Đêm trắng canh trời
Mất hơn 4 giờ đi xe khách từ Hà Nội lên đến Nông trường Mộc Châu (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) nhưng đêm đầu tiên chúng tôi không sao chợp mắt được. Gần 1 giờ sáng, sương kéo xuống đặc lối hành lang. Ở Trạm T35, sau mỗi lớp cửa gỗ được đóng thêm một lớp kính mà dường như không thể ngăn được sương chui vào, bám ẩm những chiếc chăn bông.
|
|
Hạ sĩ Khổng Minh Việt, chiến sĩ Trạm Ra-đa T37, trong phiên trực tại đài quan sát mắt. |
Lặng lẽ bước ra hành lang, tôi thấy bóng Đại úy Nguyễn Mạnh Hùng, Trạm trưởng Trạm T35, đang lên đài quan sát phòng không. Thấy Hùng, tôi rảo bước thật nhanh đến chỗ anh. Nghe có tiếng bước chân người tiến đến gần, Hùng quay người lại, nhẹ nhàng hỏi: “Đêm còn khuya lạnh mà nhà báo đã dậy rồi à?”. Tôi cười đáp: “Mình muốn thực mục sở thị hoạt động của bộ đội ra-đa trong cái lạnh cắt da, cắt thịt. Mình tin có rất nhiều người tò mò nhưng khó có thể hình dung ra được những cống hiến thầm lặng của bộ đội ra-đa quanh năm nơi núi cao, đèo mây”. Nghe tôi nói vậy, nét mặt Hùng vui vẻ dẫn tôi tìm hiểu đơn vị.
Khoảng mươi phút leo đồi, chúng tôi đã lên đến đài canh gác ngoài trời. Ở vị trí cao hơn 1.500m so với mực nước biển, đứng trên chòi canh có thể bao quát cả khu vực rộng lớn huyện Mộc Châu. Nhưng đêm nay sương đặc quánh, tầm nhìn giảm xuống chỉ còn vài mét. Nhấc chiếc ống nhòm lên, tôi không thể quan sát được gì trên bầu trời.
“Trời mù mịt thế này thì đồng chí canh trời bằng cách nào?”. Tôi hỏi Hạ sĩ Tống Đức Huy, chiến sĩ đang trong phiên gác. “Ngoài quan sát bằng mắt, chúng tôi lắng nghe bằng tai. Căn cứ vào độ to nhỏ của âm thanh, chúng tôi đoán biết các máy bay đang bay ở độ cao bao nhiêu, di chuyển theo hướng nào”.
Chúng tôi chỉ kịp trò chuyện đến đó thì có tiếng tàu bay ù ù vọng tới. Âm thanh vang trên nền trời mênh mông khiến tôi không thể nhận biết được âm thanh tới từ phía nào thì Huy đã nhanh nhẹn nhấc điện thoại quân sự điện thẳng về sở chỉ huy trung đoàn báo cáo. Thấy mặt tôi còn vẻ ngơ ngác, Hùng giải thích rằng chuyên môn canh trời bằng mắt kết hợp với tai là cả một quá trình rèn luyện gian khổ và lâu dài. Bí kíp được các thế hệ đi trước đúc rút, truyền thụ cho người đi sau thông qua những buổi giao phiên. Trời nắng thì đỡ, những ngày mưa gió, sấm chớp, công việc quan sát vất vả gấp bội. Tìm hiểu chúng tôi được biết, không ít lần sét đánh vào khu chòi canh, tuy nhiên, vị trí này luôn được bảo đảm canh trực 24/24 giờ. Sơn La là vị trí trọng điểm nút giao thông đường không. Hầu hết các chuyến bay từ Hà Nội đến các tỉnh, thành phố trong nước hoặc ra nước ngoài đều bay qua vùng trời Sơn La. Chính vì thế nên cũng dễ hiểu khi một ca canh trực trong hai tiếng, bộ đội Trạm T35 phải quan sát, theo dõi đến vài chục chuyến bay. Có thời điểm gần 20 chuyến máy bay cùng diễn ra một lúc.
Vừa đi vừa trò chuyện, chẳng mấy chốc chúng tôi đến vị trí của đài P18M, khoảng hơn 2 giờ sáng là ca trực của Thiếu úy Vũ Văn Thông, Đài trưởng. Nhìn trên màn hình sáng rực, từng tốp tín hiệu nhấp nháy di chuyển liên tục. Thông cùng hai chiến sĩ trực đang căng tất cả các giác quan để quan sát. Một thoáng cảm nhận sức nóng trong căn phòng, tôi ra dấu cho Hùng bước nhẹ nhàng, đứng lặng lẽ quan sát. Đợi hết ca trực, Thông bước ra khỏi đài, chúng tôi mới có cuộc trò chuyện với anh. “Hôm nay thời tiết xấu nên nhiều chuyến bay không đúng quỹ đạo. Có chuyến chưa đáp xuống sân bay được ngay, phải quá cảnh, bay xuống tận tỉnh Hà Nam… bay vòng mấy lượt mới xuống được. Trong trường hợp như vậy, ta xử lý như thế nào?”-tôi băn khoăn.
“Trong mọi trường hợp, kíp trực phải quản lý chặt chẽ từng tốp bay. Tùy từng trường hợp, kíp trực sẽ khởi tạo lại quỹ đạo của mục tiêu. Phát hiện mục tiêu bay lệch phải báo cáo sở chỉ huy. Đối với mục tiêu quân sự, ta phải mở hỏi máy bay”. Chỉ gói gọn trong vài công việc khái quát như vậy nhưng trong mỗi ca trực có hàng chục tình huống khác nhau, đòi hỏi người trực phải có giác quan nhạy bén, xử lý nhanh và chính xác, phối hợp chặt chẽ với sở chỉ huy trạm và các cơ quan chỉ huy cao hơn.
Trò chuyện với Hùng và Thông một hồi, chúng tôi nhận thấy mạng lưới giao thông trên trời cũng có nhiều tuyến và phức tạp không khác gì dưới mặt đất. Nhiệm vụ bảo đảm cho các chuyến bay an toàn gắn chặt với nhiệm vụ an ninh quốc gia nên công việc của chiến sĩ ra-đa thời bình cũng là nhiệm vụ chiến đấu, vô cùng gian lao. Bước ra khỏi đài, không khí lạnh như vậy mà trán Thông vẫn rịn mồ hôi. Thông chia sẻ, ở trong đài, tiếng âm thanh tần số cao, hoạt động liên tục, căng mắt để quan sát, căng não để phân tích thì chuyện toát mồ hôi giữa mùa đông cũng là chuyện thường. Mỗi kíp trực là một ca chiến đấu, có nhiều kíp từ đài đến trạm và các cơ quan cấp trên cùng phối hợp thành một chuỗi liên hoàn bảo vệ vùng trời được bình yên nên ai cũng phải cố gắng không để xảy ra sai sót.
Về phòng Trạm trưởng Hùng uống chén nước chè nóng mà tôi vẫn thấy thiếu gì đó chưa nói hết được. Đó là động lực ẩn sau những cố gắng vượt qua khó khăn của các chiến sĩ ra-đa nơi đèo mây. Một đêm trắng thao thức…
Tình yêu của những người viết ngược
Rời Trạm Ra-đa T35, chúng tôi đến Trạm Ra-đa T37 cách đó khoảng 100km cũng đóng quân trên địa bàn tỉnh Sơn La. Nằm ở vị trí chiến lược bảo vệ vùng trời Tây Tây Bắc, Trạm Ra-đa T37 nằm trên một quả núi khá cao, cạnh sân bay Nà Sản. Trạm được bố trí thành hai khu, khu ở của cán bộ, chiến sĩ ở lưng chừng núi, cách vài trăm bậc thang lên đỉnh là trạm canh trực, thực hiện nhiệm vụ. Trao đổi với Đại úy Phạm Văn Vũ, Trạm trưởng, chúng tôi được biết, nhiệm vụ của trạm cũng cơ bản có nét giống Trạm Ra-đa T35, quan trọng nhất là bảo vệ bầu trời Tây Tây Bắc, hướng có nhiều đường bay từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Khi tôi chia sẻ với anh Vũ về những băn khoăn của mình, anh cười bảo: “Vậy thì nhà báo phải ở lại lâu lâu cùng bộ đội, cùng chúng tôi trực vài đêm sẽ tìm được động lực của bộ đội vượt qua khó khăn”. Câu nói của anh khiến tôi thấy vui vì sự cởi mở, chân thành và cũng khích lệ tôi thêm cố gắng.
Quả thật không phải mất quá lâu, chúng tôi đã thấy được điều mình cần. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là về Hạ sĩ Vũ Minh Chiến, nhân viên tiêu đồ, một chàng trai Hà Nội khá điển trai. Được mọi người trong trạm giới thiệu, tôi bí mật quan sát Chiến trong mấy kíp trực và rất thích tác phong nhanh nhẹn, chuyên nghiệp của Chiến. Giữa đêm đông lạnh giá, đến phiên trực, Chiến bật nhanh ra khỏi chăn, khẩn trương lên sở chỉ huy. Mất một vài phút chuẩn bị trang bị, Chiến đã đứng ngay ngắn vào vị trí tiêu đồ. Tai lắng nghe trắc thủ đài ra-đa đọc tọa độ bay, Chiến nhanh tay điền số vào bảng tiêu đồ. Có điều đặc biệt, Chiến đứng sau bảng tiêu đồ nên khi thể hiện con số cho người chỉ huy đứng đối diện quan sát, Chiến phải viết số ngược. Quan sát một ca trực thấy Chiến thể hiện gần 80 mục tiêu mà chúng tôi lóa cả mắt. Vậy mà cậu không để sai sót một mục tiêu nào. Tính từ thời điểm bước vào trực đến nay, Chiến đã thể hiện gần 1 vạn mục tiêu chính xác tuyệt đối. Tâm sự với chúng tôi, Chiến hài hước: “Trước đây, tôi cũng không nghĩ mình có khả năng viết ngược như vậy. Hồi mới học chuyển chuyên ngành Tiêu đồ, tôi rất lo sợ vì động chạm đến con số là đã thấy mệt đầu. Khi bước vào nhiệm vụ trực chiến đấu còn căng thẳng gấp nhiều lần. Nhớ lại lần đầu trực chiến, bước ra khỏi sở chỉ huy mà mồ hôi tôi vã ra như tắm, ướt hết cả mặt mũi, quần áo, người đứng đơ vài phút mới định thần. Mọi người thấy vậy vừa mừng vừa thương”. Từ phút đầu, Chiến đã được cấp trên tin tưởng. Cảm giác được khích lệ khi hoàn thành một công việc quan trọng đã làm nảy sinh tình yêu nghề trong Chiến.
|
|
Một kíp trực tại Sở chỉ huy Trạm Ra-đa T35. |
Tình yêu khiến con người ta có sức mạnh để làm được những điều không tưởng, đặc biệt là tình yêu Tổ quốc. Câu chuyện với Thượng úy Bùi Xuân Đào, Đài trưởng Đài 18M, đã cho tôi những cảm nhận như vậy. Anh Đào quê ở thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Là người có thâm niên 11 năm gắn bó với Trạm Ra-đa T37, cũng là một trong những người gắn bó với trạm lâu nhất nên anh hiểu rất rõ những giai đoạn khó khăn của trạm. Ngày anh Đào mới về, đường lên trạm vẫn còn là đường đất, rất khó đi, lại thiếu nước trầm trọng. Dân cư không có nên càng đìu hiu, vắng vẻ. Có những đêm khuya sau ca trực, anh nhớ nhà da diết. Những lúc như vậy nảy sinh trong anh biết bao suy nghĩ, đắn đo. Cũng chính vì vậy mà anh chia sẻ với chúng tôi: “Đã trải qua cảm giác như vậy nên với những người đồng đội-anh em, tôi thường xuyên gần gũi, chia sẻ, động viên dìu dắt để mọi người thêm gắn bó, tin yêu đơn vị, nhất là cánh lính trẻ”.
Đôi dòng tâm sự khó có thể nói hết những tâm sự của anh Đào với chúng tôi, nhưng cũng đủ để chúng tôi hiểu rằng đối với bộ đội, ngoài kỷ luật, quy định thì điều giúp họ vượt qua được những dông bão khó khăn chính là tình yêu đơn vị, yêu đồng đội và yêu nhiệm vụ. Sự truyền lửa giữa các thế hệ là sợi dây gắn kết bền vững để các chiến sĩ vững vàng tiến bước.
Mất một vài phút chuẩn bị trang bị, Chiến đã đứng ngay ngắn vào vị trí tiêu đồ. Tai lắng nghe trắc thủ đài ra-đa đọc tọa độ bay, Chiến nhanh tay điền số vào bảng tiêu đồ. Có điều đặc biệt, Chiến đứng sau bảng tiêu đồ nên khi thể hiện con số cho người chỉ huy đứng đối diện quan sát, Chiến phải viết số ngược. Quan sát một ca trực thấy Chiến thể hiện gần 80 mục tiêu mà chúng tôi lóa cả mắt. Vậy mà cậu không để sai sót một mục tiêu nào. |
Bài và ảnh: PHẠM VĂN TUẤN