Khổ luyện để "mình đồng da sắt"

Sau những động tác khởi động làm ấm cơ thể, theo khẩu lệnh của đội trưởng, các chiến đấu viên triển khai luyện tập. Chỉ trong chốc lát, bãi biển ban mai trở nên vắng lặng. Dẫn tôi đi quanh một vòng nơi đơn vị đang ẩn mình ngụy trang, Đại tá Nguyễn Công Long, Lữ đoàn trưởng nói: “Đố anh tìm được một chiến sĩ nào đang ẩn nấp”. Thận trọng đi từng bước, quan sát thật kỹ xung quanh nhưng đã 5 phút trôi qua, tôi đành bất lực. Anh Long tươi cười: “Ngụy trang là một trong những kỹ năng hàng đầu bảo đảm tính bất ngờ, táo bạo trong thực hiện nhiệm vụ của bộ đội đặc công. Đây chỉ là một trong những kỹ thuật ngụy trang của bộ đội đặc công ẩn mình trong cát”. Nói rồi, anh hạ khẩu lệnh cho đội trưởng thổi một hồi còi. Lập tức ở chính những chỗ mà tôi vừa tìm kiếm trên bãi cát vắng lặng bỗng xuất hiện những chiến đấu viên nhổm dậy trong tư thế sẵn sàng cơ động tiếp cận mục tiêu. Tự nhiên tôi nhớ tới những câu chuyện tưởng chừng như huyền thoại của đặc công rừng Sác năm xưa, thoát ẩn, thoắt hiện ở vùng đầm lầy, kênh rạch, rừng ngập mặn Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) với những chiến công lừng lẫy gắn với các địa danh: Nhà Bè, Thành Tuy Hạ, sông Lòng Tàu... Cũng với tài ngụy trang, ẩn hiện bất ngờ, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 5 (tiền thân của Lữ đoàn Đặc công nước 5 ngày nay) đã lập nên bao chiến tích khiến quân thù khiếp sợ.

leftcenterrightdel
 Chiến đấu viên Lữ đoàn Đặc công nước 5 thực hành luyện tập bơi dai sức.

Để rèn được bản lĩnh, kỹ năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặc biệt, mỗi cán bộ, chiến sĩ đặc công nước phải có ý chí quyết tâm cao, tinh thần vượt khó, sức khỏe dẻo dai, tinh thông nghiệp vụ. Với phương pháp ngụy trang trong cát, vào thời điểm gần trưa hoặc lúc xế chiều, nhiệt độ vùng cát trắng có lúc lên tới hơn 400C khiến cơ thể đỏ lừ, bỏng rát, không ít trường hợp chiến sĩ bị phồng rộp khắp người. Dù vậy, ngày qua ngày, những chiến đấu viên không ngừng luyện tập hướng tới mục tiêu “mình đồng da sắt”. Thượng úy QNCN Nguyễn Quốc Ân, chiến đấu viên Mũi 2, Đội 6 (Liên đội 7), chia sẻ: “Môi trường chiến đấu của chúng tôi tiềm ẩn hiểm nguy và đòi hỏi rất cao. Vì thế trong huấn luyện, chúng tôi xác định càng khổ luyện trong môi trường gian khổ thì khả năng sinh tồn, hoàn thành nhiệm vụ càng cao. Bởi vậy, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng nỗ lực vượt qua để tích lũy kỹ năng, dạn dày kinh nghiệm tác chiến trong môi trường đặc thù”.

Tính đặc thù của bộ đội đặc công nước được thể hiện rõ nét trong quy trình khổ luyện khép kín, sát với môi trường công tác đầy rủi ro. Bắt đầu từ rèn luyện thể chất, khả năng chịu đựng sóng to gió lớn, áp lực độ sâu nước biển và sức nóng trên bãi cát... đến rèn luyện bản lĩnh, ý chí sinh tồn, kỹ năng xử trí tình huống bất trắc và phương pháp tác chiến độc lập giữa biển khơi... Chỉ riêng quy trình “ép nhái” trong buồng tăng, giảm áp đã khiến người ta “sởn gai ốc”. Đại úy Phạm Thanh Hải, Đội trưởng Đội 11 (Liên đội 3) cho biết: "Buồng tăng, giảm áp dùng để huấn luyện lực lượng đặc công người nhái có mức áp suất điều chỉnh tương đương áp suất nước dưới độ sâu từ 10 đến 50m... Sự thay đổi áp suất theo chiều tăng dần sẽ giúp cho tổ viên người nhái thích nghi với độ sâu nước biển, có thể làm việc an toàn ở từng độ sâu nhất định theo yêu cầu nhiệm vụ".

leftcenterrightdel
Võ thuật, một trong những kỹ năng cần thiết của đặc công nước.

Thực tế cho thấy, khi con người làm việc trong môi trường biển, nếu thay đổi độ sâu quá nhanh sẽ dẫn đến chênh lệch áp suất đột ngột, dễ gây chảy máu tai, máu mũi hoặc lồi mắt. Càng xuống sâu, áp suất càng tăng sẽ xảy ra tình trạng buồn nôn, tức ngực, buốt óc, bất tỉnh, nguy hiểm đến tính mạng. Bởi vậy, những tổ viên đặc công người nhái phải trải qua quy trình “ép nhái” trong buồng tăng, giảm áp, tập luyện để thích nghi với sự thay đổi áp suất nước biển; điều chỉnh nhịp tim phản xạ chậm nhằm giảm sự tuần hoàn, đồng thời tăng cường thể tích phổi tối đa giúp nâng cao khả năng làm việc dưới đại dương.

Ngoài những rủi ro trên, họ còn phải đối mặt với nguy cơ cá dữ tấn công, xây xát do va vào san hô, tác động bất lợi của dòng xoáy... Những nguy cơ tiềm ẩn này buộc mỗi chiến sĩ đặc công nước phải luyện tập thành thạo kỹ năng tự bảo vệ, xử trí nhanh tình huống, biết cách cầm máu, băng bó vết thương để sinh tồn. Theo Thượng tá Lê Công Quý, Phó chính ủy lữ đoàn: Để rèn luyện tâm lý, ý chí, khả năng chịu sóng và kỹ năng sinh tồn cho bộ đội, đơn vị thường xuyên duy trì các bài tập đặc thù như: Đi trên cầu sóng, đu quay, leo dây, vòng lăn... Những bài tập này không chỉ giúp nâng cao thể lực, sức bền, sự linh hoạt mà còn rèn bản lĩnh, luyện tinh thần, tâm lý, tiền đình cho bộ đội sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Bản lĩnh thép 

Trời chạng vạng tối. Tiếng còi tập hợp vang lên, các chiến sĩ Đội 6 (Liên đội 7) nhanh chóng triển khai đội hình trên dải cát ven biển. Sau phần hạ đạt mệnh lệnh ngắn gọn, cả đội hình từ từ tiến ra mép nước theo từng tổ, từng mũi, bắt đầu xuất phát làm nhiệm vụ. Chỉ ít phút sau, những chiến sĩ ấy đã lẫn vào đại dương mênh mông. Theo lời giới thiệu của Trung tá Nhữ Văn Chính, Phó chủ nhiệm Chính trị lữ đoàn: Bằng nhiều phương pháp bơi khác nhau của đặc công nước, trong một buổi tập, anh em có thể bơi được với cự ly khá xa. Những phương pháp bơi này từng được các thế hệ cha anh sử dụng để tiếp cận, đánh đắm, đánh chìm nhiều tàu địch trên sông Lòng Tàu (huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh) trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngày nay, đơn vị vẫn áp dụng nhưng đã có những cải tiến nhất định mang lại hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, dù bơi phương pháp nào cũng đòi hỏi bản lĩnh, tinh thần và ý chí quyết tâm cao của bộ đội mới hoàn thành được nhiệm vụ.

leftcenterrightdel
 -Thực hành “ép nhái” trong buồng tăng, giảm áp.

Không chỉ bơi đơn thuần mà trong quá trình cơ động thực hiện nhiệm vụ trên biển, các tổ, mũi đặc công vừa phải xử trí tình huống giả định, cứu hộ-cứu nạn, vừa tiếp cận mục tiêu rồi nhanh chóng vận dụng các kỹ năng nghiệp vụ để chiến đấu một cách bí mật, bất ngờ, hiểm hóc. Đại úy Hắc Ngọc Lâm, Đội trưởng Đội 6 (Liên đội 7) chia sẻ: “Với bộ đội đặc công nước, vất vả, khổ cực là chuyện đương nhiên. Vấn đề quan trọng là vượt qua nó như thế nào. Điều này phụ thuộc rất lớn vào yếu tố con người. Bởi vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải được chuẩn bị toàn diện, có ý chí quyết tâm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.

Đơn cử như việc bơi dai sức, mang kéo vũ khí, trang bị nặng vài chục ki-lô-gam với cự ly khá dài, kết hợp thả trôi... nếu không chuẩn bị tốt về tư tưởng, ý chí, sức khỏe, kỹ thuật... thì bộ đội không thể hoàn thành nhiệm vụ. Hiểu rõ điều đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lữ đoàn luôn làm tốt công tác chuẩn bị toàn diện về con người; bám sát phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc, đồng bộ, chuyên sâu”; tổ chức huấn luyện chặt chẽ các nội dung theo đúng quan điểm, phương châm, phương pháp huấn luyện, bảo đảm tuần tự từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ trên bờ đến dưới biển, chú trọng rèn bản lĩnh, thể lực, nghiệp vụ cho bộ đội đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Theo Thượng tá Tạ Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy lữ đoàn: Tác chiến độc lập trên biển, bộ đội đặc công nước luôn có cảm giác đơn độc, nhỏ bé, nhất là vào ban đêm hay thời tiết mưa gió. Để bộ đội dễ dàng vượt qua trạng thái tâm lý tiêu cực và nâng cao chất lượng huấn luyện, Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn thường xuyên quán triệt cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ khó khăn, thách thức, sự khắc nghiệt của môi trường biển và đòi hỏi khắt khe của nghề nghiệp; từ đó xây dựng động cơ, trách nhiệm và ý chí quyết tâm, đoàn kết đồng lòng, sẵn sàng xả thân vì nhiệm vụ.

Cùng với yếu tố bản lĩnh, tinh thần và nghiệp vụ, Lữ đoàn Đặc công nước 5 cũng đặc biệt quan tâm đến khâu tuyển chọn, phân loại chính xác phẩm chất, năng lực ngay từ khi huấn luyện chiến sĩ mới; đồng thời yêu cầu đội ngũ cán bộ các cấp thường xuyên theo sát, bám nắm đơn vị, cùng tập, cùng lặn, cùng bơi với chiến sĩ; trực tiếp hướng dẫn chiến sĩ các kỹ thuật cơ bản, chuyên sâu, phương pháp vượt qua dòng chảy, lách tránh sinh vật biển và rèn cả phương pháp xử trí khi bị trầy xước không để chảy máu thu hút những loài vật nguy hiểm bám theo... Với kinh nghiệm và sự từng trải, Đại tá Nguyễn Công Long, Lữ đoàn trưởng nhấn mạnh: “Tất cả những kỹ năng đó người chiến sĩ đặc công nước phải thuần thục, độc lập xử trí để bảo đảm an toàn, hoàn thành nhiệm vụ một cách chính xác, hiệu quả, trong thời gian nhanh nhất. Chính quy trình huấn luyện chuẩn mực, nghiêm ngặt, bền bỉ, cường độ cao và môi trường công tác khắc nghiệt đã góp phần quan trọng tạo nên bản lĩnh thép của bộ đội đặc công nước chúng tôi”.

Bài và ảnhHOÀNG THÀNH - XUÂN CƯỜNG