QĐND - Đại tá Đặng Hồng Quân, bản Khe Đát, xã Tân Đồng (Trấn Yên - Yên Bái), nguyên Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Lào Cai khi về hưu đã tiên phong đưa nước sạch về bản, vận động bà con dân tộc mình bỏ qua nhiều hủ tục lạc hậu, khai khẩn đất hoang, lập ruộng bậc thang, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc…

Được các cán bộ ở Ban dân tộc tỉnh Yên Bái giới thiệu, chúng tôi tìm đến gặp ông Đặng Hồng Quân trong ngôi nhà sàn khang trang tại bản người Dao xa xôi này. Bên chén rượu thân tình của người vùng cao, chúng tôi đã bị cuốn theo những câu chuyện ông kể về chiến trường và cả cuộc chiến trên mặt trận diệt giặc đói, giặc cổ hủ, lạc hậu trong bản…

Ông Quân trước những khu đất hoang nay đã mang về mỗi năm hàng chục triệu đồng cho Chi hội Cựu chiến binh.

Năm 1968, sau khi rời ghế nhà trường, ông đã xung phong nhập ngũ lên đường đi kháng chiến chống Mỹ. Năm 1971, ông Đặng Hồng Quân được cử đi đào tạo sĩ quan pháo cao xạ, sau đó về làm đại đội trưởng, rồi Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, đơn vị pháo cao xạ H43. Năm 1978, ông Quân được điều động về làm Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Mường Khương và sau đó được bổ nhiệm làm Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Lào Cai vào năm 1994. Sau 30 năm cống hiến, năm 2004, ông về nghỉ hưu tại quê nhà với quân hàm đại tá.

Bản Khe Đát là địa bàn vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái với 100% hộ dân là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Từ năm 2003 trở về trước, đời sống người dân nơi đây còn rất khó khăn do đời sống lạc hậu. “Lúc đó, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là phải làm thế nào kéo điện về bản, làm gì thì làm cứ phải có “ánh sáng” thì cuộc sống mới đi lên được” – ông Quân cho biết. Nghĩ là làm, toàn bộ số tiền tích cóp khi về hưu cùng với sự đóng góp thêm của các tổ chức đoàn thể trong bản, ông đã vận động người dân giúp sức kéo một đường dây tải điện dài hơn 2km từ trung tâm xã về làng bằng cọc tre. Có điện thắp sáng, đời sống người dân đã có nhiều thay đổi, thế nhưng, người dân nơi đây vẫn phải dùng nước khe, suối để sinh hoạt.

Sau khi khảo sát tình hình địa phương, ông Quân đã nghĩ ra một sáng kiến. Ông vận động người dân cùng thực hiện cuộc chinh phục nguồn nước từ đầu nguồn về bản. Thế nhưng, không ai nghe theo phương án của ông đưa ra. Họ đều bảo ông là “hâm nặng”, “nhàn quá hóa rồ”… vì nguồn nước thì quá xa, lại qua nhiều núi cao hiểm trở nên chẳng ai dám nghĩ đến việc đưa nước từ “đất lên trời” như ông nói.     

Không nản chí, ông đã tích cóp những đồng tiền lương hưu ít ỏi của mình được hơn 10 triệu đồng, dẫn nước bằng đường ống nhựa dài hơn 4km từ đầu nguồn về tận nhà. Không những có nước sinh hoạt thoải mái, ông còn hướng dẫn các con mình đào ao thả cá, khai hoang đất làm ruộng bậc thang. Nhờ đó, đời sống kinh tế gia đình đi lên khấm khá. Thấy vậy, mọi người trong bản đều rất phục và xin ông cho dùng chung nguồn nước. Ông đồng ý và không những hướng dẫn bàn con các phương thức lấy nước, ông còn xây các bể lọc nước cho bà con dân bản. Đến nay, cả bản có 96 hộ thì hơn 2/3 số hộ đã có nước sạch dùng. Nhiều hộ cũng học theo cách làm của ông, dẫn nước, khai khẩn đất hoang làm ruộng bậc thang như các hộ: Trưởng bản Lý Văn Sỹ, anh Hán Văn Hiền, Đặng Tình Lan, Triệu Văn Hai… đều mở thêm được 4-5 sào ruộng, từ chỗ hay thiếu ăn, hầu hết các hộ đều đã đủ ăn và vươn lên khá giả. “Biết ơn ông Quân, mọi người trong bản đều gọi với cái tên thân thương, nước sạch ông Quân, ruộng ông Quân…” - Trưởng bản Lý Văn Sỹ cho biết.

Đã có đời sống ấm no, nhưng người dân ở đây vẫn giữ những hủ tục lạc hậu, vẫn còn có nhiều người phá rừng làm nương rẫy, khiến nhiều cánh rừng đã bị xóa sổ. Ông Quân đã kịp thời vận động người dân không phá rừng nữa, thay vào đó ông đã tiên phong trồng rừng và vận động người dân làm theo. Đến nay, hàng trăm héc-ta đồi núi trọc quanh bản Khe Đát đã được phủ xanh bằng những cánh rừng quế, bồ đề, keo… Ông Quân thường nói vói mọi người: “Trồng rừng vừa giữ được màu xanh, vừa giữ được nước đầu nguồn để cung cấp cho bà con dân bản. Các loại cây này còn cho hiệu quả kinh tế cao, giúp làm giàu”.    

Ngay đầu con đường vào bản Khe Đát, có một khu đất rộng vài héc-ta, người dân nơi đây dành riêng để làm nghĩa địa của bản. Vì mê tín, người dân trong bản không ai dám đến gần, bỏ hoang khu đất này. Ông Quân đã bàn với anh em trong Chi hội Cựu chiến binh xin phép chính quyền và dân bản cho khai phá trồng sắn gây quỹ cho chi hội. Vụ sắn đầu tiên thu được gần 10 triệu đồng, anh em cựu chiến binh rất phấn khởi. Cứ thế, trong 5 năm qua, năm nào Chi hội cũng thu được từ 10-15 triệu đồng tiền quỹ để thăm hỏi nhau khi ốm đau, hỗ trợ cựu chiến binh nghèo và bà con có hoàn cảnh khó khăn, cho vay vốn không lãi mua gia súc về chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Thương