYỄN GIA PHONG