Giữa “điểm nóng” Trà Leng
Tối 28-10, tại thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra vụ sạt lở đất vùi lấp nhiều người dân. Ngay sau khi được lệnh, với quyết tâm mở đường lên Trà Leng trong thời gian sớm nhất, Lữ đoàn Công binh 270 (Quân khu 5), Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam và các công ty xây dựng, cầu đường trên địa bàn các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My đã huy động hàng chục máy ủi, máy xúc tham gia san ủi, cải tạo lòng đường. Đường mở đến đâu, lực lượng, phương tiện nối đuôi nhau cơ động theo ngay đến đó. Vượt qua hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ từ trung tâm huyện Bắc Trà My lên đến ngã 3 đường vào Trà Leng, cách hiện trường vụ sạt lở hơn 10km, qua thông tin của cấp ủy, chính quyền địa phương, biết tuyến đường độc đạo phía trước có nhiều điểm bị chia cắt bởi đất, đá, cành cây gãy đổ, Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó tư lệnh Quân khu 5 đã cho các lực lượng xuống xe, tổ chức hành quân bộ lên thôn 1 để kịp thời triển khai công tác tìm kiếm, cứu hộ những người dân mất tích.
 |
Ba cha con ông Hồ Lồng (3 người đứng giữa) ngày gặp lại. |
Sau gần 10 giờ đồng hồ vượt suối, băng rừng, hành quân xuyên đêm, đến 14 giờ ngày 29-10, chúng tôi cùng lực lượng cứu hộ của các đơn vị: Trung đoàn 885 (Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam), Lữ đoàn Công binh 270, Lữ đoàn Thông tin 575 và các cơ quan, đơn vị LLVT Quân khu 5 tiếp cận hiện trường vụ sạt lở tại thôn 1, xã Trà Leng. Ngay trong ngày hôm sau (30-10), đã có 33 người dân được cứu sống (trong đó có 12 người bị thương nặng). Lực lượng cứu hộ với nòng cốt là LLVT Quân khu 5 đưa 6 nạn nhân đã tử vong ra khỏi đống đổ nát. Những hình ảnh đau xót của vụ sạt lở xuất hiện khi những đoàn người vừa vác, vừa khiêng những nạn nhân bị thương trong đống đổ nát lội suối, băng rừng, khẩn trương về trung tâm y tế... Sự lo lắng đến cùng cực của người thân, gia đình các nạn nhân thể hiện rõ nét trên các gương mặt hốc hác, xanh xao đã thúc giục cán bộ, chiến sĩ nỗ lực từng giờ, từng phút...
Quần áo, gương mặt lấm lem bùn đất, Binh nhất A Hối Dĩ, chiến sĩ Tiểu đoàn 72 (Trung đoàn 885, Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Chỗ này đất cát sạt lở, chỗ khác nước chảy như thác, đá tảng, đá hộc, gốc cây chắn hết lối đi, song chúng tôi vẫn động viên nhau làm việc thật khẩn trương. Khó khăn nhất là khi cơ động đội hình vượt qua các đám sình lầy, bùn đỏ ngập đến tận thắt lưng, nếu không có đồng đội hỗ trợ, khó có thể nhấc người lên được. Nhờ vậy mà hàng chục nạn nhân đã được đưa ra ngoài, chuyển đi cấp cứu kịp thời trong những ngày cứu hộ đầu tiên. Đó thực sự là một kỳ tích!”.
 |
Lực lượng Quân y Quân khu 5 sơ cứu ban đầu cho cháu bé bị gãy xương đùi trong vụ sạt lở núi ở Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam).
|
Nam Trà My sau bão trời hửng, nước sông, suối đã bớt cuộn chảy. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và lực lượng cứu nạn cùng các máy xúc lật, máy đào vẫn đang đẩy nhanh tiến độ cứu hộ, cứu nạn. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ quân đội dầm mình trong bùn đất và những đống đổ nát đào bới, tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích đã làm ấm lòng người dân vùng tâm bão mới đi qua...
Hạnh phúc ngày đón cha trở về...
Trong số 11 ngư dân được cứu nạn trên tàu cá BĐ 98658TS từ cõi chết trở về ngày 31-10, có cha và anh trai của Trung sĩ Hồ Văn Thi. Thi là thủy thủ Tàu Trường Sa 22, Hải đội 411, Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân-đơn vị có bề dày thành tích cứu hộ, cứu nạn trên biển...
Đứng trên boong tàu KN 467 trước phút cập bờ, ông Hồ Lồng, ngư dân tàu cá BĐ 98658TS vô cùng bất ngờ khi thấy con trai từ đằng xa trong bộ quân phục chiến sĩ hải quân. Đến gần hơn, ông xúc động hô lớn: “Ba và anh trai còn sống, trở về đây con... Ba đây...”. Chứng kiến giây phút trùng phùng này, Chuẩn đô đốc Ngô Văn Thuân, Chính ủy Vùng 4 Hải quân không giấu được những giọt nước mắt xúc động. Trong quá trình công tác, các đơn vị của vùng đã thực hiện thành công nhiều chuyến cứu hộ, cứu nạn và không ít lần được đón nhận tin vui, nhưng trường hợp như cha con Trung sĩ Hồ Văn Thi là đặc biệt hiếm gặp. Hồ Văn Thi đã cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ cứu nạn nhiều ngư dân trên biển để rồi hôm nay chính gia đình anh đã được cứu giúp!
 |
Cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 5 khẩn trương tìm kiếm nạn nhân mất tích. |
“Cứu ngư dân như cứu người thân của chính mình!”. Đó là quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân và lực lượng kiểm ngư Việt Nam. Sau gần hai ngày nỗ lực tìm kiếm phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Không quân Hải quân 954, tàu KN 467, Chi đội Kiểm ngư số 4 đã tiếp cận được tàu cá BĐ 98658TS lúc 1 giờ sáng 29-10. Anh Nguyễn Quốc Bảo, Bí thư Chi bộ tàu KN 467 nhớ lại: “Trong đêm đen, tiếng gầm thét của những cột nước cao tới 6-7m, phía xa xa, qua ánh đèn pha chúng tôi đã nhận ra con tàu bị nạn...”. Tuy nhiên, tình huống đặt ra lúc này cho tàu KN 467 là phải tính toán làm sao để đưa các ngư dân lên tàu, trong điều kiện gió cấp 5, cấp 6. Bằng kinh nghiệm nhiều năm, chỉ huy con tàu đã nhanh chóng đưa ra phương án mở rộng vòng di chuyển của tàu theo hướng đi ngược với hướng bão để bám sát tàu cá, thả dây đưa người sang cứu và neo dây cứu kéo tàu cá...
Tại buổi bàn giao ngư dân, Đại tá Phạm Duy Dũng-Phó chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 Hải quân thông tin: “Sau kết quả bước đầu cứu nạn thành công tàu cá BĐ 98658TS, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các ngư dân và cứu vớt được 3 ngư dân của tàu cá BĐ 97469TS vào đêm 29-10, lực lượng cứu hộ, cứu nạn lại tiếp tục nỗ lực với quyết tâm cao nhất tìm kiếm các ngư dân còn lại của hai tàu cá bị chìm...”.
Bài và ảnh: TIẾN DŨNG - VIỆT HÙNG - VĂN HẠNH