Ông từng kinh qua mọi vị trí của nghề báo như: Chủ bút (tổng biên tập), biên tập viên, phóng viên, thư ký tòa soạn, trình bày, sửa mo-rát, phát hành báo... Chính vì vậy, mỗi lần được gặp Đại tướng, tôi đều tranh thủ học nghề và đã được ông dạy bảo tận tình.

Nhà báo cần phải hiểu bản chất của vấn đề

Tháng 8-1995, tôi được Ban biên tập Báo QĐND cử theo đoàn công tác của Bộ Thủy lợi (sau này Bộ Thủy lợi cùng với Bộ Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm hợp nhất thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đi thực tế tại Thái Nguyên. Đoàn do đồng chí Nguyễn Công Tư, Trưởng ban Thi đua tuyên truyền, Bộ Thủy lợi phụ trách. Trong đoàn có một số nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam.

leftcenterrightdel
Tác giả bài viết (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An. Ảnh: HẢI ĐỨC

Buổi trưa hôm ấy, sau khi ăn cơm tại nhà khách của UBND huyện Định Hóa, chúng tôi bất ngờ vì thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân từ trên xe bước xuống. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ấy đã 84 tuổi nhưng vẫn còn khỏe. Ông nở nụ cười rất tươi vẫy chào mọi người. Tất cả chúng tôi, không ai bảo ai đều kéo đến vây quanh Đại tướng. Đại tướng nói: “Hôm nay tôi từ Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) sang đây như về thăm nhà ấy mà. Ngày xưa chúng tôi vẫn đi bộ thường xuyên trên cung đường này. Bây giờ khác quá!”.

Trong lúc chờ nhà khách chuẩn bị cơm, chúng tôi được dịp trò chuyện cùng Đại tướng. Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Công Tư báo cáo mục đích chuyến công tác của chúng tôi là tuyên truyền về hiệu quả của các công trình thủy lợi, Đại tướng nói:

- Đúng là nhiều công trình thủy lợi rất có lợi, phục vụ tưới tiêu, giao thông, phát điện... Nhưng cũng có công trình thủy lợi trở thành "thủy hại" đấy nhé.

Nhìn sang tôi, Đại tướng hỏi:

- Thế đồng chí có biết công trình thủy lợi nào thành "thủy hại" không?

Bị hỏi bất ngờ, tôi lúng túng chưa biết trả lời ra sao thì Đại tướng nói tiếp:

- Các công trình thủy lợi đặt không đúng chỗ, thiết kế không phù hợp, xây dựng bị ăn bớt vật liệu sẽ thành "thủy hại", vì ảnh hưởng đến môi trường, tàn phá rừng và sự an toàn của công trình. Là người làm báo, các đồng chí phải tìm hiểu rõ bản chất của vấn đề, không nên nói một chiều, nói theo báo cáo...

Buổi chiều hôm đó, do đường về Thái Nguyên bị lũ chia cắt nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân và cả đoàn công tác của chúng tôi đều phải ở lại Định Hóa. Chúng tôi lại có dịp được trò chuyện cùng Đại tướng.

Đại tướng kể rằng, tròn 50 năm trước (năm 1945), nhận nhiệm vụ Bác Hồ giao, đồng chí đưa đội quân chủ lực từ Tân Trào sang huyện Định Hóa rồi tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên (sau này là thành phố Thái Nguyên). Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí cũng đã có thời gian dài gắn bó với vùng ATK Định Hóa nên coi Định Hóa như quê hương của mình.

Quay lại với công việc làm báo, Đại tướng nhắc nhở chúng tôi phải học tập để hiểu những vấn đề mà tác phẩm báo chí đề cập. Ví dụ, tuyên truyền về thủy lợi phải hiểu thủy lợi là gì. Nhà báo đã không hiểu thì bạn đọc của báo, khán giả, thính giả của đài sẽ không hiểu.

Tâm lý của anh em trong đoàn công tác ai cũng muốn có một vài tấm ảnh kỷ niệm với Đại tướng. Thế nhưng cả đoàn chỉ có duy nhất chiếc máy ảnh Pentax (máy cơ) của tôi, vì thế tôi được nhờ chụp ảnh liên tục cho các thành viên trong đoàn và cả các đồng chí lãnh đạo của huyện Định Hóa nữa. Đến khi mọi người đều đã được chụp ảnh hết, Đại tướng nói:

- Chỉ có mỗi đồng chí phóng viên Báo QĐND chưa có ảnh.

Anh Công Tư nghe vậy, bảo tôi đứng cạnh Đại tướng để anh chụp cho, thế nhưng thật đáng tiếc, đúng lúc đó thì máy hết phim và tôi thì chẳng có cuộn phim dự trữ nào. Thế là tất cả mọi người đều có ảnh chụp với vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, còn tôi thì không.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp vỗ vai tôi động viên: “Quân đội ta vì nhân dân phục vụ mà!”. 

Báo chí hấp dẫn bởi các chi tiết hay

Vào một ngày giáp Tết Kỷ Mão-1999, tôi cùng Thượng tá Nguyễn Hải Đức (sau này là Đại tá), biên tập viên Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng (SK&NC) đến làm việc với nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An tại nhà riêng của ông ở phố Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) về các nhân chứng lịch sử liên quan đến bức ảnh nổi tiếng “Bác Hồ tại Mặt trận Đông Khê năm 1950”. Mấy bác cháu đang say sưa trao đổi thì chuông điện thoại reo vang. Nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An nghe điện thoại xong, nói với chúng tôi:

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân chuẩn bị đến đây.

Nghe thấy thế, chúng tôi xin ở lại để được gặp vị Đại tướng huyền thoại. Nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An đồng ý. Một lát sau, chúng tôi thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân đến. Bác An giới thiệu chúng tôi với Đại tướng. Đại tướng bắt tay từng người và nói:

- Tôi thường xuyên đọc Báo QĐND. Tôi hoan nghênh Báo QĐND có thêm ấn phẩm SK&NC. Phần lớn các bài viết trên nguyệt san này đều sinh động và có tác dụng giáo dục tốt, nhất là giáo dục lịch sử, lòng yêu nước cho bộ đội và học sinh, sinh viên. Các đồng chí cố gắng làm hay hơn, hấp dẫn hơn nhé. Cần lưu ý là cũng có những địa danh, tư liệu, số liệu các đồng chí đưa vào ấn phẩm này chưa được chính xác đâu.

Nghe Đại tướng nói, chúng tôi thấy ấm lòng. Anh Hải Đức mạnh dạn thưa:

- Báo cáo Đại tướng, chúng tôi rất muốn làm Nguyệt san SK&NC hay hơn, hấp dẫn hơn, nhưng sau gần 5 năm, các sự kiện lớn và nhân chứng lịch sử quan trọng đều đã được giới thiệu.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cười:

- Các sự kiện lớn bao gồm nhiều sự kiện nhỏ. Mỗi sự kiện dù lớn, nhỏ đều có các nhân chứng. Mỗi nhân chứng có thể nhớ những chi tiết làm nên sự kiện. Báo chí hấp dẫn bạn đọc bởi các chi tiết hay. Các đồng chí cứ khai thác theo cách này thì chẳng bao giờ cạn các chi tiết, cạn nhân chứng cho các tác phẩm. Đó là chưa kể các sự kiện mới.

Tôi nói thêm:

- Thưa Đại tướng! Thực tế biên tập bài của Nguyệt san SK&NC, cháu thấy có khi cùng một sự kiện, cùng một trận đánh, nhưng có nhân chứng nói thế này, có nhân chứng lại nói khác. Trong trường hợp đó thì xử lý như thế nào ạ?

Đại tướng trả lời:

- Đồng chí hãy tưởng tượng trong một chiến dịch, lực lượng công binh mở đường sẽ nhớ rõ được diễn biến xảy ra khi mở đường, lực lượng pháo binh sẽ nhớ rõ được thời điểm bắn pháo. Nếu anh pháo binh mà kể lại chuyện công binh thì phải đối chiếu với lời kể của công binh. Nếu công binh mà kể về pháo binh cũng phải đối chiếu với lời kể của pháo binh. Mũi chính diện mà kể chuyện về mũi vu hồi, hướng thứ yếu mà kể về hướng chủ yếu... thì cũng phải đối chiếu... Thời gian làm cho một số người quên đi các chi tiết của từng trận đánh, từng sự kiện, các đồng chí hãy gợi cho các nhân chứng nhớ lại và đối chiếu với lịch sử của từng địa phương, đơn vị. Nếu “vênh” nhau thì cần phải trao đổi lại với các nhân chứng...

Sau khi gặp Đại tướng, tôi và anh Hải Đức đã báo cáo lại nội dung lời dạy của Đại tướng với Đại tá Lê Liên, Trưởng phòng biên tập Nguyệt san SK&NC và Đại tá Phạm Huy Khảo, Phó tổng biên tập Báo QĐND (người được Đảng ủy, Ban biên tập phân công phụ trách Nguyệt san SK&NC). Ngay trong cuộc họp chi bộ đầu Xuân Kỷ Mão, nhân kỷ niệm 5 năm Ngày ra đời Nguyệt san SK&NC, Đại tá Lê Liên, trên cương vị Bí thư chi bộ đã chính thức xây dựng nghị quyết chuyên đề về đổi mới Nguyệt san SK&NC theo định hướng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tá ĐỖ PHÚ THỌ - Bí thư Đảng ủy, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân