Với nhiều đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh An Giang, Cao Minh Dẹt trở nên thân thuộc. Bởi gần như mọi hoạt động, nhất là các đợt huấn luyện hay diễn tập, ông đều có mặt để ghi lại hình ảnh một cách chân thật và sinh động nhất. Ông cuốn theo từng bước di chuyển, nhịp sống của bộ đội. Hễ bộ đội đến đâu ông đến đó, không nệ sức khỏe, dù hiện tại đã bước qua tuổi 66. "Khi mình nâng máy lên thấy hình ảnh người lính quá hấp dẫn. Tôi nghĩ nếu được chụp hoài cũng không bao giờ chán", ông Dẹt chia sẻ.

leftcenterrightdel
Bà mẹ Việt Nam anh hùng và chiến sĩ mới. Ảnh: Cao Minh Dẹt 

Với niềm đam mê và tâm huyết, ông Dẹt khắc họa hình ảnh bộ đội đầy cảm xúc, từ những giọt mồ hôi trên thao trường để có buổi huấn luyện chất lượng hay sẵn sàng giúp đỡ người dân cắt lúa chạy lũ, xây dựng nông thôn mới... Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Trung Kiên, Phân hội trưởng Phân hội Nhiếp ảnh, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuât tỉnh An Giang, nhận xét: "Đề tài người chiến sĩ rất khó thể hiện nhưng với tình cảm dành cho bộ đội, anh Dẹt tạo ra nhiều bộ ảnh mang nét riêng và ấn tượng. Anh bấm máy đúng khoảnh khắc tự nhiên nên khi nhìn vào rất sống động. Mỗi bức ảnh của anh đều có điểm nhấn động-tĩnh, góc độ lạ và độc đáo".

leftcenterrightdel
Vượt cửa mở. Ảnh: Cao Minh Dẹt. 

Chính nét lạ và độc đáo đó đã mang lại cho Cao Minh Dẹt nhiều giải thưởng giá trị. Tiêu biểu như cuối năm 2020, bộ ảnh "Đội K93 và sứ mạng thiêng liêng tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ" của ông đoạt giải nhì Cuộc thi “Tự hào một dải biên cương” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức. Ông Dẹt kể: "Không thể diễn tả hết nỗi vất vả nhưng khi tìm được hài cốt đồng đội thì bao mệt nhọc tan biến. Đặc biệt, mừng rơi nước mắt khi xác định được danh tính, quê hương liệt sĩ. Đó là hình ảnh mà tôi nhớ mãi nên cố gắng làm bộ ảnh chất lượng". Cũng đề tài này, ông Dẹt đoạt giải A Giải thưởng "Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016-2018, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.

leftcenterrightdel
Giúp dân mùa lũ" . Ảnh: Cao Minh Dẹt. 

Với mỗi bộ ảnh về bộ đội, ông lên ý tưởng và thực hiện hàng trăm bức ảnh ở nhiều đơn vị trong nhiều năm. Trước đó, bộ ảnh trắng đen "Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 330 trên thao trường" của ông đã đoạt giải C Giải thưởng Bộ Quốc phòng về văn học, nghệ thuật, báo chí 5 năm (2009-2014). "Lý do tôi chọn trắng đen là khi chụp, ánh sáng và màu sắc quang cảnh bị loãng, không phù hợp với hiện tại. Mặt khác, màu trắng đen sẽ lột tả sự mạnh mẽ của người chiến sĩ", ông Dẹt giải thích. Cũng ở Giải thưởng Bộ Quốc phòng về văn học, nghệ thuật, báo chí 5 năm (2014-2019), có một bức ảnh duy nhất đoạt giải C của ông Dẹt ghi cảnh hai Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Mạnh và Lê Thị Đẹp trìu mến, yêu thương hai chiến sĩ vừa nhập ngũ-một khoảnh khắc hiếm hoi mà nếu không có tình yêu nghề và cảm xúc của người nghệ sĩ thì khó thực hiện được.

leftcenterrightdel
Tìm đồng đội. Ảnh: Cao Minh Dẹt. 

Hơn 20 năm cuốn theo nhịp sống bộ đội, ông tâm niệm: "Hình ảnh bộ đội với những hoạt động làm cho đất nước này yên bình, tươi đẹp hơn thì không thể nào khô khan được". Đại tá Chau Chắc, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh An Giang, cho biết: "Anh Dẹt là một nghệ sĩ nhiếp ảnh lớn tuổi nhưng rất tâm huyết và gắn bó với đề tài LLVT, làm sống động thêm đời sống văn hóa tinh thần trong quân đội; đồng thời góp phần xây dựng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ đổi mới luôn lan tỏa trong đời sống xã hội".

Từ một thợ chụp ảnh chân dung đến ảnh nghệ thuật và gắn bó với đề tài người chiến sĩ như một cơ duyên, nghệ sĩ nhiếp ảnh Cao Minh Dẹt đã ghi lại những khoảnh khắc chân thật về sinh hoạt, học tập, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Và từ những bức ảnh của người nghệ sĩ này càng tỏa sáng hình ảnh người chiến sĩ hôm nay.

HỒ KIÊN GIANG